Aa

Linh chi - Đông trùng hạ thảo, có tác dụng gì?

Chủ Nhật, 20/06/2021 - 07:00

Tại sao khi cần dùng thuốc hay thực phẩm chức năng, các bạn không tham khảo ý kiến bác sỹ hay dược sỹ của mình mà lại đi tin lời mấy ông bà diễn viên khóc đấy cười đấy, quảng cáo búa xua?

Gần đây trên mạng có rất nhiều quảng cáo, rao bán của một loạt sản phẩm được chế biến từ nấm Linh chi và Đông trùng hạ thảo. Cứ theo như những quảng cáo này thì đây là một sản phẩm uống vào có thể làm cho con người ta “trăm bệnh tiêu tán, vạn bệnh tiêu tan”, khỏe mạnh tráng kiện đến ngàn năm không già! Thần dược chứ không phải là mấy thứ thực phẩm chức năng do mấy anh chị thậm chí là diễn viên hài, chế ra nữa.

Nhiều bạn bè nhắn hỏi tôi. Nhưng trả lời không xuể, nên dành thời gian viết một bài cho mọi người đọc chung. Hy vọng đọc xong, mọi người có cái nhìn chính xác về loại sản phẩm này. Trước hết ta nên tìm hiểu từng thứ một, xem thực chất nó là cái gì rồi sẽ phân tích xem khi kết hợp hai thứ với nhau sẽ cho ra tác dụng gì.

Nấm Linh chi còn có tên là tiên thảo, nấm trường thọ. Nó có tên khoa học là Ganoderma lucidum, họ Nấm lim: Ganodermataceae. Tiếng Anh mà nhiều khi các bạn thấy họ đề trên nhãn mác bao bì là Lingzhi mushroom, chính là nó.

nấm linh chi
Nấm Linh chi còn có tên là tiên thảo, nấm trường thọ (Ảnh sưu tầm)

Khoa học đã nghiên cứu kỹ thành phần hóa học, đặc biệt các hợp chất sinh học có tác dụng với cơ thể người. Nó có các chất: protid, glycoprotein, acid amin, tecpenoids, polysaccharides, vitamin, các khoáng chất và yếu tố vi lượng như magie, selen, sắt… Đáng chú ý trong Linh chi có hợp chất tên là Gecmanni, có tác dụng giúp tế bào hấp thu oxy tốt hơn.

Theo nghiên cứu, tinh chất nấm Linh chi có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể, tăng lượng testosterone dùng để điều trị các bệnh cảm cúm, các bệnh về phổi, thận, ung thư, làm loãng máu, giãn mạch, giảm đường huyết. Ngoài ra còn để trị các chứng mất ngủ, đau dạ dày, herpes. Nhưng lưu ý một điều, tất cả các tác dụng trên đều không đặc hiệu, nghĩa là người ta chỉ sử dụng như một liệu pháp bổ sung cho các phương thuốc đặc hiệu chủ trị của các căn bệnh trên. Chính vì thế, các sản phẩm Linh chi chỉ được lưu hành ở dạng “thực phẩm chức năng có tác dụng hỗ trợ nhưng không thay thế được thuốc chữa bệnh”! 

Cách dùng của Linh chi thường là trà thuốc, bột tán mịn hoặc chiết xuất dạng dung dịch. Nhưng những điều trên là “truyền thuyết” nói về nấm Linh chi tự nhiên, thu hái từ những thân cây lim cổ thụ có khi sống cả ngàn năm trong rừng sâu. Bây giờ, rừng tự nhiên đã hết từ lâu, cây cổ thụ thỉnh thoảng mới còn có đã thành “di sản” cả, hỏi lấy đâu Linh chi ngàn năm nữa để cho các ngài uống?

Vậy nên công nghệ sinh học nuôi cấy nấm Linh chi ra đời đáp ứng thị trường tức khắc. Công nghệ này mới phổ biến ở nước ta chưa lâu lắm. Còn Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc thì là tổ sư từ lâu rồi! Chỉ cần đầu tư ít nhà cửa treo giá thể, giống vốn, học qua kỹ thuật đơn giản là ai cũng có thể làm. Sau 3 đến 5 tháng là có những mẻ nấm Linh chi trông cũng đẹp chả kém ai.

Đến đây thì bạn tự rút ra kết luận, so sánh nấm Linh chi thu hái trên rừng vốn đã mọc từ hàng năm, chục năm, trăm năm, ngàn năm… với nấm nuôi cấy theo phương pháp công nghiệp nhanh, nhiều, rẻ chỉ từ 3 đến 5 tháng, sẽ có tác dụng gì không cho cơ thể như truyền thuyết đây?

nấm linh chi
Nấm Linh chi có thực sự là "thuốc tiên"? (Ảnh sưu tầm)

Đông trùng hạ thảo, tuy không cần đến bao nhiêu năm trời mới tích lũy được những hoạt chất sinh học quý giá, bởi nó sống hàng năm. Nhưng Đông trùng hạ thảo thực sự sống trên cao nguyên Tây Tạng, Trung Quốc ở độ cao từ 4000m đến 5000m.

Tại đó điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, mạch nước nguồn từ tận dãy Hymalaya ngấm xuống mới cho ra những sản phẩm tự nhiên trứ danh có tên Đông trùng hạ thảo - mùa Đông là côn trùng (động vật) mùa Hè lại hóa thành cây cỏ (thảo). Nhưng thực sự không phải vậy, bản chất sinh học của loài này là một loại nấm ký sinh có tên khoa học là Ophiocordyceps sinensis, thuộc nhóm Ascomycetes. Loài nấm này ký sinh trên sâu non của loài côn trùng có tên là Thitarodes baimanensis.

