Aa

Lộc xuân xuống phố trong ngần

Nhà thơ Đoàn Văn Mật
Nhà thơ Đoàn Văn Mật doanvanmat@gmail.com
Thứ Sáu, 04/02/2022 - 06:06

Chẳng biết tự bao giờ, người Hà Nội có thú chơi đào tháng Giêng, thế nên, dọc các con phố mùa này người ta dễ dàng bắt gặp sắc đào rung rinh trong gánh hàng rong hay trên cành thon nhỏ sau yên xe...

Hàng chục năm nay, ở ngã tư phố Hàng Lược luôn có một người phụ nữ bán đào từ độ sau Tết đến hết rằm tháng Giêng. Khi lối chơi hoa đào sau Tết phổ biến hơn, hàng hoa bán dạo qua lại như nêm, người phụ nữ ấy vẫn lặng lẽ chờ đợi dưới mưa phùn, gió ẩm đúng độ bầu trời thâm u mang đến cảm giác phố phường đang co lại như manh áo bông chần đã chật. 

Tôi lại nhớ câu chuyện của cụ ông mạn Nhật Tân cứ rủ rỉ rót đều bên tai trong nỗi trầm ngâm sau đận đưa dao, quết vôi hãm đào thất thốn trước Tết. Cụ bảo: “Đúng tiết rằm tháng Giêng giống đào này mới bung cánh kia, nhưng năm nào cũng phải ép đào cho ra hoa nở đúng Tết để con cháu có thêm thu nhập. Ngược lẽ tự nhiên cũng nhiều day dứt lắm chứ nhưng biết làm sao bởi nỗi lo cơm áo có phải chuyện đùa”. 

Tháng Giêng, chưa ai vội tương tư hoa đào mà dễ phải đến tháng hai mới trùng cảm xúc với nhà văn Vũ Bằng được. Trong hương mùi già ngai ngái, chút “lộc sót, lộc vương” phơn phớt hiện hữu trong nhà, bao người bắt đầu khởi phát những chuyến đi xa, những ý nghĩ gần… 

Ảnh minh họa: Nhà báo Trọng Chính

Ở đất Kinh kỳ, sáng ra, nhiều người sẽ đi chợ sớm để đào dăm về tay khi cánh hoa còn đọng sương khuya. Người ta trân quý thú chơi ấy bởi một thứ cảm xúc không dễ gì lặp lại ở những ngày sau đó, khi ai cũng “buồn vì một nỗi tháng hai”. Tháng giêng, đã qua cái độ nhà nhà chọn cho kỳ được một cành đào, gốc đào thật “oách”, thật tinh chơi Tết. Sắc đào năm cũ trong lộc bình chừng đã phôi phai, trên cành nảy ra chồi biếc. 

Chẳng biết tự bao giờ, người Hà Nội có thú chơi đào tháng Giêng, thế nên, dọc các con phố mùa này người ta dễ dàng bắt gặp sắc đào rung rinh trong gánh hàng rong hay trên cành thon nhỏ bằng ngón tay buộc chặt phía sau yên xe lòng vòng bát phố.

So với đào Tết, đào tháng Giêng đằm hơn hẳn về nụ bông, chồi lộc. Nếu hoa đào chờ Tết xuất xứ từ khắp nơi, có cả miền Tây Bắc đổ về cùng hoa lê, hoa mận thì đào tháng Giêng chủ yếu bắt nguồn từ Nhật Tân. Ở đây, những người làm vườn ví loại hoa này như chút “lộc vương, lộc sót” kết tinh từ bao tháng ngày hai sương một nắng của con người giao hòa trong sự bao dung trời đất. Phải chăng “lộc vương, lộc sót” thành ra không dễ gì lẫn lộn. Đào tháng Giêng cứ bền bỉ, tươi màu. Bên chén trà tàu, những người già vẫn nhủ, nhờ thứ lộc ấy mà phố được hồi xuân. Càng xa phố càng ít người chơi đào sau Tết, cũng chẳng mấy người cắt đào dăm bán dạo. 

Cách chơi đào dăm cũng khác lắm. Hết Tết, có vương vấn đến đâu thì mọi nhà đều đã bắt đầu vừa nhẩn nha dọn dẹp, xếp đặt lại nhà cửa vừa màng đến thú chơi hoa xuân, ăn bánh chưng rán kèm dưa hành đã ngấu. Chẳng cần cầu kỳ chọn dáng, đếm bông, tỉa tót, ai mua đào dăm cứ lựa cả bó tươi ròng về cắm đầy lọ lớn, lọ bé. Cầu kỳ hơn thì dắt thêm thiệp xuân, phong bao đảo. Cả người mua, người bán bấy giờ cũng trở nên xông xênh, cởi mở với nhau dăm ba nghìn như cách mừng tuổi đầu năm. 

