Aa

Loạt khách sạn 5 sao ở Việt Nam đang nằm trong tay ai?

Thứ Ba, 28/08/2018 - 14:00

Loạt khách sạn 5 sao ở Việt Nam đang nằm trong tay ai?; Doanh nghiệp địa ốc ồ ạt ra đời: Rủi ro khi thị trường ảm đạm; Hà Nội: Nghịch cảnh "ế" nhà tái định cư; "Điểm nóng" đất nền Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương... bắt đầu giảm nhiệt;... là một số tin tức nổi bật trên thị trường bất động sản 24h qua.

Loạt khách sạn 5 sao ở Việt Nam đang nằm trong tay ai?

Khoảng 60% khách sạn 5 sao tại Sài Gòn và Hà Nội được nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ cổ phần và làn sóng này vẫn tiếp diễn.

Khảo sát của VnExpress, trong tổng cộng 19 khách sạn 5 sao vị trí đắc địa bậc nhất TP HCM đã có cả chục khu lưu trú được khối ngoại tham gia đầu tư dưới nhiều hình thức. Cách tiếp cận thị trường được khối ngoại ưa chuộng là nắm giữ cổ phần đủ lớn để nắm quyền chi phối. Nhà đầu tư Hong Kong, Singapore và Hàn Quốc cho thấy họ đang tích cực gia tăng sự hiện diện tại hơn chục khách sạn cao cấp đình đám ở Sài Gòn.

Tại Hà Nội, tình trạng khối ngoại nhòm ngó, đánh chiếm thị phần khách sạn 5 sao cũng diễn ra mạnh mẽ. Diễn biến này góp phần dịch chuyển đáng kể dòng vốn đổ vào “bản đồ” khách sạn 5 sao tại thủ đô.

Trong số 16 khách sạn 5 sao tại Hà Nội hầu hết đang được quản lý bởi các thương hiệu quốc tế thì có 9 khách sạn mà doanh nghiệp nước ngoài có tỷ lệ cổ phần chiếm đa số. Đây đều là những khách sạn nằm ở những vị trí đắc địa và hoạt động kinh doanh từ chục năm trước như Intercontinental Hanoi Westlake, Melia, Sheraton, Daewoo, Nikko, Pan Pacific... Hai trong số này nằm ở ven Hồ Tây thuộc sở hữu của Tập đoàn Berjaya Corporation Berhad của ông Vincent Tan – một tỷ phú tự thân của Malaysia.

Xem chi tiết tại đây

Quần thể khách sạn tại khu trung tâm TP HCM. Ảnh: Vũ Lê

Quần thể khách sạn tại khu trung tâm TP HCM. Ảnh: Vũ Lê

Cải cách thủ tục hành chính cho thị trường bất động sản Kỳ 3: Giải bài toán từ đâu?

Theo nhiều chuyên gia, những chồng chéo của các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, bất động sản tạo nên “mảnh đất màu mỡ" cho tiêu cực sinh sôi. Do đó, cải cách thủ tục hành chính và minh bạch hóa thông tin thị trường sẽ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, gỡ khó cho doanh nghiệp, giảm giá nhà để tạo thuận lợi cho người mua và hạn chế tiêu cực.

Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội chia sẻ: “Đất nước đang trong giai đoạn đô thị hóa tăng nhanh, bất động sản và xây dựng phát triển mạnh. Chính vì lẽ đó, cần phải cởi mở về chính sách, xóa bỏ các thủ tục rắc rối, chồng chéo. Đặc biệt, đưa về 1 cửa là tốt nhất thay vì 5 - 6 cửa như hiện nay. Một con dấu có thể thẩm định tất cả”.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Chí Thanh, Giám đốc Công ty Cổ phần Thanh Bình Hà Nội cho rằng: “Đối với vấn đề cấp phép xây dựng, việc yêu cầu phải có giấy phép xây dựng trong khi quy hoạch chi tiết 1/500 đã được thông qua là không cần thiết. Thay vào đó, nên tăng cường hậu kiểm sau xây dựng để siết chặt quản lý đối với các công trình xây dựng. Nếu xảy ra vi phạm quy hoạch, phạt nặng để đủ sức răn đe. Điều đó sẽ giảm thiểu thời gian tiền kiểm cũng như thời gian hoàn thành thủ tục cho công trình”.

Xem chi tiết tại đây

Doanh nghiệp địa ốc ồ ạt ra đời: Rủi ro khi thị trường ảm đạm

Trải qua chu kỳ đóng băng 2011 - 2013, thị trường bất động sản mới bắt đầu rục rịch ấm dần lên trong vài năm trở lại đây. Với hàng loạt các chính sách kích cầu, quá trình vận động của thị trường đã bắt đầu đi vào quỹ đạo bình ổn.

