Lê Anh Tiến - Từ cậu bé giữ xe trở thành CEO công nghệ tài ba

Lê Anh Tiến - Từ cậu bé giữ xe trở thành CEO công nghệ tài ba

Thứ Hai, 25/07/2022 - 06:09

Khởi nghiệp khi còn là sinh viên năm nhất đại học, Lê Anh Tiến đã trải qua nhiều thất bại trước khi thành công, trở thành CEO công ty công nghệ triệu đô - Chatbot Việt Nam 

LTS: Ngày 13/10/1945, trong bức thư động viên, đặt niềm tin và khẳng định vai trò, sứ mệnh của các doanh nhân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi các doanh nghiệp và doanh nhân cùng chung sức phát triển nền kinh tế đất nước, từ đó tạo được lòng tin và những làn sóng tích cực cho phong trào thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Gần 8 thập kỷ đã trôi qua, những khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân là người làm giàu cho đất nước vẫn còn nguyên giá trị. Ngày nay, Đảng, Nhà nước, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân vẫn đang tiếp tục nỗ lực thực hiện lời căn dặn này của Người.

Sức mạnh và vị thế của mỗi quốc gia phụ thuộc trước hết vào sức mạnh kinh tế, nòng cốt là doanh nghiệp và doanh nhân. Doanh nghiệp là tài sản quốc gia, doanh nhân là hiền tài của đất nước. Sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã có lực lượng doanh nhân hùng hậu, trong đó có nhiều doanh nhân đã trở thành niềm kiêu hãnh, phát triển bền vững, kinh doanh sáng tạo và có trách nhiệm với dân tộc. Đó là nền tảng vô cùng quan trọng để xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.

Trên tinh thần đồng hành cùng các doanh nhân, doanh nghiệp nỗ lực vượt khó, tiếp tục có những đóng góp quan trọng vào hành trình xây dựng đất nước, Reatimes khởi đăng tuyến bài "Doanh nhân và khát vọng Việt Nam khởi nghiệp".

Bài 45: Lê Anh Tiến - Từ cậu bé giữ xe trở thành CEO công nghệ tài ba

Trân trọng giới thiệu tới quý độc giả!

Sinh ra trong một gia đình có ba mẹ đều là lao động phổ thông, bươn chải vất vả nuôi các con ăn học, cũng vì thế mà Lê Anh Tiến hình thành được thói quen tự lập từ khi còn rất nhỏ.

Anh Tiến nhớ lại: “Tuổi thơ của tôi không giống bạn bè cùng trang lứa xung quanh. Tôi rất ít đi chơi mà phải dành thời gian trung học tập và đi kiếm tiền phụ giúp gia đình. Ngay từ lúc chưa vào lớp 1, tôi đã biết phụ giúp gia đình trông xe, có những ngày thiếu ngủ là chuyện bình thường”.

Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, không đủ khả năng nuôi hai người con song sinh ăn học nên năm vào lớp 1, ba mẹ đã đưa anh vào chùa gần nhà sống cùng các sư.

“Từ khi sống trong đó, tôi được tiếp xúc, được nghe thầy giảng đạo thường xuyên, từ đó có thêm nhiều góc nhìn về cuộc sống, cho nên các sản phẩm của tôi cũng hướng tới xã hội, cộng đồng. Và cũng chính thời gian sống hơn 10 năm trong chùa, đã giúp tôi rèn luyện được kỹ năng kiểm soát cảm xúc. Tôi hiểu được rằng cảm xúc có thể khiến chúng ta bỏ cuộc và nếu như kiểm soát được mọi sự bỏ cuộc đều do cảm xúc chi phối. Chỉ cần chúng ta chi phối tốt cảm xúc của mình thì sẽ vượt qua rất nhiều áp lực của cuộc sống cũng như thất bại”, anh Tiến tâm sự.

Hy vọng rằng, câu chuyện thú vị về hành trình lập nghiệp của CEO Lê Anh Tiến chia sẻ với PV Reatimes phần nào đó sẽ giúp cho các bạn trẻ có thêm những bài học cần thiết trên hành trình khẳng định tài năng.

18 TUỔI TRỞ THÀNH LẬP TRÌNH VIÊN QUỐC TẾ

PV: Công nghệ có thể xem là một lĩnh vực khó, ít người theo đuổi, vì sao anh lại chọn lĩnh vực này?

