Những ngày chưa xa đó, chị em tôi thường ngồi ngóng Tết trên chiếc ghế gỗ con con nơi bậc cửa. Đó là loại ghế cha tôi đóng thô bằng những mảnh gỗ thông. Bao năm tháng, dù tôi ở nhà hay đã xa quê thì vị trí của nó vẫn là nơi bậc cửa, trong căn bếp cũ xưa.
Khi Tết còn xa lắc, trên chiếc ghế ấy, chị em tôi nhẫn nại ngồi đợi cha mẹ đi làm đồng về, dúi cho củ khoai lang hay con muồm muỗm. Chiếc ghế được trưng dụng thành căn nhà đồ chơi, thành thứ co kéo, tranh giành suốt thời thơ ấu. Cuối năm, mỗi độ về quê, tôi sẽ tìm củi nhóm lửa lên, đun ấm nước sôi hoặc ủ trấu, kho nồi cá. Xong xuôi, ngồi cạnh chiếc ghế mòn vẹt nghe gà cục tác, khế rụng sau vườn. Chiều tháng Chạp, từ bếp lửa nhìn ra, ánh nắng rọi từ đằng Tây xiên qua chỗ chiếc ghế, bỗng thấy dấu vết thời gian, ký ức tuổi thơ lung linh một cách lạ kỳ, như thể có phép màu cổ tích. Chiếc ghế nhỏ trong căn bếp cũ nhắc tôi khoảng lặng khiến những đứa trẻ quê có thể ngồi hàng giờ đồng hồ “ngửi” mùi Tết, mắt ngước trông quả chín sau vườn. Ở đây chủ yếu là bưởi. Gần Tết, bưởi chỉ còn lác đác vài quả vàng mơ mẹ để dành bày ngũ quả, nhưng nếu không khéo léo bao bọc thì cũng chẳng giữ được quả trên cành, bởi bưởi già mọng quá rồi.
Mà đâu phải chỉ trẻ con ngóng chờ. Làng tôi có đôi vợ chồng sống với nhau tới già mà vẫn không mụn con. Căn nhà của ông bà rất ngăn nắp gọn ghẽ, lối vào từ ngõ đến khoảnh sân xen lẫn rêu là những vạt hoa màu tím hồng nở bừng như có ánh sáng bên trong. Loài hoa ấy thật kỳ lạ, ngủ suốt một ngày chỉ chờ chiều tà bung cánh. Khuôn mặt hai người già trong ánh sáng chập choạng buổi xế chiều cuối năm trìu mến nhìn đám trẻ hàng xóm bày đồ hàng đợi giờ cơm lúc nào cũng ngời ngời.
Vẫn là bên bậc cửa, trong căn nhà ấy, hai chiếc ghế luôn đặt song song bên nhau hướng ra khoảnh sân thênh thang gió. Họ ngồi trên ghế, giữa âm thanh và màu sắc xôn xao của khu vườn. Rồi tóc trên đầu họ bạc trắng, rồi như họ thành ông tiên bà tiên nhẹ nhõm ghé qua một ngôi làng khác, một khu vườn khác, đưa tay nheo mắt vẫy gọi đám trẻ khác…
Hăm hai tháng Chạp, đầu làng tôi, nơi có hai thân gạo sừng sững vươn những cành cây già nua như thách thức cái rét đến cắt da cắt thịt mới sáng ra đã đông nghịt người xem trai tráng tát ao làng. Chuyện mua cá đã được cha tôi bàn tính từ ngày hôm trước. Các bậc bô lão trong làng truyền lại, ao làng tôi có tổ cá lâu đời, trai làng vây cá lớn khổ sở như… đấu vật. Loại cá cha thường chọn cho món ăn ngày sum họp thường là cá trắm đen. Khi phần lưng dài ngót cả thước, đen mẫm của loài “thủy quái” này vừa trồi lên khỏi lớp bùn, cháu chắt đã hò reo, chạy rẽ đất về gọi người lớn ra vác cá. Cha tôi ngồi giữa phản, thong thả nhấp ngụm trà mạn sóng sánh trong chén hạt mít rồi chậm rãi giải thích: “Cá còn hơi bùn, nhà mình mang về phải thả vào chum nước mưa, các con đi chơi chợ nhớ mua thêm cân ốc để nuôi cá, một vài ngày nữa mới tính chuyện”. Đêm đến, trong chum sành, tiếng cá ăn ốc lạo xạo, rộn rạo trong nước.
