Aa

Vì sao Hà Nội đặt ga tàu điện ngầm gần Hồ Gươm

Chủ Nhật, 18/09/2016 - 19:02

Mới đây, UBND TP Hà Nội thông báo kết luận của tập thể lãnh đạo về các nội dung của ga ngầm C9 (khu vực hồ Gươm) thuộc Dự án đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo.

Theo đó, lãnh đạo Hà Nội cơ bản thống nhất về vị trí, phương án tổng mặt bằng, giải pháp không bố trí mái che tại khu vực lối lên xuống số 3, 4 (phía sau đền Bà Kiệu và khu vực nhà vệ sinh bờ hồ Hoàn Kiếm).

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đặc biệt là các nhà nghiên cứu không đồng tình với việc này.

Có bảo toàn nguyên vẹn Hồ Gươm?

Trao đổi với Đất Việt, trước thông tin trên, ngày 12/9, KST Ngô Doãn Đức - Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho biết: "Tôi vẫn giữ nguyên ý kiến của mình từ năm 2013, đây là không gian xanh và là trung tâm hành chính, chính trị của thành phố do vậy cần tìm địa điểm thích hợp hơn để đặt ga ngầm C9.

Còn rất nhiều vị trí khác hợp lý hơn, vừa phát triển được giao thông nhưng vẫn giữ gìn được cảnh quan hồ Gươm. Nói gì thì nói một công trình ngầm như những ga tàu điện ngầm, thì nó còn động đến cả lòng đất xung quanh hồ.
Chính vì thế, việc xây dựng ga có áp dụng công nghệ tốt nhất để không ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường quanh hồ Gươm hay không cũng là bài toán cần được đặt ra.

Tôi nghĩ ở khu Đinh Tiên Hoàng đi về đài phun nước, quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục không nên xây dựng thêm bất cứ một công trình nào, kể cả lối lên, xuống của ga tàu điện ngầm. Xung quanh Hồ Gươm nên tích cực tăng cường không gian cho cộng đồng, không gian của cây xanh.

Việc đưa một công trình hiện đại vào một mảnh đất cổ kính có thể làm mất đi cảnh quan khu vực hồ Gươm".

Do đó theo ý kiến của ông Đức, hồ Gươm là mảnh đất thiêng đã được thừa nhận từ ngàn đời nay. Chúng ta không thể bảo toàn nguyên vẹn hồ Gươm nếu cho đường tàu điện ngầm đi qua khu vực này.

Riêng về lối lên xuống, làm sau đền bà Kiệu, thì cần tính đến bài toán giãn người không gây ách tắc khu phố Hàng Dầu, Lò Sũ. Vì đằng sau đền bà Kiệu, có một trung tâm băng đĩa vô cùng lớn, chắc chắn cũng phải giải tỏa để rộng rãi, lấy diện tích xây dựng.

Ga tàu điện ngầm sẽ được xây gần Hồ Gươm

Ga tàu điện ngầm sẽ được xây gần Hồ Gươm

Vấn đề quan trọng nữa cần chủ ý, đó là đền bà Kiệu cũng là một di tích đạo Mẫu quý giá của thủ đô và cả nước ta, nếu xây dựng ngay sau có ảnh hưởng đến nền đất của đền hay không. Như vậy là hai nỗi lo ảnh hưởng đến 2 di tích chứ không còn là một.

"Để thấy, ga tàu điện ngầm không chỉ đơn giản là một vị trí, mà còn là một quy hoạch có tầm nhìn tổng hợp. Vì thế khi lựa chọn vị trí không chỉ phụ thuộc vào yếu tố mỹ quan, mà còn phải xem có đáp ứng được đầy đủ các loại hình liên kết khác không, có phục vụ được cho nhu cầu của hành khách.

Kết quả của quá trình nghiên cứu thận trọng 

Trả lời báo Tiền Phong, ông Nguyễn Đức Nghĩa, Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật (Sở Quy hoạch- Kiến trúc, Hà Nội) cho biết, trong tổng số 10 ga của dự án đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt vị trí 8/10 ga. Trong đó, nhà ga C9 (ga ngầm) được lựa chọn vị trí ở khu vực Hồ Gươm, đoạn trước Tổng Công ty Điện lực Hà Nội.

