CEO Tôn Nữ Xuân Quyên: “Những lần thất bại là trải nghiệm vô cùng quý giá của tôi”

CEO Tôn Nữ Xuân Quyên: “Những lần thất bại là trải nghiệm vô cùng quý giá của tôi”

Thứ Sáu, 17/06/2022 - 06:09

Khởi nghiệp ở nhiều lĩnh vực khác nhau trước khi quay về với nghề truyền thống của gia đình, Tôn Nữ Xuân Quyên xem mỗi lần vấp ngã là một niềm tự hào, bởi thành công chỉ có thể xuất hiện khi đã ngấm đủ “đắng cay”.

LTS: Ngày 13/10/1945, trong bức thư động viên, đặt niềm tin và khẳng định vai trò, sứ mệnh của các doanh nhân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi các doanh nghiệp và doanh nhân cùng chung sức phát triển nền kinh tế đất nước, từ đó tạo được lòng tin và những làn sóng tích cực cho phong trào thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Gần 8 thập kỷ đã trôi qua, những khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân là người làm giàu cho đất nước vẫn còn nguyên giá trị. Ngày nay, Đảng, Nhà nước, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân vẫn đang tiếp tục nỗ lực thực hiện lời căn dặn này của Người.

Sức mạnh và vị thế của mỗi quốc gia phụ thuộc trước hết vào sức mạnh kinh tế, nòng cốt là doanh nghiệp và doanh nhân. Doanh nghiệp là tài sản quốc gia, doanh nhân là hiền tài của đất nước. Sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã có lực lượng doanh nhân hùng hậu, trong đó có nhiều doanh nhân đã trở thành niềm kiêu hãnh, phát triển bền vững, kinh doanh sáng tạo và có trách nhiệm với dân tộc. Đó là nền tảng vô cùng quan trọng để xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.

Trên tinh thần đồng hành cùng các doanh nhân, doanh nghiệp nỗ lực vượt khó, tiếp tục có những đóng góp quan trọng vào hành trình xây dựng đất nước, Reatimes khởi đăng tuyến bài "Doanh nhân và khát vọng Việt Nam khởi nghiệp".

Bài 37: CEO Tôn Nữ Xuân Quyên: “Những lần thất bại là trải nghiệm vô cùng quý giá của tôi”

Trân trọng gửi tới quý độc giả!

Là du học sinh tài chính xuất sắc trên đất Mỹ, Tôn Nữ Xuân Quyên – ái nữ của “ông vua nút áo” Tôn Thạnh Nghĩa quyết định gác lại mọi hoài bão nơi đất khách để trở về quê nhà gây dựng sự nghiệp.

Xuất thân từ gia đình có nền tảng chuyên cung cấp nút áo cho rất nhiều thương hiệu thời trang nổi tiếng thế giới, Xuân Quyên với cá tính mạnh mẽ không an phận chỉ nối nghiệp ba mẹ mà tìm ra hướng mới là các sản phẩm bút viết cao cấp với những thiết kế tỉ mỉ, khảm trai vô cùng tinh xảo.

Từ tuổi thơ được chứng kiến những nghệ nhân miệt mài tôi luyện vỏ sò trên căn gác xép nhỏ của gia đình, Xuân Quyên luôn trăn trở làm thế nào để vẫn có thể giữ được nghề truyền thống nhưng phải có cái gì đó mới mẻ và độc đáo hơn. Lấy ý tưởng nơi nét đẹp huyền bí của những con sò từ biển cả, Tôn Nữ Xuân Quyên đã khéo léo phối hợp những tinh túy trong nghề khảm trai, dựa vào tay nghề điêu luyện của những nghệ nhân tài ba và tôn giá trị của dòng sản phẩm bút ký độc bản nghệ thuật.

Những sản phẩm quà tặng cao cấp đầu tay của Xuân Quyên và các cộng sự được gửi tới hàng ngàn người dùng thử và nhận lại nhiều khen ngợi. Cũng từ đây, một Startup mang tên BLUSAIGON chính thức ra đời dưới sự dẫn dắt của nữ CEO trẻ tuổi và bản lĩnh.