CEO Lê Anh Tiến: Từ những năm học cấp 3, tôi đã có niềm đam mê đặc biệt với môn khoa học ứng dụng, thường tự mày mò nghiên cứu, sáng tạo ra các sản phẩm ở các lĩnh vực, từ kinh tế, môi trường cho tới giáo dục. Cũng vì thế mà từ năm học lớp 10, tôi đã nghiên cứu tự học xong chương trình cấp 3. Thời gian ở lớp, tôi chủ yếu nghiên cứu các công trình, sản phẩm công nghệ, đã giành nhiều giải thưởng như huy hiệu Tuổi trẻ sáng tạo (Trung ương đoàn), Nhà sáng chế trẻ (Bộ khoa học và công nghệ). Cho đến khi tốt nghiệp cấp 3, thì đồng thời tôi cũng tốt nghiệp hệ lập trình viên quốc tế.

Bước vào Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, trong suốt 4 năm học chuyên ngành Điện tử viễn thông, tôi đã dành thời gian chủ yếu ở phòng thí nghiệm của Khoa Điện tử - Viễn thông.

Thời điểm năm 2008, thuật ngữ về trí tuệ nhân tạo, máy học,…vô cùng mới mẻ và không được nhiều người chọn. Còn tôi thì nghĩ đây là cơ hội, vì nếu theo số đông dễ bị “bão hoà” nhu cầu về sau. Dù lựa chọn con đường hơi khác với mọi người nhưng bạn bè tôi không ai ngạc nhiên vì trước giờ tôi luôn có suy nghĩ khác mọi người.

Kết quả sau tốt nghiệp đại học, tôi đã có khá nhiều công trình nghiên cứu khoa học, sản phẩm được ứng dụng thực tế và giành nhiều giải thưởng cao ở các cuộc thi. Từ những thành công ban đầu đó, tôi đã quyết tâm theo đuổi ngành công nghệ với khát khao mang đến những giá trị cho cộng đồng.

Lê Anh Tiến

PV: Ở độ tuổi còn trẻ, lẽ ra phải trải nghiệm, học hỏi nhưng anh lại quyết định mở công ty riêng. Yếu tố nào giúp anh đi đến quyết định này? 

CEO Lê Anh Tiến: Ngay từ khi bước vào năm nhất trường đại học Bách khoa Đà Nẵng, tôi đã tham gia Câu lạc bộ Sáng tạo trẻ, đơn vị trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP Đà Nẵng. Tại đây, tôi mạnh dạn đề xuất với Câu lạc bộ sáng lập ra công ty chuyên quản lý, nghiên cứu và thương mại hóa các mô hình, phần mềm tin học của hội viên.

Được sự hỗ trợ của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP. Đà Nẵng, tháng 3/2012, tôi thành lập Công ty TNHH TecViet, hoạt động theo mô hình vườn ươm doanh nghiệp, vốn điều lệ là 1 tỷ đồng do Quỹ khuyến học Hồ Nghinh hỗ trợ thời gian đầu, với 22 nhân sự phần lớn là các thành viên trong Câu lạc bộ. Công ty đã thực hiện các dự án công nghệ cho thành phố, sản phẩm đầu tay của công ty là phần mềm “Vui học đến trường”. Phần mềm này chuyên về lĩnh vực giáo dục như học các môn Toán, Tin, Tiếng anh, Tiếng việt, Giao thông, dành cho các bé mầm non và tiểu học. Dù đang là sinh viên nhưng tôi đã kiêm nhiều việc, vừa học, vừa làm, vừa điều hành công ty, vừa kiếm tiền trang trải cuộc sống.

PV: Sau khi thành lập công ty, anh đã cân đối giữa việc kinh doanh và học tập như thế nào?

CEO Lê Anh Tiến: Công ty TNHH TecViet hoạt động được một thời gian đến năm 2014 thì tôi đã dừng hẳn việc điều hành để tập trung cho việc học.  Tuy nhiên, những năm sau đó, tôi cũng tạo ra thêm rất nhiều dự án. Giữa năm 2015, tôi cùng cộng sự triển khai một dự án nữa nhưng không thành công.

Và sau khi tốt nghiệp Đại học Bách khoa Đà Nẵng, tôi có cơ hội thực tập tại Google singapore. Trong quá trình thực tập, tôi cũng nhận làm các dự án về phần mềm ở đây để nâng cao thêm năng lực và chuyên môn. Nhận thấy thời điểm trình độ đã vững chắc, thì tôi quyết định về nước vào cuối năm 2015, để đầu quân cho một công ty startup về xử lý video thông minh.

TỪ THẤT BẠI ĐẾN CÔNG TY TRIỆU ĐÔ

PV: Từ lúc khởi nghiệp, anh đã thất bại bao nhiêu lần? Và bài học sau những lần thất bại là gì?

