Aa

Lời chúc ngày Tết

Thứ Hai, 04/02/2019 - 00:00

Trong một chu trình tuần hoàn khép kín, Tết là điểm “vượt qua” để bắt đầu một chu trình mới. Và người ta đã tìm thấy ở hình thức chúc nhau đầu năm một phương tiện tuyệt vời để trình mặt, trình bày với những người xung quanh mình.

 

Có lẽ không ở đâu tục chúc tết đầu năm lại cầu kỳ, nhiêu khê và hình thức như của người Việt. Đến hẹn lại lên, sau khi năm cũ khép lại, năm mới mở ra, người ta lại mở kho lời chúc nghèo nàn ra để khoản đãi nhau. Thậm chí, vừa mới buổi chiều 30 còn đòi nợ nhau tít mù, còn đá thúng đá mẹt vì con chó con lợn, còn cạnh khóe chửi đổng do chia thịt chia cá không đều. Thậm chí, không ít vụ xô xát ở mức các chi họ “dàn quân” chỉ vì những ấm ức suốt cả năm dồn lại. Thế rồi chỉ sau vài tiếng đồng hồ, không chỉ trời đất mà tất thảy vạn vật đều đổi khác.

Từ ngày ba mươi sang ngày mồng một, không chỉ là sự dịch chuyển của mấy tiếng đồng hồ cụ thể, mà là từ năm này sang năm kia. Một sinh lực mới nào đó vừa được mở ra từ mọi ngóc ngách. Những gì của năm cũ coi như đã được khóa sổ để trang mới với những dự cảm tốt đẹp bắt đầu. Không một chút “ngượng mồm”, chính những người vừa nguyền rủa nhau lại cung kính nâng nhau lên bằng những lời vừa văn hoa, quen thuộc, nội dung cũ mèm đến sáo mòn mà vẫn thật sự truyền sức sống, sự ấm áp, niềm hỉ xả. Thế mới lạ và mới là điều đáng bàn. Nhưng hơn tất cả nó thực sự là một sự bí ẩn đến kỳ diệu của văn hoá.

Mỗi dân tộc có một kho tàng những lời chúc. Với người Việt Nam, lời chúc và lời chúc đầu năm là hai biểu hiện khác nhau về mặt văn hóa. Lời chúc thông thường, ngày thường là ứng xử đặc biệt (đa số chào mà không quen chúc. Chẳng có cớ gì mà buông lời chúc người ta bảo là hâm, thậm chí nghi ngờ). Trong khi đó lời chúc đầu năm lại trở thành ứng xử thông thường, trở thành thứ quà tặng không hạn chế nhưng không thể thiếu. Thiếu là báo hiệu sự bất hoà. Thế là mỗi năm một lần, thể nào cũng phải chúc nhau một vài câu (dù trước đó cả trăm ngàn người đã nói y hệt, dù năm nào cũng vẫn chỉ nội dung ấy). Sự nhiêu khê, rườm rà về mặt hình thức và không ít lời chúc nhạt nhẽo về nội dung, có cái cớ gì để tồn tại và được thừa nhận? Trước hết xin dẫn ra đây vài lời chúc điển hình.

- Tết năm sớm, thay mặt gia đình sang mừng tuổi các cụ, các ông các bà, các bác, các cháu... thêm một tuổi mới dồi dào sức khỏe, làm ăn tấn tới, bằng năm bằng mười năm ngoái.

- Gọi là đầu năm để xin có lời chúc các cụ, ông bà, các anh các chị năm mới nhiều tài nhiều lộc, cầu được ước thấy, mỗi tuổi mỗi khỏe ra, trẻ lại, trai đến tuổi có vợ, gái đến tuổi có chồng, con cháu đầy cửa đầy nhà...

- Xuân sớm đầu năm mồng một, chả biết nói gì chỉ xin chúc các cụ các ông các bà, các anh các chị mỗi tuổi mỗi phúc lộc, thóc lúa đầy nhà, lợn gà đầy chuồng...

-Tết năm sớm, thay mặt gia đình chúc toàn thể gia đình ta năm mới của tấn tài tấn lộc.

Đại để chỉ khác nhau cách vào đầu, còn lại nội dung chỉ là sự hoán vị, thay đổi chút ít lời cầu mong phúc, lộc, thọ, khang, ninh. Gia chủ cũng sẽ đáp lại với nội dung được chúc nhưng cố dùng từ khác đi. Nhưng vấn đề ở đây không phải là nội dung lời chúc (Lời chúc trở thành cái cớ) mà qua đó hai bên đều cảm nhận được thông điệp ngầm: “Mọi thứ của năm cũ coi như xí xóa”. Xí xóa xích mích, xí xóa những điều hiểu lầm... để cùng nhau làm lại, bắt đầu từ ngày đầu năm (Ngày Tết là cơ hội tuyệt vời để xin lỗi nhau mà không sợ bị coi là hạ mình).

Nười ta đã tìm thấy ở hình thức chúc nhau đầu năm một phương tiện tuyệt vời để trình mặt, trình bày với những người xung quanh mình.

