Aa

Đô thị thông minh thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản bền vững

Chủ Nhật, 09/09/2018 - 06:01

TS. Nguyễn Tường Văn, Cục trưởng Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng khẳng định, phát triển đô thị thông minh góp phần tạo cơ hội thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản bền vững. Tất nhiên để thúc đẩy cặp đôi cần có những giải pháp cụ thể.

TS. Nguyễn Tường Văn cho rằng, trong cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thị trường bất động sản có vai trò quan trọng trong việc thu hút các nguồn lực đầu tư. Thị trường này cũng giải quyết nhu cầu chỗ ở của người dân, tạo lập tài sản cố định của nền kinh tế, đồng thời kết nối liên thông và hỗ trợ phát triển nhiều loại thị trường khác như thị trường tài chính, xây dựng, vật liệu xây dựng, nội thất, lao động…

Tuy nhiên khủng hoảng, biến động tiêu cực của thị trường bất động sản (một trong những dấu hiệu đầu tiên của khủng hoảng kinh tế) sẽ gây ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế và đời sống nhân dân.

Chính vì vậy, việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tăng cường quản lý, kiểm soát, điều tiết đối với thị trường bất động sản là rất cần thiết và quan trọng trong quá trình phát triển nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Phát triển đô thị thông minh hướng đến tăng trưởng xanh và phát triển bền vững là xu hướng tất yếu trong kỷ nguyên phát triển của công nghệ số. Việc ứng dụng giải pháp và công nghệ của đô thị thông minh sẽ tạo cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn cho thị trường bất động sản, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước.

TS Nguyễn Tường Văn khẳng định sự phát triển đô thị thông minh sẽ tác động không nhỏ đến sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản tại khu vực đó

TS. Nguyễn Tường Văn khẳng định sự phát triển đô thị thông minh sẽ tác động không nhỏ đến sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản tại khu vực đó

Trong công tác quy hoạch đô thị, sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin thông minh hóa công tác lập quy hoạch đô thị, quản lý đầu tư xây dựng đô thị theo quy hoạch giúp hỗ trợ phân tích đánh giá thực trạng, chuẩn hóa các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và nhu cầu phát triển từ đó nâng cao chất lượng công tác dự báo cũng như định hướng của quy hoạch đô thị.

Phát triển đô thị thông minh trên nền tảng hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung là điều kiện minh bạch hóa các thông tin về quản lý sử dụng đất, thực trạng xây dựng hạ tầng đô thị làm cơ sở để quản lý sử dụng đất đai hiệu quả, minh bạch hóa thị trường bất động sản.

Đồng thời, phát triển đô thị thông minh đảm bảo tính cạnh tranh phát triển lành mạnh, hỗ trợ vai trò của các cơ quan quản lý trong việc điều tiết thị trường, kết nối cung cầu đảm bảo ổn định và tháo gỡ vướng mắc cho các hoạt động của thị trường bất động sản.

Trong bối cảnh phát triển đô thị thông minh đang là giải pháp mới ở Việt Nam, các nhà đầu tư, doanh nghiệp bất động sản có cơ hội tham gia từ đầu. Các nhà đầu tư cùng với các cơ quan quản lý, nghiên cứu; tư vấn xây dựng cùng phối hợp nghiên cứu hướng đến từng bước làm chủ công nghệ, phương pháp tạo cơ sở vững chắc để hoạch định những kế hoạch phát triển từ đó có thể chủ động nghiên cứu đưa vào ứng dụng các sản phẩm bất động sản mới cung cấp ra thị trường.

Phát triển đô thị thông minh không chỉ tạo ra cơ hội đối với các doanh nghiệp bất động sản mà còn là cơ hội để các doanh nghiệp phát triển công nghệ thông tin. Hay cũng là công nghệ cho các ngành chế tạo nghiên cứu phát triển các sản phẩm, ứng dụng phầm mềm trong việc phát triển các công trình kiến trúc thông minh, công trình hạ tầng kỹ thuật thông minh, công nghệ xây dựng thông minh và các sản phẩm, ứng dụng tiện ích khác trong đô thị thông minh.

Trong xu hướng toàn cầu hóa hiện nay, với thực trạng tiềm lực tài chính của các doanh nghiệp trong nước còn hạn chế, thúc đẩy phát triển đô thị thông minh sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp trong nước và quốc tế bao gồm cả về tài chính và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật từ các quốc gia phát triển, có kinh nghiệm phát triển đô thị thông minh.

