Aa

Lật tẩy "chiêu trò" gian xảo của giới kinh doanh bất động sản

Thứ Năm, 15/09/2016 - 08:16

Thị trường bất động sản năm 2016 đang "nóng" hơn bao giờ hết, nhiều sàn bất động sản hay môi giới cũng vì thế mà tranh thủ trục lợi, tung ra hàng loạt chiêu trò để cạnh tranh. Việc này tiềm ẩn nhiều nguy cơ khiến khách hàng phải chịu thiệt nhưng không phải ai cũng biết cách tránh cho mình không rơi vào "bẫy".

Ma trận chiêu thức tinh vi 

"Sốt" giả

Trong một hội thảo về bất động sản mới đây, ông Trần Ngọc Quang - Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã đặt ra nghi vấn về sự bắt tay giữa chủ đầu tư và đơn vị phân phối hoặc môi giới trong việc tăng giá bán bất động sản. 

Trên thực thế, không ít "chiêu thức" được các nhóm này tung ra để bán bằng được bất động sản với giá cao mà khách hàng không hề hay biết mình đang mắc bẫy. Một trong "chiêu thức" này là tạo nên các "cơn sốt" giả, được áp dụng khi dự án mở bán nhưng không có mấy khách đến.

Lúc này các chủ đầu tư vẫn thống kê con số bán hàng lên tới vài chục căn mỗi ngày. Một số sàn bất động sản còn để cho chính nhân viên môi giới của mình ôm các căn hộ đẹp, nhưng đến khi có khách hỏi thì lại thông báo là hết, nếu khách muốn được nhượng lại thì phải chịu tiền chênh cả trăm triệu.

Bình cũ rượu mới 

Một trong những "chiêu thức" quen thuộc khác của giới đầu cơ bất động sản là ôm các suất bán rồi chờ cơ hội tăng nhẹ, bán phá giá, ăn chênh lệch. Anh Thành Công – một nhà đầu tư bất động sản có kinh nghiệm nhiều năm đưa ra ví dụ về chiêu thức này, theo anh Công nếu đợt 1 mức giá của dự án chỉ 21 triệu đồng/m2, đợt 2 chủ đầu tư tăng lên 25 triệu đồng/m2. Giới đầu cơ thường ôm suất bán đợt 1 rồi ngồi đợi chủ đầu tư ra đợt sau với mức giá cao hơn, chỉ cần bán lại với mức giá 23  triệu đồng/m2 là đã hưởng hàng trăm triệu đồng chênh lệch. 

Như vậy, dù là cùng một dự án, giới đầu cơ bất động sản chỉ cần thay đổi giá bán, khách hàng thấy giá lại rẻ hơn phát giá của chủ đầu tư nên nghĩ rằng mình mua được nhà giá rẻ. 

Thực trạng này kéo dài có thể gây nhiễu loạn thị trường, các chủ đầu tư bị cạnh tranh không lành mạnh, bị bán phá giá... lâu dần có thể không bán được bất động sản, lại tiếp tục tạo thành cơ hội cho giới đầu cơ "gom hàng", ép giá người mua. 

 

 

Nói xấu sau lưng

Để đạt được mục đích của mình, người môi giới còn cùng nhau nói xấu đối thủ, tung tin đồn thất thiệt như dự án đó chậm tiến độ, chủ đầu tư nợ tiền ngân hàng hay sắp phá sản để hướng khách hàng quan tâm và mua dự án của mình. Hành động này khiến người mua bị nhiễu loạn thông tin, không nắm được tình hình thực tế trên thị trường. 

Theo Luật gia Trần Trường (Công ty luật Trường Minh) hành vi gièm pha doanh nghiệp khác là một loại hành vi cạnh tranh không lành mạnh và tương đối phổ biến, nhằm loại bỏ đối thủ cạnh tranh hoặc kìm hãm sự phát triển kinh doanh của đối thủ cạnh tranh... vi phạm khoản 4 điều 3 Luật cạnh tranh 2004 về hành vi doanh nghiệp. Điều này gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác, sẽ bị phạt tiền, nghiêm trọng hơn là các hình thức xử phạt bổ sung. 

 Khách hàng ham mua rẻ nhận "trái đắng" 

Ngoài các "chiêu trò" trên, để giành giật khách hàng nhiều môi giới bất động sản sẵn sàng chiết khấu lại cho khách một phần hoa hồng mình nhận được khi bán bất động sản thành công. Nghe những lời chào mời về phần trăm hoa hồng, nhiều người mua thực sự bị hấp dẫn và quyết định "xuống tiền" đặt mua luôn. 

Tuy nhiên, ít người biết rằng đó cũng chỉ là "chiêu thức" của dân môi giới "đen". Nhiều luật sư trong ngành Bất động sản đã chỉ ra rằng khách hàng mua được bất động sản giá rẻ hoặc có tiền hoa hồng thường phải nhận hậu quả khó lường. Để bán được nhà, môi giới chịu thiệt về mình, sau đó tư vấn những phần đất xấu, không phù hợp cho khách để bán được nhanh và nhiều.

Không những thế, sau khi khách hàng quyết định mua bất động sản, nhiều môi giới ngay lập tức "mang con bỏ chợ", không làm tròn việc tư vấn hoàn thiện thủ tục sau khi khách hàng mua, cũng không hỗ trợ đầy đủ cho khách hàng.  Nhiều khách hàng chỉ vì mua nhà rẻ hoặc nghe lời đường mật hưởng hoa hồng mà sau một thời gian đã bị môi giới "bỏ rơi", phải tự mình làm thủ tục, mua bán hay cho thuê, đến lúc đó mới phải nhờ đến các công ty luật hỗ trợ.

Chiêu câu khách hàng “sạch” và mô hình mua bán mới

Song song với tình hình cạnh tranh khách hàng khốc liệt, giới chuyên môn cũng đánh giá khá cao nhiều doanh nghiệp đã khẳng định được uy tín trong việc môi giới, mua bán bất động sản.

Để thu hút khách hàng, các đơn vị này thường áp dụng tặng gói quà bằng tiền hoặc hiện vật, chiết khấu cao, lãi suất ưu đãi hấp dẫn, miễn phí dịch vụ, phí quản lý, thực hiện tốt chính sách hậu mãi và giới thiệu đến khách hàng các yếu tố được đặt lên hàng đầu của một dự án như chất lượng xây dựng, nhà thầu, vật liệu không gian sống, đơn vị phát triển uy tín... 

Chia sẻ về kinh nghiệm của bản thân, anh Duy Thanh (môi giới Bất động sản tại khu vực Cầu Giấy) cho biết trước khi nhận bất kỳ lời bán nhà cho khách nào, anh đều ký một hợp đồng bán nhà độc quyền để giảm tình trạng mất khách. Trong hợp đồng anh cũng cam kết sẽ hỗ trợ khách mọi thủ tục pháp lý để khách hàng yên tâm.

Nhờ có hợp đồng này mà anh Thanh giảm thiểu được nhiều trường hợp bị cướp khách, giành khách với những môi giới khác, tránh rủi ro cho cả bản thân anh và khách hàng. “Theo tôi thì đây là mô hình hoạt động cần phải áp dụng tại Việt Nam, nước ngoài đã thực hiện từ lâu", anh Thanh chia sẻ. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top