Aa

Lắp lưới an toàn không phải là phương án tốt nhất bảo vệ gia đình ở chung cư

An Vũ
An Vũ pvhongvu@gmail.com
Thứ Bảy, 13/03/2021 - 15:58

Gần đây, lắp đặt lưới an toàn đang là mối quan tâm lớn đối với cộng đồng cư dân sống ở chung cư. Việc mắc lưới có thực sự an toàn cho trẻ em chung cư hay sẽ dẫn đến một số hệ luỵ nguy hiểm khác?

Không phải đến khi xảy ra vụ việc bé gái trèo qua lan can và rơi xuống từ tầng 13 chung cư 60B Nguyễn Huy Tưởng (Hà Nội) thì vấn đề an toàn tại các tòa nhà cao tầng mới được cảnh báo. Trước đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng hướng tới sự đảm bảo an toàn cho loại công trình cao tầng cũng đã được ban hành đầy đủ và đồng bộ, nhưng vẫn có những trường hợp tai nạn đáng tiếc xảy ra với hậu quả nghiêm trọng.

Sau vụ việc trên, cư dân sinh sống tại các chung cư đổ xô đi lắp đặt lưới an toàn, tấm chắn ở những khu vực có thể gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ như cửa sổ, ban công. Tuy nhiên, bà Vũ Kiều Hạnh, Giám đốc Bộ phận Quản lý Bất động sản Savills Hà Nội đã đưa ra những lý giải xung quanh vấn đề này để cảnh báo cư dân.

Theo bà Hạnh, thông tin về an toàn và phòng ngừa rủi ro đã được quy định đầy đủ, đồng bộ trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng dành cho các công trình cao tầng. Song, khi vẫn còn tai nạn xảy ra mà sự cố xuất phát từ ban công và lô gia của các chung cư cao tầng, thì bên cạnh cộng đồng dân cư, vai trò của Ban quản lý, Ban quản trị dự án cũng được quan tâm hơn.

Bên cạnh đó, các quy định của Nhà nước liên quan tới an toàn chung cư cao tầng được áp dụng ngay từ khâu thiết kế, thẩm định, phê duyệt thiết kế, thi công, nghiệm thu và vận hành dự án. Các đơn vị thiết kế, chủ đầu tư, nhà thầu cần căn cứ vào những quy định này để rà soát tất cả các hạng mục công trình trước khi đưa vào sử dụng.

Vấn đề về an toàn liên quan trực tiếp tới hoạt động quản lý vận hành bất động sản, và những công ty quản lý chuyên nghiệp thường đã có sự chuẩn bị phòng ngừa rủi ro liên quan tới vấn đề này.

Lắp đặt lưới an toàn đang là mối quan tâm lớn đối với các cộng đồng cư dân sống ở chung cư
Lắp đặt lưới an toàn đang là mối quan tâm lớn của cộng đồng cư dân sống ở chung cư.

Khi xét đến việc lắp đặt lưới an toàn, bà Hạnh cho rằng cần chú ý tới một số vấn đề.

Thứ nhất, ở góc độ chủ nhà và cư dân, lưới an toàn nếu có chất liệu quá cứng hoặc quá chắc chắn sẽ gây khó khăn trong trường hợp giải cứu khi có hỏa hoạn và sự cố. Về chức năng, ban công, cửa sổ ngoài tác dụng giúp lấy ánh sáng và lấy gió, còn là nơi thoát hiểm, là đường tiếp cận trong công tác cứu hộ, cứu nạn. Các chủ nhà khi có con nhỏ, đặc biệt dưới 5 tuổi, nên lắp đặt thêm lưới an toàn trên ban công với cân nhắc thận trọng về chất liệu lưới.

Lưới có thể là dạng dây kim loại mềm, dây cáp và có khả năng chịu lực tốt. Mỗi gia đình cũng nên có dụng cụ để có thể cắt phá phần dây lưới trong trường hợp có sự cố cần thoát nạn. Đặc biệt, không nên sử dụng giải pháp bảo vệ bằng các vật liệu như khung sắt, khung inox vì khi có sự cố cháy nổ hoặc tình huống cần thoát nạn xảy ra, việc cắt phá những khung quá kiên cố này có thể không thực hiện được; hoặc nếu có công cụ thì sẽ mất rất nhiều thời gian cắt phá.

