Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đưa ra quan điểm, mục tiêu là phát huy vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng và tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh của tỉnh để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, phát triển hài hòa, cân đối giữa các vùng, miền, nhất là vùng đồng bằng và ven biển với vùng miền núi, giữa thành thị với nông thôn; giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển nhanh với phát triển bền vững, giữa phát triển hợp lý theo chiều rộng với phát triển theo chiều sâu, trong đó phát triển theo chiều sâu là chủ đạo; đưa Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc.
Quy hoạch đề ra tỉnh Thanh Hóa sẽ tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo, thu hút nhân tài, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và năng lực hội nhập kinh tế quốc tế; thực hiện chuyển đổi số, lấy chính quyền số làm động lực để phát triển kinh tế số, xã hội số, tạo đột phá trong cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Bố trí không gian phát triển các ngành, lĩnh vực bảo đảm hài hòa, sử dụng hợp lý các nguồn lực cho phát triển, chú trọng đến phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, phù hợp với khả năng đáp ứng về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội để nâng cao chất lượng tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Cùng với đó là phát triển kinh tế gắn với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, giảm nghèo và nâng cao chất lượng đời sống văn hóa, tinh thần và vật chất cho nhân dân; bảo đảm sự hài hòa về lợi ích kinh tế - xã hội và môi trường trong suốt quá trình phát triển.
Mục tiêu là đến năm 2030, phấn đấu đưa Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm lớn của khu vực và cả nước về công nghiệp nặng, công nghiệp năng lượng, chế biến, chế tạo; nông nghiệp quy mô lớn, giá trị gia tăng cao; dịch vụ logistics, du lịch, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, văn hóa và thể thao. Đến năm 2045, trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại; tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước.
Quy hoạch cũng đưa ra chi tiết phương án phát triển hạ tầng giao thông quốc gia và phát triển hạ tầng giao thông cấp tỉnh; Phương án phát triển nguồn điện và mạng lưới cấp điện; Phương án phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông; Phương án phát triển hạ tầng thương mại; Phương án phát triển mạng lưới thủy lợi, cấp nước; Phương án phát triển các khu xử lý chất thải; Phương án phát triển hạ tầng xã hội…
Quy hoạch cũng đưa ra phương án phát triển các khu vực khó khăn, đặc biệt khó khăn với mục tiêu đến năm 2030, quy hoạch, sắp xếp, bố trí 100% hộ dân đang sinh sống trong vùng ảnh hưởng bởi thiên tai và những hộ dân sống rải rác, dân di cư tự do trên địa bàn các huyện miền núi. Rà soát, bố trí các quỹ đất để giao đất cho các hộ chưa có đất sản xuất, thiếu đất sản xuất và các hộ không có đất ở, thiếu đất ở.
Về phương án phát triển đô thị, đến năm 2025, toàn tỉnh có 47 đô thị các loại, trong đó có 1 thành phố là đô thị loại I, 2 đô thị loại III, 1 đô thị loại IV, 43 đô thị loại V. Đến năm 2030, có 47 đô thị, trong đó có 1 thành phố là đô thị loại I, 2 đô thị loại III, 4 đô thị loại IV; thành lập mới 3 thị xã gồm: Thọ Xuân, Hoằng Hóa, Quảng Xương; 40 đô thị loại V. Phương án tổ chức lãnh thổ nông thôn được gắn với quá trình đô thị hóa của tỉnh và đặc điểm kinh tế - xã hội của từng địa phương.
Phương án tổ chức không gian phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp: Tập trung phát triển khu kinh tế Nghi Sơn trở thành một trong những trung tâm đô thị - công nghiệp và dịch vụ ven biển trọng điểm của cả nước. Giai đoạn sau năm 2030, phát triển cửa khẩu quốc tế Na Mèo thành khu kinh tế cửa khẩu Na Mèo.
Tiếp tục thực hiện 8 khu công nghiệp theo quy hoạch được duyệt với tổng diện tích 1.424,2ha. Phát triển mới 9 khu công nghiệp với tổng diện tích 2.281,5ha. Sau năm 2030 phát triển mới thêm 2 khu công nghiệp với diện tích 872ha. Đến năm 2030, toàn tỉnh có 115 cụm công nghiệp với tổng diện tích 5.267,25ha. Giai đoạn sau năm 2030 gồm 126 cụm công nghiệp với tổng diện tích 5.893,65ha.
Quy hoạch cũng phân bố không gian phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, truyền thống canh tác, chăn nuôi. Đồng thời, đề ra phương án bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học; khai thác, sử dụng tài nguyên; phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu; phương án phân bổ, khoanh vùng đất đai./.