Aa

Lập quy hoạch tích hợp: Gỡ “vướng“ từ đâu?

Chủ Nhật, 05/03/2023 - 16:00

Luật Quy hoạch năm 2017 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019 đã thay đổi cơ bản tư duy, phương pháp và nội dung lập quy hoạch, trong đó, quy hoạch tích hợp là yêu cầu cốt lõi.

Tuy nhiên, phương pháp tư duy mới này đang đặt ra nhiều thách thức, khó khăn, dẫn đến hiện trạng nhiều bộ, ngành và phần lớn các địa phương còn chậm trong thực hiện nhiệm vụ lập quy hoạch. Vậy, gỡ "vướng" quy hoạch tích hợp cần bắt đầu từ đâu?

Đột phá mới trong tư duy

Luật Quy hoạch năm 2017 đưa ra khái niệm: "Quy hoạch là việc sắp xếp, phân bố không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh gắn với phát triển kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên lãnh thổ xác định để sử dụng hiệu quả các nguồn lực của đất nước phục vụ mục tiêu phát triển bền vững". Khái niệm này đã đưa việc sắp xếp, phân bố không gian thành nhiệm vụ và nội dung chính của quy hoạch, điều mà trước đây chưa thực sự quan tâm. Như vậy, nội dung quy hoạch đã được thay đổi về cơ bản.

Theo TS. Ngô Công Thành, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sự thay đổi về nội dung tất yếu dẫn đến sự thay đổi về phương pháp lập quy hoạch. Và quy hoạch tích hợp là khái niệm mới lần đầu tiên được đưa vào luật. "Có thể hiểu đây là sự lồng ghép các nội dung cần thiết nhằm tạo nên một bản quy hoạch hoàn thiện, thống nhất giữa các nội dung liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau, khắc phục được sự chồng chéo, xung đột giữa các quy hoạch khi lập riêng lẻ. Nhờ đó, quy hoạch bảo đảm được mục tiêu phát triển cân đối, hiệu quả, bền vững giữa các ngành, vùng lãnh thổ và toàn quốc gia", TS. Ngô Công Thành nêu.

Đồng quan điểm, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, tư duy mới về phương pháp lập quy hoạch là bước đột phá mới, tạo ra thay đổi cơ bản nhất là giảm số lượng quy hoạch, nhất là quy hoạch ngành, quy hoạch lĩnh vực, đồng thời tập trung vào quy hoạch tỉnh. Cơ quan lập quy hoạch, phê duyệt quy hoạch cũng được xác định nhiệm vụ phải bảo đảm hài hòa giữa các lĩnh vực trong một đồ án, không để xảy ra tình trạng quy hoạch sau điều chỉnh quy hoạch trước, cũng như hạn chế sự điều chỉnh cục bộ quy hoạch.

GS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân từng nêu tại diễn đàn Quốc hội rằng việc giảm từ hơn 3.543 quy hoạch còn 111 quy hoạch cấp tỉnh, cấp vùng, cấp quốc gia không chỉ giảm chi phí lập quy hoạch mà còn xóa bỏ những chồng chéo, cản trở do phải tuân thủ quá nhiều các quy hoạch khác nhau. Việc tích hợp quy hoạch đã tăng cơ chế để tăng hiệu lực điều phối của Nhà nước, buộc các ngành phải chia sẻ dữ liệu, hình thành một hệ thống thông tin chung về quy hoạch, nhằm khai thác các nguồn lực một cách thống nhất, công khai, minh bạch, xóa bỏ tình trạng "cát cứ quy hoạch", tự điều chỉnh theo cơ chế "xin cho".

Cần nhận thức đúng đắn

Theo Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Đào Ngọc Nghiêm, khó khăn nhất thường gặp ở khâu tư vấn lập quy hoạch vì từ trước đến nay ở nước ta chưa có cơ quan, nhân lực nắm bắt hệ thống toàn bộ các lĩnh vực mà chỉ trong từng ngành, lĩnh vực cụ thể. Trong khi đó, tư vấn lập quy hoạch đòi hỏi phải có tầm nhìn đồng bộ. Chính vì vướng mắc này nên sau 4 năm luật có hiệu lực, số lượng quy hoạch lập mới chỉ đạt 10%.

Còn theo GS.TS Hoàng Văn Cường, nguyên nhân chậm trễ là do các cơ quan thực hiện chưa hiểu đúng cách thức triển khai theo quy hoạch tích hợp nên còn lúng túng. Quy hoạch tích hợp không chỉ đơn thuần ghép nội dung của nhiều quy hoạch riêng lẻ, mà các nội dung, chỉ tiêu trong quy hoạch tích hợp phải được liên kết với nhau theo cả chiều dọc và chiều ngang. Muốn vậy, quá trình xây dựng quy hoạch phải đồng thời ở tất cả các cấp, ngành, địa phương.

Lưu ý thêm để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện nay, TS. Ngô Công Thành cho rằng cần phải có một cơ sở thông tin dữ liệu chung làm đầu vào cho việc nghiên cứu lập quy hoạch. Ngoài ra, để bảo đảm yêu cầu phối hợp đồng bộ giữa các ngành, lĩnh vực trong việc lập quy hoạch là phải có một kế hoạch lập quy hoạch chặt chẽ và chuẩn xác, trong đó xác định rõ từng nhiệm vụ được phân công cho các cơ quan tham gia lập quy hoạch; yêu cầu về sản phẩm đầu ra, tiến độ thực hiện đối với từng nhiệm vụ.

Một quy hoạch được lập theo phương pháp tiếp cận mới đòi hỏi sự tham gia trực tiếp của nhiều cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực khác nhau. Do đó, quá trình lập quy hoạch cũng đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ và tương tác thường xuyên giữa cơ quan chủ trì lập quy hoạch và các cơ quan lập hợp phần quy hoạch, đặc biệt là khâu xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top