Nười ta đã tìm thấy ở hình thức chúc nhau đầu năm một phương tiện tuyệt vời để trình mặt, trình bày với những người xung quanh mình. (Ảnh minh họa)

Nội dung xí xóa có thể chỉ là một phần, nhưng là phần chủ yếu. Hàng ngày sống với nhau trong làng (nhỏ hơn là xóm, ngõ) có không biết bao nhiêu yếu tố dẫn đến sự va quệt về mặt quyền lợi, tình cảm, làm cho nhau mất lòng, tự ái rồi đến giận nhau, thù nhau. Là vì sống trong làng không ai tách riêng ra khỏi mọi ảnh hưởng. Thêm vào đó có cả sự tị hiềm, ghen ăn, tức ở. Điều này khiến người ta phải thích nghi với kiểu ứng xử “hai mặt” để dung hòa các mối quan hệ vốn rất phức tạp. Từ cao nhất là với trời, đến vua quan; gần gũi hơn là với anh em, láng giềng. Để đề cao anh em thì “Một giọt máu đào, hơn ao nước lã”; “Máu chảy đến đâu, ruồi bâu đến đấy”; “Khôn ngoan đối đáp người ngoài”; “Khôn thì ăn người”... Nhưng cũng có lúc phải làm “đẹp lòng” láng giềng thì đã có “Bán anh em xa, mua láng giềng gần”, “Nhiễu điều phủ lấy giá gương”... Đặc biệt tính đối lập rõ nhất trong ứng xử với miếng ăn. Ai cũng bảo “Vị tình không ai vị thực”; “Lời chào cao hơn mâm cỗ”; “Miếng ăn là miếng nhục”. Nhưng có việc lớn, việc bé gì mà không được quyết định trong bữa chén. Thiếu cỗ bàn là hỏng việc, là bị dè bỉu, từ mặt. “Vô lễ bất thực”...

Tính hai mặt đối lập trong ứng xử như vậy được thừa nhận như một kiểu khôn ngoan đi tìm cho mình cái có lợi nhất. Vì thế cứ nửa đùa, nửa thật lại ăn tiền! Đôi khi chỉ cần thiếu một câu “Tôi đùa đấy mà” có thể xảy ra án mạng như chơi.

Nhưng tất cả sự khôn khéo trên chỉ dung hòa được trong từng mối quan hệ cụ thể, trong một thời gian nào đó có tính chất cục bộ. Để có một cơ hội “hòa cả làng” phải chờ đến dịp Tết. Về mặt tự nhiên, Tết nằm vào mùa xuân, mùa sinh sôi, phát triển, mùa của hưng phấn khiến người ta dễ hòa nhập, tha thứ, bao dung. Về mặt văn hóa, Tết là ngày lễ lớn nhất có sự tham gia của trời, đất, tổ tiên, con người có nhu cầu tẩy rửa, “tống cựu nghinh tân”, để cảm nhận sự “sống lại”. Về thực chất không có thời điểm nào diễn ra nhiều hoạt động tinh thần, đa số hướng tới sự kính cẩn, thiêng liêng, cái đẹp như dịp Tết. Nhiều nghi lễ có tính chất nguyện cho cả năm.

Tóm lại, trong một chu trình tuần hoàn khép kín, Tết là điểm “vượt qua” để bắt đầu một chu trình mới. Và người ta đã tìm thấy ở hình thức chúc nhau đầu năm một phương tiện tuyệt vời để trình mặt, trình bày với những người xung quanh mình. Sống trong làng, không gì ghê sợ hơn là bị bỏ quên. Nội dung khoa trương, câu rườm rà, nhiều từ, ý sáo mòn của lời chúc, một phần do thói sính chữ (có chữ mới sang!), nhưng một phần còn do, nhờ nhịp điệu ề à đã làm toát lên hàm ý ngày xuân thong thả, cũng tức là “Tôi đang hiện diện một cách đĩnh đạc” (Người phong lưu thường đủng đỉnh). Chính vì thế khi chúc muốn nói gì cũng được (miễn là những lời tốt đẹp), không ai dở hơi để ý cặn kẽ từng câu từng chữ của nội dung, đúng hơn nội dung không ngoài những điều đã biết, đã thuộc lòng. Cái quan trọng là đã trình mặt và có lời với nhau ngay từ đầu năm. Một thứ khế ước ngầm có điều gì thì đóng cửa bảo nhau.

Tuy nhiên lời chúc, dù rất hình thức, vẫn phải có động tác toát lên tính thiêng liêng: bao gồm thái độ cung kính, vẻ mặt trang trọng và hàm ý cầu mong được thể hiện rất rõ ràng. Muốn làm thế nhất định phải vượt khỏi bản thân mình. Vì thế nó chỉ tồn tại được, tồn tại ngoài mọi ý muốn khi thành một nghi lễ. Yếu tố nghi lễ là hồn cốt của những lời chúc gần như vô hồn về mặt chữ nghĩa. Và chính đây là nét độc đáo, thú vị, vừa đơn giản những cũng rất bí ẩn của văn hóa ứng xử vậy.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top