Tỉnh đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình trọng điểm và công trình thuộc chương trình đột phá nhằm góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, tạo động lực thúc đẩy KT-XH.
Phát triển theo hướng đồng bộ
Với quan điểm “Lộ thông tài thông”, “Đại lộ sinh đại phú”, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra 2 chương trình đột phá và 3 công trình trọng điểm. Trong đó, Chương trình đột phá về giao thông và 3/3 công trình giao thông trọng điểm để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại phục vụ phát triển nhanh và bền vững của tỉnh. Việc hoàn thiện hạ tầng giao thông không chỉ tăng kết nối giữa các huyện, thành phố, thị xã mà còn hình thành liên kết vùng, tạo nên sức bật lớn cho tỉnh, tạo động lực thu hút đầu tư. Qua đó, góp phần thực hiện hiệu quả khâu đột phá cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư và kinh doanh của tỉnh.
Thông tin từ Sở Giao thông Vận tải, tỉnh triển khai 3 công trình trọng điểm gồm: Đường Vành đai TP.Tân An (đã thông xe toàn tuyến), Đường tỉnh (ĐT) 830E (đoạn từ nút giao cao tốc từ huyện Bến Lức đến ĐT830 kết nối huyện Cần Đước); ĐT827E. Đồng thời, tỉnh cũng triển khai 8 công trình đột phá về lĩnh vực giao thông.
Đặc biệt, tỉnh triển khai 2 công trình trọng điểm của quốc gia là đường Vành đai 3 TP.HCM đoạn qua địa bàn tỉnh (đã khởi công xây dựng) và đường Vành đai 4 TP.HCM (đã lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án (DA)). Những công trình giao thông này hoàn thành góp phần hoàn chỉnh, đồng bộ mạng lưới giao thông của tỉnh và có tính kết nối cao giữa các huyện vùng kinh tế trọng điểm với Cảng Quốc tế Long An và TP.HCM cũng như các tỉnh giáp ranh.
Công trình trọng điểm đường Vành đai TP.Tân An có tổng kinh phí đầu tư hơn 1.500 tỉ đồng, dài gần 23km, điểm đầu giao ngã tư Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa và điểm cuối giao Quốc lộ 1 - ĐT833 tại phường 5, TP.Tân An. Ngày 23/12/2023, tuyến đường đã thông xe toàn tuyến. Để bảo đảm tiến độ DA, thời gian qua, Sở Giao thông Vận tải liên tục làm việc với các nhà thầu, tập trung phương tiện, nhân lực thi công.
DA đường Vành đai TP.Tân An là 1 trong 3 công trình trọng điểm của Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa X (nhiệm kỳ 2015-2020) và tiếp tục trở thành 1 trong 3 công trình trọng điểm tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025). Tuyến đường này hoàn thành, đưa vào sử dụng tạo sức bật cho đô thị trung tâm của tỉnh, là cơ sở quan trọng giúp chính quyền TP.Tân An quản lý tốt cảnh quan, kiến trúc, quy hoạch xây dựng, tạo ra quỹ đất để chỉnh trang, mở rộng nội thành cũng như thu hút doanh nghiệp đầu tư bất động sản về nhà ở.
Hoàn thiện hạ tầng giao thông
Công trình ĐT830E được khởi công vào tháng 4/2023, là DA đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác, tổng chiều dài 9,351km, tổng mức đầu tư 3.707 tỉ đồng. Điểm đầu DA tại vị trí nút giao Bến Lức của cao tốc TP.HCM - Trung Lương (xã An Thạnh, huyện Bến Lức) và điểm cuối kết nối ra ĐT830 (xã Long Định, huyện Cần Đước).
Tại lễ khởi công, Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Út khẳng định, đây là công trình có ý nghĩa to lớn, hòa vào mạng lưới đường bộ quốc gia (đường Vành đai 4 TP.HCM) để kết nối các khu, cụm công nghiệp từ huyện Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc đến Cảng Long An và Cảng Hiệp Phước - TP.HCM thông qua ĐT830 đã được đầu tư hoàn thành. Khi DA hoàn thành, Long An sẽ có thêm lực thu hút doanh nghiệp đến đầu tư, sản xuất, kinh doanh, đồng hành cùng tỉnh trong phát triển KT-XH.
Theo Chủ tịch UBND huyện Bến Lức - Lê Thành Út, DA ĐT830E qua địa bàn huyện Bến Lức sẽ thúc đẩy kinh tế huyện phát triển, thu hút đầu tư tốt hơn. Theo đó, huyện sẽ phối hợp thật tốt với các cơ quan có liên quan về đền bù, giải phóng mặt bằng để công trình sớm hoàn thành theo kế hoạch. Huyện Bến Lức có 878 trường hợp người dân có nhà, đất nằm trong DA với tổng số tiền bồi thường hơn 1.616 tỉ đồng với diện tích 39,7ha. Hiện nay, còn một số hộ dân chưa nhận tiền bồi thường để giải phóng mặt bằng. Đối với các trường hợp này, UBND huyện tiếp tục chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể huyện, xã liên quan tập trung thực hiện các khối lượng còn lại của công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, nhất là việc thực hiện chế độ, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người dân thực sự hợp lý, thỏa đáng nhất.
Đối với ĐT827E, thực hiện chủ trương của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, Sở Giao thông Vận tải đang phối hợp các sở, ngành, địa phương đề xuất phương án đầu tư để báo cáo UBND tỉnh thống nhất chủ trương thực hiện.
Ngoài ra, Sở Giao thông Vận tải cũng đang triển khai thi công, triển khai thủ tục đầu tư, lập quy hoạch, làm thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư nhiều công trình giao thông thuộc Chương trình đột phá Huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ phục vụ phát triển công nghiệp, đô thị vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh. Khi các công trình giao thông thuộc chương trình đột phá và các công trình trọng điểm hoàn thành, hệ thống giao thông - vận tải của tỉnh sẽ được hoàn thiện theo hướng đồng bộ, hiện đại, có tính kết nối cao. Đường thông sẽ là động lực để thúc đẩy KT-XH phát triển, thu hút đầu tư, khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, bảo đảm an ninh - quốc phòng và giúp tỉnh tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam./.