Aa

Bài 4: Liều thuốc cho sai phạm xây dựng ở TP.HCM

Thứ Hai, 09/11/2020 - 16:17

So với 6 tháng đầu năm 2019, thì thống kê từ 15/12/2019 - 25/10/2020 cho thấy số vụ vi phạm giảm 6,6 vụ/ngày, tỷ lệ giảm là 77,6%. Đây là con số tích cực từ báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TU.

Lời toà soạn:

Ngày 25/7/2019, Thành ủy TP.HCM ban hành Chỉ thị 23 - CT/TU về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng (TTXD), tiến tới chấm dứt tình trạng xây dựng không phép, sai phép mà không bị xử lý đúng pháp luật, trên địa bàn thành phố.

Theo tinh thần Chỉ thị này, phường - xã - thị trấn nào để xảy ra xây dựng không phép và trái phép mà không bị xử lý thì tổ chức đảng nơi đó không được công nhận là trong sạch, vững mạnh; người đứng đầu cấp ủy và chính quyền không được đánh giá là hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Sau khi triển khai thực hiện, Chỉ thị số 23-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy đã tạo hiệu ứng sâu, rộng trên toàn TP, tác động mạnh đến từng bộ phận người dân, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về TTXD của người dân, kéo giảm tình hình vi phạm TTXD trên địa bàn TP.

Đồng thời, việc triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị 23-CT/TU trong thời gian qua không chỉ góp phần chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước về TTXD, kéo giảm tình hình vi phạm TTXD trên địa bàn TP mà còn góp phần đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính; công tác xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; công tác phòng, chống tham nhũng, làm trong sạch, vững mạnh đội ngũ cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ quản lý Nhà nước về xây dựng, đất đai, quy hoạch và quan trọng nhất là nhận được sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân TP từ khi Chỉ thị số 23-CT/TU được ban hành và triển khai thực hiện.

Dù tình hình vi phạm TTXD trên địa bàn TP đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, tình trạng xây dựng trên đất nông nghiệp, trên đất không phù hợp quy hoạch được duyệt, vi phạm các quy định liên quan đến lĩnh vực đất đai ở huyện ngoại thành vẫn còn phức tạp. Tình trạng xây dựng sai phép, cấp phép xây dựng sai quy định ở một số địa bàn vẫn còn tiếp diễn. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm các công trình sai phạm còn kéo dài, chưa dứt điểm.

Trên tinh thần nghiên cứu và phản biện từ ghi nhận thực tế, Reatimes khởi đăng loạt bài: Triển khai Chỉ thị số 23-CT/TU tại TP.HCM: Thành quả và bài học thực tiễn. Trân trọng giới thiệu đến độc giả!

Nhiều thành quả tích cực, nhân dân đồng lòng ủng hộ

Cụ thể, theo Sở Xây dựng TP, qua thống kê số liệu vi phạm TTXD trên địa bàn TP, tính đến tháng 10/2020 (15/12/2019 - 25/10/2020), tổng số công trình vi phạm TTXD là 631 công trình. Trong đó, sai phép là 267 trường hợp, không phép 364 trường hợp. Bình quân số vụ vi phạm trên 1 ngày là 1,9 vụ, nếu so sánh với 6 tháng đầu năm 2019 là 8,5 vụ/ngày (thời điểm trước khi ban hành Chỉ thị số 23) thì số vụ vi phạm giảm 6,6 vụ/ngày, tỷ lệ giảm là 77,6%.

Theo đánh giá của Sở Xây dựng TP, sau hơn 1 năm triển khai thực hiện, Chỉ thị số 23-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy đã tạo hiệu ứng sâu, rộng trên toàn TP, tác động mạnh đến từng bộ phận người dân, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về TTXD của người dân, kéo giảm tình hình vi phạm TTXD trên địa bàn TP.

Khu ẩm thực sinh thái Bình Xuyên bị phát hiện hàng loạt sai phạm

Đồng thời, việc triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị 23-CT/TU trong thời gian qua không chỉ góp phần chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước về TTXD, kéo giảm tình hình vi phạm TTXD trên địa bàn TP mà còn góp phần đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính; công tác xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; công tác phòng, chống tham nhũng, làm trong sạch, vững mạnh đội ngũ cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ quản lý Nhà nước về xây dựng, đất đai, quy hoạch và quan trọng nhất là nhận được sự đồng lòng, ủng hộ của Nhân dân TP từ khi Chỉ thị số 23-CT/TU được ban hành và triển khai thực hiện.