CEO Lê Anh Tiến: Năm 2014, khi Uber và Grab chưa vào Việt Nam thì tôi và anh em sáng lập tạo ra ứng dụng gọi xe và rất kỳ vọng vào một sự thay đổi lớn trong ngành vận tải của Việt Nam. Nhưng khi đi chào các hãng taxi thì đều nhận lại những cái lắc đầu và các hãng cũng chưa tin vào các ứng dụng công nghệ có thể thay thể tổng đài gọi xe truyền thông tại thời điểm đó. Thế là cả nhóm chúng tôi đành phải bỏ dự án vì không đủ chi phí và nhân sự để duy trì, vận hành hệ thống.

Qua dự án này, tôi rút ra 2 bài học:

- Mô hình Economy Sharing không có thực.

- Burn rate cực kỳ cao để thu hút nhà cung cấp và người sử dụng ở lại hệ thống.

Sau lần thất bại đó, tôi lại gặp tiếp một thất bại đáng nhớ khác là cùng cộng sự cho ra mắt Govi-nền tảng ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong tìm việc cho người lao động vào năm 2015. Khi đó, tham vọng của tôi và nhóm sáng lập là muốn xây dựng “Mô hình Gig Economic – Nền kinh tế tự do”,  đi vào hoạt động. Tôi mới nhận thấy thị trường Việt Nam chưa sẵn sàng với những dạng sản phẩm này thế là nhóm cũng thử nghiệm ở thị trường Mỹ và cũng thất bại. Lần dự án này đã đem đến 3 bài học chính cho nhóm:

- Sản phẩm (công nghệ) : Không nên quá tập trung vào tính năng (Feature), mà hãy xem xét về quy mô (Scale) của sản phẩm có ổn định không.

- Mô hình kinh doanh (Business Model): Có đạt được doanh thu tốt không, hay vẫn phải tốn nhiều chi phí cho nhiều lần thử nghiệm thị trường.

- Sự kết hợp giữa Local (nội dung, thị trường, ...) và International (Biz model, platform, ...): Khi triển khai một sản phẩm global thì cần phải hiểu về văn hoá và con người tại các nước mà mình triển khai, không thể đem tư duy, mô hình kinh doanh ở Việt Nam áp dụng chung cho các nước mà mình hướng đến, nó sẽ gây cản trở về mặt vận hành cũng như tốn kém về mặt chi phí rất nhiều mà không tạo ra hiệu quả.

Và tôi rút ra kinh nghiệm là khởi nghiệp cần chấp nhận sự thất bại nhiều lần, nhưng quan trọng phải biết dừng đúng lúc, tránh giảm nhiệt huyết cho các lần khởi nghiệp tiếp theo. Thẳng thắn mà nói, khi thất bại một dự án, chắc chắn sẽ mất nhiều thứ, nhưng thậm chí khi doanh nghiệp phát triển tốt, người lãnh đạo cũng phải đánh đổi nhiều thứ.

Lê Anh Tiến

Bản thân tôi cũng phải đánh đổi nhiều lần trong ngần ấy năm lập nghiệp và có 3 điều quan trọng nhất mà tôi phải rút ra:

Thứ nhất, đánh đổi thứ mình thích để có được thứ mình cần. Khởi nghiệp không phải là hướng đi tôi thích nhất trong số những lựa chọn tôi có. Tôi thích làm nghiên cứu, làm nhà khoa học, làm kỹ sư hơn là làm một doanh nhân. Nhưng con đường xây dựng doanh nghiệp là con đường mà tôi cần phải làm nếu muốn đạt được những thứ mình mong muốn trong cuộc sống. Dĩ nhiên, đến thời điểm hiện tại, khi khởi nghiệp giúp mình có được những điều mình cần, thì mình cũng thích luôn việc khởi nghiệp so với những việc khác.

Thứ hai, đánh đổi những thứ tốt để có được thứ tốt nhất. Có 3 dạng người khởi nghiệp, dạng đầu tiên là quá dở nên không có bất kỳ cơ hội nào và dễ bị lừa dối lợi dụng bởi những cơ hội không rõ ràng, dạng thứ hai là đủ giỏi để có được nhiều cơ hội nhưng lại không đủ tầm nhìn để lựa chọn, dạng thứ ba là có đủ tầm nhìn để chọn được một con đường tốt & phù hợp nhất trong số những cơ hội trước mắt.

Tôi bắt đầu sự nghiệp ở nhóm thứ 2, thời điểm đó tôi có rất nhiều cơ hội tốt, nhưng thật sự càng có nhiều cơ hội tốt, nó lại càng khiến tôi trở nên bối rối trong lựa chọn của mình. May mắn thay, tôi có được những cộng sự tốt, đồng thời cũng là cố vấn của mình - những người ở nhóm thứ 3, họ có tầm nhìn để biết được con đường giúp mình có được thứ tốt nhất.

