Lộ trình giảm “dễ thở” hơn
Sau giai đoạn dài tập trung xử lý vấn đề thanh khoản và nợ xấu, hệ thống ngân hàng Việt Nam đang đối mặt với bài toán về năng lực vốn và quản trị rủi ro đối với các các hoạt động cho vay.
Cách đây gần nửa năm Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã bắt đầu lấy ý kiến rộng rãi đối với dự thảo thông tư thay thế Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Trong đó, một nội dung quan trọng và nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều là những sửa đổi liên quan đến việc tiếp tục giảm giới hạn tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn về mức 30%.
Thời điểm đó, dự thảo của NHNN đưa ra hai phương án điều chỉnh với các lộ trình khác nhau. Phương án 1, đến hết ngày 30/6/2020 vẫn giữ mức tối đa 40% như hiện nay, đến hết ngày 30/6/2021 tối đa 35% và từ ngày 1/7/2021 tối đa 30%. Phương án 2, đến hết ngày 30/6/2020 vẫn giữ mức tối đa 40%, đến hết ngày 30/6/2021 tối đa 37%, đến hết ngày 30/6/2022 tối đa 34%; và từ ngày 1/7/2022 tối đa 30%.
Trong tuần trước, phương án cuối cùng đã được chốt khi NHNN chính thức ban hành Thông tư số 22/2019/TT-NHNN, thay thế Thông tư 36. NHNN đã nghiêng về phương án 2 trong dự thảo ban đầu với lộ trình giảm mỗi năm chỉ là 3% thay vì 5% như phương án 1. Thậm chí, thời gian bắt đầu giảm cũng được kéo dài thêm ba tháng (bắt đầu từ ngày 1/10/2020 thay vì 30/6/2020 như dự thảo).
Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), lộ trình giảm vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ mức 40% hiện nay xuống 30% trải dài trong ba năm là dài hơn so với kỳ vọng ban đầu của thị trường (1 - 2 năm) nhằm tăng cường an toàn cho hệ thống ngân hàng, đặc biệt là an toàn về thanh khoản.
Việc kéo giãn thời gian dài hơn sẽ tạo điều kiện thuận lợi để thực thi mục tiêu giảm mặt bằng lãi suất, đặc biệt là lãi suất huy động các kỳ hạn trung và dài hạn tại các ngân hàng nhỏ, vốn thường gặp khó khăn về thanh khoản. Trên thực tế, tỷ lệ này nhiều năm trước đây cũng chỉ quy định 30%, nhưng từ năm 2014 đã bất ngờ được NHNN nới rộng lên mức 60% để rồi từng bước siết lại như cũ.
Duy trì định hướng kiểm soát rủi ro
Vậy tác động của thông tư mới ban hành đến hệ thống ngân hàng ra sao? Trên thực tế, theo số liệu từ NHNN, tính đến cuối tháng 8/2019, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của toàn hệ thống đã ở mức 27,61% (đã dưới mức mục tiêu 30% theo lộ trình), trong đó khối ngân hàng thương mại gốc nhà nước là 30,61%; khối ngân hàng thương mại cổ phần là 30,91%; công ty tài chính là 36,75%. Nhìn vào những con số trên có thể thấy mục tiêu giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn xuống 30% trong ba năm tới không phải là áp lực quá lớn xét trên toàn hệ thống.
Tuy nhiên, khó khăn sẽ vẫn có thể xảy ra cục bộ tại một số ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng nhỏ thường gặp khó khăn về thanh khoản nên luôn phải đẩy lãi suất huy động trung và dài hạn lên mức cao, khiến mặt bằng lãi suất trên thị trường khó giảm.
Trên giác độ thông lệ quốc tế, quy định quản lý rủi ro thanh khoản (trong đó có rủi ro về độ lệch kỳ hạn do dùng vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn) rất được chú trọng, nhất là sau khủng hoảng kinh tế - tài chính năm 2008 - 2009, thể hiện qua một số chỉ tiêu về nguồn vốn ổn định, về khả năng thanh khoản của các ngân hàng thương mại được quy định chặt chẽ trong Hiệp ước an toàn vốn (Basel 3, hiệu lực có lộ trình từ năm 2013 - 2019).
Bên cạnh đó, ngoài việc giúp kiểm soát rủi ro kỳ hạn cho hệ thống ngân hàng thì việc hạn chế lấy vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn có thể giúp Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn thị trường vốn, khuyến khích các doanh nghiệp tìm kiếm nguồn vốn trên thị trường chứng khoán, từ đó khắc phục hiện tượng mất cân bằng trong hệ thống tài chính. Hiện nay, hệ thống ngân hàng chiếm đến 68% tổng tài sản toàn hệ thống tài chính và đang đảm nhận nhiệm vụ chính trong cung ứng vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế (chức năng lẽ ra thuộc về thị trường vốn), khi mà tỷ trọng tín dụng trung và dài hạn của hệ thống các tổ chức tín dụng thời gian qua vẫn ở mức cao (quanh 50%).
Ngoài ra, Thông tư 22 cũng có quy định tăng hệ số rủi ro trong cho vay kinh doanh bất động sản và các khoản phải thu khác có giá trị từ 4 tỷ đồng trở lên. Lâu nay dù NHNN có định hướng “siết” cho vay bất động sản, tín dụng chảy vào lĩnh vực này vẫn tăng khá nhanh trong tám tháng đầu năm 2019.
Số liệu từ NHNN cho biết tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản hiện chiếm 19,14% tổng dư nợ nền kinh tế, khá cao so với các lĩnh vực khác như đầu tư, kinh doanh chứng khoán. Theo giải thích của cơ quan chức năng, sở dĩ tín dụng đối với lĩnh vực này tăng khá cao như vậy là vì đã tính cả tín dụng cho mục đích kinh doanh và mục đích tự sử dụng.