Nhiều băn khoăn sau kết luận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước
Ngày 21/3 vừa qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã ban hành Quyết định số 55/QĐ-XPHC về việc xử phạt 2 cá nhân thao túng giá cổ phiếu CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (PDR) từ ngày 15/8 đến 9/12/2022.
Hai cá nhân này là ông Phan Thành Tâm và bà Nguyễn Thị Phương Thảo. Trong đó, bà Thảo là cựu lãnh đạo Phát Đạt khi từng đảm nhiệm chức vụ Kế toán trưởng, Trưởng ban Kiểm soát nội bộ của Phát Đạt.
Sau khi UBCKNN đưa ra quyết định xử phạt hành vi thao túng giá cổ phiếu PDR của ông Tâm và bà Thảo, nhiều dấu hỏi xoay quanh vụ việc này đã được đặt ra.
Trước hết, việc thao túng giá cổ phiếu PDR diễn ra cuối năm 2022 nhưng đến nay, UBCKNN mới ban hành kết luận xử phạt, điều này liệu có quá chậm trễ?
Trong khoảng thời gian 2 cá nhân thao túng giá cổ phiếu, cổ phiếu PDR đã có nhiều phiên giảm sàn liên tiếp. PDR lao dốc mạnh từ vùng giá 54.000 đồng xuống 12.000 đồng, tức mất hơn 77%. Giai đoạn đó, cổ phiếu này trải qua chuỗi giảm điểm 29 phiên liên tiếp, trong đó có 17 phiên giảm sàn khiến ông Nguyễn Văn Đạt - Chủ tịch Hội đồng quản trị - bị nhiều công ty chứng khoán bán giải chấp hàng chục triệu cổ phiếu.
Tuy nhiên sau chuỗi giảm mạnh, cổ phiếu PDR lại bất ngờ đảo chiều tăng trần 5 phiên liên tiếp từ ngày 29/11/2022 đến ngày 5/12/2022.
Thời điểm đó, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) yêu cầu Phát Đạt giải trình trước những biến động bất thường của giá cổ phiếu. Lãnh đạo Phát Đạt giải thích, giá cổ phiếu giảm do yếu tố tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trước những triển vọng kém tích cực về kinh tế và bất động sản, còn giá cổ phiếu tăng là do "thị trường quyết định". Trước giải trình này, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM không có thêm động thái mới.

Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu
Theo chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu, ngay thời điểm nhận thấy biến động bất thường của giá cổ phiếu, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM, UBCKNN phải vào cuộc điều tra và công khai các thông tin liên quan để nhà đầu tư có sự cảnh giác. Chuyên gia cũng phân tích thêm việc cổ phiếu giảm sàn hàng chục phiên liên tiếp, lao dốc mạnh từ vùng giá 54.000 đồng xuống 12.000 đồng sẽ gây ra thiệt hại không hề nhỏ.
"Phải xem xét kỹ, nếu giá cổ phiếu biến động mạnh do thị trường thì nguyên nhân sâu xa là từ đâu? Là do thông tin trong báo cáo tài chính, dòng tiền, tiến độ dự án của doanh nghiệp được đẩy mạnh hơn hay như thế nào?", TS. Nguyễn Trí Hiếu đặt câu hỏi.
Cũng theo ông Hiếu, nếu cơ quan quản lý đã vào cuộc điều tra vụ việc này nhưng hơn 2 năm sau mới có kết luận và đưa ra hình thức xử phạt thì tính kịp thời trong quản lý, giám sát hoạt động và thị trường chứng khoán dường như chưa đảm bảo. UBCKNN cần giải trình vì sao có sự chậm trễ này.
Bên cạnh đó, việc kết luận "không phát hiện khoản thu trái pháp luật nào từ hành vi thao túng của 2 cá nhân là bà Thảo và ông Tâm" của UBCKNN cũng đặt ra nhiều băn khoăn.
UBCKNN đã xử phạt mỗi cá nhân thao túng giá cổ phiếu PDR 1,5 tỷ đồng; đồng thời cấm giao dịch chứng khoán, cấm đảm nhiệm chức vụ tại công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán trong thời hạn 02 năm.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, khi một cá nhân hoặc nhiều cá nhân thao túng cổ phiếu phải xuất phát từ lợi ích nào đó.
"Vì vậy, kết luận thao túng cổ phiếu nhưng lại không phát hiện khoản thu trái pháp luật nào là điều đáng nghi vấn", chuyên gia nhấn mạnh và cho rằng, để biết được ai là người hưởng lợi phía sau việc thao túng này thì cần điều tra làm rõ.
Cần điều tra làm rõ để tách bạch trách nhiệm cá nhân và doanh nghiệp
Chưa rõ mục đích của việc thao túng cổ phiếu Phát Đạt trong suốt 4 tháng cuối năm 2022, song nhìn nhận một cách khách quan, sự việc đã làm ảnh hưởng đến chính uy tín của doanh nghiệp, tâm lý nhà đầu tư và thị trường chứng khoán, nhất là tại thời điểm đó, "đại án" thao túng thị trường, "thổi giá" cổ phiếu FLC đang khiến nhiều nhà đầu tư kiệt quệ.
TS. Nguyễn Trí Hiếu phân tích, tâm lý nhà đầu tư chắc chắn chịu thiệt hại và nghiêm trọng hơn là hành vi thao túng giá cổ phiếu sẽ làm xấu xí thị trường chứng khoán.
