Lên Yên Tử từ phía Tây
Lối lên Tây Yên Tử giờ đã mở ra như thế, đầy ắp những ký ức về tín ngưỡng tôn giáo, ký ức lịch sử, văn hóa… trải dài trong một vùng đất cổ xưa được khám phá lại, gặp đúng dịp nắng ấm phát triển đã lên để soi tỏ, hứa hẹn rồi sẽ sống động và gần gũi với nhiều bước chân của thời mới.
Bao nhiêu năm nay, đi thăm núi Yên Tử, mọi người đều đến từ phía Đông, là con đường ngoài biển đi vào, nơi thành phố Uông Bí. Con đường ấy dập dìu du khách, tấp nập xe cộ, bắt đầu từ độ xuân về hàng năm, đã quá quen thuộc với chúng ta.
Yên Tử thành trung tâm của Phật giáo nước ta từ khi vua Trần Nhân Tông rời bỏ ngai vàng, khoác áo tu hành, tìm đến những hạnh ngộ thanh tịnh sau khi truyền ngôi cho thái tử Trần Thuyên. Vị hoàng đế thứ ba của nhà Trần rất đỗi anh minh, tài đức vẹn toàn ấy, lúc 20 tuổi lên làm vua đến năm 35 tuổi, đã có công lớn với đất nước trong các cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông và mở mang cương thổ Đại Việt, góp phần dựng nên một triều đại lừng lẫy Hào khí Đông A, kéo dài 175 năm.
Song song với công tích ấy, Người đã bền tâm lập nên một dòng Phật giáo riêng của Việt Nam, là dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử, trở thành vị tổ thứ nhất với pháp danh Điều Ngự Giác Hoàng. Người tiếp thu những giáo lý căn cốt của đạo Phật nhưng có nhiều cải biến với tinh thần nhập thế. Trong thời gian tu hành, khi đất nước xuất hiện những nguy cơ do giặc giã đem đến thì người lại nhập thế để điều hành chính sự, thậm chí còn trực tiếp cầm quân đánh giặc. Giặc tan, thượng hoàng lại lên núi đắm chìm vào kinh sách mà tìm ra những nghĩa lý mới. Chính vì những yếu tố tổng hòa này mà Thiền Phái Trúc Lâm và địa danh núi Yên Tử nhiều đời nay hấp dẫn Phật tử cùng chúng sinh trong cả nước tìm đến…
Yên Tử là một dãy núi nằm trên cánh cung Đông Triều, phía Đông thuộc tỉnh Quảng Ninh, phía Tây thuộc tỉnh Bắc Giang. Đi Yên Tử, người ta thường dậy từ sáng rất sớm, đến chân núi là vừa lúc nắng lên. Leo núi đến giữa trưa thì mới tới đỉnh Bạch Vân Sơn, đứng trên sân chùa Đồng phóng tầm mắt nhìn ra phía biển mênh mông. Tôi đã đứng ở đấy, đôi lần ngoảnh sang phía Tây, hỏi thì được trả lời, phía ấy là đất của huyện Sơn Động. Chập chùng xanh thẳm mờ ảo trong mây trắng bảng lảng trải dài xa xăm, huyền bí, lạ lẫm.
Đọc sách thì biết, chính ở cái phía xa xăm huyền bí ấy mới là nơi lưu giữ những dấu chân trên con đường khai mở hoàng dương Phật pháp của các vị Sơ tổ do Trần Nhân Tông dẫn đầu lần hồi từ những ngày nào xa xưa...
Đã nghĩ, không biết bao giờ mình mới được đi đến Yên Tử từ phía Tây theo con đường hoàng dương ấy. Vậy mà rất nhanh, cuối năm 2019, có tin thành lập thị trấn Tây Yên Tử ở dưới chân núi ấy. Một thị trấn mới thuộc huyện miền núi Sơn Động, Bắc Giang. Và một lối lên Tây Yên Tử được mở ra khi hoàn thành con đường tỉnh lộ hoành tráng, xe chạy êm ru, được mệnh danh là "Con đường tâm linh" nối từ thành phố Bắc Giang, qua Mai Sưu, Lục Nam đi lên Sơn Động. Cái tên Mai Sưu, Lục Nam gắn với ký ức của những năm tháng chúng ta gồng mình chống lại cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của máy bay Mỹ. Những đia danh ấy là những trung tâm sơ tán lớn.
Con đường này chạy lên tới Sơn Động rồi lại nối với lối vòng về huyện Lục Ngạn có núi Am Ni với chùa Am Vãi ngự trên đỉnh cao, nhìn xuống là thấy bạt ngàn đồi vải chín đỏ khi vào mùa thu hoạch.
