Aa

Logistics Việt Nam: Thách thức lớn nhưng triển vọng vẫn rộng mở

Tuệ Minh
Tuệ Minh Tueminhreatimes@gmail.com
Chủ Nhật, 08/10/2023 - 06:00

Dù còn nhiều khó khăn nhưng lĩnh vực logistics tại Việt Nam vẫn được đánh giá có những điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh mẽ trong tương lai.

Hạ tầng hạn chế, chi phí cao

Tại Hội nghị Logistics 2023 tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, năng lực và thứ hạng của ngành logistics Việt Nam đang được cải thiện và có xu hướng mở rộng. Theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam hiện đứng thứ 64/160 nước về mức độ phát triển logistics và đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN sau Singapore, Malaysia và Thái Lan.

Doanh nghiệp logistics ở Việt Nam cũng tăng nhanh về số lượng. Đến nay, có khoảng trên 3.000 doanh nghiệp vận tải và logistics trong nước, khoảng 25 tập đoàn giao nhận hàng đầu thế giới hoạt động cung cấp các dịch vụ từ khâu làm thủ tục vận chuyển hàng hóa cho đến khâu đóng thuế hay thanh toán… tại Việt Nam.

Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận thì ngành logistics Việt Nam vẫn đang tồn tại nhiều thách thức, hạn chế.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện đang có 4 thách thức lớn đối với ngành logistics Việt Nam.

Thứ nhất, về thể chế, chính sách đối với lĩnh vực logistics chưa đồng bộ. Khuôn khổ pháp lý đối với ngành logistics được ban hành nhiều văn bản, song các chính sách cụ thể hóa các chủ trương đó vẫn chưa được thực hiện hoặc còn chồng chéo. 

Thứ hai, cơ sở hạ tầng giao thông vận tải và logistics thiếu sự đồng bộ, chưa tạo ra hành lang vận tải đa phương thức trong khi nhu cầu trung chuyển chất lượng cao cho hàng hóa giữa các phương thức đang ngày càng lớn. Việt Nam còn thiếu các khu kho vận tập trung có vị trí chiến lược, đồng bộ với hệ thống cảng, sân bay, đường quốc lộ, cơ sở sản xuất.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông (Ảnh: Báo Đầu tư)

Thứ ba, hoạt động của các doanh nghiệp logistics còn nhiều hạn chế ở quy mô hoạt động, vốn, nguồn nhân lực… Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics ở Việt Nam hầu hết là những doanh nghiệp nhỏ và vừa, hoạt động manh mún, thiếu kinh nghiệm và tính chuyên nghiệp, cung cấp các dịch vụ cơ bản, hoặc cung cấp từng dịch vụ đơn lẻ, cạnh tranh về giá là chủ yếu, ít giá trị gia tăng và thường chỉ đóng vai trò là nhà thầu phụ hay đại lý cho các công ty nước ngoài.

Thứ tư, nguồn nhân lực phục vụ cho dịch vụ logistics qua đào tạo bài bản còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng yêu cầu, đặc biệt thiếu các chuyên viên logistics giỏi, có năng lực ứng dụng và triển khai tại các doanh nghiệp. Trong số các doanh nghiệp nội địa hiện nay, có tới 93 - 95% người lao động không được đào tạo bài bản, chủ yếu làm dịch vụ ở các chuỗi cung ứng nhỏ, như giao nhận, kho bãi, xử lý vận đơn…

“Những tồn tại, hạn chế này đang đặt ra những thách thức không nhỏ cho việc phát triển ngành logistics Việt Nam trong tương lai. Câu hỏi đặt ra là chúng ta phải làm sao tận dụng được cơ hội để đưa logistics trở thành một ngành kinh tế quan trọng, vừa đáp ứng nhu cầu trong nước, vừa đủ sức cạnh tranh quốc tế, đồng thời theo kịp xu hướng phát triển chung của thế giới, là logistics xanh, hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững”, Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh. 

Tham gia Hội nghị Logistics 2023, bà Phạm Thị Bích Huệ, Chủ tịch HĐQT Western Pacific Group cũng cho rằng, ngành logistics Việt Nam hiện nay đang gặp nhiều điểm nghẽn như quy hoạch không theo sát với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, chi phí logistics ở mức rất cao và hành lang pháp lý chưa rõ ràng.

Bà Phạm Thị Bích Huệ, Chủ tịch HĐQT Western Pacific Group (Ảnh: Báo Đầu tư)

Phân tích cụ thể, Chủ tịch HĐQT Western Pacific Group cho biết, quy hoạch hạ tầng thiếu sự đồng bộ, thiếu sự điều tiết từ cơ quan quản lý nhà nước đang là một trong những điểm nghẽn lớn nhất của ngành logistics Việt Nam. Đối với địa phương, quy hoạch hạ tầng còn mang tính hình thức, thiếu sự địa phương hóa theo đặc thù, thế mạnh của từng vùng, miền.

