Aa

Liên danh Hudland - Thăng Long chưa được giao làm chủ đầu tư

Thứ Hai, 23/03/2020 - 06:26

Dù UBND tỉnh Bắc Ninh chấp thuận về mặt chủ trương cho liên danh HUDLand nghiên cứu khảo sát thực hiện dự án sân golf “khủng” cạnh sông Đuống, nhưng cho đến nay câu chuyện vẫn chỉ nằm trên giấy…?!

Nhiều Bộ, ngành chưa đồng tình.

Ngày 31/12/2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có công văn số 7601/BTNMT-KHTC gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham gia ý kiến về chủ trương đầu tư dự án Sân golf quốc tế Thuận Thành tại xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.

Qua đó, dự án này dự kiến thực hiện với quy mô 18 lỗ, diện tích sử dụng đất khoảng 98ha. Dự án cần làm rõ việc đảm bảo các nguyên tắc chung về quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra, đảm bảo theo quy định tại Khoản 3, 6, 7 Điều 3 Luật Tài nguyên nước và Khoản 1 Điều 5 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch; phù hợp với hành lang bảo vệ nguồn nước theo quy định tại Nghị định số 43/2015/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ quy định lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước.

Vị trí sân Golf quốc tế Thuận Thành tại xã Đình Tổ - Thuận Thành - Bắc Ninh

Theo ông Nguyễn Tiến Tài, Giám đốc Sở Xây dựng Bắc Ninh thì việc triển khai xây Dự án xây dựng sân golf tại xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành phải được Bộ Kế hoạch và đầu tư (KH&ĐT) thẩm định trình Thủ tướng cho phép. Dù báo cáo đánh giá tác động môi trường (TĐTM) đã được Bộ TN&MT phê duyệt nhưng hiện tại, liên danh này vẫn chưa được giao làm chủ đầu tư: " Dự án này mắc mấy năm nay vì vướng Luật Đầu tư và Luật Môi trường. Theo quy trình thì Bộ KH&ĐT thẩm định trình Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư và lấy ý kiến từ các bộ, ngành. Sau đó mới tổ chức lập quy hoạch chi tiết trình Sở Xây dựng thẩm định rồi trình UBND tỉnh phê duyệt” - Giám đốc Sở Xây dựng Bắc Ninh thông tin.

Mặt khác, tại văn bản số 959/BTC-ĐT ngày 31/1/2020 của Bộ Tài chính gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư Dự án sân golf quốc tế Thuận Thành đã đưa ra những cảnh báo khi khoản nợ phải trả của Liên danh nhà đầu tư chiếm gần 50% tổng cộng nguồn vốn, mà trong đó chủ yếu là nợ ngắn hạn.

Cụ thế, việc đầu tư, kinh doanh của cả 2 doanh nghiệp chủ yếu dựa trên nguồn vốn vay, trong khi doanh nghiệp đang phải thực hiện các nghĩa vụ thanh toán công nợ lớn, đang bị chiếm dụng vốn lớn dẫn đến nhiều nguy cơ rủi ro trong việc thực hiện nghĩa vụ theo cam kết đảm bảo huy động vốn đầu tư thực hiện dự án này.

Theo hồ sơ gửi kèm, nhà đầu tư dự kiến phương án tài chính với cơ cấu vốn chủ sở hữu 159,4 tỷ đồng (chiếm 20% tổng vốn đầu tư); vốn vay và huy động 637,6 tỷ đồng (80% tổng vốn đầu tư) để thực hiện dự án.

Qua các tài liệu báo cáo tài chính kiểm toán của 2 công ty (liên danh nhà đầu tư), tại thời điểm 30/6/2019 được biết, vốn chủ sở hữu của Công ty Hudland là 418 tỷ đồng (trong đó, vốn góp của chủ sở hữu là 200 tỷ đồng là cổ phiếu phổ thông có quyền biểu quyết, quỹ đầu tư phát triển là 80,8 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 137,2 tỷ đồng). Tài sản ngắn hạn là 641,7 tỷ đồng, trong đó tiền và các khoản tương đương tiền là 79,5 tỷ đồng hàng tồn kho và phải thu ngắn hạn, chiếm 85,8% tài sản ngắn hạn, trong đó hàng tồn kho là 117,6 tỷ đồng, các khoản phải thu ngắn hạn khoảng 433,03 tỷ đồng (trong đó có khoản cho Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (là công ty góp vốn chủ sở hữu) vay số tiền 120 tỷ đồng với mức lãi suất tính lãi là 10%/năm). Nợ phải trả là 359,6 tỷ đồng trong đó nợ phải trả ngắn hạn là 314,27 tỷ đồng (chiếm 87,4% nợ phải trả); Nợ phải trả dài hạn là 45,4 tỷ đồng; bất động sản đầu tư là 78 tỷ đồng.

