Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tăng trưởng tín dụng toàn ngành tính đến ngày 20/3/2020 tăng 0,68% so với đầu năm, dù trước đó một tháng vẫn còn đang giảm 0,18% và đến cuối tháng 2 vẫn chỉ đang tăng thấp 0,06%. Bất ngờ hơn là số liệu cập nhật mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tính đến cuối tháng 3, tăng trưởng tín dụng đã vọt lên 1,3%.
Dù tỷ lệ này vẫn thấp nhất trong sáu năm qua tính từ năm 2015, nhưng nếu nhìn vào thực trạng hiện nay thì tốc độ tăng thêm 0,62% chỉ trong 10 ngày cuối tháng là khá cao, tương ứng tăng thêm hơn 50.800 tỷ đồng, bằng đúng số tăng được trong 20 ngày đầu tiên của tháng 3.
Diễn biến tăng trưởng tín dụng đột ngột khởi sắc vào thời điểm cuối quý 1, giai đoạn rất u ám của các doanh nghiệp, trở thành một điểm sáng hiếm hoi của nền kinh tế, nhưng cũng gợi lên ít nhiều suy nghĩ.
Có nhiều khả năng lý giải cho xu hướng này.
Thứ nhất, trước tình hình dịch bệnh ảnh hưởng lên các hoạt động kinh doanh, giao thương hàng hóa, không ít doanh nghiệp đã chứng kiến nguồn thu sụt giảm, hoặc dòng tiền kinh doanh bất ngờ bị chững lại, khi các khoản phải thu gia tăng do khách hàng, đối tác chậm thanh toán, thậm chí yêu cầu được gia hạn thời gian thanh toán vì khó khăn do dịch bệnh gây ra.
Trong tình huống này, để giữ vững khả năng thanh toán, đảm bảo thanh khoản và trang trải một số khoản mục chi tiêu thiết yếu, nhiều doanh nghiệp buộc phải tích cực tìm kiếm thêm nguồn tài trợ ở các ngân hàng, từ việc ký kết các hợp đồng tín dụng mới cho đến yêu cầu được giải ngân phần còn lại trong hạn mức tín dụng đã được phê duyệt trước đây. Điều này sẽ dẫn đến con số tăng trưởng tín dụng tại các ngân hàng mạnh mẽ trở lại gần đây.
Đặc biệt, trước xu hướng nhiều ngân hàng giảm mạnh khung lãi suất cho vay trong những tuần gần đây theo yêu cầu của nhà điều hành, với mức giảm có thể lên đến 2 - 2,5 điểm phần trăm, đồng thời triển khai hàng loạt gói cho vay mới với lãi suất ưu đãi thấp hơn lãi suất thông thường từ 0,5 - 3 điểm phần trăm/năm, không ít khách hàng đã tận dụng thời cơ để đảo nợ, tức tìm cách vay nợ mới để trả nợ cũ, và trong nhiều trường hợp giá trị các khoản vay mới nâng lên cao hơn để đảm bảo năng lực tài chính trong thời buổi khó khăn này, cũng như chuẩn bị đối phó thêm các thách thức trong thời gian tới.
Cụ thể theo số liệu từ NHNN, thống kê từ các chương trình, gói sản phẩm tín dụng ưu đãi lãi suất, các tổ chức tín dụng đã cho vay 354.286 khách hàng mới với doanh số cho vay đạt hơn 165.000 tỷ đồng. Dư nợ tập trung chủ yếu ở một số ngành nghề như: công nghiệp chế biến, chế tạo (60.000 tỷ đồng); bán buôn bán lẻ (43.000 tỷ đồng); nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản (16.000 tỷ đồng)...
Thứ hai, theo Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ban hành ngày 13/3/2020 và có hiệu lực ngay từ thời điểm đó (quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19), ắt hẳn nhiều ngân hàng đã tích cực triển khai các giải pháp hỗ trợ theo chỉ đạo của nhà điều hành.
Nếu như việc miễn, giảm lãi, phí có thể cần thời gian để xem xét, cân nhắc do phải đánh đổi, hy sinh lợi nhuận, thì các giải pháp cơ cấu nợ có thể được thực thi một cách nhanh chóng nhằm giúp các ngân hàng tránh phải ghi nhận nợ xấu tăng vọt, nhất là khi đã cận kề thời điểm báo cáo tài chính quý 1 được chốt số liệu vào ngày 31/3 hàng năm.
Theo quy định, kể từ khi Thông tư số 02/2013/TT-NHNN ban hành vào năm 2013, việc phân loại nợ của các ngân hàng không chỉ dừng ở các phương pháp định lượng như số ngày quá hạn, mà còn phải đảm bảo được phương pháp định tính, tức phải đánh giá được những dấu hiệu cho thấy khách hàng suy giảm khả năng trả nợ để xếp vào nhóm nợ phù hợp.
Những dấu hiệu này có thể gồm các tín hiệu cảnh báo cho thấy hoạt động kinh doanh của khách hàng sẽ gặp khó khăn, bị đứt chuỗi cung ứng, thị trường tiêu thụ khó, ngành nghề đối mặt nhiều sức ép suy giảm, hay thậm chí là các thông tin về lãnh đạo của doanh nghiệp bỏ trốn, bị bắt giữ,…tùy vào các chỉ tiêu định tính mà từng ngân hàng áp dụng.
Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19 hiện nay, không khó để nhận ra sẽ có rất nhiều lĩnh vực, ngành hàng, doanh nghiệp bị ảnh hưởng, thiệt hại nghiêm trọng.
Theo chia sẻ gần đây tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương ngày 10/4, Thống đốc NHNN cho biết dự kiến có đến 2 triệu tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, chiếm khoảng 23% tổng dư nợ toàn hệ thống, mang lại nhiều rủi ro tiềm ẩn đối với các ngân hàng. Còn theo một số dự báo, nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài, tỷ lệ doanh nghiệp không thể vượt qua khó khăn hiện nay và rơi vào tình trạng phá sản có thể lên đến vài chục phần trăm.
Như vậy, nếu theo các tiêu chuẩn đánh giá định tính đã đặt ra, hầu hết các ngân hàng sẽ phải chuyển nợ đúng nhóm và có nguy cơ chứng kiến nợ xấu tăng vọt trong thời điểm quý 1 vừa qua, vì vậy phải nhanh chóng thực thi các giải pháp cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ đã được NHNN cho phép. Đáng lưu ý là việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ cũng có thể được áp dụng luôn cho các khoản lãi đã phát sinh.
Theo đó những khách hàng nào từ trước đến nay chậm trả lãi, thì các ngân hàng có thể tận dụng luôn cơ hội này để tính gộp các khoản lãi chưa thu được vào luôn nợ gốc khi ký các hợp đồng vay mới với khách hàng gặp khó khăn để cơ cấu nợ.
Do đó, giá trị các khoản vay sau khi cơ cấu nợ sẽ tăng lên là tất yếu, đẩy con số tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng cũng tăng theo. Cũng theo chia sẻ từ NHNN, các tổ chức tín dụng đã bước đầu cơ cấu lại thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho trên 52.000 khách hàng với dư nợ 17.927 tỷ đồng.
Khi hoạt động cho vay thông thường gặp nhiều khó khăn, cộng với xu hướng lãi suất giảm, tất yếu sẽ ảnh hưởng lên lợi nhuận của các ngân hàng, nhất là với các ngân hàng vẫn phụ thuộc lớn vào nguồn thu từ hoạt động cho vay. Do đó, nhiều ngân hàng sẽ phải tìm cách kiếm thêm thu nhập từ các hoạt động khác, ngoài các nguồn thu từ dịch vụ, ngoại hối, thì kênh trái phiếu doanh nghiệp đã trở nên phổ biến và được đẩy mạnh trong hai năm trở lại đây.
Thứ nhất, trái phiếu các doanh nghiệp phát hành có thể không cần phải có tài sản đảm bảo, điều này có thể giúp các ngân hàng có thể tài trợ vốn với giá trị lớn cho các doanh nghiệp. Thực tế cho thấy không ít ngân hàng sẵn sàng mua trái phiếu doanh nghiệp mà không cần tài sản đảm bảo, chỉ cần đánh giá các phương án kinh doanh có tiềm năng hay không, hoặc đôi khi vì những mối quan hệ sở hữu chằng chịt.
Ngoài ra, trái phiếu doanh nghiệp cũng mang lại lãi suất cao hơn so với phương án cho vay thông thường, nên cũng hấp dẫn các ngân hàng, bên cạnh các khoản phí tư vấn, bảo lãnh phát hành mà công ty chứng khoán thuộc ngân hàng có thể nhận được từ doanh nghiệp.
Thứ hai, nếu không muốn giữ các trái phiếu doanh nghiệp này, hoặc để mở rộng hạn mức cho vay khi tăng trưởng tín dụng sắp đạt chỉ tiêu được giao, các ngân hàng có thể phân phối lại cho các đối tượng khác, mà các khách hàng cá nhân đang gửi tiền tại ngân hàng được xem là tiềm năng nhất.
Hoạt động mua sỉ bán lẻ trái phiếu doanh nghiệp của các công ty chứng khoán phối hợp với ngân hàng cũng đã trở thành xu hướng chính trong hai năm qua, thúc đẩy kênh trái phiếu doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ, mang lại thêm nguồn thu cho các định chế tài chính này đồng thời đa dạng cơ hội đầu tư cho các khách hàng cá nhân.
Một báo cáo cập nhật gần đây của công ty chứng khoán SSI cũng cho thấy một số ngân hàng ghi nhận tốc độ tăng trưởng tín dụng bùng nổ ngay từ những tháng đầu năm nay, ngược với xu hướng chung, bao gồm khoảng 4,8% tính đến hết tháng 2/2020 đối với VPBank, 5% đối với HDBank và 9% đối với TPBank tính đến hết tháng 3/2020.
Cuối cùng, với con số tăng trưởng tín dụng mục tiêu của NHNN cho nền kinh tế trong năm nay dự kiến từ 900.000 đến 1,1 triệu tỷ đồng, tức mức tăng trưởng khoảng 11 - 14% so với cuối năm 2019, các ngân hàng sẽ còn nhiều động lực để đẩy mạnh cho vay ra từ nay đến cuối năm, bất chấp những khó khăn mà các doanh nghiệp, người tiêu dùng đang phải đối mặt.
Tuy nhiên, trong thời điểm khủng hoảng, dường như lựa chọn nới lỏng chính sách, đẩy mạnh tín dụng qua các giải pháp hỗ trợ vay vốn vẫn được xem là liều thuốc cần thiết.