Qua hơn 3 năm phát triển, đến nay BLUSAIGON đã tạo được vị thế độc nhất trên thị trường quà tặng, liên tục ghi nhận các bước phát triển tích cực và đạt nhiều giải thưởng khởi nghiệp danh giá, gọi được số vốn đầu tư nhiều tỷ đồng, lọt Top 30 Doanh nghiệp vì cộng đồng CSR Saigon Times, Top 100 SME phát triển nhanh nhất châu Á, Nữ Founder Xuất sắc nhất và Công ty khởi nghiệp được yêu thích nhất Startup Wheel 2021, Top 3 doanh nhân Phượng Hoàng.

HAI LẦN THẤT BẠI, MẤT SẠCH VỐN, VẪN QUYẾT TÂM KHỞI NGHIỆP

PV: Tuổi đời còn rất trẻ nhưng đã có tới hơn 10 năm dấn thân khởi nghiệp và chị nói rằng bản thân mình đã nếm trải nhiều “đắng cay”?

CEO Tôn Nữ Xuân Quyên: Đó là một hành trình dài, Quyên đã mong muốn làm được điều gì đó như nhiều bạn trẻ khác, nhưng nhanh chóng thất bại. Lần thứ nhất, Quyên khởi nghiệp cùng người thân vào năm 2009 khi còn đang sinh viên tại Mỹ, lập ra công ty New Era làm về tư vấn tài chính, nhưng chỉ được 6 tháng phải dừng lại.

Lần thứ hai là năm 2011 mở công ty về lĩnh vực thực phẩm, 3 năm sau đóng 3 mặt bằng, Quyên phải dành rất nhiều thời gian, công sức lên kế hoạch trả nợ. Đến hết năm 2018, Quyên bán công ty và khởi nghiệp lần 3 với BLUSAIGON. Trước đó, Quyên đã R&D cùng ba mẹ trong suốt 10 năm. Còn tại thời điểm 2018 là sản phẩm hoàn thiện nhất ra đời đủ tự tin để lập công ty.

Quyên chọn cái tên BLU vì đây là màu xanh của trời biển - nguồn sống của gia đình 25 năm với các sản phẩm từ vỏ sò. Ở tuổi 33, Quyên đã có rất rất nhiều thất bại, nhưng bản thân vẫn luôn cố gắng hết sức trong từng giai đoạn. Bây giờ nhìn lại, tôi không hối tiếc vì quãng thời gian đó mình đã được trải nghiệm, được học hỏi quá nhiều và tự hào vì không bỏ cuộc, không mất kiên nhẫn, không đánh đổi gia đình, không đổ sự nóng nảy hay thất vọng lên con cái.

PV: Ba lần khởi nghiệp và phải đối diện với không ít tình huống khó khăn, chị dựa vào điều gì để vượt qua?

CEO Tôn Nữ Xuân Quyên: Tôi đã vượt qua chính mình, im lặng học hỏi, đặt trách nhiệm cao nhất với lựa chọn của mình. Tôi không chọn con đường bỏ ngang mà trọn vẹn với công ty khởi nghiệp cũ (bán lại cho người cần). Vận hành công ty có lợi nhuận thì đơn giản hơn vận hành công ty lỗ. Vì phải luôn nghĩ cách sáng tạo, thử đường mới, hết cách này đến cách khác, tôi luyện ý chí và giữ lạc quan cho các thành viên khác. Và tôi lỗ suốt 7 năm nhưng vẫn vui với điều đó.

Trong quá trình đó cũng giúp tôi tìm thấy điểm giao nhau giữa 3 hình tròn. Điều mình đam mê chính là máu chảy trong mình về cái đẹp của những chiếc vỏ ngọc trai đã lớn lên với mình. Tôi đam mê vẻ đẹp và sản phẩm tạo tác ra từ nó, vẻ đẹp độc bản và hoàn mỹ truyền cảm hứng cho tôi và team mỗi ngày.

Tôi cũng vui khi niềm vui sáng tạo của mình đáp ứng cái xã hội cần với những sản phẩm quà tặng đẳng cấp, đại diện quốc gia Việt Nam, nâng tầm quan hệ giữa khách hàng với người quan trọng. Công việc giúp tôi thấy được niềm vui và nhận được sự ủng hộ lớn từ những người biết đến BLUSAIGON.

Mình có lợi thế đó là 25 năm kinh doanh của gia đình với đầy đủ nguồn nguyên vật liệu đã tạo nên những mối quan hệ trên khắp thế giới (Úc, Mỹ, Tahiti, Nhật Bản… là nguồn cội của những vỏ ngọc trai).