Đây là kết quả quá trình nghiên cứu thận trọng và lâu dài của các cơ quan chuyên môn của thành phố, được sự thống nhất ý kiến của rất nhiều cơ quan, đơn vị, bộ ngành liên quan và phù hợp với các quy hoạch và hướng tuyến đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Cụ thể, theo lý giải của cơ quan này, nhà ga C9 nằm giữa ga C8 và C10. Trong đó, ga C8 kết nối với tuyến đường sắt đô thị số 1, nằm ở khu vực bốt Hàng Đậu (quận Hoàn Kiếm). Ga C10 đặt ở vị trí giao giữa phố Trần Hưng Đạo với phố Hàng Bài (kết nối với tuyến đường sắt số 3). Hai ga 8 và 10 là ga kết nối nên đã cố định. Vì thế, theo yêu cầu hướng tuyến; quy hoạch đã được duyệt và yêu cầu về kỹ thuật (đảm bảo khoảng cách giữa ga C9 với các ga C8, C10 khoảng 1 km), vị trí ga C9 được chọn là phù hợp nhất.

“Vị trí đặt ga đã được UBND TP, Bộ VH-TT&DL và các cơ quan liên quan thống nhất. Từng có nhiều ý kiến thắc mắc về việc sao cứ nhất định phải ở đó mà không phải chỗ khác? Vì để đáp ứng được các lý do trên thì vị trí trước Tổng Công ty Điện lực Hà Nội là phù hợp nhất, các vị trí khác không đảm bảo yêu cầu” – ông Nghĩa cho biết.

Theo Sở Quy hoạch-Kiến trúc, ga C9 sẽ có 4 lối lên xuống. Trong đó các lối lên xuống này phải đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chí của ngành đường sắt và các yêu cầu khác như cứu hộ, cứu nạn, phòng cháy chữa cháy; phù hợp với cảnh quan khu vực và phát huy được hiệu quả của nhà ga… Ở khu vực đặc biệt quan trọng hồ Hoàn Kiếm, yếu tố quan trọng hàng đầu là phải ít ảnh hưởng nhất tới cảnh quan di tích lịch sử này.

Cụ thể, lối thứ nhất nằm trong Tổng Công ty Điện lực Hà Nội; Lối thứ hai nằm trên phố Trần Nguyên Hãn, trong khuôn viên Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc; Lối thứ ba dự kiến đặt ở khu vệ sinh công cộng hiện có ở phía hồ Hoàn Kiếm (rộng khoảng 100 m2). Nếu được triển khai sau này, khu nhà vệ sinh này sẽ không còn và được bố trí trong phạm vi ga ngầm. Lối thứ tư nằm phía sau Tượng đài Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh (khu vực đền Bà Kiệu) – rộng khoảng 68 m2.

Hai lối lên xuống số 3 và 4 đều nằm trong khu vực bảo tồn của di tích lịch sử quốc gia hồ Hoàn Kiếm nên khi tính toán vị trí đặt, các cơ quan chuyên môn phải nghiên cứu rất kỹ. Theo dự kiến ban đầu, hai lối lên xuống này sẽ không bố trí mái che, chỉ có lan can đơn giản đảm bảo an toàn xung quanh kết hợp với cây xanh, để làm sao ít ảnh hưởng nhất tới cảnh quan hồ Hoàn Kiếm.

Với vị trí gần khu vực Đền Bà Kiệu, trong quá trình nghiên cứu, sẽ kết hợp với việc triển khai tuyến phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm. Đại diện Sở này cho biết thêm, sau khi hoàn thiện phương án dự kiến, Hà Nội sẽ xem xét và tổ chức họp với Bộ VH-TT&DL, các bộ ngành, đơn vị liên quan, các hiệp hội nghề nghiệp, nhà khoa học, nhà lịch sử… để lấy ý kiến.

Trước đó, UBND TP Hà Nội cơ bản thống nhất về vị trí đặt ga ngầm C9 thuộc Dự án đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, phương án tổng mặt bằng, giải pháp không bố trí mái che tại khu vực lối lên xuống số 3, 4 (phía sau đền Bà Kiệu và khu vực nhà vệ sinh bờ hồ Hoàn Kiếm).

Việc bố trí nhà ga và các lối ra vào ga ngầm C9 thuộc Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2, thành phố Hà Nội. Đây là tuyến đường sắt đô thị kết nối khu đô thị mới với khu vực đô thị trung tâm thành phố. Giai đoạn 1 của tuyến 2 (tổng chiều dài 11,5 km) đi qua các quận, huyện Từ Liêm, Tây Hồ, Cầu Giấy, Ba Đình và Hoàn Kiếm. Hệ thống nhà ga gồm: 3 ga trên cao (C1-C3 và cầu cạn, dài 2,6km), 7 ga ngầm (C4-C10 và hầm ngầm, dài 8,9km).

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top