Aa

Liên kết doanh nghiệp thúc đẩy kinh tế trọng điểm Bắc bộ

Thứ Tư, 01/01/2020 - 14:49

Theo các chuyên gia, liên kết doanh nghiệp không chỉ là kết nối mà còn là tương tác với nhau, sáp nhập và hội nhập quốc tế để thúc đẩy kinh tế trọng điểm phía Bắc nói riêng, kinh tế cả nước nói chung phát triển bền vững.

Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ phát triển tăng tốc

Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ gồm 7 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh và Vĩnh Phúc. Đây đều là những tỉnh, thành phố có tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là thương mại. Phát triển thương mại vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế, thương mại của miền Bắc cũng như đối với cả nước.

Theo số liệu thống kê tình hình kinh tế cho thấy, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ đang có sự phát triển tăng tốc so với cả nước. Mặc dù nhiều chỉ tiêu của vùng vẫn đứng sau vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nhưng xét về tốc độ tăng trưởng thì cao hơn.

Trên thực tế, tốc độ tăng trưởng GRDP (giá so sánh 2010) bình quân 3 năm 2016 - 2018 của vùng đạt 9,08%, cao nhất trong số 4 vùng và vượt mục tiêu đề ra tại Quyết định số 198 cho cả giai đoạn 2016 - 2020 (9%).

Tuy nhiên, tổng GRDP của vùng đến năm 2018 chiếm tỷ trọng khoảng 31,73% GRDP của cả nước và chiếm 35,52% GRDP của 4 vùng kinh tế trọng điểm, vẫn đứng thứ hai sau vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (45,42%). Trong đó Hà Nội dẫn đầu toàn vùng đóng góp 16,96% về GRDP cả nước.

Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của vùng năm 2018 đạt hơn 846.000 tỷ đồng, tăng 8,38% so với năm 2017, chiếm 19,17% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của cả nước. Giai đoạn 5 năm (2014 - 2018), tổng mức của vùng tăng bình quân 10,74%.

GRDP bình quân đầu người của vùng cũng tăng từ 4,164 USD năm 2016 lên 4,813 USD năm 2018, gấp 1,86 lần so với mức trung bình cả nước và đứng thứ hai sau vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Phấn đấu đến năm 2020, vùng sẽ vượt mục tiêu đề ra tại Quyết định số 198/QĐ-TTg (5,500 USD).

Bên cạnh đó, hiện tại hạ tầng thương mại phát triển với sự gia tăng nhanh của các loại hình thương mại hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại, góp phần làm thay đổi diện mạo ngành thương mại của vùng và của cả nước nói chung, điểm hạn chế là chưa có sự phân bố đồng đều…

Tuy nhiên, tại Diễn đàn kinh tế Bắc bộ lần thứ nhất, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, khu vực kinh tế trọng điểm Bắc Bộ vẫn còn tồn tại một số hạn chế, khó khăn như: Chưa phát huy hiệu quả các lợi thế, tiềm năng; sức cạnh tranh còn hạn chế; liên kết vùng còn hình thức và chưa đi vào thực chất; xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch chưa được chú trọng…

Toàn cảnh Diễn đàn kinh tế Bắc bộ lần thứ nhất

Doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế vùng

Nhìn nhận lại những thành tựu và hạn chế trong giai đoạn tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc thời gian qua, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng: Ngoài hạ tầng cứng, xây dựng cơ chế, chính sách thuận lợi, thông thoáng, ổn định và phù hợp với đặc thù của vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ có thể được coi là "mở đường cao tốc", tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững, thực hiện sứ mệnh dẫn dắt, tác động lan tỏa đến các vùng khác trong cả nước.

Để phát huy hơn nữa lợi thế của khu vực, ngoài vấn đề đánh giá cơ hội, phân bổ nguồn lực đầu tư, quan trọng nhất phải có sự thúc đẩy kết nối giữa các doanh nghiệp trong cộng đồng kinh tế vùng. Đây là hoạt động cần thiết bởi điều đó sẽ giúp vùng tìm được hướng đi, gia tăng sức ảnh hưởng và hướng đến tính hiệu quả lan tỏa đầu tư của vùng trọng điểm. Từ đó, thúc đẩy liên kết giữa các vùng kinh tế mạnh hơn nữa, hướng đến mở rộng các quan hệ kinh tế liên vùng và quốc tế là vô cùng quan trọng.

Cũng bàn về vấn đề liên kết, ông Nguyễn Hồng Long, Phó Trưởng ban chuyên trách Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp chỉ ra những hạn chế trong vấn đề này: "Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của các tỉnh trong vùng chưa đồng đều, trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ có 2 tỉnh nằm top 10 và 5 tỉnh nằm top 20 và top cuối.

Ông Nguyễn Hồng Long, Phó Trưởng ban chuyên trách Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp 

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn khó tham gia vào chuỗi sản xuất của các doanh nghiệp FDI. Với doanh nghiệp trong nước, tính liên kết của các doanh nghiệp trong khu vực vẫn mang tính địa phương, quy mô nhỏ. Đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực logistics, công nghệ còn lạc hậu, hiệu quả còn thấp, chi phí logistics vẫn ở mức cao. Trong khi đó, chiến lược phát triển ngành nghề cho khu vực vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ cũng còn thiếu…"

Để khắc phụ những hạn chế trên, ông Long đề xuất: cần phải có sự liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp, nhưng không thể thiếu vai trò tổ chức, dẫn dắt, định hướng của các địa phương để tránh sự phát triển rời rạc.

Đồng quan điểm trên, đại diện cho doanh nghiệp của vùng, ông Phạm Văn Thể, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh: “Các doanh nghiệp cần phải có trách nhiệm phối hợp cùng nhau làm lành mạnh hoá môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh, có tiếng nói chung trong đối thoại về chính sách với Nhà nước, có cơ chế liên kết trong sản xuất, kinh doanh. Liên kết không chỉ là kết nối, mà phải tương tác với nhau, sáp nhập và hội nhập quốc tế”.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top