Gia đình tôi thích chọn hoa xuân với lộc biếc trên cành ở chợ hoa Hàng Lược, khu chợ nhỏ được hình thành từ những năm đầu thế kỷ 20, lâu đời bậc nhất Hà Nội. Thời nhà Lê, Hàng Lược nguyên là đất thôn Phủ Từ và thôn Vĩnh Trù, tổng Hậu Túc (sau đổi là tổng Đồng Xuân) huyện Thọ Xương cũ, chuyên làm lược chải đầu. Đến năm 1912, con phố nhỏ này  trở thành chợ hoa xuân nức tiếng kinh kỳ với vô vàn chủng loại, từ đào Quảng Bá, Nhật Tân, cúc Ngọc Hà đến các loại hoa mới ở mạn Bách Thảo. Ít ai ngờ con phố chỉ chừng vài trăm mét từ trước Tết đến hết tháng Giêng lúc nào cũng ngập tràn sắc xuân. Từ chợ hoa Hàng Lược, lộc xuân tươi tắn trong ngần theo các gánh hoa, xe hoa kéo sang tận Hàng Chai, Hàng Mã, Hàng Đồng… 

 Chợ hoa Hàng Lược. (Ảnh: TTXVN)

Ngoài hoa đào, đẹp nhất ở chợ Hàng Lược phải kể đến hải đường. Trong những chiếc chum to, bao nhiêu cành hải đường tươi ròng sức sống, cánh hoa khum khum đỏ rực gợi cảm giác thật mạnh mẽ, khoan thai. Vẫn gặp những cụ già quắc thước từ đâu trong phố ra đây chọn hải đường. Lắm khi, các cụ rủ nhau đi theo nhóm, có uống trà sáng xong mới thong dong ra chợ. Gặp năm thời tiết đổi mùa, khí trời hơi đất không lành, hải đường kém sắc, các cụ sẵn sàng về tay không. Điều gì có thể che giấu, làm hàng, tỉa tót… riêng hoa, mà lại là hoa mùa xuân thì tất cả đều phô bày trước mắt, giấu sao nổi. 

Rực rỡ nhất chợ hoa ấy là sắc hồng, sắc đỏ, và màu vàng của cúc cũng rạng rỡ lắm thay. Phố nườm nượp người chen hoa, hoa lẫn người, mà vẫn có nhịp điệu thong thả, ngắm nghía, xuýt xoa. Giữa những chậu hoa, bó hoa rực rỡ còn xen các gian hàng bày bưởi hồ lô, phật thủ... các bà, các chị thay nhau soi từng tăm bưởi, tay phật thủ có ưng con mắt hay không. Chẳng cứ dịp Tết, mà ra tận tháng Giêng, chợ vẫn tràn đầy sức xuân như thế. Người ta ra chợ như để hưởng năng lượng ấm lành, chứ không hẳn thiên về sự sở hữu. 

“Chợ hôm nay thế nào ông?”; “Thủy tiên đẹp lắm, nhất là thủy tiên vàng”; “Thế sao không mua?”; “À, ngắm người ta mua được nó thú vị hơn”. Đấy, chính xác là tôi nghe được đoạn đối thoại của cụ ông, cụ bà bên hàng xóm. Nhưng đối thoại ấy là của những ngày tháng dịch bệnh chưa xuất hiện. Tết chưa đến ông cũng ra chợ, sau Tết vẫn thế. Mùa xuân như dài hơn với những người già, là bởi họ mong mỏi thế và đắm chìm trong ký ức. 

Mùa xuân năm nay, ông vẫn đi về hướng ấy, nhưng phố hoa, chợ hoa đã vắng thưa người. Những chậu, những chum hải đường khỏe khoắn, đẹp hơn hẳn mọi năm, sắc xanh xen sắc đỏ nét căng bày ở gian hàng không người bán. Giá cả, ghi chú được diễn giải cụ thể ở chiếc bảng kề bên, khi cần thu tiền, người bán mới ló ra trong lớp khẩu trang kín mít. Đôi khi, nhận ra dáng khách quen, ông chủ bà chủ sẽ phá lệ ra chào đón. Hoa đẹp quá mức, chẳng cần quảng cáo thêm, lời chào hàng thay bằng lời chúc: “Xuân mới mạnh khỏe, vui vẻ bác nhé!”, người mua đáp lời cảm ơn, và không thôi thắc mắc: “Sao xuân này hoa đẹp đến lạ thường? Đời sống khó khăn, mà thiên nhiên thì tươi đẹp quá!” Trả lời con người, gió xuân quyện trong mưa phùn lấm tấm bay. Mưa mươn mướt phủ lên vạn vật sự lấp lánh, mềm mại, bừng giấc. Để con người có quyền tin, ngày mai sẽ khác, bởi sự sống đang ánh lên, đang được dự báo từ sắc vóc mùa xuân thấm vào hoa cỏ, lá cành./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top