Aa

"Lỗ hổng" quản lý, giám sát thị trường chứng khoán nhìn từ vụ thao túng cổ phiếu Phát Đạt

Tuệ Minh
Tuệ Minh Tueminhreatimes@gmail.com
Thứ Ba, 08/04/2025 - 06:00

Thị trường chứng khoán những năm gần đây chứng kiến một số vụ thao túng với quy mô lớn, không chỉ gây thiệt hại, “xói mòn” niềm tin của nhà đầu tư mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh, bền vững của thị trường. Trong đó, bất động sản là nhóm cổ phiếu chứng kiến tình trạng thao túng giá diễn ra tinh vi và phức tạp, điển hình như vụ thao túng cổ phiếu Phạt Đạt (mã PDR) mới được công bố tháng 3 vừa qua.

Vì sao sau 2 năm thao túng, nhà đầu tư mới bị "réo tên"?

Cổ phiếu bất động sản được đánh giá là một trong những nhóm cổ phiếu có sức hấp dẫn đặc biệt trên thị trường chứng khoán nhờ tiềm năng tăng trưởng mạnh và vai trò quan trọng của lĩnh vực này trong nền kinh tế. Tuy nhiên, sức hấp dẫn ấy cũng bị ảnh hưởng không nhỏ bởi một số vụ việc thao túng cổ phiếu liên quan đến doanh nghiệp bất động sản. 

Điển hình nhất có lẽ là "đại án" thao túng thị trường chứng khoán, thổi giá cổ phiếu FLC giai đoạn 2021 - 2022 khiến nhiều nhà đầu tư kiệt quệ. Liên quan đến vụ việc này, cơ quan điều tra từng cho biết, có sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý. Cụ thể là việc thiếu kiểm tra giám sát, kiểm soát và chế tài xử lý còn nhẹ. 

Ngày 11/7/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 86/NQ-CP yêu cầu tăng cường các biện pháp, chế tài xử phạt các hành vi vi phạm pháp luật trên thị trường chứng khoán. Đặc biệt xử lý nghiêm, kịp thời tình trạng thao túng, làm giá nhằm bảo vệ nhà đầu tư, khôi phục niềm tin và đảm bảo sự phát triển lành mạnh, minh bạch và bền vững thị trường. Có thể nói Chính phủ đã mạnh tay chỉ đạo xử lý các hành vi thao túng thị trường chứng khoán. 

Tuy nhiên, vì mục đích nào đó, hành vi thao túng thị trường vẫn đang tiếp diễn không hồi kết.

Điển hình là mới đây, ngày 21/3/2025, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước ban hành Quyết định số 55/QĐ-XPHC về việc xử phạt 2 nhà đầu tư sử dụng 164 tài khoản để liên tục mua bán cổ phiếu PDR của Công ty CP Phát triển Bất động sản Phát Đạt nhằm tạo cung cầu giả và thao túng giá. Hai nhà đầu tư là bà Nguyễn Thị Phương Thảo và ông Phan Thành Tâm.

Điều đáng nói, sự việc này diễn ra trong khoảng thời gian từ 15/8/2022 đến ngày 09/12/2022. Tức là hành vi này diễn ra ngay sau khi Nghị quyết 86 được ban hành ít ngày. 

Thái độ bất tuân pháp luật của các đối tượng là điều đáng lên án, song vấn đề đáng nói khác là vụ việc xảy ra cuối năm 2022 nhưng mới đây - ngày 21/3/2025, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) mới ra quyết định xử phạt hành chính bà Nguyễn Thị Phương Thảo và ông Phan Thành Tâm. Đồng thời, cấm giao dịch trong vòng 2 năm đối với hai cá nhân thao túng cổ phiếu PDR.

Vậy lý do gì khiến vụ việc thao túng giá cổ phiếu PDR diễn ra từ cuối năm 2022 nhưng đến nay, UBCKNN mới ban hành kết luận xử phạt, dù thời điểm xảy ra vụ việc, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) đã nhận thấy những dấu hiệu bất thường? Các chuyên gia cho rằng, điều này là quá chậm trễ và có phần khó hiểu. 

Trường hợp thứ nhất, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM và UBCKNN đã vào cuộc điều tra ngay khi nhận thấy dấu hiệu thao túng, nhưng đến nay mới đưa ra kết luận thì vai trò kịp thời, nhanh chóng trong xử lý nghiêm các vụ thao túng chứng khoán dường như chưa đảm bảo như tinh thần Nghị quyết 86/NQ-CP đặt ra.