Việc phát triển đô thị thông minh là cơ hội nâng cao chất lượng nguồn nhân lực không chỉ trong khu vực quản lý nhà nước mà còn cả ở các doanh nghiệp bất động sản tham gia vào quá trình phát triển đô thị tại Việt Nam.

Giải pháp ứng dụng đô thị thông minh, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản bền vững

Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 – 2025 và định hướng đến năm 2030 gồm 10 nhóm nhiệm vụ giải pháp và 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm cụ thể là: từng bước hoàn thiện hệ thống hành lang cơ chế, chính sách; thúc đẩy áp dụng khoa học công nghệ trong quy hoạch và quản lý phát triển đô thị.

Đồng thời các nhóm giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và nhận thức của cộng đồng tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin; tạo điều kiện tối đa cho nhiều thành phần kinh tế cùng tham gia phát triển; mở rộng khả năng kết nối và hội nhập quốc tế.

Thành phố thông minh trục Nhật Tân - Nội Bài chưa khởi công nhưng cũng đã khiến thị trường bất động sản khu vực quanh đó nóng hơn

Thành phố thông minh trục Nhật Tân - Nội Bài chưa khởi công nhưng cũng đã khiến thị trường bất động sản khu vực Đông Anh nóng hơn

Theo đó, để thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản trong bối cảnh phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam cần phải có những giải pháp đồng bộ, tổng thể.

Cần xây dựng hệ thống cơ chế chính sách vừa đảm bảo phù hợp với chủ trương chung của Đảng và pháp luật Nhà nước đồng thời đáp ứng được những yêu cầu thực tiễn của xã hội, thị trường bất động sản.

Để thúc đẩy thị trường cũng cần bổ sung hệ thống các tiêu chí, tiêu chuẩn về quy hoạch đô thị thông minh, đô thị tăng trưởng xanh; hệ thống theo dõi, đánh giá quá trình hình thành và phát triển; ban hành các hướng dẫn xây dựng quy chế quản lý, vận hành, kiểm soát quá trình phát triển đô thị để cộng đồng có thể tham gia cùng xây dựng và phát triển;

Kế tiếp là thị trường cần áp dụng khoa học công nghệ trong công tác quy hoạch và quản lý phát triển đô thị để từng bước chuẩn hóa các quy trình thực hiện, rút ngắn thời gian thực hiện các quy trình, thủ tục trong công tác lập và phê duyệt quy hoạch đô thị, dự án đầu tư phát triển đô thị và nhà ở, xây dựng công trình và tối ưu hóa hiệu quả công tác quản lý vận hành;

Nghiên cứu cơ chế thúc đẩy, hỗ trợ các giải pháp mang tính đột phá cả về công nghệ và phi công nghệ như: mô hình tổ chức không gian đô thị; phát triển các loại hình công trình xanh, thông minh, các công trình có chức năng hỗn hợp (mô hình căn hộ khách sạn cho thuê; chung cư kết hợp với văn phòng hoặc với trung tâm thương mại, công trình đầu mối giao thông.

Phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật đáp ứng được các yêu cầu bảo vệ môi trường; đảm bảo kết nối dễ dàng với các khu vực khác bằng nhiều hình thức đa dạng (đường sắt đô thị, xe bus, taxi); hệ thống các công trình hạ tầng xã hội cấp đô thị để nâng cao chất lượng tiện ích từ đó có thể gia tăng cơ hội giao dịch cho thị trường bất động sản;

"Cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và nhận thức của cộng đồng xã hội bao gồm các mục tiêu nâng cao hiệu quả quản lý vận hành, hướng đến xây dựng cộng đồng dân cư có khả năng hội nhập, có khả năng tiếp cận, sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin đồng thời cũng tạo cơ hội cho thị trường bất động sản phát triển năng động, gia tăng phân khúc sản phẩm đồng nghĩa với việc tạo ra nhiều cơ hội mới cho thị trường.

Ngoài ra, các nhà hoạch định cần nghiên cứu các chính sách thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp trong nước và quốc tế tạo cơ hội cho các doanh nghiệp bất động sản trong nước tăng quy mô về cả tài chính và phạm vi hoạt động", TS. Nguyễn Tường Văn cho đó là những giải pháp không thể thiếu để thúc đẩy "cặp đôi" đô thị và thị trường bất động sản.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top