Aa

"Lợi ích từ tuyến tàu điện ngầm khó đong đếm bằng tiền"

Thứ Bảy, 24/03/2018 - 21:10

Ông Lê Trung Hiếu, Phó Trưởng ban Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội đã có những chia sẻ với Reatimes về dự án xây dựng tàu điện ngầm trong đó có điểm đặt ga tại khu vực hồ Hoàn Kiếm. Theo ông Hiếu, lợi ích mà tuyến tàu điện ngầm mang lại khó có thể định lượng hóa bằng tiền.

PV: Nhiều chuyên gia quan ngại rằng, việc đặt ga điện ngầm C9 ở vị trí trong khu vực hồ Hoàn Kiếm sẽ làm ảnh hưởng và xâm phạm tới di tích lịch sử quốc gia mà cụ thể là quần thể di tích hồ Hoàn Kiếm. Quan điểm của ông như thế nào về ý kiến này?

Ông Lê Trung Hiếu: Trong quá trình nghiên cứu, việc đánh giá tác động của dự án về mặt kinh tế, xã hội cũng đã được thực hiện, tuân thủ theo các quy định về môi trường rất khắt khe của nhà tài trợ JICA và các quy định khác của nhà nước Việt Nam. Các cơ quan chức năng đã phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án.

Về việc đặt ga tàu điện ngầm C9 ở khu vực hồ Hoàn Kiếm là do không thể làm đường trên cao trong nội đô, nhất là qua các khu phố cũ, phố cổ vì sẽ phá vỡ cảnh quan, ảnh hưởng môi trường, gây tiếng ồn... ảnh hưởng đến di tích lịch sử văn hóa.

Ông Lê Trung Hiếu, Phó Trưởng ban Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội

Ông Lê Trung Hiếu, Phó Trưởng ban Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội.

Theo đánh giá tác động của dự án, ga C9 đặt tại khu vực hồ Hoàn Kiếm nên trong quá trình thi công sẽ có ảnh hưởng nhất định đến cảnh quan, môi trường khu vực. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành, toàn bộ cảnh quan sẽ được hoàn trả như cũ và cải thiện hơn vì sẽ không còn nhà vệ sinh công cộng và hàng quán xung quanh như hiện tại. Tất cả sẽ được đưa xuống ga ngầm.

Bên cạnh đó, quá trình xây dựng ga C9 tác động tới khu vực hồ Hoàn Kiếm là di tích lịch sử và thắng cảnh quốc gia nên dự án phải tuân thủ theo Luật di sản. Đó là không được xây dựng trong Khu vực bảo vệ I, chỉ được xây dựng các công trình phát huy giá trị di tích trong Khu vực bảo vệ II.

PV: Như ông nói, quá trình xây dựng ga C9 có tác động nhất định đến khu vực hồ Hoàn Kiếm. Vậy dự án có đề ra giải pháp nào để đảm bảo việc xây dựng ga C9 sẽ không xâm phạm đến quần thể di tích lịch sử hồ Hoàn Kiếm?

Ông Lê Trung Hiếu: Ga C9 là một công trình công cộng, phục vụ lợi ích cộng đồng và phần nào đó phục vụ, thuận tiện hơn cho du khách đến tham quan, phát huy giá trị của di tích.

Hầm đường sắt đô thị và ga C9 sẽ sử dụng các biện pháp thi công tiên tiến và an toàn  nhất thế giới hiện nay, cụ thể hầm đường sắt đô thị sẽ được khoan đào bằng máy TBM cân bằng áp lực, ga ngầm C9 sử dụng biện pháp đào hở, thi công từ trên xuống (Top - Down). Các biện pháp thi công này có tác động ảnh hưởng nhỏ nhất đối với các công trình trên mặt đất và liền kề xung quanh.

Các chuyên gia đã khảo sát và tính toán xác định mức lún đất nền và chuyển vị trong quá trình thi công hầm và ga C9 là rất nhỏ và không ảnh hưởng tới các công trình lân cận như Tháp Bút, đền Ngọc Sơn, đền Bà Kiệu, các tòa nhà của Tổng Công ty Điện lực, UBND Thành phố...

Quá trình thi công xây dựng có thể ảnh hưởng nhất định đến môi trường, cảnh quan... tuy nhiên, UBND Thành phố và chủ đầu tư sẽ chỉ đạo các nhà thầu đề xuất các biện pháp thiết kế, thi công phù hợp, đảm bảo an toàn cho các công trình, hạng mục của di tích, giảm thiểu các tác động đến môi trường, cảnh quan trong quá trình thi công, vận hành khai thác.

Trong quá trình thi công ga C9 và hầm ngầm, nhà thầu sẽ được yêu cầu có trách nhiệm quan trắc diễn biến lún và các chuyển vị của mặt đất, lòng đất và các công trình trên mặt đất. Các thiết bị quan trắc như thiết bị đo độ nghiêng, đo áp lực nước ngầm, đo biến dạng, tải trọng, đánh dấu độ lún... để kịp thời theo dõi dịch chuyển của đất nền và các lực tác động lên kết cấu.

