Nhiều văn bản luật, kèm theo những chính sách mới có hiệu lực; Kinh tế vĩ mô ổn định; Chính phủ đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công... được đánh giá là những yếu tố “then chốt” tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường bất động sản (BĐS) giai đoạn từ nay đến cuối năm 2021 và những năm tiếp theo.
Thị trường vẫn khó khăn
Số liệu thống kê từ Hội môi giới BĐS Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng lượng cung mới sản phẩm BĐS cả nước đạt khoảng 129.900 sản phẩm. So với cùng kỳ năm 2019, lượng sản phẩm chào bán trên toàn thị trường 6 tháng đầu năm 2021 tăng 158,3%. Giao dịch tăng 46,2%; So với cùng kỳ năm 2020 lượng giao dịch chào bán trên toàn thị trường tăng 10,8%. Giao dịch tăng 132,3%; Nhưng so với 6 tháng cuối năm 2020, lượng giao dịch chào bán trên toàn thị trường chỉ đạt 83,1%. Giao dịch chỉ đạt 87,7%. Trong đó, thấp tầng là dòng sản phẩm có tỉ lệ hấp thụ tốt nhất với 47,3%, căn hộ cao cấp đạt tỉ lệ thấp nhất chỉ 10,9%.
“Do ảnh hưởng của Covid-19 thu nhập người dân trên tổng thể bị suy giảm, dẫn tới nhu cầu sử dụng sản phẩm giảm đi, giá bán cũng bị áp lực giảm. Nhưng thực tế BĐS tương lai đang đối mặt với áp lực phải tăng giá, do: Đất nền trải qua nhiều “cơn sốt” khiến mặt bằng giá tăng cao; Vướng mắc về thủ tục phê duyệt dự án, giá các loại vật liệu xây dựng tăng dẫn đến tăng chi phí, kéo theo giá thành BĐS cũng sẽ tăng” – Phó Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Đính nhìn nhận.
Ở khía cạnh khác, theo đại diện Bộ Xây dựng, thị trường BĐS đang có nhiều “điểm nghẽn” khiến cho thị trường bị đình trệ, như: Hệ thống pháp luật điều chỉnh chậm được hoàn thiện, còn chồng chéo. Nhiều vấn đề phát sinh nhưng chưa được bổ sung, sửa đổi kịp thời; BĐS không theo quy hoạch, kế hoạch, căn cứ vào nhu cầu của thị trường và nguồn lực thực hiện; Chính sách phát triển chưa thật sự phù hợp, vai trò của Nhà nước trong kiểm soát và điều tiết thị trường chưa hiệu quả; Định chế tài chính BĐS chưa được hoàn thiện, thiếu nguồn vốn trung và dài hạn; Chính sách thuế, phí liên quan chưa thực sự là công cụ góp phần công khai, minh bạch và điều tiết thị trường...
“Cùng với đó, đa số các nhà đầu tư chú trọng đến sản phẩm có lợi nhuận cao mà chưa quan tâm đến sản phẩm phù hợp với nhiều đối tượng, đặc biệt là các đối tượng có thu nhập thấp. Hệ thống thông tin, dự báo về thị trường không thống nhất, thiếu tin cậy gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước, cũng như bảo đảm tính công khai, minh bạch của thị trường” – đại diện Bộ Xây dựng nhìn nhận.
Nhưng nhiều cơ hội mới
Mặc dù thị trường BĐS vẫn đang gặp nhiều khó khăn, nhưng theo đánh giá trong năm 2021 thị trường đã đón nhiều kỳ vọng mới, đặc biệt là những vấn đề có liên quan đến chính sách, như: Nghị định 148/2020/NĐ-CP, Nghị định số 25/2020/NĐ-CP, các Luật sửa đổi đi vào thi hành sẽ giúp tháo gỡ nhiều vướng mắc về thủ tục đất đai, tạo đòn bẩy để thị trường hồi phục và phát triển.
Theo Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam Đỗ Viết Chiến, mặc dù thị trường BĐS đã trải qua 6 tháng đầu năm 2021 với đầy dãy khó khăn, nhưng đây là tình hình chung của cả nền kinh tế, không riêng lĩnh vực BĐS trước những ảnh hưởng của làn sóng Covid-19. Nhưng trong 6 tháng cuối năm 2021 và cả năm 2022 có thể thị trường BĐS vẫn chưa vượt qua ngay được những khó khăn này, do phải phụ thuộc vào diễn biến của dịch bệnh, nhưng vẫn còn đó những cơ hội, đặc biệt là tình hình kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiềm chế, đây được xem là yếu tố then chốt tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường thu hút các nguồn vốn đầu tư; Việc Chính phủ đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công vào hệ thống hạ tầng tạo điều kiện để BĐS gia tăng giá trị.
“Cùng với đó, Nghị quyết Trung ương số 10, tiếp tục khẳng định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường; Bản thân các doanh nghiệp đã có sự chủ động, thích ứng với tình hình dịch bệnh để đưa ra những tính toán cẩn trọng. Bên cạnh đó, khi tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, hiện nay dân số thành thị mới chiếm khoảng 40%, dự báo đến năm 2030 sẽ tăng lên 45%, nhu cầu về nhà ở vẫn còn rất lớn, đây chính là cơ hội cho thị trường trong giai đoạn hậu Covid-19” – ông Đỗ Viết Chiến nhận định.