Thứ ba, đánh đổi trải nghiệm để lấy sự tập trung. Tuổi trẻ luôn muốn trải nghiệm nhiều thứ, không chỉ là trải nghiệm trong công việc mà còn cả những yếu tố khác trong cuộc sống như tình yêu, mối quan hệ, du lịch. Nhưng phân tán tư tưởng ở quá nhiều việc sẽ khiến một người mất sự tập trung và chắc chắn không thể làm nên sự nghiệp lớn. Giống như một người bơm nước bằng tay từ giếng, người này phải đều tay bơm nước cho đến khi nguồn nước lên đến vòi và cứ thế chảy ra sau mỗi lần bơm; còn nếu người đó bơm giữa chừng rồi bỏ đi làm việc khác, đến khi quay lại thì phải bơm từ đầu.

Đối với tôi, trong suốt những năm đầu khởi nghiệp, tôi chấp nhận trở thành người “tối cổ” ở tất cả những lĩnh vực khác để có đủ sự tập trung biến mình trở thành chuyên gia trong lĩnh vực khởi nghiệp công nghệ. Mãi đến những năm gần đây, khi sự nghiệp startup vững vàng rồi, tôi mới tạo điều kiện để bản thân trải nghiệm nhiều hơn trong những lĩnh vực khác. 

PV: Thật vui mừng là sau nhiều thất bại thì anh đã thành công với“Bot Bán Hàng”. Dường như anh không hề dừng lại, khi kết thúc một dự án này thì anh đã ngay lập tức có một starup mới?

CEO Lê Anh Tiến: Vào khoảng tháng 4 năm 2016, mạng xã hội Facebook chính thức ra mắt công nghệ chatbot trên Messenger. Với công cụ này, doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến có thể phục vụ thêm nhiều khách hàng với hình thức tương tác thân thiện, dễ tiếp cận. Tiềm năng là thế, tuy nhiên kênh bán hàng này vẫn chưa được phát triển rộng rãi ở Việt Nam mà nguyên nhân một phần xuất phát từ tâm lý “ngại” tìm hiểu công nghệ phức tạp của người Việt.

Khoảng 10 năm nước, Chatbot đối với chúng ta còn là một khái niệm xa lạ. Dù Chatbot đầu tiên được ra đời cách đây hơn nửa thế kỷ, nhưng sau đó, con người vẫn chưa nhìn ra được lợi ích của Chatbot đối với đời sống, với công việc. Sau khi mạng xã hội Facebook chính thức ra mắt công nghệ Chatbot trên Messenger vào năm 2016, thì đến năm 2017 xu hướng Chatbot bùng nổ ở Việt Nam và trên toàn cầu với công nghệ chuỗi khối (Blockchain), trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data).

Khi đó, nhóm của chúng tôi có 3 người, đang vận hành một quán cà phê giúp cho coworking (không gian làm việc chung) của người quen, tôi chỉ định xây dựng một con Chatbot giúp cho quán cà phê đó tối ưu về thời gian và chi phí nhân sự. Và sau một tháng ứng dụng thì thấy hiệu quả đem lại khá tốt, tăng trưởng doanh thu đạt 40% nên tôi và cộng sự muốn nhân rộng sản phẩm này ra để nhiều doanh nghiệp khác cùng hưởng lợi.

Cùng với việc nhận ra được tiềm năng của thị trường Facebook với hơn 2 tỷ người dùng và hơn 50 triệu doanh nghiệp, nhóm chúng tôi đã nghiên cứu và cho ra mắt Bot Bán Hàng - một trong những nền tảng Chatbot “Made in Vietnam” đầu tiên dành cho nhà quảng cáo và bán hàng vào ngày 01/11/2017. Bên cạnh đó, tôi cũng đã tìm cách “đơn giản hóa” Chatbot và biến chúng trở thành công cụ bán hàng đắc lực trên Facebook.

Lê Anh Tiến

PV: Bot Bán Hàng có thể được xem là ứng dụng mới lạ với nhiều người, vậy anh đã đưa tiếp cận đến mọi người như thế nào?

CEO Lê Anh Tiến: Bot Bán Hàng một trong những nền tảng chatbot "Made in Vietnam" đầu tiên cung cấp giải pháp về nhắn tin chuyên nghiệp cho doanh nghiệp và nhà kinh doanh online trên các nền tảng như Messenger, Zalo, Whatsapp…, Chatbot này đã tích hợp website, fanpage vào ứng dụng Messenger của Facebook.