Các gia đình có trẻ nhỏ không nên để bàn ghế, các thùng hộp ở ban công và lô gia, cũng như hạn chế kê giường tủ, bàn ghế cạnh cửa sổ. Đây là những khu vực trẻ dễ leo trèo và dễ xảy ra sự cố tai nạn. Việc lắp đặt hệ thống khóa chốt cửa sổ, cửa ban công cũng cần được cân nhắc. Hơn nữa, các gia đình có trẻ nhỏ cần có trách nhiệm giám sát trẻ liên tục, không để trẻ một mình gần các khu vực có thể xảy ra tình huống nguy hiểm này.

Thứ hai, hoạt động kiểm soát an toàn và phòng ngừa rủi ro tại các dự án nhà ở cần được Ban quan lý dự án thực hiện nghiêm túc. Theo quy định hiện hành của Nhà nước, mỗi dự án nhà ở cần triển khai hoạt động kiểm soát an toàn và phòng ngừa rủi ro định kỳ 6 tháng một lần. Song, với sự phát triển hiện tại của lĩnh vực quản lý vận hành bất động sản ở Việt Nam, đang có rất ít Ban quản lý và doanh nghiệp quản lý có bộ phận chuyên trách về kiểm soát an toàn và rủi ro.

Theo Quy chuẩn xây dựng Việt Nam về nhà ở và công trình công cộng QCXDVN 05:2008/BXD và Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 04:2019/BXD về nhà chung cư, quy định rào, lan can, ban công và lô gia, bao gồm cả chiều cao từ sàn đến mặt dưới lỗ cửa, bậu cửa sổ trong nhà chung cư không được nhỏ hơn 1,4m. Đối với công trình có trẻ em dưới 5 tuổi sử dụng, cần đảm bảo yêu cầu khe hở của lan can không đút lọt quả cầu đường kính 100mm và lan can không có cấu tạo để trẻ em dễ trèo qua.

Theo tìm hiểu, tại các đô thị phát triển hiện nay, các tòa nhà cao tầng mọc lên như nấm. Các chủ đầu tư phát triển khu dân cư và thương mại đều muốn xây nhà càng cao càng tốt để bán được mặt bằng. Tuy nhiên, vấn đề an toàn về ban công căn hộ cao tầng vẫn là một mối quan tâm, đặc biệt là khi yếu tố thẩm mỹ và chi phí được đưa vào xem xét. Các biện pháp an toàn là yếu tố cơ bản phải có, song điều nay sẽ trở nên phức tạp hơn khi nhiều gia đình có trẻ em trong độ tuổi tập bò, tập đi luôn tò mò về những gì diễn ra ngoài ban công, cửa sổ.

Ở Anh, quy định chiều cao ban công cho các căn chung cư, nhà cao tầng là 1,1m - chiều cao trên ngang bụng của một người trưởng thành, độ rộng giữa các thanh chắn dọc ban công không quá 10cm và càng hẹp càng tốt. Với độ cao như vậy, trẻ em trong độ tuổi tập bò, tập đi rất khó để có thể trèo lên.

Bên cạnh đó, phần gờ trên của ban công được làm mỏng để bất kỳ ai cũng không thể ngồi lên được. Các thanh chắn ngang ban công bị loại bỏ hay đồ nội thất cũng phải được đặt xa ban công để trẻ em không thể trèo từ đó lên lan can. 

Đối với phần cửa sổ tại các tòa nhà, cần trang bị ổ khóa và đặt chỗ khóa ở phía trên cùng cửa sổ để trẻ em không thể với lấy. Các gia đình có thể hạn chế độ rộng của cửa sổ khi mở bằng cách lắp một nút chặn vào thanh ray của cửa sổ. Độ rộng không quá 10cm vì một đứa trẻ có thể đưa thân vừa với lỗ trống có đường kính 12cm. 

Với những gia đình có trẻ nhỏ hay vật nuôi, luôn để ý đến ban công không bao giờ là việc thừa. Rõ ràng là trẻ em không được phép tới gần ban công nếu không có sự để mắt từ người lớn. Điều này không chỉ tránh việc các bé tò mò trèo lên mà còn tránh việc các em ném đồ xuống dưới, có thể gây nguy hại tới tính mạng người khác./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top