Mùa Đông nấm ký sinh phát triển các sợi nấm vào trong cơ thể sâu non làm chết vì ăn hết dưỡng chất của nó, nhưng vẫn giữ được cái vỏ hình con sâu, làm người ta tưởng con sâu vẫn còn sống nhưng thực ra nó đã chết. Đến mùa Hè, nấm mọc ra khỏi vỏ sâu trông như một ngọn cỏ, phát triển thành dạng cây và bắt đầu phát tán bào tử ra môi trường để chuẩn bị cho một thế hệ ký sinh mới.

Thành phần hóa học của Đông trùng hạ thảo gồm có tới 17 loại acid amin, lipid, các yếu tố vi lượng, các hoạt chất tự nhiên có tác dụng sinh học với cơ thể như acid cordiceptic, adenosin, các vitamin…

đông trùng hạ thảo
Đông trùng hạ thảo có thực sự tốt? (Ảnh sưu tầm)

Ngành Đông y dùng Đông trùng hạ thảo để chữa các chứng thận hư, đau lưng, liệt dương, bổi bổ cơ thể suy nhược sau ốm dậy. Cũng xin nói luôn là với khoa học y hiện đại, những tác dụng này cũng giống như của nấm Linh chi, không đặc hiệu. Nên cũng chỉ có tác dụng hỗ trợ thêm chứ không tạo được ra một loại thuốc đặc trị nào không thể thay thế.

Nhưng cũng gần giống với nấm Linh chi, Đông trùng hạ thảo ngoài tự nhiên trên cao nguyên Tây Tạng hiện là của hiếm. Cực kỳ hiếm nên để đáp ứng nhu cầu rộng rãi cho người dùng. Thế là ngành công nghệ sinh học lại cho ra đời Đông trùng hạ thảo nuôi cấy ngay trong môi trường nhân tạo, tại ngay cả xứ sở nóng nực như Việt Nam.

Trong môi trường nhân tạo thích hợp, chỉ qua 4 giai đoạn tổng cộng khoảng 4 tháng là người ta đã có thể cho ra những lứa Đông trùng hạ thảo đẹp mắt! Còn dĩ nhiên đã nhanh, nhiều, rẻ thì ai dám so sánh với hàng lấy từ cao nguyên Tây Tạng cho được. Bởi môn nuôi cấy này nhiều khi có thể cho nấm ký sinh luôn trên thân con nhộng tằm chẳng hạn, cũng vẫn ra Đông trùng hạ thảo đẹp thật lực. Mà thành phần hóa học của con nhộng tằm, các bạn biết đấy, hàm lượng acid amin và các khoáng chất cùng vitamin cực cao! Rất bổ. Ở một góc độ nào đó nó chả kém Đông trùng hạ thảo.

Nhân nói về công nghệ sinh học nuôi cấy Linh chi và Đông trùng hạ thảo, các bạn có thể tham khảo công nghệ trồng Nhân sâm của người Hàn Quốc để so sánh. Nhân sâm tự nhiên, lâu năm có củ bán giá cả triệu đô trên thị trường quốc tế. Nhưng Nhân sâm nuôi cấy đủ tiêu chuẩn làm thuốc cũng chỉ có giá độ hai triệu vnđ một ki lô gam! Còn loại chưa đủ 6 năm tuổi thì bên Hàn, họ bán làm rau.

đông trùng hạ thảo
Công nghệ nuôi cấy đông trùng hạ thảo (Ảnh sưu tầm)

Quay trở lại câu chuyện về các sản phẩm thực phẩm chức năng thời thượng chế từ nấm Linh chi và Đông trùng hạ thảo đang được quảng cáo ỏm tỏi trên mạng. Ta phải nhận thức rõ ràng rằng, toàn bộ các sản phẩm này được chế biến từ nguyên liệu nuôi cấy theo công nghệ sinh học ngay trong nước chứ không ở đâu xa. Và nó có tác dụng gì đó không?

Sòng phẳng mà nói, nó ít nhiều có tác dụng bồi bổ cho cơ thể nếu ta dùng nhiều vì trong đó thế nào cũng có một ít acid amin và vitamin, muối khoáng gì đó. Nhưng các bạn nên nhớ, acid amin vốn đầy trong thịt cá ngoài chợ, siêu thị nhiều tốt rẻ. Vitamin và muối khoáng trong rau củ. Nếu thiếu có thể uống viên bổ sung của ngành dược sản xuất từ cả trăm năm nay cũng nhanh nhiều tốt rẻ.

Xét về mặt hàm lượng thì chắc bạn dùng cả hàng chục hộp sản phẩm siêu đắt đỏ kia mới bằng vài ký thịt bò hảo hạng. Chỉ cần đưa bài toán kinh tế ra đây bạn sẽ thấy vô lý khi phải bỏ đống tiền ra gấp nhiều lần mà rồi tác dụng cũng có khi không bằng một bữa ăn ngon, vui vẻ cùng gia đình bạn bè. Vậy thì lý do gì bạn phải đi mua một cái sản phẩm ất ơ mang danh hão “Linh chi - Đông trùng hạ thảo”? Giải quyết vấn đề gì? Nếu bạn thừa tiền, đem giúp đồng bào mình khó khăn đầy ngoài xã hội còn có ích hơn là mua những thứ tương tự.

Tiện đây, xin hỏi thêm các bạn một câu, tại sao khi cần dùng thuốc hay thực phẩm chức năng, các bạn không tham khảo ý kiến bác sỹ hay dược sỹ của mình mà lại đi tin lời mấy ông bà diễn viên khóc đấy cười đấy, quảng cáo búa xua, bất chấp sự thật để rồi tiền mất tật mang?/.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top