Đối với doanh nghiệp có cổ phiếu bị thao túng, chuyên gia cho rằng, giá trị định giá doanh nghiệp sẽ chịu ảnh hưởng. Nếu giá chứng khoán trên thị trường thứ cấp giảm sâu, các nhà đầu tư sẽ ngay lập tức có tâm lý lo ngại về cổ phiếu và doanh nghiệp đó. Khi doanh nghiệp phát hành thêm cổ phiếu mới thì giá phát hành sẽ không cao. Thêm nữa, vốn hóa thị trường sụt giảm còn ảnh hưởng đến vị thế, uy tín của doanh nghiệp trên thị trường. Bởi khi đó, không chỉ nhà đầu tư chứng khoán trên thị trường thứ cấp, mà các bên liên quan như cổ đông, cơ quan quản lý, ngân hàng, đặc biệt là các đơn vị đang dùng cổ phiếu của công ty làm tài sản thế chấp, có thể nhìn thấy những dấu hiệu lo ngại và điều chỉnh hành vi đối với công ty phát hành.

Luật sư Lê Cao, Luật sư điều hành Công ty Luật FDVN
Phân tích ở góc độ pháp lý về hiện tượng thao túng chứng khoán, luật sư Lê Cao, Luật sư điều hành Công ty Luật FDVN cho rằng, hiện tượng thao túng chứng khoán như "mê hồn trận" tạo ra các giá trị ảo nhằm mục đích "lùa gà". Điều này sẽ hình thành một thị trường không lành mạnh, nhiều rủi ro.
Cùng với đó, cổ phiếu của các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán nếu không phản ánh thực chất tình trạng kinh doanh cũng sẽ trở thành "cái bẫy" nhiều mặt cho doanh nghiệp, ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp. Như vậy, thao túng chứng khoán sẽ tạo ra hàng loạt vấn đề và khiến niềm tin của nhà đầu tư đối với thị trường giảm sút.
Theo luật sư Lê Cao, các quy định pháp luật nhằm ngăn ngừa hành vi thao túng cổ phiếu cơ bản đã có, song nhiều hành vi thao túng vẫn "lạng lách" một cách tinh vi. Vì vậy, cơ quan quản lý Nhà nước cần có các giải pháp phát hiện và xử lý kịp thời.
"Trách nhiệm quản lý và giám sát hoạt động chứng khoán, thị trường chứng khoán của UBCKNN là rất quan trọng. Trong đó, việc điều tra tận cùng các vụ việc để đưa ra câu trả lời thoả đáng cho nhà đầu tư, giúp bình ổn tâm lý nhà đầu tư và cho chính các doanh nghiệp là cần thiết", luật sư Cao nói.
TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, thao túng chứng khoán là hành vi gây ra nhiều hệ luỵ vì vậy ngay khi có dấu hiệu, cơ quan quản lý nhà nước cần vào cuộc làm rõ để ngăn chặn và kết luận kịp thời. Với những vụ việc có mức độ phức tạp, cần quá trình thu thập thông tin kéo dài, cơ quan quản lý phải có giải trình cụ thể.
Đối với vụ việc thao túng giá cổ phiếu PDR, trước nhiều băn khoăn còn chưa sáng tỏ, vị chuyên gia cho rằng, sau kết luận vừa qua của UBCKNN, cần thêm những cuộc điều tra làm rõ. Điều này không chỉ củng cố niềm tin của nhà đầu tư, minh bạch thị trường chứng khoán mà còn "giải oan" cho Phát Đạt, nếu doanh nghiệp này thực sự không liên quan đến hành động thao túng giá cổ phiếu của 2 cá nhân trên.
"UBCKNN đã công bố kết luận xử phạt nhưng có lẽ cần có những điều tra sâu hơn để sáng tỏ có những cá nhân/tổ chức liên quan nào cùng hành động với họ gây nên sự biến động bất thường của giá chứng khoán hay không. Nếu có dấu hiệu vi phạm, UBCKNN phải đưa vấn đề ra để các cơ quan có thẩm quyền điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật", TS. Nguyễn Trí Hiếu bày tỏ quan điểm.
TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng nhấn mạnh, việc điều tra rõ ràng cũng sẽ góp phần tách bạch trách nhiệm của doanh nghiệp với các cá nhân trong vụ việc.
Trước thông tin đang gây xôn xao giới đầu tư cổ phiếu, sáng 24/3, CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt đã phát thông cáo khẳng định ban lãnh đạo Phát Đạt không liên quan tới các hoạt động thao túng giá chứng khoán trong giai đoạn 4 tháng cuối năm 2022.
Trong thông cáo phát đi, Phát Đạt cũng khẳng định các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp vẫn đang diễn ra theo đúng kế hoạch. Theo đó, trong giai đoạn từ nay đến 2027, Phát Đạt sẽ triển khai 6 dự án lớn, bao gồm: Quy Nhơn Iconic (Bình Định) giai đoạn 2 dự kiến mở bán tháng 3/2025; Khu nhà ở phức hợp cao tầng Thuận An 1 & 2 (Bình Dương) đã hoàn thiện hạ tầng, pháp lý và dự kiến mở bán trong quý II/2025; dự án căn hộ cao cấp Q1 Tower (Ngô Mây, Quy Nhơn) mở bán quý II/2025; dự án khu phức hợp thương mại dịch vụ Như Nguyệt (Đà Nẵng) dự kiến mở bán quý III/2025; dự án khu phức hợp nghỉ dưỡng tại Côn Đảo và dự án căn hộ cao cấp Serenity Phước Hải (Bà Rịa - Vũng Tàu).