Những khó khăn, thiệt hại mà các doanh nghiệp phải gánh chịu do dịch bệnh Covid-19 gây ra đã thể hiện rõ qua thống kê các con số.
Du lịch và bất động sản du lịch là lĩnh vực "thấm đòn" Covid-19 nhất. Kể từ khi dịch bệnh xuất hiện, hoạt động kinh doanh dần suy giảm, khi chúng ta phải đóng cửa các đường bay quốc tế "nội bất xuất, ngoại bất nhập" để ngăn chặn sự lây lan của virus, thì doanh thu của các đơn vị lữ hành, của các khách sạn, nhà hàng, khu du lịch không phải là giảm bao nhiêu % nữa mà là con số 0 tròn trĩnh.
Hàng loạt doanh nghiệp lên kế hoạch "ngủ đông", những cơ sở lưu trú, khách sạn đóng cửa tạm thời, hàng nghìn lao động thất nghiệp tạm thời,... Có lẽ, với doanh nghiệp kinh doanh du lịch, với bất động sản du lịch, giấc ngủ đông này sẽ vô cùng khó khăn. Và thời điểm này, như nhiều chuyên gia nhận định, chính là giai đoạn vàng để đưa ra các giải pháp, cơ hội giúp doanh nghiệp biến chuyển cục diện.
Trằn trọc trong "giấc ngủ đông" và giải pháp điều khoản bất khả kháng
Tròn 1 tháng trước, Chủ tịch Tập đoàn Crystal Bay đã chia sẻ, trải lòng về những thiệt hại mà Tập đoàn này phải gánh chịu: "Vậy là từ đêm nay, chúng ta đóng cửa với mọi thị trường khách nước ngoài, bao gồm cả thị trường Nga - nơi đang được xem là thị trường chưa có dịch bệnh như EU.
4 chuyến bay của Anex Việt Nam đang bay trên bầu trời phải bay ngược trở lại Nga vì khách không có xác nhận y tế không bị dương tính với Covid -19 sẽ không được nhập cảnh hoặc phải bị cách ly 14 ngày, vừa đúng bằng kỳ nghỉ 14 ngày của khách Nga tới Việt Nam. Tính riêng Công ty Anex Việt Nam phải hủy kỳ nghỉ của 39.000 khách Nga đã mua tour tới Việt Nam trong 4 tuần tới. Tổn thất về doanh thu (xuất khẩu tại chỗ ) là hơn 62 triệu USD/tháng".
Khi ấy, đại diện Crystal Bay chia sẻ: "Tôi vẫn tin rằng từ khoảng giữa tháng 4 khi thời tiết toàn cầu thay đổi, dịch bệnh sẽ được đẩy lùi và nhu cầu du lịch sẽ tăng cao chưa từng thấy. Tuy nhiên, những tuần trước mắt sẽ thật sự khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động. Giá mà có công cụ xét nghiệm nhanh ở sân bay để giảm thiệt hại và những người khỏe mạnh không bị cách ly".
Tiếc rằng, mong muốn ấy đã không thành, khi nay, là giữa tháng 4, dịch bệnh dù trong tầm kiểm soát, nhưng vẫn đang là mối nguy khó lường. Cụ thể là 12 tỉnh, thành phố nằm trong nhóm nguy cơ cao tiếp tục thực hiện việc cách ly xã hội thêm 1 tuần đến ngày 22/4, theo chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng chống dịch COVID-19 chiều 15/4. Và ngành du lịch cũng như bất động sản du lịch vẫn tiếp tục phải nằm bất động, gồng mình cho những khoản chi phí, cho những khoản lợi nhuận cam kết chi trả.
Bất động sản du lịch Việt Nam đang trằn trọc trong giấc "ngủ đông" ...
