Khối ngoại đã mất niềm tin!
Sau 8 tháng niêm yết trên sàn HoSE, cổ phiếu YEG của Tập đoàn Yeah1 đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ sự cố kinh doanh kênh Youtube, được công bố ngày 4/3 vừa qua. Kể từ đó đến ngày 20/3, cổ phiếu YEG đã giảm sàn 13 phiên liên tiếp, từ mức 249.800 đồng/cổ phiếu xuống chỉ còn 95.700 đồng/cổ phiếu, mất tới gần 62% thị giá so với trước khi tin xấu “bung” ra thị trường.
Thậm chí, trong những phiên này chỉ có lệnh chất bán sàn hơn 2 triệu đơn vị ngay từ đầu phiên và “trắng bên mua”… Qua đó, khoảng 4.500 tỷ đồng vốn hóa của YEG đã bị thổi bay trong thời gian chưa đầy 3 tuần xảy ra sự cố.
Khối lượng khớp lệnh trong những phiên này không nhiều, chỉ từ vài nghìn đến vài chục nghìn/phiên. Cao nhất có phiên giao dịch ngày 7/3/2019 là khớp được 470.000 cổ phiếu. Tuy nhiên, đa phần lượng cổ phiếu khớp bán trong những phiên này đều là của khối ngoại bán ra.
Sau khi thiết lập kỷ lục 13 phiên giảm sàn liên tiếp, bất ngờ sau khoảng 70 phút giao dịch sáng ngày 21/3, cổ phiếu YEG bỗng chốc tăng “phi mã”. Từ mức giá sàn, YEG đã quay đầu hồi phục rồi lên mức giá trần 102.300 đồng/cổ phiếu, tương ứng tăng gần 14%, với thanh khoản tăng vọt.
Đóng cửa, YEG dư mua trần với hơn 169.000 đơn vị, tổng khối lượng khớp lệnh của YEG đạt gần 833.940 cổ phiếu, trong đó khối ngoại bán đã bán ròng gần 600.000 cổ phiếu (bán 822.400 cổ phiếu, mua lại 223.390 cổ phiếu). Số cổ phiếu chênh lệch còn lại (khoảng hơn 11.000 cổ phiếu) chắc hẳn là của những nhà đầu tư nhỏ lẻ “múa phụ họa” cho giao dịch của YEG.
Đến 11h phiên giao dịch 22/3, mặc dù YEG vẫn trần, nhưng nếu không tính phần thỏa thuận nội khối thì khối ngoại cũng đã bán ròng khoảng 55.000 trên tổng số gần 79.000 cổ phiếu được khớp lệnh trên sàn.
Điều này cho thấy mong muốn đầu tư cũng như niềm tin vào cổ phiếu YEG của khối ngoại đã bị “sụp đổ” khi tìm mọi cách bán tháo cổ phiếu bằng mọi giá?!
Công ty chứng khoán HSC nhận định, trong kịch bản xấu nhất, nếu không khôi phục được thỏa thuận với YouTube, dự báo kết quả kinh doanh năm 2019 của Yeah1 có thể giảm tới 83,3% lợi nhuận sau thuế và tổng doanh thu sẽ giảm 64% so với dự báo trước đây.
Và cũng trong kịch bản này, dòng tiền "giải cứu" có hạn của Yeah1 sẽ phải đương đầu với những cuộc xả hàng cổ phiếu YEG nhằm thoát hiểm. Lúc này chắc chắn thị trường sẽ mất đi sự kì vọng về tăng trưởng của Yeah1 hay nói cách khác là nhà đầu tư không thể tin vào YEG vì luôn đứng trước nguy cơ “lau sàn” để điều chỉnh về với giá trị của YEG – Book value hoặc có thể là mệnh giá phát hành bởi thực chất YEG đang bị “thổi phồng” quá mức trước khi niêm yết trên HoSE.
Nhưng mặt khác, lại có một kịch bản được dựng lên là Yeah1 sẽ lợi dụng sự cố Youtube này để “đè” giá cổ phiếu YEG xuống để mua cổ phiếu quỹ nhằm gom hàng cho cô đặc?
Tuy nhiên, việc mua lại cổ phiếu quỹ của Yeah1 sẽ phải tuân thủ theo các nguyên tắc của pháp luật như chỉ được mua tối đa 10% số lượng cổ phiếu đăng ký trong 1 phiên giao dịch để tránh làm ảnh hưởng đến giá cổ phiếu.
Theo dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) dự kiến trình Chính phủ vào năm 2020, công ty mua lại cổ phiếu quỹ của chính mình sẽ phải làm thủ tục giảm vốn điều lệ tương ứng với tổng giá trị mệnh giá các cổ phiếu mua lại trong vòng 10 ngày kể từ khi hoàn tất mua cổ phiếu quỹ. Điều này sẽ ảnh hưởng đến các hoạt động kinh doanh cũng như cách tính giá trị của YEG.
Ai để YEG "lộng hành"?
Theo cơ cấu cổ đông, ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Yeah1 hiện sở hữu hơn 11,43 triệu cổ phiếu YEG, chiếm 36,54%. Các cổ đông lớn khác gồm: Hồ Ngọc Tân nắm 12,5%, Ancla Asset Limited nắm 10,93%, DFJ Vinacapital Venture Investment Ltd nắm 6,84%, Macquarie Bank Limited OBU nắm 64,87%, ông Đào Phúc Trí nắm 3,82%… Tổng sở hữu của các cổ đông này lên tới 75,5% cổ phần lưu hành công ty, chỉ còn khoảng 24,5% lượng cổ phần lưu hành trôi nổi ngoài thị trường.
Vậy, việc Yeah1 lại mua vào 10% cổ phiếu lưu hành và chờ đợi YEG giảm 60% thị giá mới tiến hành gom hàng được xem như một mũi tên trúng 2 đích, trước hết là "động tác giả" củng cố niềm tin nhà đầu tư nhưng “cao thủ” hơn là cô đặc sở hữu để dễ bề kiểm soát giá cổ phiếu?
Trước sự cố của YEG, lãnh đạo một quỹ đầu tư cho rằng, trong bài toán kinh doanh của Yeah 1, nếu các đối tác như YouTube (Google) hay Facebook là bên nắm “sinh mệnh” trong hệ sinh thái của Yeah1 thì sự phát triển của YEG thật chênh vênh.
Facebook hay Youtube là những doanh nghiệp trị giá hàng tỷ USD, muốn thành công họ phải tạo ra sân chơi mà ở đó các đối tác của họ phải thành công nếu tuân thủ theo luật chơi, chứ không phải họ có quyền quyết định sự tham gia hay không tham gia vào hệ thống của đối tác một cách tùy tiện.
Vậy là, trong “sân chơi” này – Yeah1 chỉ là một “cầu thủ” mà nếu không tuân thủ Luật chơi thì có thể bị Youtube loại bỏ bất cứ lúc nào. Đến lúc này chắc hẳn nhà đầu tư đã rõ loại hình kinh doanh “đặc thù” của Yeah1 để đưa ra quyết định có nên mạo hiểm “túm đuôi” YEG mà “lướt sóng”?
Phải chăng việc để cổ phiếu YEG “lộng hành” trong thời gian vừa qua là do cơ quan quản lý còn lỏng lẻo? Hay lỗi một phần cũng do nhà đầu tư quá dễ dãi trong việc lựa chọn doanh nghiệp để đầu tư?