Trong khi đó, hệ thống vận hành máy đào hầm TBM sẽ theo dõi các tình trạng khoan hầm như lực đẩy, tốc độ đào, áp lực đất theo thời gian thực. Bằng cách kết hợp quan trắc theo dõi chuyển vị của đất nền và hệ thống vận hành TBM, các biện pháp giảm thiểu được nhanh chóng đưa ra nhằm hạn chế thiệt hại như gia cố, chống đỡ cho các công trình trên mặt đất nếu cần thiết. Sử dụng các giải pháp thi công, bảo đảm an toàn trong xây dựng ga sẽ không ảnh hưởng tới các di tích đền Ngọc Sơn, hồ Hoàn Kiếm và các công trình xung quanh.

PV: Tuyến bus nhanh BRT Hà Nội trong quá trình xây dựng được kỳ vọng sẽ giải quyết được một phần nạn ùn tắc của Thủ đô nhưng đến thời điểm hiện tại, sau hơn 1 năm đưa vào hoạt động, hiệu quả chưa thực sự tương xứng với đầu tư. Bên cạnh đó, tâm lý của người dân vẫn ưu tiên sử dụng phương tiện cá nhân. Theo ông, làm thế nào để tuyến tàu điện ngầm thực sự giải quyết được những thách thức trước sức ép về quy mô dân số?

Ông Lê Trung Hiếu: Tôi nghĩ rằng, ý thức phải được hình thành dần dần, theo sự phát triển của trình độ dân trí. Đặc biệt, các cơ quan quản lý nhà nước cũng phải có biện pháp và khuyến khích để người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng như lập kế hoạch hành động để thúc đẩy chuyển đổi từ phương tiện cá nhân sang phương tiện vận tải công cộng, hạn chế xe cá nhân trên một số tuyến đường…

Bên cạnh đó, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, khi thành phố có lộ trình giảm thiểu phương tiện giao thông cá nhân và đưa ra phương tiện thay thế phù hợp, tốt hơn, hiệu quả hơn thì chắc chắn người dân Hà Nội sẽ lựa chọn.

Giá vé của tàu điện ngầm hiện tại đang lên dự kiến bằng vé xe bus. Với sự cạnh tranh về giá cùng hiệu quả tiết kiệm về thời gian, khoảng cách đi lại, tôi đánh giá tàu điện ngầm sẽ thu hút được lượng khách lớn tham gia sử dụng.

PV: Như ông vừa trao đổi, giá vé tàu điện ngầm dự kiến bằng vé xe bus trong khi đó tổng mức đầu tư cho dự án ước chừng 35.678 tỷ đồng. Khả năng hoàn vốn của dự án này sẽ như thế nào, thưa ông?

Ông Lê Trung Hiếu: Cũng như các dự án phát triển giao thông công cộng khác, nguồn thu của tuyến đường sắt đô thị số 2 sẽ từ bán vé, từ các dịch vụ gia tăng như quảng cáo, từ sự phát triển kinh tế, xã hội, môi trường được cải thiện.

Khi đi vào vận hành dự án còn đem lại các lợi ích cho xã hội như giảm khí thải cac-bon dioxit, giảm chi phí do tai nạn, bảo dưỡng đường bộ, giảm phương tiện giao thông cá nhân... Các lợi ích đó khó có thể định lượng hóa bằng tiền.

Điều quan trọng hơn nữa là khả năng giải quyết nạn ùn tắc giao thông của tàu điện ngầm. Có thể thấy hiện tại khu vực dự kiến xây dựng ga C9 vốn đã rất đông, kèm theo là các phương tiện xe máy, xe ô tô của họ. Mật độ càng trở nên đông khi vào những ngày lễ. Hệ thống đường sắt đô thị với ưu điểm là tốc độ nhanh, khối lượng lớn và đi trong những đường hầm riêng biệt sẽ giải tỏa các ách tắc giao thông bởi lượng người và phương tiện cá nhân gây ra.

Khi có ga đường sắt đô thị, lượng người đến khu vực bằng đường sắt đô thị sẽ tăng lên nhưng bằng luồng tuyến riêng, ngầm dưới mặt đất, không thể xảy ra ùn tắc giao thông. Điều đó làm giảm hẳn lượng người đến bằng các phương tiện cơ giới khác, giảm nhu cầu đỗ xe cho các phương tiện này dẫn đến giảm ách tắc giao thông trên mặt đất và các khu vực lân cận, như vậy lợi ích của tàu điện ngầm là quá rõ ràng.

Sự phát triển kinh tế, xã hội, môi trường được cải thiện, tiết kiệm thời gian do tránh được ách tắc và các lợi ích to lớn khác mà đường sắt đô thị đem lại chính là khả năng hoàn vốn của dự án. Điều này được khẳng định và áp dụng tại tất cả các thành phố lớn trong khu vực và thế giới.

- Cám ơn ông về cuộc trò chuyện!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top