LTS: Nghị quyết 13 của Ban Chấp hành Trung ương ban hành ngày 16/1/2012 yêu cầu tập trung nguồn lực cho 4 lĩnh vực trọng tâm gồm hạ tầng giao thông, hạ tầng cung cấp điện, hạ tầng thuỷ lợi và ứng phó với biến đổi khí hậu, hạ tầng đô thị lớn. Tính đến nay, Nghị quyết 13 của Trung ương đã ra đời được hơn 5 năm. Giờ là thời điểm để sơ kết việc triển khai Nghị quyết này.
Bởi vậy, chủ trì cuộc họp với một số bộ, ngành, địa phương về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 hôm 28/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đúc kết, trong thời gian qua, kết cấu hạ tầng có bước phát triển, đất nước có nhiều công trình hạ tầng lớn. Tuy vậy, vẫn còn các tồn tại như quy hoạch chưa đồng bộ, tiến độ một số công trình còn chậm trễ. Hạ tầng vẫn còn là điểm nghẽn đối với sự phát triển như ùn tắc giao thông, quá tải bệnh viện…
“Hạ tầng để phát triển kinh tế-xã hội, nhưng mục tiêu cuối cùng là nâng cao đời sống nhân dân, do đó, bên cạnh hạ tầng cứng, yếu tố rất quan trọng nhưng không thể không đề cập đến các hạ tầng như giáo dục, y tế hay không thể để thiếu điện…”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Các Nghị quyết TƯ qua các thời kỳ đều nêu bật tầm quan trọng của kinh tế tư nhân và đề ra giải pháp để huy động các nguồn lực tư nhân. Nghị quyết TƯ 5 (tháng 6/2017) cũng tiếp tục nhấn mạnh vấn đề này.
Cách làm này đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Bởi trong điều kiện ngân sách hạn hẹp, nguồn vốn xã hội hóa đầu tư hạ tầng đã góp phần rất lớn thay đổi bộ mặt hạ tầng giao thông tại nhiều địa phương.
Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên thực sự ấn tượng với sự thay đổi mạnh mẽ của Quảng Ninh, đặc biệt năm 2017, tỉnh này vừa vượt lên, dẫn đầu bảng xếp hạng Năng lực Cạnh tranh cấp tỉnh (PCI): “Hạ tầng giao thông ví như mạch máu của nền kinh tế. Thời gian qua, Quảng Ninh đã rất quyết liệt trong chỉ đạo điều hành nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông. Từ thời bí thư Phạm Minh Chính cho đến thế hệ lãnh đạo tỉnh hiện nay luôn đưa ra những quyết sách rất quan trọng nhằm cải thiện hạ tầng giao thông”.
Theo quan sát của ông, một chuyên gia nghiên cứu quản lý kinh tế, các tỉnh vừa qua đã bứt phá vượt lên rất xa hầu hết đều nhờ thu hút được các nhà đầu tư có kinh nghiệm, chung tay góp sức cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông. Hầu hết các dự án của các nhà đầu tư này gắn bó lâu dài tại địa bàn nên hiệu quả kinh tế nhờ đó tốt hơn, cuộc sống của người dân nhờ đó cũng thịnh vượng. “Có đường, con người đi lại thuận lợi, hàng hóa vận chuyển dễ dàng, công việc làm ăn của người dân mới có thể phát triển. Như vậy muốn phát triển một vùng đất nào đó, việc đầu tiên phải làm là “lộ” phải thông”, ông Thiên quả quyết.
Một bí kíp quan trọng, để có thể giữ chân được các nhà đầu tư, theo ông Thiên, đó là khi triển khai thực hiện theo hình thức đối tác công tư, các tỉnh như Quảng Ninh đã phân biệt, phần nào Nhà nước làm, phần nào nhà đầu tư làm. Minh bạch, rạch ròi.