Bên cạnh đó, sự ủng hộ của mọi người còn được thể hiện qua việc mỗi vị khách yêu thích sản phẩm đã phản hồi, đóng góp cho sự hoàn mỹ của thương hiệu BLUSAIGON. Có vị khách cho tôi một list dài để nâng cấp website, có người chia sẻ với tôi chiến lược mở rộng thị trường sang châu Âu – Mỹ, có người thì ủng hộ bằng cách đến tận nơi để đặt bút, có vị khách thì góp ý về bao bì và gửi ảnh demo…

PV: Là du học sinh ưu tú tại Mỹ nhưng chị không phát triển sự nghiệp ở nước ngoài, điều gì thôi thúc chị trở về Việt Nam khởi nghiệp?

CEO Tôn Nữ Xuân Quyên: Trường BYU của tôi có câu “Đến để học, ra đi để phục vụ”, nên tôi đã đến để học thật tốt và tốt nghiệp thì chọn trở về Việt Nam. Tại đây, tôi cũng được dạy, để biết lựa chọn có đúng không hãy tự hỏi: “Nếu ai cũng chọn như mình, thì xã hội sẽ tốt hơn hay xấu đi?”. Nếu du học sinh nào cũng học giỏi, tích lũy kiến thức kinh nghiệm, rồi phục vụ cho đất nước thì tôi tin Việt Nam sẽ phát triển rất nhanh.

Tiền cũng quan trọng, nhưng tôi muốn tạo nên những giá trị tốt đẹp cùng với những người yêu thương ở quê nhà, nếu gặp khó khăn thì cùng nhau vượt qua. Tôi cũng tập cho mình nhìn thấy cơ hội trong khó khăn. Thị trường Mỹ thực chất bão hòa hơn Việt Nam. Ý tưởng cực kỳ sáng tạo và hầu như mình nghĩ ra gì thì cũng đã có người làm. Còn Việt Nam là đất nước đang phát triển, nhiều mô hình kinh doanh, nhiều sản phẩm chưa có. Minh chứng thành công như Momo – Grab – VNPay đã thay đổi thói quen của người dùng, tạo ra thị trường lớn dù mô hình này không mới ở nhiều nước.

Tôn Nữ Xuân Quyên là một doanh nhân trẻ có cá tính mạnh, sẵn sàng đối diện với những thử thách mới và luôn coi trọng giá trị truyền thống gia đình.

NẾU CÓ THẤT BẠI THÌ PHẢI ĐỨNG DẬY ĐI TIẾP

PV: Ông Tôn Thạnh Nghĩa là một doanh nhân rất nổi tiếng khi gây dựng nên thương hiệu công ty Tôn Văn. Ông có ảnh hưởng ra sao với sự nghiệp kinh doanh của chị?

CEO Tôn Nữ Xuân Quyên: Tôi lớn lên và được chứng kiến ba mẹ khởi nghiệp khi chỉ có 6 công nhân, rồi mua xe hơi đầu tiên, rồi thuê xưởng mở rộng, rồi mở nhà máy. Qua đó tôi học được sự chăm chỉ, kiên nhẫn vun đắp, và hiểu rằng thành công phải có quá trình chứ không thể “chộp giựt” mà có.

Ba tôi từng có thời gian bị thất nghiệp, sau đó ông bắt đầu đi học tiếng Nhật và khởi nghiệp lúc 35 tuổi. Nhìn vào hành trình của ba, tôi hiểu rằng chỉ cần mình có quyết tâm thì không bao giờ là quá muộn và nếu thất bại thì phải đứng dậy để đi tiếp chứ không nản chí.

Ba mẹ tôi đến nay đã gần 65 tuổi vẫn làm việc mỗi ngày và mỗi lần đi chơi đều muốn trở về sớm để làm việc. Họ đi đâu cũng chụp lại ảnh nếu có gì hay để áp dụng cho công ty, đó chính niềm vui lao động và sáng tạo. Có những lúc tôi được ba mẹ dẫn theo hỗ trợ đoàn bác sĩ và những chuyến đi từ thiện cấp 1-2-3, cùng chính sách nhân văn cho công nhân viên tại công ty (nhiều người gắn bó 20 năm). Đó chính là giá trị cho xã hội khi giúp cho cuộc sống của mình và người khác tốt hơn.

