Theo Đài CNN, sân bay quốc tế Vịnh Kim Châu, tọa lạc tại thành phố Đại Liên, Trung Quốc, đang được xây dựng trên một hòn đảo nhân tạo ngoài khơi bờ biển Đông Bắc nước này, với diện tích lên đến 20km2. Khi hoàn thành, đây sẽ trở thành sân bay trên đảo nhân tạo lớn nhất thế giới, vượt qua sân bay quốc tế Hong Kong (12,48km2) và sân bay Kansai của Nhật Bản (10,5km2).
Sân bay quốc tế Vịnh Kim Châu được thiết kế với 4 đường băng và nhà ga hành khách rộng 900.000m2, ban đầu dự kiến phục vụ 43 triệu hành khách mỗi năm, nhưng công suất có thể tăng gấp đôi lên 80 triệu hành khách trong tương lai, theo Hội đồng Sân bay Quốc tế.
Tổng vốn đầu tư cho dự án lên tới 4,3 tỷ USD (tương đương khoảng 110.000 tỷ đồng), với thời gian hoàn thành toàn bộ dự án dự kiến vào năm 2035.
Tính đến tháng 8/2024, dự án đã hoàn tất xử lý nền móng sâu cho khu vực đất khai hoang rộng 77.000m2. Đây là bước quan trọng để đảm bảo độ ổn định của mặt bằng xây dựng, đặc biệt trên nền đất mềm hoặc không ổn định.
Với vị trí địa lý chiến lược tại thành phố cảng Đại Liên, gần Hàn Quốc và Nhật Bản, sân bay Vịnh Kim Châu được kỳ vọng sẽ trở thành trung tâm vận tải hàng không lớn trong khu vực. Thành phố Đại Liên, một trong những đô thị sầm uất nhất vùng eo biển Bột Hải, nổi tiếng với ngành công nghiệp dầu khí, logistics, du lịch biển và dịch vụ vận tải biển, hứa hẹn tận dụng hiệu quả tiềm năng của sân bay mới này để thúc đẩy kinh tế khu vực.
Tuy nhiên, việc xây dựng sân bay trên đảo nhân tạo cũng đi kèm một số rủi ro tiềm ẩn. Các thảm họa tự nhiên như động đất, bão hoặc va chạm tàu có thể gây thiệt hại nghiêm trọng, đặc biệt đối với các cầu nối giữa sân bay và đất liền. Điều này có thể dẫn đến tình trạng cô lập sân bay, gây gián đoạn hoạt động.
Hiện nay, thành phố Đại Liên đang vận hành sân bay Đại Liên Chu Gia Tử, nhưng sân bay này nằm giữa một thung lũng bao quanh bởi núi non, khiến hoạt động bay gặp nhiều hạn chế, đặc biệt trong điều kiện thời tiết xấu. Sân bay Vịnh Kim Châu, với quy mô và công nghệ hiện đại, được kỳ vọng sẽ khắc phục những hạn chế này, mang lại khả năng kết nối vượt trội và thúc đẩy sự phát triển toàn diện của Đại Liên.