Aa

Trong tâm dịch

Chủ Nhật, 23/05/2021 - 07:00

Cùng với việc tiếp tục thực hiện 5K, đã đến lúc chúng ta nên xây dựng lại chiến lược chống dịch. Đó hình như là yêu cầu của thực tế cuộc sống đang đặt ra.

Một buổi sáng thức giấc, bỗng thấy mình đang ở trong tâm dịch. Nghe có vẻ bàng hoàng. Nhưng thực ra cũng không có gì đột ngột lắm. Bởi đã thấy tình hình dịch mấy hôm nóng sốt xung quanh, thấy các cơ quan chức năng lại ào ào “ra trận”, tôi cũng đoán được tình hình, trước sau cũng sẽ phong tỏa hay giãn cách xã hội gì đó thôi.

Vốn là dược sỹ, có ít nhiều kiến thức về dịch tễ, nên khi cuối năm 2019 dịch nổ ra ở Vũ Hán, Trung Quốc rồi lan nhanh ra toàn thế giới, tôi cũng để thời gian đọc tài liệu, tin tức, rồi tôi cũng có những hiểu biết nhất định về cái con virus, một loài có lúc giới khoa học còn chưa xếp nó là sự sống hoàn chỉnh. Chỉ là dạng “bên rìa sự sống” mà thôi.

Tôi cũng theo dõi khá kỹ diễn biến tình hình dịch bệnh Covid-19 khi nó lan vào nước ta. Và cũng trao đổi với những người có hiểu biết, rốt cục cũng hiểu hơn về cách lây lan, cách nhân lên trong người cũng như những hệ lụy mà nó gây ra cho cơ thể khi bị nhiễm. Dĩ nhiên là ngăn chặn không cho nó “vượt biên” vào nước ta là hay nhất. Thế nhưng điều đó là bất khả. Nên đến lúc này thì tôi hiểu rốt cục, cái con virus Sars-Cov-2 gây ra cái dịch Covid-19 quái ác kia, thực ra nó đã lưu hành trong cộng đồng dân cư nước ta từ lâu. Nó âm thầm vượt qua những “tường rào” ngăn cách từ lúc nào. Chỉ có điều là khi nào người ta xét nghiệm ra ở đâu, chỗ nào thì nó thành điểm dịch ở đấy thôi. Vậy có gì mà phải xoắn?

Năm ngoái, cả nước phong tỏa giãn cách xã hội, cũng đã trải nghiệm cuộc đời bỗng chuyển sang trạng thái mới. Đang hừng hực rượu bia đàn đúm, quần quật chơi bời, bỗng nhiên ngồi nhà cả ngày, thỉnh thoảng hé cửa nhìn ra ngoài với tâm trạng đầy lo âu hoảng loạn. Hoảng loạn tới mức, nhìn đâu, nhìn chỗ nào, nhìn ai… cũng như thấy nhung nhúc toàn virus. Có cảm tưởng đến như không khí thở cũng tràn ngập virus. Kinh khủng. Cố gắng tự trấn tĩnh rằng virus này có nguy hiểm nhưng không đáng sợ đến mức mình tưởng tượng ra. Mắc phải chưa chắc đã phát bệnh. Phát bệnh cũng có biện pháp chữa trị… Chợt nghĩ mình mà còn thế này thì không hiểu bà con còn hoảng loạn đến đâu.

Nhưng năm nay khác. Trong khi cả nước đang vui vẻ hưởng những ngày nắng đầu hè thì Thuận Thành quê tôi bỗng thành tâm dịch. Bắt đầu ở làng Mão Điền với cú lây truyền bất khả kháng từ Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương 2 về. Hàng trăm người dân làng dương tính với virus. Rồi lây lan sang xung quanh. Thế là cả huyện nháo nhào lên. Truy vết, cách ly, bao vây phong tỏa… Rầm rập ra quân “chống dịch như chống giặc”! Và giãn cách xã hội theo chỉ thị 16.