Bản thân tôi cũng ít đầu tư đất đai dù được mời nhiều. Tôi chọn lựa gắn với giá trị thay vì đánh đổi vật chất. Mọi con đường mà tôi đi đều theo triết lý kinh doanh: “Chung chạ phải chân thật, tự ái cho đúng chỗ”. Ba mẹ làm việc nhiều đối tác khách hàng cũng hơn 20 năm, tin tưởng nhau tuyệt đối. Nếu lỡ có sai là do mình còn thiếu kinh nghiệm cần rèn giũa thêm, chứ không phải do gian dối.

PV: Hành trình đã qua cho chị những bài học gì?

CEO Tôn Nữ Xuân Quyên: Tôi đúc rút được những bài học quý giá, đó là sự khiêm nhường và phải làm thật tốt ở quy mô nhỏ. Tôi từng bắt đầu đã muốn làm lớn (mở 3 mặt bằng) với số vốn hàng tỷ đồng với sự tự mãn của du học sinh có bằng xuất sắc, để rồi vỡ mộng. Ba năm sau, tôi phải bắt đầu lại với con số âm (làm lại từ đầu với con số nợ), bắt đầu lại với một mặt bằng rất khiêm tốn dễ quản lý hơn.

Tôi học được rằng phải thiết kế và duy trì bộ máy quy mô nhỏ thật nhuần nhuyễn và khác biệt, sau đó nhân rộng ra sẽ dễ dàng hơn. Chưa có quy trình, chưa tạo được khác biệt mà làm lớn thì chỉ nhân rộng thảm họa mà thôi.

Trong khởi nghiệp, tôi cũng luôn tự nhắc mình là khởi nghiệp 2 phần vốn, 3 phần tri thức, thì 5 phần ý chí. Phải ráng để không nản và thành công không có con đường tắt. Ai lỳ nhất thì người đó thắng!

Nếu bạn phụ trách kho, bạn cần kiến thức quản lý kho. Còn làm founder kinh doanh, bạn cần tất cả mọi kiến thức (tài chính, marketing, sản xuất, kho, đối nhân xử thế, đàm phán…). Bạn bị ép phải tiếp tục học liên tục vì kiến thức của bạn tới đâu thì giới hạn công ty ở đó. Cứ không giỏi mảng kiến thức nào, y như rằng tôi mất tiền lớn ở đó. Từ kinh nghiệm của tôi, các bạn trẻ hãy cẩn trọng khi bắt đầu, cần có kế hoạch chi tiết, có thể tìm chuyên gia dạy cho mình (cũng phải cẩn thận vì nhiều chuyên gia nói giỏi hơn làm).

Khó khăn tôi gặp trong giai đoạn đầu là 3 thứ đến cùng lúc. Lúc đó tôi mới lấy chồng, mất sạch vốn và lại mang thai con đầu lòng. Giai đoạn giữa, tôi nhận ra mình thiếu quá nhiều kinh nghiệm quản lý, do đó phải khiêm nhường học hỏi, tìm hết giải pháp cho công ty.

Áp lực tâm lý nhiều, tôi đặt gia đình lên hết và vai trò người mẹ với tôi thiêng liêng nên tôi chọn chăm sóc và dành nhiều thời gian cho con. Khi con thức đêm nhiều (đến thời điểm hiện tại vẫn còn), tôi vừa chăm con vừa làm việc nên chỉ làm được 4 - 5 tiếng mỗi ngày. Tôi cũng hầu như không xem TV, xem show, hay đi sự kiện hội nghị suốt nhiều năm nên cảm giác có chút chạnh lòng và lạc hậu.

Dù rất nhiều khó khăn nhưng tôi luôn giữ tinh thần lạc quan về một tương lai tươi sáng, nhất định phải tìm ra được lối đi phù hợp.

PV: Chị có nghĩ rằng những thành quả hiện tại đã là thành công trên hành trình khởi nghiệp của mình?

CEO Tôn Nữ Xuân Quyên: Quyên nghĩ là có, những ghi nhận của khách hàng và giải thưởng là dấu mốc đáng nhớ và động viên lớn cho tôi trong khởi nghiệp. Nhưng tất cả chỉ mới là sự bắt đầu. Hiện BLUSAIGON nhận được là niềm tin, sự kỳ vọng, sự đóng góp của cả dân tộc. BLUSAIGON phải nỗ lực để đáp ứng trông đợi tạo nên kỳ tích thương hiệu Việt trên quốc tế.

