Quá trình đô thị hóa đang diễn ra như vũ bão trên toàn thế giới, đặc biệt là ở khu vực Châu Á. Hiện những thành phố trong khu vực đang sản xuất đến 40% tổng sản phẩm của thế giới. Dự báo con số này còn tăng lên nữa do đến năm 2050, sẽ có đến 1,4 tỷ người châu Á di cư đến sống tại các thành phố, nâng tỷ lệ dân đô thị lên đến 2/3 toàn bộ dân số khu vực.
Tuy vậy, trong bối cảnh các đô thị tại châu Á hiện chiếm tới 50% tổng số dân cực nghèo trên thế giới, chắc chắn những thành phố này chưa thể nào sẵn sàng để đón nhận cuộc di dân khổng lồ này. Đã có một số chính phủ, tổ chức và cá nhân tìm cách giải quyết vấn đề dài hạn trên bằng cách thay đổi không chỉ cách thức mà là cả giá trị cốt lõi của quá trình đô thị hóa, trong đó quan trọng nhất là việc đưa cộng đồng trở lại làm trung tâm của đô thị hóa.
Trên thực tế tại Việt Nam và nhiều nước khác thì đã có quá nhiều chiến lược phát triển đô thị từ trước đến nay được đề ra và triển khai theo mô hình “từ trên xuống”, hoàn toàn không tính đến quyền lợi lẫn nhu cầu của các bên bị ảnh hưởng trực tiếp.
Chiến lược phát triển thành phố xanh (GCOF) của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) có tiềm năng trở thành một hướng đi mới giải quyết được vấn đề nói trên. Với việc đặt cộng đồng làm trọng tâm phát triển, GCOF hứa hẹn sẽ đem lại mô hình mẫu cho sự phát triển bền vững thực chất cho các đô thị tại Việt Nam.
ADB được thành lập vào năm 1966 tại Manila, Philipines với mục tiêu xóa bỏ đói nghèo tại châu Á qua việc thúc đẩy phát triển kinh tế, công bằng xã hội, và bảo vệ môi trường. ADB hiện có 67 nước thành viên, trong đó Việt Nam là một trong số quốc gia sáng lập. Hai bên đã hợp tác thành công trong nhiều dự án trên nhiều lĩnh vực khác nhau như xây dựng cơ sở hạ tầng, y tế, giáo dục và tăng cường thể chế, hội nhập và hợp tác khu vực cũng như chống biến đổi khí hậu.
ADB mong muốn có thể biến những thành phố châu Á phát triển lộn xộn, bất bình đẳng và ô nhiễm trở thành các đô thị "đáng sống"với nền kinh tế phát triển bền vững, môi trường được bảo vệ, và mọi tầng lớp trong xã hội được hưởng "quả ngọt" từ quá trình đô thị hóa. Ba mục tiêu này được tóm lược trong cụm từ “Thành phố đáng sống”, một trong các trụ cột trong hoạt động của ADB.
Trong khuôn khổ GCOF, ADB cùng các đối tác đang thực hiện một số dự án phát triển đô thị với một loạt các mục đích ví dụ như tăng sự hiệu quả, linh hoạt trong cung cấp dịch vụ công; phát triển mối quan hệ kinh tế giữa các đối tượng khác nhau trong xã hội; đảm bảo khả năng phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu...
Theo đề xuất từ phía Việt Nam, ba thành phố là Hà Giang, Vĩnh Yên và Huế đã được ADB lựa chọn để thí điểm mô hình phát triển GCOF. Mỗi thành phố nói trên lại có một đặc điểm riêng của mình: Hà Giang nằm ở vùng núi cao với vị trí chính trị - kinh tế chiến lược bên đường biên giới với Trung Quốc; Huế là nơi bảo tồn những giá trị lịch sử có một không hai cùng với rất nhiều các giá trị phi vật thể khác; và Vĩnh Yên, một thành phố tại miền trung du đang trải qua giai đoạn tăng trưởng ấn tượng nhờ phát triển công nghiệp.
Trọng tâm của GCOF là sự tham gia của cộng đồng địa phương, không chỉ trong mục tiêu mà còn cả phương thức hoạt động nữa. Cho dù có ở bước nào của quá trình đi chăng nữa-lên kế hoạch, đàm phán, ký kết, thực hiện, nghiệm thu - ADB liên tục thảo luận và tiếp thu ý kiến trực tiếp từ những người dân, cộng đồng doanh nghiệp, và chính quyền sở tại trên tinh thần bình đẳng và công khai.
Tuy phải cùng một lúc giải quyết các vấn đề riêng biệt tại ba đô thị có hướng đi khác nhau, nhưng nhờ vào tôn chỉ hoạt động nói trên mà GCOF đã tránh được sự cứng nhắc trong việc triển khai. Trước khi ký kết biên bản hợp tác triển khai dự án với Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang, Vĩnh Phúc và Thừa Thiên - Huế vào ngày mùng 6 tháng 7 vừa rồi, ADB đã có một khoảng thời gian dài thực hiện nghiên cứu thực địa, đánh giá tác động của dự án và lấy ý kiến trực tiếp từ phía tất cả các bên bị ảnh hưởng bởi dự án.
Từ những kết quả thu được này mà ADB và các đối tác đã xây dựng được những kế hoạch phù hợp với đặc điểm riêng của từng thành phố. Lấy thành phố Vĩnh Yên làm ví dụ, các bên tham gia dự án đặt trọng tâm vào bảo vệ môi trường trong hoạt động kinh doanh sản xuất, cung cấp sản phẩm du lịch, và nâng cao chất lượng sống của người dân. Điểm đặc biệt trong cách tiếp cận của ADB là những kế hoạch cụ thể đều hướng đến lợi ích thiết thực của cộng đồng, như xây dựng các cơ sở thương mại để giới thiệu sản phẩm địa phương, cải tạo và phát triển hệ thống thoát nước, tăng diện tích che phủ cây xanh đô thị, và nạo vét Đầm Vạc để mở đường cho phát triển du lịch sinh thái.
Dự án phát triển đô thị đáng sống của ADB tại Hà Giang, Vĩnh Yên và Huế trị giá lên đến hơn 223,87 triệu USD từ nhiều nguồn đồng tài trợ khác nhau như GEF (Global Environment Facility), UCCRTF (Urban Climate Change Resilience Trust Fund),... Nhưng quý giá hơn nữa là lượng kiến thức, kinh nghiệm sẽ được ADB chuyển giao cho chúng ta. Không chỉ dành cho các cơ quan chức năng và giới chuyên gia, mà ADB còn tập trung đào tạo cả cho những người dân chịu ảnh hưởng của dự án. Ngược lại, ADB cũng đang khai thác kiến thức địa phương và sức sáng tạo từ phía Việt Nam để góp phần xây dựng, triển khai các dự án trong tương lai của mình.
Các dự án trong khuôn khổn GCOF tại Việt Nam được dự tính sẽ hoàn thành vào tháng 12 năm 2023. Sẽ có hơn 116.000 hộ gia đình, trong đó có 6.100 gia đình nghèo và cận nghèo, được hưởng lợi từ việc tăng khả năng thích ứng trước biến đổi khí hậu của hệ thống cơ sở hạ tầng - dịch vụ và môi trường kinh doanh tại các đô thị này.