Ngày cha “tính chuyện” con cá thực sự là ngày hội của gia đình tôi. Đám đàn bà con gái ngồi mé bể nước, tay nhặt rau sống, miệng râm ran trò chuyện. Đàn ông trong nhà ngả dao thớt mổ bụng cá. Riêng khoản gia vị để nhồi cùng lá thơm vào bụng cá phải đích thân cha tôi làm gồm muối hột, tiêu trắng rang và một vài loại hạt thuộc về “bí kíp”. Tất cả được cho vào cối giã thành bột mịn. Chiếc chảo gang cỡ lớn đã bày biện giữa sân, mẹ tôi khéo léo rải sẵn một lớp rơm nếp còn thoảng mùi mùa vụ. Tấm lá chuối loại bánh tẻ xanh mướt, lành lặn đặt cẩn thận phía trên làm “áo” cho cá. Xong xuôi, thêm một lớp “áo” nữa rồi mẹ lại trải rơm nếp và úp vung gang. Để kín hơi, cha không quên dặn con cháu vít đất sét vào vòng tròn tiếp giáp nắp chảo. Cha bảo, mọi công đoạn phải thật chuẩn, gia vị đầy đủ, cá đặt ngay ngắn kẻo khi vít đất sét lại xem như sự đã rồi. Khi con gái, con dâu trong nhà lo chế biến bộ lòng cá, tẩm ướp, xào nấu thơm lừng cũng là lúc cha và con trai, con rể đã rửa tay nước lá bưởi, ngồi uống trà, trò chuyện ở bộ bàn ghế được kê ngay ngắn giữa sân nhà. Trẻ con lớn bé thay nhau canh lửa, má căng mịn, ửng hồng. Cá được nướng bằng rơm nếp, lửa bập bùng cháy đều xung quanh chảo gang.
Bấy giờ, cha tôi bắt đầu hỏi han con cái chuyện mưu sinh, làm ăn ở xa thế nào. Mỗi câu nói của người lại đi kèm một câu chuyện đời thấm thía. Mùa xuân đến, những gốc bưởi trong vườn được quết vôi, kẽ lá bắt đầu chúm chím nụ hoa và lạ lùng nhất là đào phai, càng rét càng phô sắc thắm. Mẹ tôi không ngớt lời xuýt xoa: “Ơn trời, cứ tiết này đón Tết cho hợp nhẽ”. Đám trẻ con vốn cả thèm chóng chán bắt đầu len lén đưa mắt dò ý ông để rời chiếc chảo gang nướng cá chạy ra sân đình nô nghịch. Cha tôi vờ nghiêm mặt nhưng nhanh chóng cười khà khà. Chảo cá nướng được canh đủ chục tiếng đồng hồ. Giữa quãng thời gian ấy, có một lần mở ra lật cá để cá chín đều. Trắm đen nướng đủ thời gian còn được ủ tro rơm đến khi tro chỉ còn hơi ấm. Một con cá đạt chuẩn, vừa ý cha tôi phải còn nguyên vẹn hình dáng, không trầy vi tróc vẩy, lớp ngoài ám vàng và tỏa mùi thơm khó cưỡng. Cá nhấc khỏi chảo gang được đặt trong chiếc nia đã trải lá chuối khô.
Biết cha vốn kỹ tính, mẹ tôi chu đáo đến từng manh lá chuối, bà dạy con gái, con dâu: “Phải buộc liềm vào cây sào tre, cắt lá trên cao. Cắt xong phơi trên mặt bể nước giữa ngày nắng hanh vàng như ứa mật. Cá nướng ba lần, lá phơi ba nắng. Lá chuối khô đúng độ cầm lên tay phải mềm như giấy dó”. Cá trắm đen nướng dưới bàn tay khéo léo của dâu con trong nhà được gỡ ra từng thớ thịt chắc nịch, trắng phau. Một chiếc chảo gang cỡ lớn khác được chọn để om cá rau cần. Trên bếp củi than, hành mỡ sôi lèo xèo, từng bát thịt cá đã gỡ và rau cần được xào thơm, châm thêm nước dùng, gia vị cho sôi lần nữa. Thời gian om cá cần được canh chừng sao cho cá nướng, rau cần và gia vị đủ quyện vào nhau mà rau chín tới, không bị nồng. Trẻ nhỏ trong nhà đã xôn xao ngả chiếu, bày mâm bát và chào mời người lớn. Đúng đoạn đĩa rau thơm cuối cùng mơn mởn trên mâm thì các bát tô cỡ lớn đựng món ăn đoàn tụ theo truyền thống gia đình tôi mới đưa lên bày chính giữa.
Có lẽ, trong ký ức của tôi, không có vị trí nào êm đềm hơn nơi chiếc ghế đặt trên bậc cửa. Cũng chẳng có món ăn nào lan tỏa, mộc mạc khó cưỡng như cá nướng om rau cần mỗi độ xuân về ngun ngút đưa hương. Kỳ lạ thay, khi xa quê trở về, chúng tôi luôn nhận ra, từ ngọn cây gạo đầu làng, khói sương buổi sớm hay chiều tà như một chiếc khăn mỏng vắt ngang kéo xuống tận mặt sông. Các cụ già kể rằng, tích xưa ghi lại có là khăn của nàng tiên nữ giáng trần lưu luyến nhân gian mà vương lại. Còn trong câu chuyện tình yêu của trai gái làng khi xưa, mỗi lần hẹn ước vẫn trao khăn cho nhau và hẹn thề, chờ đợi…/.