Hiện tại các khoản nợ ngắn hạn và khoản phải thu của Công Ty cổ phần đầu tư và phát triển BĐS  Hudland tương đối lớn, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Như vậy việc đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp chủ yếu dựa trên nguồn vốn vay, trong khi Công ty đang phải thực hiện các nghĩa vụ thanh toán công nợ lớn (nợ phải trả chiếm gần 50% tổng cộng nguồn vốn, trong đó chủ yếu là nợ ngắn hạn). Một dấu hỏi lớn được đặt ra, liệu rằng việc thực hiện nghĩa vụ theo cam kết đảm bảo huy động vốn đầu tư thực hiện dự án có nhiều rủi ro?

Không những thế, các khoản nợ ngắn hạn và khoản phải thu của Công ty Hudland tương đối lớn cho thấy Công ty đang bị chiếm dụng vốn, khả năng thanh toán của Công ty phụ thuộc lớn vào công tác thu hồi công nợ và công tác bán hàng tồn kho, có thể ảnh hưởng đến dòng tiền để thực hiện Dự án.

Ngoài việc đầu tư cho tài sản cố định, đầu tư hoạt động tài chính kinh doanh, vốn chủ sở hữu của Công ty Hudland còn phải tiếp tục đầu tư cho các dự án dang dở. Song, hồ sơ Công ty Hudland cũng chưa thuyết minh rõ đơn vị sử dụng vốn góp để thực hiện Dự án này hay kinh doanh các ngành nghề khác. Vì vậy, chưa có cơ sở để xem xét, đánh giá về năng lực tài chính của Công ty Hudland.

Nguy cơ ô nhiễm nguồn nước, vi phạm luật đê điều

Theo khảo sát của nhóm PV chiều ngày 21/03/2020 trên khu đất này, nhiều người dân cũng cho biết, thông tin chủ trương của dự án này đã được nghe từ lâu. Nhưng người dân cũng như chính quyền địa phương chưa nhận được một văn bản thông báo nào chính thức về dự án Sân golf quốc tế Thuận Thành.

Một số người dân cho biết, việc hình thành và đưa sân golf đi vào sử dụng, chủ đầu tư cần phải công khai, minh bạch hóa thông tin để người dân được nắm rõ. Nguồn nước cũng là một yếu tố rất quan trọng và trong hoạt động của dự án có ảnh hưởng đến môi trường hay không?

Không những thế, dự án này nằm không xa sông Đuống nên việc ảnh hưởng đến môi trường sinh thái mặt nước sông là không thể tránh khỏi. Đồng quan điểm trên, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, thủy lợi… cho biết, Dự án sân golf quốc tế Thuận Thành do Liên danh Công ty cổ phần đầu tư và phát triển bất động sản HUDLAND và Công ty cổ phần tư vấn và thương mại Thăng Long nếu được triển khai xây dựng tại khu đất bãi ven sông Đuống sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và ô nhiễm nguồn nước, bởi trong quá trình hoạt động, sân golf sẽ cần một lượng lớn hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật để chăm sóc cỏ bề mặt sân golf.

Cũng theo các chuyên gia, nếu xây sân golf cạnh sông Đuống thì không chỉ là việc nguồn nước bị ô nhiễm do hóa chất trong quá trình hoạt động của sân golf mà rất có thể có nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh nguồn nước. Bởi trước đó, nguồn nước sạch sông Đà bị ô nhiễm khiến hàng ngàn hộ dân Thủ đô bị ảnh hưởng thì nguồn nước sạch sông Đuống đã được sử dụng để giải quyết cho đời sống của người dân Hà Nội.