Từ thành phố Bắc Giang, xe chạy một chặp ngắn đã tới chùa Vĩnh Nghiêm, nơi có các mộc bản di sản. Ngày xưa, các vị tu hành đi từ Thăng Long lên Yên Tử thường hay dừng nghỉ ở chùa này, rồi mấy hôm sau mới đi tiếp. Giờ thì chỉ vào vãng cảnh một chút rồi lên xe, nắng vừa lên thì tới chùa Trình, chùa Yên Hạ dưới chân Tây Yên Tử. Vào chùa dâng hương, bước ra trong một không gian im vắng, thoáng đãng. Màu xanh trên núi, dưới đồng ngút mắt, gió thổi mát lành.
Đứng dưới cống tam quan chùa Hạ, nhìn lên đỉnh Yên Tử, mây cuộn trắng, rùng rùng bay rồi lại tụ. Người ta bảo ở đây lúc nào cũng thế. Hiếm hoi gặp khi nào quang mây, nắng rõ, thì nhìn thấy được chùa Đồng trên đỉnh núi cao.
Đã kịp thấy có một đường cáp treo mới xây dựng, ngắn thôi, để vượt núi lên sân bái chùa Đồng. Hôm chúng tôi đến, chưa định đi thử lên bằng cáp treo, đang đứng dưới sân chùa Trình, thì gặp đúng lúc nắng lên rực rỡ nhất trên Tây Yên Tử, trời bỗng vén gọn mây lên để lộ ra một khoảng không và chùa Đồng hiển lộ uy nghi trong một thoáng chốc...
Ở cổng tam quan sân chùa Trình, có bốn câu thơ đề dọc bốn cột trụ:
Ở đời vui đạo hãy tùy duyên,
Đói đến thì ăn, mệt ngủ liền.
Trong nhà có báu thôi tìm kiếm,
Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền.
Bốn câu này dịch từ bài thơ tứ tuyệt "Cư trần lạc đạo" của Trần Nhân Tông, nguyên văn như sau:
Cư trần lạc đạo thả tùy duyên.
Cơ tắc xan hề, khốn tắc miên.
Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch,
Đối cảnh vô tâm mạc vấn Thiền.
Bài thơ tỏ rõ triết lý sống thuận nhuận đạo với đời, mỗi con người đều có sẵn Phật tính như trong nhà ai cũng đã có của báu đừng tìm kiếm nữa. Đây là đỉnh cao tư tưởng được diễn giải hết sức giản dị để vị Phật hoàng vun đắp nên sức sống của Thiền Phái, là ý nghĩa tôn giáo nhập thế, đồng hành cùng với đời. Nhìn thấy chùa Đồng rồi, hiểu lạc đạo rồi, chúng tôi không lên núi nữa, mà cư trần, rong ruổi thăm thú dưới đời thôi.
Vùng đất này tên làng toàn là độc âm. Hỏi có gì hay, anh bạn người ở đây dẫn chúng tôi đi, sảng khoái đọc to: "Cơm ngon làng Néo/ Gái khéo làng Nòn/ Đông con làng Rỏn!". Thế thì đi chơi mà tìm ra ý nghĩa.
Làng Néo có cơm ngon là bởi làng ấy hiếu khách. Bất kể ai đã đến làng này, đều được tiếp đón như khách quý. Đồ ăn thì luôn sẵn gà đồi, dúi núi, cá suối, lợn nương... Chế biến lại khéo. Tất nhiên đấy là xưa thôi. Bây giờ đến thì phải đặt, phải trả tiền. Nhưng giá thì rất rẻ. Nhưng người đón thì vẫn ân cần...
Gái khéo làng Nòn là bởi con gái làng này rất đẹp, đôi mắt long lanh và... đa tình. Anh bạn bảo, tên làng ngày xưa khác cơ, không phải nờ thấp, mà là lờ cao, không hiểu tại sao lại bị đổi ra như thế, chả hiểu có đúng không?
Làng Rỏn có vực Tròn nước đầy, ấm áp, cỏ rôm mọc lia thia trùm mép vực. Giữa vực dập dềnh một hòn đá lạ lùng. Đàn bà lấy chồng mà thờ ơ hoặc lâu có con thì ra vực tắm, sắm cái gậy bằng gỗ chọc vào khe hòn đá, thấy nước ấm vọt lên, vợ chồng lại thắm thiết và sớm có con. Có một dạo, gái làng Rỏn sinh nhiều con quá, người ta liền đổ ra, đắp chặn, tát cạn, đào sâu lòng vực, hạ hòn đá ấy xuống, lấp kín đi. Hòn đá mất dấu đi, nhưng huyền thoại thì vẫn còn ở đó.
Lối lên Tây Yên Tử giờ đã mở ra như thế, đầy ắp những ký ức về tín ngưỡng tôn giáo, ký ức lịch sử, văn hóa… trải dài trong một vùng đất cổ xưa được khám phá lại, gặp đúng dịp nắng ấm phát triển đã lên để soi tỏ, hứa hẹn rồi sẽ sống động và gần gũi với nhiều bước chân của thời mới.