Vậy để thấy, dù doanh nghiệp muốn "ngủ đông" để giữ sức, hay "ngủ đông động" như phương án của CEO Group, thì giấc ngủ ấy cũng thật trằn trọc, vì khó khăn vẫn còn đó, dù cơ hội về các gói hỗ trợ có vẻ là nhiều, nhưng giống như vaxin, để đợi được nguồn thuốc chống lại dịch bệnh, sẽ còn là rất lâu, và doanh nghiệp vẫn phải tự tìm kiếm giải pháp cho chính mình.
Trong cuộc chia sẻ với Reatimes mới đây, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, trong bối cảnh này hoàn toàn có thể sử dụng điều khoản bất khả kháng trong các hợp đồng giao kết, đặc biệt là đối với du lịch và cụ thể hơn là với các sản phẩm cam kết lợi nhuận như condotel.
"Tình trạng dịch bệnh như hiện nay được coi như bất khả kháng và có tác động trực tiếp đến hợp đồng giữa các doanh nghiệp, hoặc giữa doanh nghiệp với cá nhân. Và chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng điều khoản bất khả kháng cho hợp đồng cam kết lợi nhuận condotel. Ví dụ với cam kết lợi nhuận, trước đó chủ đầu tư dự án cam kết trả tỷ lệ lợi nhuận là bao nhiêu cho nhà đầu tư thứ cấp, nhưng trong hoàn cảnh dịch bệnh diễn ra, thì có thể nêu ra nguyên nhân: Do bất khả kháng, trong một số tháng nhất định, chúng tôi không trả được lợi nhuận như cam kết vì không có khách hàng, không có doanh thu - điều đó là hoàn toàn được. Thậm chí mức lợi nhuận cam kết có thể đưa về bằng 0", GS. Võ bày tỏ quan điểm.
Tuy nhiên, theo GS. Võ, cũng cần có lời hứa đến khi nào cam kết được thực hiện, ví dụ như 3 tháng sau khi dịch bệnh Covid-19 đã được dập tắt, bởi cũng cần một khoảng thời gian nhất định để du lịch có thể khôi phục.
"Chủ đầu tư có thể "tạm hoãn" việc trả lợi nhuận trong một số tháng nhất định trong tình trạng như hiện nay, điều này hoàn toàn đúng", ông Võ nhận định.
Đồng quan điểm với GS. Đặng Hùng Võ, luật sư Lê Văn Hồi, Giám đốc điều hành Công ty luật My Way cho rằng: "Du lịch là một trong những ngành nghề chịu thiệt hại nặng nề, những sụt giảm về kinh tế mà ngành nghề này phải chịu từ đầu mùa dịch đến nay có thể nhìn thấy rõ. Theo đó, bất động sản du lịch cũng không phải là ngoại lệ. Việc có thể tiếp tục phân chia lợi nhuận theo chính sách thỏa thuận ban đầu giữa các bên khó có thể thực hiện theo đúng lộ trình. Trong trường hợp này, việc “kích hoạt điều khoản bất khả kháng” để bảo vệ và giảm thiểu tối đa thiệt hại của các bên là vấn đề nên được áp dụng".
Doanh nghiệp du lịch nên cân nhắc bài toán chi trả lợi nhuận ra sao?
Là một Tập đoàn với các dự án chủ lực là bất động sản du lịch nghỉ dưỡng và mới đây mở rộng đầu tư sang lĩnh vực lữ hành, FLC Group cũng phải hứng chịu không ít những ảnh hưởng từ dịch bệnh. Động thái mới đây nhất của công ty con của đơn vị này - Công ty CP Phát triển bất động sản FLC Homes - là đã ra văn bản gửi tới các khách hàng về việc thay đổi thời gian thanh toán lợi nhuận tại các dự án condotel do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Theo đó, với những ảnh hưởng mạnh mẽ mà dịch bệnh gây ra cho hoạt động kinh doanh, FLC Homes sẽ tạm thời chưa chi trả các khoản lợi nhuận của nhà đầu tư trong thời điểm hiện tại, và ngay sau khi WHO tuyên bố hết dịch Covid-19, các cơ sở du lịch của FLC quay lại hoạt động thì FLC Homes sẽ thông báo về thời hạn trả lợi nhuận cụ thể. Bên cạnh đó, FLC Homes cân nhắc chuyển đổi phần lợi nhuận sang voucher nghỉ dưỡng, vé máy bay hoặc đối trừ vào các sản phẩm bất động sản khác của FLC.