Mặt khác, tại văn bản số 06/BNN-KH của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ra ngày 02/01/2020 gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư có nêu rõ: “Cần cập nhật số liệu mới nhất về diện tích đất khu vực dự kiến xây dựng sân golf và bổ sung hiện trạng sử dụng đất nông nghiệp trong khu vực dự án; bổ sung phương án chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp theo các quy định hiện hành.”; Đồng thời: “…đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư có ý kiến để UBND tỉnh Bắc Ninh rà soát nội dung đề xuất dự án, đảm bảo phù hợp thực hiện dự án với quy định pháp luật và các văn bản liên quan đến đê điều, phòng chống lũ.”

GS. TS. Vũ Trọng Hồng – nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi (nay là Bộ NN&PTNT) cho rằng không được làm công trình ở đó bởi sông Đuống hiện nay đang cung cấp nguồn nước sạch cho tỉnh Bắc Ninh, thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận. Thêm vào đó, để duy trì hoạt động của sân golf cần rất nhiều hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật để chăm sóc cỏ, những hóa chất này sẽ ngấm xuống nguồn nước ngầm, nước mặt sông Đuống rất nguy hiểm. Việc xây dựng các công trình phụ trợ tại đây cũng sẽ cản trở việc thoát lũ, vi phạm Luật Đê điều.

Toàn bộ diện tích nằm trong dự án đang được các hộ dân trồng cây hoa màu, nuôi trồng thuỷ sản và VAC. (Ảnh: Quốc Huy)
Dự án nằm tại vị trí đắc địa cạnh sông Đuống, cách Trung tâm Hà Nội khoảng 20 km. (Ảnh: Quốc Huy)
Vị trí dự án là nơi giao thoa rất nhiều quần thể di tích tâm linh  quốc gia tại địa phương như: Lăng Kinh Dương Vương, Chùa Bút Tháp, Chùa Dâu... (Ảnh: Quốc Huy)

Có thể thấy, điều mà các chuyên gia về môi trường lo ngại sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm, nước mặt sông Đuống – nguồn cung cấp nước sạch cho tỉnh Bắc Ninh, Thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận khi sân golf này đi vào hoạt động là hoàn toàn hợp lý bởi trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường, dự án Sân golf quốc tế Thuận Thành nêu rõ dự kiến sẽ sử dụng: Các thuốc trừ sâu: Thiamethoxam (diệt trừ sâu đất, liều lượng sử dụng 25 - 80g/ha), Amabel (diệt trừ sâu ăn lá), Fermethil (trị ruồi, muỗi, dán); Các thuốc trừ bệnh: Azoxystrobin, Metalaxyl M (diệt đốm nâu, đốm xám, héo rũ tàn lụi, Liều lượng sử dụng Azoxystrobin 0,3 - 0,4g/ha; Metalaxyl M 30 - 45g/ha) và Daconil 75WP 15gr. Cùng với đó là thuốc trừ cỏ Trifloxysulfuron sodium (min 89%) với liều sử dụng25g/ha. Theo Liên danh nhà đầu tư, thuốc diệt cỏ dại 2 tháng/lần; thuốc trừ sâu 2 tháng/lần; thuốc bệnh 1 tháng/lần. Tổng khối lượng thuốc BVTV (gồm thuốc diệt nấm và thuốc trừ sâu) sử dụng cho sân golf khoảng 100kg/năm. Lượng phân bón sử dụng cho sân golf (gồm phân ure, phân NPK) với khối lượng khoảng 50 tấn/năm.

Thực tế, một sân golf 18 lỗ sử dụng khoảng 1,5 tấn hóa chất (cao gấp 3 lần so với cùng diện tích đất nông nghiệp). Trong khi đó, Dự án sân golf quốc tế Thuận Thành với thiết kế 27 lỗ nếu được đưa vào sử dụng thì lượng hóa chất sử dụng sẽ rất lớn. Trong đó, có các chất như axit silic, oxit nhôm và ô xít sắt (tác nhân gây ung thư), Acrylamide là chất cực độc với sinh vật và con người – đương nhiên, tất cả các hóa chất này có thể ngấm xuống đất, vào nước ngầm,…


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top