Khách hàng có thể xem, mua hoặc tìm kiếm thông tin về sản phẩm/dịch vụ ngay trên ứng dụng thay vì truy cập vào các trang thương mại điện tử. Công việc của công ty là biến công cụ này trở nên đơn giản và thông minh hơn, làm sao để những người không am hiểu về công nghệ vẫn có thể sử dụng được. Việc của người dùng chỉ là chạm, chạm và chạm mà thôi.

Trước đó, trên thị trường đã có một số nhà cung cấp công cụ Chatbot cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, đa phần các sản phẩm chỉ mới tập trung vào việc thiết lập nền tảng, còn lại người dùng phải tự xây dựng và "huấn luyện" Chatbot. Để làm được điều này, bản thân các chủ doanh nghiệp phải am hiểu về lĩnh vực công nghệ Chatbot hoặc cần đến sự trợ giúp từ phía nhà cung cấp trong quá trình sử dụng sản phẩm. Với lợi thế là người đi sau, sẵn có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, nhóm của chúng tôi chỉ mất ba ngày cho việc xây dựng các tính năng cơ bản của Botbanhang.vn và tốn khoảng một tháng để hoàn thiện sản phẩm.

Bot Bán Hàng hướng tới trở thành nền tảng nhắn tin chuyên nghiệp cho Doanh nghiệp và nhà kinh doanh tại Đông Nam Á thông qua các nền tảng OTT (Messenger, Zalo, Whatsapp...). Xây dựng & Chuyển đổi khách hàng tiềm năng, tạo hành trình khách hàng dựa trên tin nhắn và tương tác của khách hàng. Hỗ trợ khách hàng nhanh chóng, chuyên nghiệp với quy mô doanh nghiệp được tối ưu nhất. Tối đa hoá tương tác khách hàng, gia tăng doanh thu và trải nghiệm khách hàng, giúp doanh nghiệp và nhà kinh doanh tăng trưởng doanh thu, khách hàng và tối ưu giao tiếp nội bộ.… giúp tiết kiệm tối đa 80% thời gian và 60% nguồn nhân lực, tăng tỷ lệ chuyển đổi, tăng doanh thu nhanh chóng.

Năm 2020, chúng tôi đã tích hợp các nền tảng: thanh toán và tài chính, CRM & ERP, Omnichannel, Automation về Marketing, Sales, phân tích data, và các nền tảng giao tiếp khác: SMS, Mail, Call Center với mục tiêu giúp khách hàng quản lý dữ liệu một cách dễ dàng và cung cấp các số liệu thống kê chi tiết. Đặc biệt, tích hợp công nghệ AR để mang lại trải nghiệm độc đáo cho người dùng.

Bên cạnh đó, chúng tôi còn tích hợp đa kênh, kết nối với các hệ thống chăm sóc khách hàng, cổng thanh toán, dịch vụ giao vận và hệ thống hỗ trợ bán hàng khác. Điều này không những giúp khách hàng tìm kiếm thông tin và mua hàng nhanh chóng, mà còn mang lại trải nghiệm mới lạ cho người dùng.

Một trong những ưu điểm của Bot Bán Hàng so với đối thủ là khả năng giao dịch trực tiếp và thực hiện thanh toán ngay trên Messenger mà không cần chuyển đổi sang giao diện khác; tích hợp và triển khai gamification với các hình thức đa dạng, giúp các doanh nghiệp thu hút khách hàng nhanh chóng, khả năng lan truyền nhanh, có thể thu hút hàng ngàn đến chục ngàn người dùng trong vòng vài tiếng với tỉ lệ chuyển đổi lên tới 30%.

Nhờ những ứng dụng như vậy mà Bot Bán Hàng đã được nhiều cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài nước tin dùng, trong đó có cả những thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Lê Anh Tiến

PV: Được biết, sau khi Bot Bán Hàng ra đời, cuối năm 2017, anh đã thành lập Công ty Cổ phần công nghệ Chatbot Việt Nam. Có lẽ đây cũng sẽ là một bước ngoặt tạo đà cho những giai đoạn đột phá trong tương lai gần?

CEO Lê Anh Tiến: Với tôi, quan trọng nhất là một startup chỉ có vòng đời trong vòng 3 năm, tức là chỉ có 3 năm để startup đó trở thành “kỳ lân”. Sau khoảng 3 năm, bắt buộc startup phải có một sản phẩm R&D để kế thừa sản phẩm ban đầu thì mới có thể phát triển bền vững.

Nếu sau thời gian 3 năm mà không thể phát triển hơn thì nên “cancel” dự án đó sớm và không mất thêm chi phí về nhân sự.