Gần hai năm dịch giã ầm ĩ cả hoàn cầu, quen rồi, nên bà con cũng không có gì bất ngờ, choáng váng nữa. Thản nhiên mà chấp nhận thôi. Tôi cũng vậy. Tuy trong lòng có hơi lo lắng, khi nghĩ đến bà con tiểu thương nhỏ buôn bán trên phố, trong chợ, nông dân có mớ rau con cá biết ra sao. Rồi các cửa hàng ăn uống, giải khát, đồ dùng, quần áo, dịch vụ… tính toán thế nào với tiền thuê mặt bằng, tiền sinh hoạt phí, nhân công làm thuê. Và nhất là những tốp công nhân từ miền Trung ra, miền núi xuống ở trọ để đi làm trong các nhà máy, khu công nghiệp gần đấy mà bị cách ly không được đi làm, cũng không về quê được, không có lương lấy gì mà trang trải cuộc sống đây? Rồi đây tiền thuê nhà cũng khó khăn chứ đùa được đâu… biết bao nỗi niềm.

Nhà tôi ở phố Hồ - nay là đường Âu Cơ, một con phố vốn là nơi buôn bán sầm uất bậc nhất của huyện Thuận Thành. Mọi khi rộn ràng từ sáng sớm đến đêm khuya. Nay buổi sáng của ngày giãn cách xã hội, bỗng thấy lạ lẫm khác hẳn mọi khi. Phố im ắng như buổi sáng ngày mùng một Tết, khi cư dân sau một ngày cuối năm huy động tổng lực bán buôn giải phóng hàng hóa và một đêm giao thừa đủ trò cỗ bàn, rượu chè, chơi bời thâu đêm, đến sáng ngày đầu tiên năm mới mê mệt chìm trong giấc ngủ, gần trưa mới lác đác có người ra đường.

Giãn cách xã hội do covid còn vắng hơn. Không tiếng ô tô xe máy còi đèn loạn xị tranh giành nhau đường như những buổi sáng ngày thường. Không tiếng mẹ giục con. Không tiếng ông cáu cháu sắp đến giờ vào lớp vẫn còn nhểnh nhang. Im lặng. Buổi sáng của ngày giãn cách xã hội là một sự im lặng đến rợn người. Các nhà cửa đóng im ím, chả ai thò mặt ra đường nữa kia.

Tôi hé cửa ra phố nhìn, nếu không có những hàng cờ phướn pa nô áp phích cho ngày bầu cử sắp tới, có cảm tưởng đây là con phố ma trong phim kinh dị! Sáng, trưa, chiều, tối chỉ thấy tiếng oang oang của xe lưu động, của đài truyền thanh ra rả cô vy, cô vy và cô vy. Đường phố chan hòa nắng, bỗng trở sạch sẽ phong quang nhưng hầu như không một bóng người. Thỉnh thoảng mới có chiếc ô tô, xe máy phóng vút qua như bị ai đuổi. Về đêm, sự vắng vẻ so với bình thường mới thể hiện hết. Mọi khi hàng quán điện đóm xanh đỏ, âm nhạc các kiểu các thể loại rộn rã. Các quán bia hơi vỉa hè ầm ĩ ăn nhậu. Nay sạch bách, lặng im. Đến đèn hiệu quảng cáo các nhà cũng chả còn nhấp nháy mời gọi nữa. Buồn thê thảm.

 

Quang cảnh là vậy, nhưng lòng người lại không đến nỗi. Chấp hành khá nghiêm lệnh cấm tụ tập, mọi người lên facebook, zalo… lập các nhóm trao đổi tin tức, thông báo tình hình để hỗ trợ nhau khi cần thiết. Quê tôi thực ra kinh tế khá phát triển so với mặt bằng cả nước. Việc tạm dừng sản xuất kinh doanh ít ngày để chống dịch cũng không có vấn đề gì lắm, chưa gặp khó khăn gì nhiều. Việc giúp đỡ của các anh em bà con bên ngoài mang tính chất động viên là chính.