Tiến sĩ Huỳnh Thế Du, Giám đốc Chương trình MPP – Đại học Fulbright Việt Nam từng định nghĩa quy hoạch là một tiến trình chính trị và kỹ thuật. Nói như Taylor - một nhà lý thuyết đô thị nổi tiếng thế giới, thì: “Quy hoạch đô thị là một quá trình kỹ thuật và chính trị, xử lý việc kiểm soát sử dụng đất và thiết kế môi trường đô thị, bao gồm các mạng lưới giao thông, nhằm hướng dẫn và đảm bảo sự phát triển trật tự của các khu định cư và các cộng đồng”.
Kỹ thuật thì chúng ta biết rồi, về mặt hình thức nó thể hiện ra bằng bản vẽ. Còn về chính trị, thực ra quá trình làm quy hoạch là quá trình tương tác giữa ba trụ cột chính: thứ nhất là chính quyền đô thị, thứ hai là các nhà đầu tư bất động sản, thứ ba là các tổ chức xã hội đại diện cho tiếng nói của đông đảo các tầng lớp nhân dân.
Nó luôn diễn ra sự đấu tranh, thương lượng về mặt lợi ích giữa ba nhóm đó, để đưa ra một kết quả khả dĩ tốt cho số đông. Ở những nơi ba trụ cột này không tương tác tốt với nhau thì sẽ bị cái mà mọi người hay nói là lợi ích nhóm chi phối. Các nhà đầu tư bất động sản với sức mạnh vượt trội cấu kết, chi phối chính quyền khi các tổ chức xã hội đại diện cho người dân không có tiếng nói thật sự, thì chỉ số ít người được lợi.
Ông Du, người gắn bó lâu năm với TP.HCM chia sẻ những mắc mứu mà thành phố đang rốt ráo tìm cách tháo gỡ. Sài Gòn được đánh giá có nhiều thuận lợi và quy tụ được nhiều nhà đầu tư có tiềm lực nhất nước. Nhưng trong vòng 30 năm qua nhiều dự án triển khai theo hình thức đối tác công tư gặp nhiều trục trặc và chưa gặt hái được thành công. Ngay cả dự án khu đô thị phía Nam thành phố (Phú Mỹ Hưng) được xem là dự án thành công nhất, với số vốn ngân sách thu được hơn 1 tỷ USD, nhưng vẫn cần đánh giá lại. Bởi trên thực tế thành phố chỉ thành công ở khoảng 400 ha so với diện tích 2.600 ha. Khu đô thị Thủ Thiêm vẫn chưa được như kỳ vọng. Năm 2009, TP.HCM đã quyết định bỏ ra hơn 20.000 tỷ để đền bù trực tiếp, nếu tính lãi suất cho khoản này theo chi phí sử dụng vốn thì nó tương đương với chi phí bỏ ra, mà việc khai thác vẫn chưa đâu vào đâu. Theo định nghĩa của tiến sĩ Du, dự án này vẫn là “một bãi đất trống". Nghĩa là dự án mới xong việc là đền bù, giải phóng mặt bằng, xây dựng được một số hạng mục hạ tầng nhưng gần như chưa có một hạng mục nào tạo ra giá trị kinh tế.
Ông Huỳnh Thế Du đúc kết, để các dự án hạ tầng thực hiện theo hình thức xã hội hóa, điều quan trọng nhất là cần phải có người quyết tâm làm cho bằng được (chính sách thông thoáng từ bên trên). Tiếp theo là lực lượng triển khai (đội ngũ thực thi bên dưới). Hội tụ đủ 2 yếu tố này thì dự án sẽ thành công.
Nhưng (trong cuộc sống thường có chữ nhưng quan trọng này), có rất nhiều dự án mặc dù hội tụ đủ 2 yếu tố trên song vẫn thất bại vì thiếu mất yếu tố thứ ba, đó là những đối tượng có lợi ích dài hạn hưởng lợi từ sự thành công của dự án.
Theo tiến sĩ Huỳnh Thế Du, yếu tố thứ ba này chính là gợi ý quan trọng để các cấp thực thi quan tâm khi thực hiện hình thức đối tác công tư, xã hội hóa đầu tư cơ sở hạ tầng địa phương mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa đặt ra tại cuộc họp với một số bộ, ngành, địa phương về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.