Trường hợp thứ hai, nếu cuộc điều tra có tính chất phức tạp buộc phải kéo dài thời gian, thì công luận cũng cần những thông tin rõ ràng hơn từ UBCKNN để hiểu vì sao cuộc điều tra này lại tốn nhiều thời gian đến vậy cho một kết luận "thao túng cổ phiếu nhưng lại không phát hiện khoản thu trái pháp luật nào". Bởi với thị trường chứng khoán, niềm tin và sự phát triển bền vững được xây dựng chính từ sự minh bạch thông tin và quản lý, giám sát chặt chẽ. 

Và trong trường hợp thứ ba, việc điều tra, xử phạt đến nay mới được thực hiện thì càng khó hiểu vì hành vi thao túng đã diễn ra từ hơn 2 năm trước. 

Theo các chuyên gia, việc chậm trễ hay kéo dài điều tra của cơ quan quản lý nhà nước trước những vụ việc có dấu hiệu thao túng cổ phiếu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá cổ phiếu, gây ra khó khăn trong việc phân tích và dự báo các khoản đầu tư tốt. Từ đó ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư trên thị trường. 

Ví dụ như vụ thao túng cổ phiếu Phát Đạt, nếu Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM và UBCKNN vào cuộc điều tra kịp thời thì hành vi mua, bán, giao dịch cổ phiếu PDR giữa các tài khoản của bà Thảo và ông Tâm có thể sẽ không diễn ra quy mô lớn và kéo dài liên tục đến 4 tháng cuối năm 2022. Thậm chí, mục đích tạo cung - cầu giả giữa các nhà đầu tư sẽ khó đạt được. 

Điều này vừa ngăn chặn giá cổ phiếu PDR có những biến động mạnh, hạn chế thiệt hại cho nhà đầu tư, vừa tạo niềm tin trên thị trường, loại bỏ những "bàn tay vô hình" bóp méo cuộc chơi trên sàn chứng khoán. Và rộng hơn nữa, còn góp phần nhận diện và thanh lọc để thị trường bất động sản phát triển bền vững hơn. 

Cần mạnh tay x lý những "bàn tay vô hình" đã bóp méo cuộc chơi

Không chỉ riêng trường hợp của Phát Đạt, giới chuyên gia cho biết, vai trò kiểm tra, giám sát và xử lý những vụ việc có dấu hiệu sai phạm trên thị trường chứng khoán của các cơ quan quản lý Nhà nước trong thời gian vừa qua cũng chưa thực sự đảm bảo.

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân nhận định rằng nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thao túng giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán bắt nguồn từ những hạn chế trong công tác quản lý của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và các sở giao dịch.

Ngoài cơ chế quản lý chưa thực sự chặt chẽ, mức xử phạt hiện tại chưa đủ sức răn đe – chủ yếu chỉ dừng ở hình thức phạt hành chính – việc kiểm tra, giám sát và xử lý các sai phạm của UBCKNN cũng còn chậm trễ, kéo dài thời gian. Khoảng thời gian từ khi hành vi thao túng kết thúc đến khi bị xử phạt thường khá lâu.

"Lỗ hổng" quản lý, giám sát thị trường chứng khoán nhìn từ vụ thao túng cổ phiếu Phát Đạt- Ảnh 2.

Chuyên gia kinh tế, PGS. TS Nguyễn Hữu Huân

Nhìn lại lịch sử xử lý các vụ thao túng thị trường chứng khoán, dễ nhận thấy, hầu hết các vụ việc kéo dài hàng tháng, thậm chí là hàng năm. Một trong những vụ việc xử lý nhanh nhất là vụ thao túng giá cổ phiếu HHC (Công ty cổ phần Bê tông Hòa Cầm - Intimex) vào năm 2010, UBCKNN vẫn cần tới 54 ngày để đưa ra kết luận xử phạt.

PGS. TS Nguyễn Hữu Huân cho rằng, việc kéo dài thời gian xử lý sẽ tạo cơ hội cho những "bàn tay vô hình" khác tiếp tục làm méo mó thị trường chứng khoán, ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư và sự phát triển bền vững của thị trường.

Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng giám đốc Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI) cũng chỉ ra, vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong việc đảm bảo lành mạnh hoá thị trường chứng khoán là rất quan trọng. Bởi nếu vai trò này không thực hiện tốt, thị trường sẽ xuất hiện những "lỗ hổng" tạo điều kiện cho các cá nhân có mục đích xấu thao túng giá cổ phiếu, gây ra nhiều tác động tiêu cực đến thị trường.