Về chi phí, hiện chi phí vận tải trên tổng chi phí logistics của Việt Nam đang ở mức rất cao, lên tới hơn 60%, cao khoảng gấp đôi so với các nước khác.

Về hành lang pháp lý, logistics là một ngành rất rộng với nhiều khâu trong chuỗi cung ứng, nhưng Việt Nam chưa có các chính sách riêng, cụ thể, rõ ràng để doanh nghiệp dễ thực hiện. Nhìn chung, pháp lý cho ngành logistics vẫn chưa thực sự hoàn thiện.

Logistics Việt Nam vẫn là thị trường có nhiều triển vọng

Dù đang đối mặt với không ít thách thức, khó khăn nhưng giới đầu tư trong nước và quốc tế, cùng các nhà quản lý đều khẳng định, logistics tại Việt Nam vẫn là ngành có nhiều triển vọng.

Theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, khi nền kinh tế phục hồi, các hoạt động sản xuất - kinh doanh, xuất nhập khẩu lấy lại được đà tăng trưởng, nhu cầu đối với các hoạt động logistics sẽ gia tăng mạnh mẽ. Cùng với đó, Việt Nam đang trở thành điểm đến đầu tư hàng đầu của các nhà đầu tư quốc tế với các dự án quy mô lớn, không chỉ góp phần quan trọng gia tăng năng lực cho nền kinh tế, mà còn thúc đẩy thương mại hàng hóa, góp phần phát triển ngành logistics trong nước.

Ông Đông cho biết, nhiệm kỳ này Quốc hội đã quyết nghị chi 2,87 triệu tỷ đồng kế hoạch đầu tư công trung hạn cho các công trình, dự án. Hai năm 2022 - 2023, có thêm hơn 143.000 tỷ đồng của Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội để đầu tư cho các công trình, dự án quan trọng. Một phần không nhỏ trong nguồn lực này được dành cho hạ tầng giao thông, huyết mạch của nền kinh tế và cũng là huyết mạch của ngành logistics.

Hai năm qua, nhiều dự án hạ tầng trọng điểm, các tuyến đường cao tốc quan trọng, kết nối vùng miền đã được xây dựng và hoàn thành. Mục tiêu là đến năm 2025, hoàn thành 3.000km đường cao tốc, và đến 2030 hoàn thành 5.000km đường cao tốc.

Ngoài ra, các tuyến đường ven biển, các đường kết nối khác, hạ tầng khác như sân bay Long Thành, các cảng biển, các sân bay… cũng đang được tập trung xây dựng, góp phần tăng năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế, cũng như góp phần giảm chi phí logistics cho các doanh nghiệp.

“Đây là những điều kiện cần và đủ để chúng ta có thể phát triển ngành logistics Việt Nam trong tương lai. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu cắt giảm chi phí logistics, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành logistics Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và cách mạng công nghiệp lần thứ tư vẫn còn nhiều việc phải làm”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói.

Logistics Việt Nam: Con đường không trải hoa hồng nhưng vẫn đầy triển vọng (Ảnh: Haiphong.gov.vn)

Đánh giá về triển vọng của ngành logistics Việt Nam, ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư cũng nhìn nhận, con đường phía trước đầy triển vọng và hứa hẹn, khi logistics được xác định là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, cũng như từng địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Theo ông Minh, những chuyển biến theo hướng tích cực hơn cả về tốc độ tăng GDP và kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam, cùng những tín hiệu khả quan về dòng vốn đầu tư nước ngoài, hiệu ứng ngày một tốt hơn của việc thực thi các Hiệp định thương mại tự do và việc tăng tốc triển khai các dự án đầu tư công trong nước đang mang đến những hứa hẹn về các động lực thúc đẩy mới với thị trường logistics Việt Nam.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Edwin Chee, Giám đốc điều hành SLP Vietnam đánh giá cao tiềm năng và cơ hội của ngành logistics tại Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn cần phát triển đa dạng các trung tâm logistics, không chỉ tập trung một khu vực, một tỉnh thành mà cần phải đa dạng hóa. 

Đồng thời, xu hướng áp dụng chuyển đổi công nghệ hiện đại trong logistics cần được đẩy mạnh nhanh chóng để cải thiện chi phí. Những cơ sở của SLP đang áp dụng công nghệ tiên tiến nhất, phục vụ các nhãn hàng thời trang, cung cấp tự động hóa, robot, cung cấp chuỗi cung ứng đầy đủ. Chỉ với 3 - 5 người có thể vận hành cơ sở 8.000m2, cơ sở tự động hóa, máy móc hiện đại…

“Đã đến lúc doanh nghiệp logistics tại Việt Nam cần ngồi lại, trao đổi với nhau và thay đổi, nếu không sẽ để mất miếng bánh thị phần của ngành logistics vào các doanh nghiệp nước ngoài trên chính địa bàn của mình”, ông Edwin Chee nhấn mạnh./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top