Aa

Lợi nhuận ngân hàng sẽ khởi sắc từ quý III, song áp lực nợ xấu ngày càng lớn

Thứ Sáu, 08/09/2023 - 16:39

Lợi nhuận ngân hàng có thể đã chạm đáy trong quý II và được kỳ vọng sẽ khởi sắc từ quý III/2023 nhờ sự phục hồi của NIM, CASA tăng trở lại, lợi nhuận từ kinh doanh trái phiếu chính phủ phục hồi mạnh.

Có một số nguyên nhân khiến chuyên gia phân tích Công ty Chứng khoán ACBS nhận định lợi nhuận ngân hàng sẽ phục hồi trong quý III/2023.

Thứ nhất, NIM toàn hệ thống phục hồi nhờ lãi suất huy động giảm nhanh và CASA đã tăng trở lại kể từ quý II/2023. Trong khi đó, lãi suất cho vay mới hiện đã ở mức hợp lý hơn so với kỳ vọng của khách hàng và sẽ giảm chậm hơn so với lãi suất huy động.

Thu nhập lãi thuần luôn là nguồn thu quan trọng nhất đối với các ngân hàng, chiếm khoảng 80% tổng thu nhập. Do vậy, NIM phục hồi sẽ đóng vai trò quan trọng trong câu chuyện tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng. Dự báo tăng trưởng tín dụng năm 2023 đạt 12%, thấp hơn so với mức tăng 14,2% của năm 2022 và định hưởng tăng trưởng tin dụng 14%-15% của Ngân hàng Nhà nước.

Thứ hai, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh trái phiếu chính phủ phục hồi mạnh nhờ lợi suất trái phiếu chính phủ đã giảm hơn 2% ở hầu hết các kỳ hạn kể từ đầu năm.

Trước đó, thu nhập ngoài lãi trong quý II/2023 của các ngân hầng có sự phục hồi 17,6% so với quý trước và tăng nhẹ 3% so với mức nền cao ở cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, thu nhập từ dịch vụ tiếp tục ở mức thấp do các mảng như banca, tư vấn phát hành bị ảnh hưởng bởi các thông tin tiêu cực về các sai phạm trong việc bán chéo các sản phẩm bảo hiểm và đầu tư cho khách hàng. Tuy nhiên, nguồn thu dịch vụ lớn nhất là phí thanh toán có sự hồi phục trong quý II/2023. Ngoài ra, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chứng khoản phục hồi mạnh nhờ lợi suất trái phiếu chính phủ đã giảm hơn 2% kể từ đầu năm.

Thanh khoản hệ thống ngân hàng dư thừa tạo điều kiện cho các lãi suất trên thị trường 2 giảm mạnh và giá trị danh mục trái phiếu chính phủ của các ngân hàng tăng lên.    

Mặc dù vậy, chi phí dự phòng sẽ chịu áp lực tăng trong nửa cuối năm 2023 do nợ xấu vẫn ở mức cao và bộ đệm dự phòng không còn dày. Dự báo lợi nhuận của các ngân hàng niêm yết tăng trưởng 10% trong năm 2023 (so với mức giảm 2,5% trong 6 tháng đầu năm 2023), chậm lại so với mức tăng trưởng 34,6% trong năm 2022.

Lãi suất cho vay mặc dù đã hạ khả đáng kể nhưng các ngân hàng không hạ chuẩn tin dụng trong bối cảnh rủi ro nợ xấu gia tăng và thị trường bất động sản chưa phục hồi. Tuy nhiên, nhìn chung đa phần các ngân hàng niêm yết thường đạt được tăng trưởng tín dụng tốt hơn trung bình ngành nhờ nền tảng tài chính tốt và khả năng sinh lời cao.

Năm 2023, mức tăng trưởng lợi nhuận sẽ có sự phân hóa rõ nét giữa các ngân hàng. Các ngân hàng có thanh khoản dồi dào và đặc biệt là khả năng quản trị rủi ro tín dụng tốt sẽ có điều kiện thuận lợi để đạt được mức tăng trưởng lợi nhuận cao hơn.

Trong báo cáo vừa công bố, chuyên gia phân tích Công ty Chứng khoán TPS cũng kỳ vọng, tín dụng sẽ phục hồi dần và tăng mạnh trong quý IV/2023  nhờ vào nhiều chính sách tích cực của Chính phủ nhằm hỗ trợ toàn nền kinh tế tháo gỡ khó khăn và sự khởi sắc của hoạt động xuất khẩu.

Bên cạnh đó, chuyên gia phân tích cũng kỳ vọng biên lãi ròng (NIM) trung bình ngành sẽ cải thiện hơn nửa đầu năm, nhờ vào ba yếu tố. Thứ nhất, lãi suất điều hành kỳ vọng tiếp tục giảm dẫn đến lãi suất huy động giảm, đồng thời các khoản tiền gửi có lãi suất cao với kỳ hạn thông thường 6 - 12 tháng sẽ dần đáo hạn giúp hệ thống giảm được chi phí huy động vốn.

Thứ hai, tháng 7/2023, Ngân hàng Nhà nước đã giảm tỷ lệ dữ trữ bắt buộc đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 12 tháng xuống còn 1,5% và tiền gửi có kỳ hạn từ 12 tháng trở lên xuống còn 0,5% đến hết tháng 1/2024 giúp các ngân hàng giảm áp lực thanh khoản, có dư địa giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay, khuyến khích tăng trưởng tín dụng.

Thứ ba, các ngân hàng tiếp tập trung gia tăng tỷ lệ cho vay khách hàng cá nhân và tỷ lệ CASA kỳ vọng cải thiện giúp tăng khả năng sinh lời tài sản.

Riêng hoạt động kinh doanh ngoài lãi có sự phân hóa mạnh giữa các ngân hàng. Hầu hết nhóm ngân hàng có hoạt động dịch vụ giảm mạnh là các ngân hàng thuộc top phân phối bảo hiểm qua ngân hàng trong các năm trước. Hoạt động kinh doanh ngoại hối là một trong số ít các hoạt động ghi nhận sự tăng trưởng tích cực trong 6 tháng đầu năm và kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng cao nửa cuối năm nhờ vào hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu dần phục hồi, dòng kiều hối của Việt Nam tiếp tục tăng cao.

Cả năm nay, TPS kỳ vọng lợi nhuận toàn ngành tăng trưởng khoảng 10% so với năm 2022 với triển vọng tăng trưởng tín dụng đạt mức 10 - 12%, NIM nửa cuối năm cải thiện hơn nửa đầu năm, tăng trưởng từ hoạt động ngoài lãi đến từ hoạt động ngoại hối và hoạt động thanh toán…

Theo đánh giá của các công ty chứng khoán, mức định giá của ngành ngân hàng vẫn còn hấp dẫn song cũng phải dè chứng với rủi ro nợ xấu gia tăng, bao phủ nợ xấu giảm và thị trường bất động sả, trái phiếu doanh nghiệp tiếp diễn nhiều khó khăn./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top