Thời gian đầu khởi nghiệp công ty chỉ có 3 người. Ban đầu Bot bán hàng không có vốn, bởi đơn giản chúng tôi làm phần mềm mô hình SaaS thì cần 2 yếu tố là: hạ tầng và quảng cáo. Kết quả được ghi nhận sau hai tháng Bót bán hàng chính thức ra mắt sản phẩm và nhận được gói hỗ trợ dịch vụ trị giá 30.000 USD vào cuối năm 2017 từ Facebook và Amazon trong khuôn khổ dự án Fbstar, chương trình toàn cầu được thiết kế nhằm giúp những người mới khởi nghiệp xây dựng, phát triển doanh nghiệp.

Khi nhận được gói hỗ trợ, tôi đã cùng nhóm tập trung xây dựng và hoàn thiện sản phẩm. Sau đó là tuyển thêm nhân sự, mở rộng quy mô công ty.

Để thương mại hoá được các sản phẩm công nghệ, yếu tố đầu tiên là chúng tôi phải ra được sản phẩm càng nhanh càng tốt, không làm sản phẩm trong thời gian dài, vì khi đó thị trường sẽ “nguội lạnh” thì sẽ không còn hấp dẫn với khách hàng nữa.

Ngoài ra, cần tập trung xác định được đối tượng mục tiêu và nhu cầu của khách hàng để giúp chiến lược của sản phẩm có hướng đi rõ ràng. Đồng thời, phải chuẩn bị cho việc thay đổi chiến lược nếu nhận được phản hồi khác nhau từ khách hàng.

Đặc biệt, cần hiểu đối thủ cạnh tranh là những người có cung cấp sản phẩm, dịch vụ với giải quyết nhu cầu giống mình. Để từ đó cung cấp dịch vụ tốt hơn, chất lượng tốt hơn. Đồng thời cũng phải tìm hiểu đầu ra và cân nhắc các yếu tố vĩ mô có thể làm ảnh hưởng đến bối cảnh kinh doanh, các khách hàng có thể xem sản phẩm của mình.

Với những bước đi vững chắc, cùng với chiến lược kinh doanh không ngừng đổi mới, sáng tạo, vào năm 2019 công ty cổ phần công nghệ Chatbot Việt Nam đạt mức tăng trưởng khách hàng lên đến hơn 5000% trên năm. Cộng thêm nền tảng công nghệ tốt và tính thực tiễn cao, công ty đã nhận được nhiều lời mời rót vốn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Ngoài ra, Bot Bán Hàng cũng được Facebook chọn trở thành đối tác mảng Messaging, nhằm phục vụ cho khách hàng trong nước và thị trường toàn cầu.

Đến thời điểm hiện tại, Công ty cổ phần công nghệ Chatbot Việt Nam đã có gần 100 thành viên khắp ba miền TP. Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng và hai quốc gia Thái Lan, Philippines. Công ty có đội ngũ sáng lập có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ, tiếp thị,...đến từ các công ty và tập đoàn lớn: Google, SnapRevise UK, Code4Startup.

PV: Theo anh, điều gì làm nên công ty Cổ phần công nghệ Chatbot Việt Nam khác biệt so với hàng trăm công ty công nghệ khác trên thị trường?

CEO Lê Anh Tiến: Một trong những yếu tố vô cùng quan trọng giúp cho Chatbot Việt Nam đạt thành công là nhờ có sự khác biệt, chính là văn hoá và con người. Trong việc vận hành công ty, yếu tố văn hoá đã tạo nên sự thành công trong việc quản lý nhân sự và sự hoạt động nhịp nhàng giữa các bộ phận. Tôi luôn quan niệm rằng “sáng tạo là yếu tố sống còn” và điều kiện quan trọng để thực hiện điều này chính là bản lĩnh dám thay đổi. Chỉ khi mỗi người "dũng cảm thay đổi" thì công ty mới có thể tăng tốc dẫn đầu. Để công ty tiếp tục phát triển vững mạnh với vị thế tiên phong trong công nghệ, không phụ lòng tin của khách hàng và đối tác, mỗi cá nhân và cả tập thể luôn luôn nỗ lực hơn và đồng lòng theo văn hoá công ty.

Lê Anh Tiến

Những nguyên tắc văn hóa công ty được xây dựng trên cơ sở chúng ta nhìn thấy các điểm cần thay đổi trong tổ chức và chủ động đưa ra giải pháp trong việc tự thay đổi bản thân. Mục tiêu này được thể hiện rất rõ thông qua các tiêu chuẩn chung và lối hành xử đúng đắn trong các hoạt động hàng ngày, của tất cả nhân viên tại công ty. Và để những nguyên tắc văn hóa này thực sự tạo ra điều khác biệt, thì phía ban lãnh đạo công ty đã hỗ trợ các nhân sự cần phải dũng cảm vượt qua rào cản của chính bản thân. Vì sự thay đổi chỉ thực sự có giá trị khi được thể hiện bằng hành động.  