Ông Ngọc cho biết, khi những hành vi thao túng diễn ra sẽ khiến giá cổ phiếu bị đẩy lên quá cao hoặc giảm xuống bất thường, tạo hiện tượng bong bong. Vì vậy, nhà đầu tư cá nhân rất dễ thua lỗ khi giá điều chỉnh về đúng giá trị thực.

Khi một số cổ phiếu bị thao túng, dòng tiền có thể chảy vào những cổ phiếu không có nền tảng kinh doanh tốt, thay vì được phân bổ vào các doanh nghiệp có giá trị thực sự. Điều này làm mất cân bằng trong hệ thống tài chính và gây tổn hại đến sự phát triển bền vững của thị trường.

"Lỗ hổng" quản lý, giám sát thị trường chứng khoán nhìn từ vụ thao túng cổ phiếu Phát Đạt- Ảnh 3.

Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng giám đốc Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI)

Ngoài ra, nếu các hành vi thao túng giá diễn ra trên quy mô lớn hoặc có sự tham gia của các tổ chức tài chính, nguy cơ sụp đổ thị trường hoặc khủng hoảng niềm tin sẽ cao hơn, có thể kéo theo hệ lụy xấu đến nền kinh tế.

"Khi các vụ thao túng giá bị phanh phui, nhà đầu tư sẽ lo ngại về tính minh bạch và công bằng của thị trường. Điều này có thể khiến dòng vốn rút ra khỏi thị trường, làm giảm thanh khoản và khiến thị trường kém hấp dẫn hơn", ông Ngọc chia sẻ thêm.

Bàn về vai trò của cơ quan nhà nước trong  việc phát triển lành mạnh và bền vững thị trường chứng khoán, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển nhận định, chưa cần nghĩ tới những giải pháp mới, chỉ cần UBCKNN, các sở giao dịch chứng khoán, công ty chứng khoán, công ty kiểm toán... làm đúng vai trò của mình thì chắc chắn thị trường chứng khoán sẽ tốt hơn.

"Nếu các công ty kiểm toán làm chặt báo cáo tài chính của doanh nghiệp niêm yết, số liệu phản ánh đúng tình hình của doanh nghiệp; cơ quan quản lý kiểm soát chặt việc mở tài khoản tràn lan cùng việc thanh tra, kiểm tra kịp thời các vụ việc có dấu hiệu vi phạm thao túng cổ phiếu... thị trường chứng khoán chắc chắn sẽ phát triển lành mạnh và minh bạch hơn", TS. Đinh Thế Hiển nói.

Theo Quyết định 1726/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030, mục tiêu tổng quát của Chiến lược là phát triển thị trường chứng khoán ổn định, an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững, hội nhập, với quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 100% GDP vào năm 2025 và đạt 120% GDP vào năm 2030. Trong đó, có mục tiêu cụ thể là phấn đấu đến năm 2025 nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi theo tiêu chuẩn phân hạng thị trường chứng khoán của các tổ chức quốc tế.

"Lỗ hổng" quản lý, giám sát thị trường chứng khoán nhìn từ vụ thao túng cổ phiếu Phát Đạt- Ảnh 4.

Cần mạnh tay xử lý những "bàn tay vô hình" đã và đang làm méo mó thị trường chứng khoán để đảm bảo mục tiêu nâng hạng thị trường. (Ảnh minh hoạ)

Theo các chuyên gia, nâng hạng thị trường chứng khoán có vai trò quan trọng trong việc gia tăng số lượng nhà đầu tư có tổ chức, nhà đầu tư có quy mô lớn trên thị trường (hiện nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ đang chiếm hơn 90% trên thị trường), tăng tính chuyên nghiệp và bền vững trong hoạt động đầu tư, giảm thiểu các biến động mạnh của thị trường do bị tác động tâm lý của số lượng lớn nhà đầu tư cá nhân.

Song điều này cũng yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước phải có trách nhiệm cao hơn đối với thị trường chứng khoán để đảm bảo thị trường phát triển minh bạch, lành mạnh, hạn chế tình trạng thao túng cổ phiếu, làm lũng đoạn thị trường.

PGS. TS Nguyễn Hữu Huân cho rằng, thị trường sẽ khó nâng hạng và phát triển tương xứng với tiềm năng của nó khi tính minh bạch chưa được đảm bảo cùng tình trạng lũng đoạn, thao túng giá chứng khoán ngày càng diễn biến phức tạp, mạnh mẽ. Vì vậy, UBCKNN, các sở giao dịch chứng khoán cần thể hiện trách nhiệm cao hơn thông qua các hoạt động quản lý, kiểm tra, giám sát, và xử lý kịp thời, nhanh chóng  các vụ việc có dấu vi phạm./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top