Aa

Lợi nhuận năm 2021 của ngành ngân hàng khó bứt phá

Chủ Nhật, 10/10/2021 - 06:00

Kết quả của các ngân hàng sẽ tăng trưởng chậm lại đáng kể so với quý II. Ngoài ra, sau tròn một quý thực hiện giãn cách tại TP.HCM, bức tranh nợ xấu của ngành ngân hàng đang là vấn đề được quan tâm nhiều hơn.

Lợi nhuận quý III sẽ khó bứt phá

Nhóm phân tích của CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) ước tính tín dụng toàn ngành đến hết quý III/2021 tăng 7,5% so với đầu năm, dẫn dắt bởi dư nợ cho vay ngắn hạn, phù hợp với dự báo về việc tăng cho vay kỳ hạn ngắn nhằm mục đích sử dụng hạn mức tín dụng được cấp. Nhiều ngân hàng đã gần chạm mức trần tín dụng được giao và nộp đơn xin cấp hạn mức mới, đây sẽ là động lực cho ngành ngân hàng trong quý IV.

Trước đó, nhiều ngân hàng đã được cấp thêm room tín dụng đợt 2 năm nay, tập trung chủ yếu ở nhóm thương mại cổ phần. Việc nới hạn mức tín dụng phụ thuộc vào tình hình của các ngân hàng, mức độ rủi ro của danh mục tín dụng và mức độ hỗ trợ lãi suất.

Đơn cử, Techcombank và TPBank là 2 ngân hàng được cấp mức tăng trưởng tín dụng cao nhất, lần lượt là 17,1 và 17,4%, do tỷ lệ an toàn vốn (CAR) Basel II ở mức cao, danh mục đầu tư rộng và không tập trung quá nhiều vào các ngành nghề rủi ro và có những cam kết hỗ trợ lãi suất trong thời gian tới. Còn, MSB được nâng hạn mức từ 10,5% đầu năm lên 16%, MB từ 8,5% lên 15%; VIB từ 8,5% lên 14,1%; LienVietPostBank và ACB từ 8,5% và 9,5% cùng lên 13,1%.

ngân hàng
Lợi nhuận giảm khả quan của ngành ngân hàng khiến cho nhóm cổ phiếu ngành này đang giảm giá tương đối mạnh. (Ảnh minh họa)

Về lợi nhuận quý III, VDSC cũng ước tính kết quả của các ngân hàng sẽ tăng trưởng chậm lại đáng kể so với quý II. Ngoài ra, sau tròn một quý thực hiện giãn cách tại TP.HCM, bức tranh nợ xấu của ngành ngân hàng đang là vấn đề được quan tâm nhiều hơn. Dự báo nợ xấu và nợ được cơ cấu lại của ngành ngân hàng tăng mạnh trong giai đoạn cuối năm và ảnh hưởng lên tốc độ và độ lớn của trích lập dự phòng. Tuy nhiên, nợ xấu sẽ có độ trễ trong việc hình thành và đồng thời cũng có sự lệch pha giữa tốc độ tăng nợ xấu của các ngân hàng. Điều này có thể được nhận thấy thông qua mức độ giảm giá cổ phiếu của các ngân hàng thời gian qua, nếu điều chỉnh thêm cho các yếu tố câu chuyện riêng biệt.

Kỳ vọng điểm rơi về nợ xấu sẽ chủ yếu ở quý IV, nhưng các ngân hàng sẽ chủ động trích lập trong quý III tùy tình hình và năng lực tài chính của riêng từng ngân hàng. Do yếu tố độ trễ này, CTCK duy trì quan điểm lạc quan trong thận trọng về ngành ngân hàng, với tầm nhìn tích cực tập trung tại một số lượng cổ phiếu nhất định.

Trước đó, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh đề cập khi Covid-19 đến trong năm 2020 và năm 2021, NHNN đánh giá độ trễ sẽ còn tác động cả sang năm 2022 nên ngành ngân hàng sẽ vẫn gặp rất nhiều khó khăn.

Theo ông Kim Anh, tỷ lệ nợ xấu nội bảng và nợ xấu tiềm ẩn cuối năm nay dự kiến sẽ ở mức 7,1% - 7,7%, xấp xỉ 8%. Kết quả này được dự báo trên cơ sở ngân hàng đã thực hiện cơ cấu lại nợ, giãn hoãn theo Thông tư 01, Thông tư 03 và Thông tư 14.