Dù tình hình vi phạm TTXD trên địa bàn TP đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, tình trạng xây dựng trên đất nông nghiệp, trên đất không phù hợp quy hoạch được duyệt, vi phạm các quy định liên quan đến lĩnh vực đất đai ở huyện ngoại thành vẫn còn phức tạp, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm các công trình này còn chưa dứt điểm, kéo dài.

Mặt khác, việc không áp dụng biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước dẫn đến chủ đầu tư công trình vi phạm TTXD không tự nguyện tháo dỡ công trình vi phạm, tiếp tục thi công để hoàn thành đưa vào sử dụng, thực hiện các giao dịch mua - bán, tặng - cho. Do đó, việc bổ sung biện pháp ngăn chặn (không phải là biện pháp cưỡng chế) ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước là hết sức cần thiết, hạn chế thấp nhất tình trạng tiếp tục thi công xây dựng công trình làm phát sinh phần diện tích vi phạm mới gây khó khăn trong công tác xử lý vi phạm hành chính. Cũng như nhằm góp phần giảm thiệt hại của người dân và cơ quan quản lý Nhà nước về thời gian, kinh phí trong việc tháo dỡ công trình vi phạm.

Một số sai phạm “khủng” chưa xử lý dứt điểm

Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TU, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, tình hình quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn TP.HCM có nhiều chuyển biến tích cực, đáng ghi nhận.

Việc cả hệ thống chính trị TP.HCM nỗ lực và thực hiện tốt việc lập lại kỷ cương, trật tự xây dựng đã và đang được dư luận xã hội ủng hộ và đánh giá rất cao. Tuy nhiên, vẫn còn một số vụ việc điển hình tạo ra dư luận trái chiều.

Dự án Khu D, Khu đô thị An Phú - An Khánh vẫn không bị cưỡng chế sau gần 2 năm bị xử phạt

Nổi bật trong số đó là vụ "làng ẩm thực" Bình Xuyên rộng 2,5ha, hoạt động gần 20 năm mới bị phát hiện hàng loạt sai phạm. Sau khi có kết luận của Thanh tra TP.HCM, chính quyền huyện Bình Chánh đã đến kiểm tra và lập biên bản xử lý vi phạm hành chính với số tiền là 210 triệu đồng, đối với ba hành vi vi phạm về trật tự xây dựng; sử dụng không đúng mục đích được cấp phép; không phù hợp quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng và tự ý thay đổi mục đích chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao đất để thực hiện đầu tư thương mại, dịch vụ. Bên cạnh đó, buộc chủ nhà hàng áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và trả lại đất lấn chiếm. Đồng thời, xem xét buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do vi phạm mà có.

Sai phạm và hình thức xử lý đã rõ ràng. Nhưng vụ việc "làng ẩm thực" Bình Xuyên lại tiếp tục kéo dài, đến nay vẫn chưa có hồi kết vì chủ nhà hàng xin… “cứu xét”.

Trước đó, một công trình sai phạm khủng khác cũng làm nóng dư luận là Dự án Khu D, Khu đô thị An Phú - An Khánh (Tên thương mại là Laimian City). Laimian City được quảng cáo là dự án tỷ USD với quy mô hàng chục ngàn căn hộ cao cấp, nhưng đã xây dựng không có giấy phép.

Được biết, ngày 14/5/2019, ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Chủ tịch UBND quận 2, đã ký Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với Công ty Cổ phần Phát triển và Kinh doanh nhà. Ông Khiết hiện đã chuyển công tác lên vị trí Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM. Nhưng công trình sai phạm khủng sau gần 2 năm vẫn “trơ gan” không bị cưỡng chế.

Sự tồn tại của những sai phạm khủng này khiến dư luận đặt ra câu hỏi, phải chăng Chỉ thị 23 chỉ trấn áp được những sai phạm nhỏ lẻ, còn sai phạm lớn thì lại như “con voi chui lọt lỗ kim”? Dư luận vẫn chờ câu trả lời từ sự nghiêm chính của lãnh đạo Thành ủy và UBND TP.HCM.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top