Tin tức từ những người dương tính phải điều trị tập trung tại các bệnh viện đưa ra cũng khá khả quan. Hầu hết là không có triệu chứng lâm sàng hoặc có triệu chứng nhẹ. Có một số ít ca chuyển biến nặng đã được hội chẩn điều trị kịp thời. Vài người tử vong với những bệnh nền khủng thì covid chỉ đóng vai trò giọt nước cuối cùng. Biết thế nên người dân Thuận Thành kỳ này khá bình tĩnh, không có chút nào biểu hiện của hoảng loạn. Tại các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng thiết yếu mở bán bình thường, không có bất cứ một động tác nào mua gom mua vét hàng hóa tích trữ. Ai cũng tin rằng, rốt cuộc thì cuộc sống sẽ lại mau chóng trở lại bình thường mà thôi.

 

Tôi làm nghề viết - “cào bàn phím”, như ngôn ngữ thời nay. Tôi thức đêm nhiều. Đã quen với cảnh phố xá vắng vẻ lúc đêm khuya. Dịp này nhiều lúc tôi đứng trên ban công tầng hai, ngắm cảnh vắng vẻ và hưởng thụ sự yên ắng của phố phường với một niềm khoái cảm. Nhưng rồi tôi giật mình thoát ngay khỏi cái niềm sung sướng ích kỷ vừa nhen lên kia ngay. Bởi thường trực quanh mình là bao nhiêu người, bao nhiêu gia đình đang vật vã lo âu. Lo vì covid ít thôi, bởi giờ đây đa số dân chúng cũng hiểu biết ít nhiều về cái con ôn dịch kia. Nó cũng nguy hiểm thật, nhưng có một thực tế rõ ràng là số người chết vì nó ở nước ta kể từ khi có dịch đến nay, chỉ chưa bằng con số hai ngày người trong nước chết do tai nạn giao thông. Vậy mà con virus quái ác này có quyền lực ghê gớm đến đâu mà nó làm xáo trộn hết mọi hoạt động xã hội. Làm hết thảy mọi người điêu đứng vì nó? Và phải đối phó với nó thế nào cho phù hợp? Đó là những câu hỏi mà cần câu trả lời từ tầm vĩ mô thật thấu đáo.

Còn người dân phố tôi, làng tôi, huyện tôi, điều lo lắng nhất đó là sinh kế. Bởi nếu cứ kéo dài những biện pháp giãn cách cực đoan thì hệ lụy tiếp theo sẽ không biết như thế nào. Rất có thể sự đổ vỡ dây chuyền không gượng dậy nổi của sản xuất kinh doanh sẽ diễn ra. Kéo theo sự khủng hoảng xã hội. Thậm chí là sự khủng hoảng y tế bởi các bệnh tật khác hệ lụy của khủng hoảng kinh tế xã hội, có khi còn nặng nề hơn hậu quả của covid. Mà một khi điều đó xảy ra, sẽ tốn công của và thời gian vô ngần để khôi phục lại. Hình như đã đến lúc chúng ta nên xem xét lại phương pháp chống dịch hiện tại, ào ào như ra trận tiền lập phòng tuyến ngăn kẻ thù, khi mà “kẻ thù” của chúng ta, con virus kia nó đã vào hậu phương từ lâu rồi. Nó đang tồn tại trong cộng đồng dân cư từ lúc nào, lẩn khuất ở những nơi ta không ngờ tới được, mà điển hình là các ca dương tính hiện nay, có nhiều ca không tài nào truy tìm được xem nhiễm bệnh bắt đầu từ đâu.

Ta có lẽ phải học cách chung sống với nó. Cùng với việc nhanh chóng tiêm vaccine để tạo miễn dịch cộng đồng. Học cách khắc chế dịch để hạn chế thấp nhất những thiệt hại về người nhưng không gây gián đoạn xã hội quá đáng như cách đang làm hiện tại. Cùng với việc tiếp tục thực hiện 5K, đã đến lúc chúng ta nên xây dựng lại chiến lược chống dịch. Đó hình như là yêu cầu của thực tế cuộc sống đang đặt ra. Hãy rút ngay ra bài học từ các nước đã chống dịch thành công để áp dụng cho nước ta. Bởi dịch bệnh nói chung và dịch bệnh Covid-19 nói riêng là mô thức tai họa chung của cả nhân loại, chứ không có gì riêng biệt hay đặc thù của bất cứ dân tộc nào, quốc gia nào./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top