Có hay không hiện tượng “sốt giá” năm 2022?
Theo báo cáo thị trường mới đây của Bộ Xây dựng, tính đến cuối năm 2021, giá bất động sản ở nhiều loại hình đều tăng so với thời điểm năm 2020. Trong đó, giá căn hộ chung cư đã tăng bình quân khoảng 5 - 7%, giá nhà ở riêng lẻ trong dự án tăng 5 - 20%. Đáng chú ý, giá đất nền cũng tăng từ 20 - 30%, giá giao dịch bình quân nhà ở riêng lẻ, đất nền tại một số địa phương trong quý IV/2021 tiếp tục tăng so với kỳ trước.
Theo các chuyên gia bất động sản, thị trường bất động sản sang năm 2022 sẽ có nhiều tác động từ các chính sách, đặc biệt là phân khúc đất nền ở các tỉnh đang được đẩy mạnh quy hoạch phát triển sẽ tiếp tục nhận được nhiều quan tâm của các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư cũng đã trải qua nhiều cơn sốt đất do đó họ đã có nhận thức tốt hơn về những rủi ro khi lướt sóng thất bại. Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế: “Trong năm 2022, thị trường có thể vẫn xuất hiện một số đợt điều chỉnh giá nhà đất nhưng không mạnh và không đột biến như các năm trước”.
Theo quan sát của phóng viên, thực tế giá đất tại nhiều địa phương đang được chào bán tăng cao so với thời điểm cách đây ít tháng. Những hiện tượng đổ xô đi đấu giá, đầu cơ, cùng những ồn ào về phân lô bán nền… khiến lo ngại cơn sốt đất sẽ sớm quay trở lại.
Anh Phan Bảo, 35 tuổi (quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội) đang có nhu cầu tìm kiếm cho gia đình một nơi an cư lâu dài nhưng qua khảo sát một lượt, anh nhận thấy, đâu đâu mức giá cũng đang ở ngưỡng mới, khác xa so với những con số anh hỏi hồi giữa năm ngoái, cho nên, anh đang dừng lại và nghe ngóng thị trường thêm.
Theo anh Hoàng Hà (môi giới bất động sản ở Hà Nội), hiện nay nguồn hàng vẫn còn khá khan hiếm làm đẩy giá bất động sản nhiều nơi tăng theo, thậm chí tăng theo tuần. Do đó, nếu khách không “chốt” sớm sẽ mất cơ hội mua hoặc nếu mua được thì sẽ phải chấp nhận giá cao hơn.
Bên cạnh đó, các phân khúc như chung cư, biệt thự liền kề, shophouse cũng đang được môi giới quảng cáo rầm rộ về độ "cháy hàng" với những tiềm năng kết nối hạ tầng trong tương lai. Vì thế, đây vẫn có thể coi là sự khởi phát của hiện tượng "sốt giá" bất động sản trong năm 2022.
Những hiện tượng câu kết với nhau ôm hàng, làm giá, tạo sóng, thổi giá, gây sốt ảo ăn chênh lệch của các sàn giao dịch bất động sản đã gây nhiễu loạn thị trường ở một số nơi. Do đó, theo các chuyên gia, cần phải có các biện pháp bền vững để ngăn chặn tình trạng "sốt giá" lặp đi lặp lại này.
Cần các hành động cụ thể để ngăn chặn “sốt đất”
Theo các chuyên gia bất động sản, để thị trường bất động sản phát triển minh bạch, lành mạnh, ổn định, bền vững, các địa phương thực hiện công bố công khai thông tin quy hoạch, tiến độ triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng. Đặc biệt là các dự án lớn và việc sáp nhập, thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính tại địa phương để minh bạch thông tin, ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ nhằm đẩy giá để trục lợi bất hợp pháp.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, để "đặc trị" sốt đất và bình ổn giá nhà cần xem xét các giải pháp như việc sử dụng hàng loạt các công cụ thuế và ban hành thuế bất động sản như thuế chống đầu tư nhà đất, thuế người sở hữu nhiều nhà đất, thuế người chậm đưa đất vào sử dụng, thuế bất động sản.
Cụ thế, đánh thuế thu nhập với thuế suất cao đối với hành vi bán, chuyển nhượng lại nhà, đất ngay sau khi tạo lập, để triệt tiêu ý chí "đầu cơ" của nhà đầu tư "lướt sóng", trong trường hợp thị trường bất động sản có dấu hiệu bị đầu cơ, sốt nóng "bong bóng".
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng đề nghị sớm hoàn thiện thế chế, pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản. Cụ thể, đề nghị trình Quốc hội cho ý kiến 2 dự án luật: Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) để tạo khung pháp lý cho hoạt động kinh doanh bất động sản, tăng cường hiệu quả quản lý thị trường bất động sản.
Đề nghị trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) để tạo cơ sở pháp lý đối với hoạt động kinh doanh quyền sử dụng đất… Đồng thời, tập trung tháo gỡ pháp lý, thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án bất động sản, dự án nhà ở để tăng nguồn cung, tạo điều kiện phát triển các dự án nhà ở thương mại giá phù hợp cho đối tượng thu nhập trung bình, điều chỉnh cơ cấu thị trường nhà ở, bất động sản cho phù hợp nhu cầu của thị trường…
Bộ Xây dựng cũng yêu cầu các địa phương có biện pháp quản lý, ngăn chặn việc chia tách, "phân lô, bán nền" tại các khu vực chưa được phép đầu tư, thiếu hệ thống hạ tầng; tăng cường kiểm soát hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản, các tổ chức, cá nhân hành nghề môi giới bất động sản; chấn chỉnh hành vi mua bán trao tay nhiều lần, "thổi giá" gây nhiễu loạn thông tin thị trường bất động sản.
Tăng cường công tác quản lý, giám sát, kiểm tra và thanh tra đồng thời xử lý nghiêm với các trường hợp môi giới, mua bán, dự án bất động sản, quyền sử dụng đất vi phạm pháp luật về đất đai, về kinh doanh bất động sản và pháp luật có liên quan (nếu có). Đặc biệt, tăng cường kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm trường hợp kinh doanh bất động sản không đúng quy định, không đủ hồ sơ pháp lý, không đủ điều kiện kinh doanh.
Rà soát công tác tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn đảm bảo đúng pháp luật, công khai, minh bạch; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định pháp luật trong đấu giá đất, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá để gây nhiễu loạn thị trường, trục lợi.
Thời gian qua, các cơ quan ban ngành đã vào cuộc rất sát sao, tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc tạo sóng, thổi giá, gây sốt ảo ăn chênh lệch làm nhiễu loạn thị trường phần lớn vẫn là do đội môi giới không chuyên nghiệp, hoạt động tự do. Chính vì vậy, thị trường vẫn cần có những biện pháp cụ thể và mạnh để giải quyết triệt để tình trạng này, giữ cho thị trường bất động sản luôn minh bạch và ổn định./.