Lợi nhuận nhiều nhóm ngành khác cũng không quá khả quan

Trong báo cáo chiến lược mới mới đây, Bộ phận phân tích chứng khoán SSI (SSI Research) nhận định, diễn biến gần như đi ngang của thị trường chứng khoán Việt Nam trong tháng 8 và tháng 9 phù hợp bối cảnh vĩ mô và không cho thấy sự phản ứng quá đà. 

Chiến lược phòng chống dịch của Chính phủ linh hoạt hơn, chuyển từ "Không Covid-19’’ sang "Sống chung với Covid-19" gợi mở kỳ vọng khôi phục và phát triển kinh tế nhanh trở lại sẽ tháo gỡ nút thắt tâm lý cho các nhà đầu tư trên TTCK trong thời điểm hiện tại. Tâm lý thị trường cho thấy sự ổn định nhờ các số liệu vĩ mô được hấp thụ dần theo tháng và cũng không nằm ngoài dự đoán. 

Điểm tích cực là dòng tiền vẫn duy trì tốt trên thị trường khi trú ẩn ở nhóm vốn hóa thấp và một số ngành dự kiến có kết quả kinh doanh tích cực trong quý III trong khi chờ đợi xu hướng sắp tới. Triển vọng tăng trưởng lợi nhuận chậm lại trong quý III/2021 do tác động từ giãn cách đã được chiết khấu phần lớn vào diễn biến giá trong 2 tháng gần đây. 

Trong khi triển vọng lợi nhuận các ngành liên quan đến cầu tiêu dùng nội địa như bán lẻ, bia, ô tô/xe máy, dầu khí và ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng khá nhiều từ đợt giãn cách, một số ngành lại được hưởng lợi từ giá hàng hóa đã có mức tăng mạnh kể từ đầu năm như sắt thép, đường, phân bón, hóa chất. Vận tải container và một số ngành liên quan đến xuất khẩu cũng dự kiến có triển vọng kết quả kinh doanh khả quan.

Làn sóng Covid-19 lần thứ 4 kéo dài hơn dự kiến đã khiến cho triển vọng kinh tế và các doanh nghiệp niêm yết thay đổi. Nhóm phân tích của SSI nhận định, lãi suất sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp trong một khoảng thời gian dài hơn để hỗ trợ cho phục hồi kinh tế. Trên thực tế, ngay trong tháng 9, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng trung bình của các ngân hàng tiếp tục giảm 10 - 30 điểm cơ bản. 

Lạm phát ở mức thấp và tỷ giá ổn định giúp chính sách tiền tệ duy trì nới lỏng xuyên suốt từ đầu năm. Kể từ khi dịch bệnh bùng phát vào tháng 3/2020, NHNN hầu như không có hoạt động điều tiết nào trên thị trường mở, đồng thời vẫn bơm tiền đồng thông qua kênh mua ngoại tệ, điều này giúp trạng thái thanh khoản dồi dào được duy trì trong hệ thống ngân hàng. 

Ngoài ra, các nỗ lực hỗ trợ khách hàng bị tác động của dịch từ các NHTM đã giúp mặt bằng lãi suất cho vay giảm khoảng 0,55%/năm, tính đến cuối tháng 9 năm nay. Lãi suất huy động cũng đã giảm khoảng 6 - 20 điểm cơ bản cho kỳ hạn 12 tháng trong 9 tháng đầu năm 2021. 

Chính sách tiền tệ trong thời gian tới dự kiến sẽ được duy trì nới lỏng để hỗ trợ sự hồi phục của nền kinh tế sau đại dịch, trong bối cảnh lạm phát đang được kiểm soát tốt. Các biện pháp của NHNN bao gồm giảm lãi suất điều hành, tăng hạn mức tín dụng nhằm tạo điều kiện giúp các ngân hàng thương mại có thể tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay, Bên cạnh đó, các gói cho vay lãi suất thấp cũng có thể được triển khai đến các nhóm ngành chịu ảnh hưởng nặng nề như hàng không, du lịch hoặc các doanh nghiệp vừa và nhỏ./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top