Tại công ty không xây dựng thương hiệu cá nhân, chỉ xây dựng đội ngũ và đội ngũ sẽ xây dựng thương hiệu. Trong đó, văn hóa đóng vai trò là chất keo kết nối đội ngũ, tạo nên sức mạnh tổng hợp mang tên Chatbot Việt Nam.

Công ty luôn tôn trọng những quan điểm, cá tính riêng của mỗi cá nhân và không mong muốn nhân viên trở thành một người khác bản thân mình, chỉ hướng tất cả nhân viên vào những giá trị cốt lõi mà công ty xây dựng. Vì đây là động lực to lớn nhằm mang lại sức mạnh chung cho tổ chức, giúp công ty vươn tầm thế giới, đồng thời tạo ra nét văn hóa khác biệt của Chatbot Việt Nam.

Theo quan điểm của tôi, mỗi cá nhân là một bánh răng trong cỗ máy của con tàu Chatbot Việt Nam, vì vậy, sự đóng góp của các nhân sự đều là quan trọng và được ghi nhận. Tôi cũng luôn khuyến khích nhân sự công ty tích cực tham gia vào việc thực hiện và phát triển các nguyên tắc văn hóa để Chatbot Việt Nam trở thành một đội ngũ thống nhất, hùng hậu, một đại gia đình, một ngôi nhà thứ hai – nơi các bạn ấy có thể yên tâm làm việc, yêu mến và gắn bó lâu dài.

Mặc khác, tôi cũng đang cố gắng xây dựng hệ thống công ty tập trung vào tự động hoá, để không có anh, mọi người vẫn hoạt động tốt dựa trên các nền tảng quản trị số mà đội ngũ đã xây dựng kết hợp văn hoá công ty sẵn có.

KHÁT VỌNG VƯƠN RA THẾ GIỚI

 PV: Quan điểm của anh về cơ hội khởi nghiệp lĩnh vực công nghệ tại thị trường Việt Nam và vươn ra thế giới?

CEO Lê Anh Tiến: Thời đại số hóa và cộng thêm những ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong thời gian qua đã khiến cho việc áp dụng công nghệ vào các hoạt động của đời sống trở nên phổ biến hơn. Các doanh nghiệp/ startup công nghệ đang có những cơ hội thuận lợi để phát triển mạnh mẽ với các sản phẩm/ dịch vụ phục vụ cộng đồng.

So với các lĩnh vực khác, khởi nghiệp công nghệ ở Việt Nam có những lợi thế cạnh tranh như: dân số gần 100 triệu người với cơ cấu trẻ, tầng lớp trung lưu đang tăng nhanh, số lượng người dùng Internet đạt gần 70 triệu, tỷ lệ người sử dụng di động khoảng 70%... Thêm vào đó, thị trường Việt Nam đã bước vào giai đoạn đủ lớn để đón nhận các sản phẩm công nghệ có tính đột phá mà các startup có thể mang lại. Điều đó cho thấy Việt Nam hoàn toàn là một thị trường hấp dẫn và đầy hứa hẹn để khởi nghiệp và phát triển về công nghệ.

Mặc dù tiềm năng và lợi thế của doanh nghiệp công nghệ là điều không thể phủ nhận, song tỉ lệ doanh nghiệp khởi nghiệp thành công trong lĩnh vực này lại chưa cao. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới sự thất bại của các startup công nghệ, trong đó, sức ép về vấn đề kêu gọi vốn đầu tư là rất lớn, nhất là trong giai đoạn lạm phát như hiện nay. Đối với những người mới khởi nghiệp, việc tìm kiếm thị trường, nhà đầu tư cùng với sự cạnh tranh trong ngành đã tạo ra nhiều thách thức lớn.

Về tiến trình mới của công ty, chúng tôi đã và đang không ngừng đổi mới sản phẩm, cải tiến công nghệ và phương pháp quản lý để biến Bot Bán Hàng trở thành “Siêu nền tảng”,  đưa Chatbot Vietnam trở thành một công ty công nghệ hàng đầu tại Việt Nam và được xếp hạng cao trên thế giới.

PV: Công nghệ đối với doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số có tầm quan trọng như thế nào, thưa anh?

