Aa

Loạt dự án "bung hàng" như nấm sau mưa, giao thông TP. HCM sắp "nghẹt thở"?

Thứ Hai, 06/03/2017 - 13:28

Một hẻm nhồi 3 dự án chung cư. Dự án nhà cao tầng, trung tâm thương mại, công trình đông người được cấp phép hay đưa vào hoạt động nhưng hạ tầng giao thông không đáp ứng kịp dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông ngày một nặng nề hơn.

Dự án mọc… như nấm

Hằng ngày làm việc tại trung tâm TP.HCM nhưng nhà lại ở huyện Nhà Bè, anh Hùng Phong cho biết rất ngán ngẩm khi di chuyển trên đường vào giờ cao điểm. Để đến nơi làm, anh Hùng Phong đi dọc theo đường Nguyễn Hữu Thọ, dù quảng đường không xa nhưng mỗi lần di chuyển phải hơn 1 giờ đồng hồ. Đây là tuyến giao thông huyết mạch kết nối từ huyện Nhà Bè, Q.7 và Q.4 với Q.1, theo quan sát của PV Infonet có hơn 50 dự án BĐS, nhà cao tầng chạy dọc theo tuyến đường này.

Phía huyện Nhà Bè, trên đường Nguyễn Hữu Thọ có hàng chục dự án với số lượng hàng trăm ngàn căn hộ, biệt thự, nhà liên kế... đã và đang thành hình. Đơn cử như các dự án Hưng Phát Silver Star (Công ty CP Đầu tư BĐS Hưng Lộc Phát làm chủ đầu tư), Park Vista (Công ty CP ĐT và XD Đông Mê Kông), The Park Residence và Park Premier (Tập đoàn MIK Corporation), Dragon Hill 2 (Công ty Địa ốc Phú Long), Lavila (Công ty CP Kiến Á), Sunrise Riverside (Novaland), khu biệt thự cao cấp Nine South (Vina Capital)… có cả dự án “đắp chiếu” nhiều năm như Kenton Residence (Công ty TNHH XD SX TM Tài Nguyên).

Novaland được coi là “đại gia” khu Nam khi có nhiều dự án chạy dọc đường Nguyễn Hữu Thọ, ngoài Sunrise Riverside, doanh nghiệp này còn có hai dự án khác chạy dọc đường Nguyễn Hữu Thọ là Surise City, Sunrise Cityview.

Tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ bị lọt thỏm bởi hàng chục dự án BĐS cao tầng hai bên

Tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ bị lọt thỏm bởi hàng chục dự án BĐS cao tầng hai bên

Tuyến đường Nguyễn Văn Trỗi nối Nam Kỳ Khởi Nghĩa chạy từ sân bay Tân Sơn Nhất về trung tâm thành phố cũng được xem là điểm “nóng” về ùn tắc giao thông. Lân cận và dọc tuyến đường này có nhiều dự án như The Prince Residence, Ochard Garden, Newton Residence… Đây là tuyến đường “bộ mặt” của TP.HCM luôn trong tình trạng ùn ứ, xe máy phải nhích từng chút vào giờ cao điểm.

Tương tự, đường Ba Tháng Hai, Q.10 đoạn từ Công trường Dân Chủ đến Cao Thắng, trước đây luôn đông đúc người qua lại bởi hàng loạt cửa hàng, trung tâm tiệc cưới hai bên đường. Sắp tới đoạn đường ngắn này có nguy cơ “vỡ trận” khi có sự xuất hiện của hai dự án BĐS. Đó là dự án Hà Đô Centrosa Garden do Công ty CP Hà Đô – 756 Sài Gòn làm chủ đầu tư và dự án Charmington La Pointe có sự hợp tác của Công ty CP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (Sacomreal).

Không chỉ hùng cứ ở những tuyến đường cửa ngõ, nhiều dự án căn hộ cao tầng còn “rủ nhau” vào hẻm xây. Đơn cử như hẻm 284 Luỹ Bán Bích ở Q.Tân Phú, đoạn đường khoảng 300 mét nhưng có tới 3 dự án. Đó là Carilon 5 do Sacomreal hợp tác phát triển, khu căn hộ cao tầng Tân Phú IDICO do Tổng Công ty IDICO làm chủ đầu tư và Lotus Garden của Công ty CP Việt Âu.

Cấp phép dự án phải "ngắm" hạ tầng

Trước vấn nạn kẹt xe tại TP.HCM trong thời gian qua, ông Bùi Xuân Cường – Giám đốc Sở GTVT TP.HCM từng nhìn nhận rằng, nhiều dự án nhà cao tầng, trung tâm thương mại, công trình đông người được cấp phép hay đưa vào hoạt động nhưng hạ tầng giao thông không đáp ứng kịp. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông ngày một nặng nề hơn.

Trong khi đó, theo ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội TP.HCM (HoREA) việc cấp phép cho dự án hiện nay, nhất là trường hợp nhiều dự án mọc san sát nhau ở nội đô, là chưa có tính thực tiễn. Theo ông Châu, cấp phép dự án ở một khu vực nào đó thì cơ quan quản lý cần “nhìn trước ngó sau”, phải xem hạ tầng giao thông, đường cấp thoát nước ở khu vực đó có đáp ứng được không?

Hạ tầng giao thông không đáp ứng kịp tốc độ gia tăng dân số là vấn đề hiện hữu tại TP.HCM.

Hạ tầng giao thông không đáp ứng kịp tốc độ gia tăng dân số là vấn đề hiện hữu tại TP.HCM.

Chủ tịch HoREA cho rằng sẽ phù hợp hơn nếu TP.HCM ưu tiên cấp phép xây dựng với các dự án cải tạo chung cư cũ, còn với các dự án nhà ở thương mại bình thường thì nên có sẵn hạ tầng giao thông rồi hãy cấp phép. Còn không, doanh nghiệp phải đồng hành cùng Nhà nước để hoàn thiện hạ tầng giao thông phục vụ cho dự án.

Đơn cử như trường hợp Vingroup ứng 472 tỷ đồng (không tính lãi trong 3 năm đầu) cho thành phố để nâng cấp đường Nguyễn Hữu Cảnh, Q.Bình Thạnh. Địa ốc Hưng Thịnh đề xuất làm hầm chui gần công viên Hoàng Văn Thụ đi vào sân bay Tân Sơn Nhất. Công ty Đại Quang Minh xây dựng 4 tuyến đường trong khu đô thị mới Thủ Thiêm. Hay Him Lam Land muốn đầu tư đường song hành gần cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây...

TS. Phạm Sanh – Chuyên gia ngành giao thông vận tải cho hay, trước khi được chấp thuận dự án nhà đầu tư phải trình bày phương án tổ chức, kết nối giao thông từ dự án tới đường giao thông hiện hữu. Các sở quản lý, trong đó có Sở GTVT và quy hoạch kiến trúc, đều cử đại diện đến nghe, nếu đơn vị nào thấy bất cập phải có ý kiến phản biện. Từ đó, cơ quan cấp phép có cơ sở để xem xét có chấp thuận dự án hay không?

Theo TS. Phạm Sanh, nếu dự án nào cũng làm theo quy trình này thì không có chuyện hạ tầng giao thông không theo kịp dự án địa ốc, bởi không phải chủ đầu tư muốn là được mà còn đó nhiều cơ quan "gác cửa". Nếu quy trách nhiệm, trước hết phải là cơ quan quy hoạch, quản lý đô thị.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top