Đánh giá về vấn đề này, luật sư Nguyễn Đại Hải, Công ty Luật Fanci cho hay: "Khi đại dịch bùng phát thì ngành du lịch bị ảnh hưởng cao nhất, hầu như toàn bộ ngành du lịch trong nước bị ngừng lại. Vì vậy, các dự án Condotel bị ảnh hưởng rất lớn bởi đại dịch Covid 19. Trước đó các dự án condotel của FLC Homes có cam kết lợi nhuận lên đến 10%/ năm và khẳng định tính khả thi. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh, và đến hạn trả lợi nhuận, thì FLC Homes đã nhanh chóng có thông báo về việc hoãn chi trả và có động thái sẽ trả bằng voucher, vé máy bay... Tôi cho rằng, đây cũng là những phương án phù hợp, trong hệ thống chiến lược của FLC Homes để giảm thiếu tối đa mức ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid 19 vượt qua tình hình khó khăn hiện nay".
Về thời gian áp dụng điều khoản bất khả kháng, luật sư Hải cho rằng, nên kích hoạt sự kiện bất khả kháng của hợp đồng dịch vụ từ ngày có công bố dịch Covid 19 bùng phát cho đến khi Thủ tướng Chính phủ có thông báo hết dịch tại Việt Nam.
"Trong thời điểm này, chủ đầu tư có thể áp dụng điều khiện bất khả kháng về việc trả cam kết lợi nhuận cho nhà đầu tư đối với ngành kinh doanh du lịch và một số ngành liên quan khác. Khi nhà đầu tư và chủ đầu tư cùng trên một chiếc thuyền cùng vượt qua đại dịch Covid-19, thì lợi nhuận thỏa thuận bằng 0% là chấp nhận được. Do chưa có các điều khoản pháp luật chuyên sâu điều chỉnh, nên mức cam kết lợi nhuận về bằng 0% là không trái với quy định pháp luật", luật sư Hải phân tích.
Đồng tình với quan điểm nên sử dụng điều khoản bất khả kháng để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp trong thời điểm hiện nay. Tuy nhiên, ông Trần Đình Quý, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Khánh Hòa cho rằng, động thái của Chính phủ là rất quan trọng trong thời điểm hiện tại. Bởi, dù doanh nghiệp có cứu doanh nghiệp hay đồng ý kích hoạt điều khoản bất khả kháng, thì suy cho cùng những khó khăn vẫn còn đó trên vai doanh nghiệp.
"Có kích hoạt hay không thì cũng là doanh nghiệp với doanh nghiệp. Chúng ta cần nhìn sâu xa hơn vấn đề, không doanh nghiệp này "chết" thì doanh nghiệp kia "chết", vấn đề là Chính phủ cần có động thái với các doanh nghiệp này, các Bộ ngành cần sớm vào cuộc, và quyết liệt hơn. Có như vậy, những khó khăn hiện thời mới có thể được khắc phục".
Theo đó, ông Quý đề xuất một số phương án để hỗ trợ doanh nghiệp như: Giảm thuế VAT còn 5%, thuế thu nhập doanh nghiệp cũng nên điều chỉnh giảm trong giai đoạn dịch bệnh diễn ra...
Còn về việc gia hạn cam kết lợi nhuận hay chuyển đổi lợi nhuận cam kết thành các sản phẩm thực tế, vị này cho rằng đó cũng là một phương án có thể sử dụng khi doanh nghiệp rơi vào trường hợp bất khả kháng như hiện nay, khi khó khăn tác động từ ngoại cảnh đang quá lớn.