Tôi rất vui vì có thể chia sẻ ít nhiều kinh nghiệm và truyền cảm hứng cho nhà khởi nghiệp, đặc biệt là phụ nữ khởi nghiệp. Tôi thật sự tin tôi làm được thì nhiều người khác cũng sẽ làm được.

PV: Vừa lo cho gia đình lại vừa điều hành công ty, chị có gặp trở ngại gì không?

CEO Tôn Nữ Xuân Quyên: Thật sự là quá nhiều trở ngại. Thời gian làm việc xoay quanh lịch con ăn - ngủ - đi học. Tôi thường làm việc đến 2h sáng là rất bình thường. Có giai đoạn quá mệt, chế độ ăn uống bỏ bữa sáng rồi bữa trưa, sợ đột quỵ không còn sống mà đồng hành với team nên tôi đăng ký gấp boxing - gym. Thời gian dành cho con bị hạn chế hơn. Làm việc thì thấy tội con, mà chơi với con thì thấy tội team.

Nhưng áp lực rèn luyện cho tôi tinh thần chăm chỉ sẵn sàng làm việc 20/24 giờ không nghỉ. Tôi học được cách sắp xếp lên kế hoạch khoa học hơn cho công ty, cho gia đình.

Tôi dùng ứng dụng như Google Calendar và Asana, mỗi ngày dạy tôi đều xem list việc cần làm, hoàn thành việc nào đánh dấu xong ngay. Trước khi đi ngủ tôi sẽ xem lại và dời việc chưa làm sang thời gian hợp lý hơn. Điều quan trọng nữa là tôi tập tha thứ cho chính mình và rút kinh nghiệm triệt để qua những va vấp, hạ kỳ vọng xuống để vẫn giữ sự tự tin.

PV: Giai đoạn đối mặt với Covid-19 vừa qua, chị đã xây dựng lộ trình ứng phó với biến cố ra sao?

CEO Tôn Nữ Xuân Quyên: Là Startup trong ngành hàng cao cấp (không phải thực phẩm thiết yếu), quà tặng nên bị ảnh hưởng ngay. Lúc đó, tôi áp dụng ngay giải pháp 3 tại chỗ: Team tăng tính teamwork, tận dụng thời gian rảnh để đào tạo và sắp xếp lại công ty từ online website nâng cấp đến offline. Tôi chủ động đăng ký ngay vắc-xin tiêm ngừa để công ty được tiêm chủng vào tháng 7 rồi tháng 10 vừa đúng thời gian mở cửa kinh tế là công ty tôi cũng sẵn sàng “thẻ xanh” để nhập cuộc.

Qua đó tôi và team cũng nhìn thấy cơ hội trong khó khăn. Cái gì cũng vậy, khó người thì khó ta, khó mới đến lượt mình. Nên tôi cùng nhân viên tìm cơ hội trong khó khăn. Đó là cuộc thi trong dịch đôi khi ít cạnh tranh hơn, có thể đó là điều tạo nên thành công rất nhiều giải thưởng BLUSAIGON chỉ trong năm 2021.

Trong dịch bệnh, nguồn cung quà tặng cao cấp không thể xuất nhập khẩu, nhiều công ty rời khỏi thị trường, qua đó nhu cầu về quà tặng sẽ tăng, khách hàng sẽ tìm đến công ty còn sống sót trên thị trường trong và sau mùa dịch. Thực tế đã đúng như vậy. Khách hàng có nhiều thời gian online và tư vấn hơn qua mùa dịch. Chúng tôi tăng cường nâng cấp website, fanpage, dịch vụ chăm sóc.

"NẾU CÓ KHÁT VỌNG, CẢ DÂN TỘC SẼ ÙA VÀO GIÚP BẠN THỰC HIỆN ƯỚC MƠ"

PV: Chị nhận thấy khởi nghiệp trong giai đoạn hiện nay có thách thức, thuận lợi ra sao?

CEO Tôn Nữ Xuân Quyên: Thách thức đó là ít sự hỗ trợ. Điều này có thể thấy rõ trong đại dịch khi doanh nghiệp phải tự bơi 99%, lúc đóng lúc mở cửa. Doanh nghiệp được yêu cầu phải linh hoạt, sau khi hết dịch thì lương tối thiểu bắt buộc tăng. Thực chất thị trường cung cầu quyết định và doanh nghiệp sẽ luôn hỗ trợ nhân viên giữ người, nhưng việc yêu cầu tăng sau mùa dịch cho thấy sự bất hợp lý. Rồi giá xăng và lạm phát lên cao ngất ngưởng. Sự hỗ trợ từ cá nhân tổ chức cũng có qua các cuộc thi khởi nghiệp hay trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp BSSC, nhưng còn ít.

