Ngày 15/4, Bộ Xây dựng đã ban hành quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án cao tốc Dầu Giây – Tân Phú (giai đoạn 1) theo phương thức đối tác công tư (PPP). Liên danh trúng thầu là Công ty cổ phần Đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh và Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải.
Tập đoàn Sơn Hải là nhà thầu thực hiện nhiều dự án cao tốc lớn như Mai Sơn - Quốc lộ 45, Nghi Sơn - Diễn Châu, Nha Trang - Cam Lâm… Đặc biệt, lãnh đạo doanh nghiệp từng gây chú ý khi cam kết bảo hành 10 năm cho các tuyến cao tốc do Sơn Hải thi công.

Liên danh trúng thầu cao tốc Dầu Giây - Tân Phú là Công ty cổ phần Đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh và Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải. Ảnh minh họa
Dự án cao tốc Dầu Giây – Tân Phú là đoạn đầu tiên trong toàn tuyến cao tốc Dầu Giây – Liên Khương, có vai trò kết nối TP. HCM với TP. Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng). Tuyến đường có chiều dài hơn 60km, điểm đầu tại nút giao với Quốc lộ 1, kết nối với cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây (thuộc thị trấn Dầu Giây, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai). Điểm cuối tại Km 60+243,83, tiếp giáp dự án cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc (thuộc xã Phú Trung, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai).
Giai đoạn 1 của dự án được thiết kế với quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m, vận tốc thiết kế 100km/h. Tổng mức đầu tư hơn 8.490 tỷ đồng, trong đó vốn do nhà đầu tư huy động khoảng 7.190 tỷ đồng, phần còn lại là vốn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước khoảng 1.300 tỷ đồng.
Căn cứ kết quả phê duyệt, Bộ Xây dựng đã giao Ban Quản lý dự án Thăng Long hoàn thiện dự thảo hợp đồng theo hồ sơ mời thầu và các quy định pháp luật hiện hành. Sau đó, hợp đồng sẽ được trình Cục Đường bộ Việt Nam để tổ chức thương thảo, đàm phán với nhà đầu tư. Trên cơ sở đó, Ban Quản lý dự án Thăng Long sẽ hoàn thiện hợp đồng chính thức, trình Cục Đường bộ ký kết và triển khai thực hiện.

3 đoạn của cao tốc Dầu Giây - Liên Khương. Ảnh: Trần Nam
Trước đó, Bộ Xây dựng cũng đã có công điện yêu cầu Ban Quản lý dự án Thăng Long khẩn trương hoàn tất các thủ tục để khởi công dự án trong tháng 5/2025.
Cao tốc Dầu Giây – Tân Phú là mắt xích đầu tiên trong toàn tuyến cao tốc Dầu Giây – Liên Khương, gồm ba đoạn: Dầu Giây – Tân Phú, Tân Phú – Bảo Lộc và Bảo Lộc – Liên Khương. Khi toàn tuyến được hoàn thiện, thời gian di chuyển từ TP.HCM đến Đà Lạt sẽ được rút ngắn từ 6–7 giờ xuống chỉ còn khoảng 3 giờ.
Không chỉ giúp rút ngắn hành trình, tuyến cao tốc còn góp phần giảm tải cho Quốc lộ 20, tuyến đường hiện tại thường xuyên quá tải và ùn tắc, đặc biệt vào các dịp cao điểm du lịch. Đồng thời, dự án được kỳ vọng sẽ tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, logistics, vận chuyển hàng hóa và du lịch cho toàn khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.