Theo các chuyên gia bất động sản, bởi sự kỳ vọng vào diễn biến tích cực của thị trường, hàng loạt công ty địa ốc đã ra đời. Báo cáo của Cục Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, trong năm 2017 có 5.065 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thành lập mới với tổng số vốn trên 388.000 tỷ đồng. Như vậy, trung bình một ngày có 14 doanh nghiệp bất động sản ra đời. Số vốn đăng ký trung bình của doanh nghiệp địa ốc là 77 tỷ đồng mỗi doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo đánh giá của một số chuyên gia bất động sản, sự gia tăng của các công ty địa ốc trong thời điểm thị trường đang đi vào quỹ đạo bình ổn có thể là tín hiệu nhiều rủi ro.

“Để thành lập một sàn giao dịch bất động sản rất dễ, chỉ cần 3 – 4 người đã có thể chung nhau mở một sàn giao dịch. Nếu trước đây việc kiểm tra giám sát rất chặt chẽ và nghiêm khắc thì vài năm trở lại đây, công tác này gần như bị bỏ ngỏ. Số lượng công ty bất động sản ra đời quá nhiều đang tạo nên một sự hỗn loạn cho thị trường. Tất cả những gì quá đều sẽ không tốt. Nhưng nhìn thực tế, bây giờ ai cũng cũng đổ xô đi bán bất động sản, ai cũng cho rằng mình cũng có thể tự đi giao dịch và tạo ra một số lượng nhân viên môi giới “tạp” lớn”, ông Quyết phân tích.

Xem chi tiết tại đây

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

"Điểm nóng" đất nền Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương... bắt đầu giảm nhiệt

Trong khi đất nền tại vùng ven Tp.HCM đã hạ nhiệt rõ rệt thì dòng tiền lại đang chuyển hướng vào những khu vực vệ tinh, những nơi đang có các dự án hạ tầng giao thông lớn được công bố đầu tư. Tuy nhiên, đến nay những điểm nóng này cũng bắt đầu chững lại.

Theo ghi nhận, tại khu vực Đồng Nai, Long An sức mua đất nền vẫn diễn biến khá khả quan trên thị trường, trong khi tại Bình Dương, Vũng Tàu giao dịch đất nền có xu hướng chậm lại rõ nét.

Thậm chí, cùng khu vực là Bình Dương, tình hình giao dịch cũng diễn ra không đồng đều giữa các khu vưc. Theo ghi nhận, thời gian gần đây, sức mua BĐS có dấu hiệu giảm sút ở khu vực thị xã Thuận An, Thủ Dầu Một và một phần Dĩ An do giá chào bán tăng cao.

Theo tiết lộ của một số doanh nghiệp đang chào bán đất nền tại khu vực Bình Dương thì hiện tại nền bán ra chậm hơn so với thời điểm trước, thậm chí có một số doanh nghiệp chào bán số lượng ít nhưng ra hàng cũng khá chậm.

Xem chi tiết tại đây

Hà Nội: Nghịch cảnh "ế" nhà tái định cư

Sở Xây dựng Hà Nội vừa thông báo danh sách 372 hộ gia đình được mua nhà tái định cư trên địa bàn thủ đô nhưng chưa liên hệ với Ban quản lý các công trình nhà ở và công sở ký hợp đồng mua bán nhà, cũng chưa nộp tiền và nhận nhà.

Tại Hà Nội, tình trạng nhà tái định cư xây dựng xong nhưng không có người đến nhận là câu chuyện diễn ra khá phổ biến. Trước đó, Công ty cổ phần Xây dựng số 3 Hà Nội (Hanco3) từng đề xuất thành phố cho phép phá bỏ toàn bộ 3 toà nhà tái định cư tại Sài Đồng. Đây là những toà nhà được xây dựng từ năm 2001 - 2006 dùng để tái định cư tại chỗ khi thực hiện dự án giải phóng mặt bằng mở rộng tuyến phố Sài Đồng nằm trong khu đô thị Sài Đồng. Do xảy ra tình trạng khiếu kiện, người dân không nhận nhà nên toàn bộ quỹ nhà này đã bị bỏ hoang từ khi xây dựng đến nay.

Nói về lý do khiến người dân không còn “mặn mà” đón nhận loại hình nhà tái định cư, ông Nguyễn Thế Điệp, Phó chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cho biết: “Hiện nay, việc xây dựng các dự án nhà tái định cư không hoàn chỉnh và không đồng bộ nên dẫn đến nhiều hệ quả. Theo như luật và chủ trương, nhà ở mới phải có điều kiện tốt hơn nhà ở cũ. Nhìn lại hệ thống nhà tái định cư từ trước đến nay thì chưa dự án nào đáp ứng được yêu cầu và chủ trương ấy. Bởi chúng ta đang chạy theo “lối mòn” cơ chế cũ.

Xem chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top