CEO Lê Anh Tiến: Theo mô hình của một số nước có nền kinh tế phát triển, dựa trên các doanh nghiệp công nghệ số thì cho đến năm 2030, Việt Nam cần ít nhất 100.000 doanh nghiệp công nghệ số để phát triển kinh tế số, xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử và ứng dụng thành tựu công nghệ số rộng khắp trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, thực hiện chuyển đổi số quốc gia.

Khát vọng về một Việt Nam hùng cường, thị trường gần 100 triệu dân và các bài toán đặc thù của Việt Nam là áp dụng công nghệ vào các lĩnh vực nông nghiệp, giao thông, y tế, giáo dục, tài chính, tài nguyên, môi trường... chính là tiền đề thuận lợi cho các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lớn mạnh và vươn ra thế giới.

Mặc khác, phát triển công nghệ mang tính chiến lược, một trong những khâu đột phá quan trọng để phát triển nền kinh tế Việt Nam trong tình hình mới, góp phần làm giảm bớt khoảng cách tụt hậu của nền kinh tế Việt Nam so với các nền kinh tế trên thế giới.

PV: Để khởi nghiệp thành công lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam, theo anh các bạn trẻ cần chuẩn bị những điều kiện gì?

CEO Lê Anh Tiến: Từ kinh nghiệm của bản thân, tôi nhận thấy: Thứ nhất, sự chủ động. “Cách tốt nhất để dự đoán tương lai là kiến tạo ra nó”, tôi trích dẫn lại câu nói nổi tiếng của cựu tổng thống Abraham Lincoln. Nữ CEO quan điểm, dù là nam hay nữ thì cơ hội sẽ đến khi bản thân có sự chủ động và chăm chỉ, cố gắng hết sức.

Thứ hai, sự kiên trì và bền bỉ. Tôi cho rằng khi thành công thì chúng ta thường ít nhận ra mình thành công ở đâu, tuy nhiên thất bại sẽ cho ta khoảng lặng để suy nghĩ. Đó là thời gian tốt nhất để mỗi người nhận ra bài học cho riêng bản thân.

May mắn là một sự luyện tập của chăm chỉ. Càng làm nhiều, càng thất bại nhiều thì càng may mắn. Nếu cứ ngồi chờ không dám thất bại thì sẽ không bao giờ thành công và không bao giờ may mắn.

Lê Anh Tiến

Thứ ba, sự thấu cảm. Lãnh đạo phải giúp cho mọi người thấu cảm với nhau, đứng vào vị trí của nhau, chấp nhận bỏ cái tôi. Sau đó văn hóa công ty mới dần được hình thành. Thẳng thắn mà nói, tôi thuộc tuýp người muốn làm đến đâu chắc đến đó, bất cứ việc gì tôi làm đều phải có lý do rõ ràng, cũng như mục tiêu lâu dài.

Về công việc chuyên môn: Tập trung nâng cao hiệu quả hơn là cố gắng kéo dài thời gian làm. Người ta hay nói “bận rộn là thước đo của sự thành đạt”, nhưng với tôi bận rộn là một vấn đề cần giải quyết. Khi tôi thấy mình bắt đầu trở nên bận rộn với công việc, tức là tôi đang làm không hiệu quả ở một việc nào đó và tìm cách khắc phục. Nhờ đó, tôi tránh được những chuỗi ngày làm thêm giờ để chạy deadline như các bạn, từ đó có thêm thời gian để tiếp tục phát triển năng lực cá nhân.

Về kinh doanh: Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, hãy xây dựng nền tảng để đi lên. Kinh doanh xét cho cùng cũng là một nghề, muốn thạo nghề phải trải qua một quá trình học, làm việc và rút kinh nghiệm. Kinh doanh lớn không đến từ đầu tư lớn, mà nó bắt nguồn từ chính năng lực của người vận hành doanh nghiệp. Do đó, với một người bắt đầu từ Zero, thì phải xác định cần 5 năm để bản thân trưởng thành, và cũng cần 5 năm kế tiếp để hoàn thiện nền tảng doanh nghiệp.

Về các mối quan hệ: Chiều sâu luôn quan trọng hơn chiều rộng. Chất lượng cuộc sống phụ thuộc vào chất lượng các mối quan hệ, giống như trong 5 lựa chọn quan trọng nhất cuộc đời của thầy Giản Tư Trung (chọn lẽ để sống, chọn người để lấy, chọn việc để làm, chọn thầy để học, chọn bạn để chơi), thì 3 trong số đó đến từ việc lựa chọn đúng mối quan hệ. Do đó, mặc dù là một người cởi mở, nhưng tôi luôn có tiêu chuẩn của cá nhân để lựa chọn những mối quan hệ xung quanh./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top