Người ta bắt đầu với ý chí và tiền, khát vọng giải quyết một nhu cầu trong xã hội, nhưng cuối cùng phá sản thì buồn lắm. Trong khi đó vay ngân hàng thì không thực tế. Nhất là thời gian qua việc vay sản xuất kinh doanh khó khả thi nếu không có bất động sản thế chấp. Điều này do ảnh hưởng gián tiếp từ cơ chế dành cho bất động sản, việc quản lý lỏng lẻo, chính sách không rõ ràng, ủng hộ dân đầu cơ đất nhiều. Có thể thấy người giàu nhất đều gốc bất động sản, còn sản xuất phải căng não lo lắng cho nhân viên, cho xã hội, kiếm từng mớ rau. Cả năm làm không bằng một lần chuyển nhượng đất.

Như vậy Startup phải đối mặt với rất nhiều áp lực. Giữa một bên là lo cho chính mình phải khỏe, một bên lo cho xã hội và những người yêu lao động nhưng không được hỗ trợ, vậy thì bạn chọn cái nào? Bạn có đủ dũng cảm chọn không khi có muôn vàn khó khăn ập đến? Do đó đã quyết định làm Startup thì hãy thực tế, dám nhìn thẳng.

Thực tế mới đây cho thấy chính sách giữ nhân tài đã thất bại vì nhiều du học sinh, nhà khoa học về nước làm việc nhưng 4/6 bỏ cuộc vì chính sách không tốt. Trong khi đó, Việt Nam đang có nhiều cơ hội phát triển, nhiều mô hình và sản phẩm chưa có, nhiều cơ hội phát triển và chúng ta có thể trở thành người dẫn đầu trong một lĩnh vực nào đấy. Cơ hội này có thể không còn xuất hiện sau 5 năm nữa. Nguồn lao động người trẻ Việt Nam tri thức, linh hoạt mở với công nghệ. Nhiều chính sách còn mập mờ, nhưng không rõ ràng lại tạo cơ hội cho những người biết tận dụng chính sách phát triển. Do đó, để giữ được nhân tài thì tôi nghĩ Nhà nước nên cải tiến và có sự thay đổi hợp lý hơn.

PV: Chị có lời khuyên gì cho các bạn trẻ đang nung nấu ý tưởng khởi nghiệp?

CEO Tôn Nữ Xuân Quyên: Tất cả Startup hãy tự hào vì chúng ta đều đang nỗ lực đóng góp cho kinh tế Việt Nam bằng trí tuệ, không phải đầu cơ, nên đừng bỏ cuộc! Chúng ta phải lỳ. Chúng ta thà mất hết chứ đừng mất niềm tin. Tinh thần khởi nghiệp là tinh thần bắt đầu lại rồi bắt đầu lại lần nữa, bắt đầu nhỏ rồi nhân rộng lớn – thế giới luôn có nhiều vấn đề để giải quyết.

Khi khởi nghiệp không tránh khỏi cảm giác phải đi một mình và rất cô đơn, nhưng đừng buồn vì sẽ sớm tìm được những người đồng chí hướng chia sẻ cả về vật chất và tinh thần. Chúng tôi đã kết nối với các quỹ đầu tư từ các sự kiện cuộc thi trong và ngoài nước. Sự nỗ lực không nghỉ của chúng tôi những năm qua đã tạo được chỗ đứng nhất định trên thị trường, được khách hàng ở trong và ngoài nước ủng hộ, trong số đó phần lớn là cộng đồng người Việt. Tôi tin rằng, nếu có đủ khát vọng, cả dân tộc sẽ ùa vào giúp các bạn thực hiện ước mơ!

Việc kiên trì với doanh nghiệp mình nhiều năm sẽ giúp bạn hoàn thiện tri thức, kỹ năng của mình. Khi nhìn lại bạn thấy học hỏi được nhiều lắm. Tôi đã từng thất bại và tôi nghĩ không có gì đáng tự hào, nhưng giờ nhìn lại đó là sự tự hào nhất của tôi.

Chúc Xuân Quyên và BLUSAIGON có thêm nhiều thành công rực rỡ thời gian tới!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top