Long An: Miền đất hứa cho các nhà đầu tư

Long An: Miền đất hứa cho các nhà đầu tư

Diệu Phan
Diệu Phan phandieu.mtg@gmail.com
Thứ Hai, 23/09/2024 - 06:28

Long An có nhiều chính sách hỗ trợ, luôn chú trọng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hứa hẹn là điểm đến hấp dẫn và hiệu quả của các doanh nghiệp khi đầu tư vào địa bàn.

Vùng đất hội tụ nhiều tiềm năng

Long An là tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tiếp giáp với TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Tây Ninh về phía Đông; giáp với Campuchia về phía Bắc; giáp với tỉnh Đồng Tháp phía Tây và giáp tỉnh Tiền Giang về phía Nam. Vì vậy, có thể coi Long An là gạch nối giữa Đồng bằng sông Cửu Long và TP.HCM, giữa hai vùng kinh tế trọng điểm Đông và Tây Nam Bộ, với những lợi thế bổ sung cho nhau tạo thành liên kết vùng hoàn hảo. Với vị trí địa lý đặc biệt thuận lợi này, Long An còn được ví là cửa ngõ nối thông TP.HCM với vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Những năm gần đây, Long An bứt phá trở thành một trong những địa phương tăng trưởng dẫn đầu, đồng thời luôn là một trong những tỉnh thành thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài cao nhất cả nước.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh luôn cao hơn mức trung bình chung của cả nước. Tỉnh được đánh giá là nơi có môi trường đầu tư, kinh doanh hấp dẫn bởi vị trí địa lý cũng như những cơ chế, chính sách thu hút ưu đãi, thông thoáng, thuận lợi cho các nhà đầu tư tiếp cận thị trường trong khu vực, nhất là TP.HCM.

Ông Lê Trường Chinh, Trưởng Quản lý Khu kinh tế tỉnh Long An cho biết, nhờ khai thác đồng bộ, hiệu quả các lợi thế vượt trội, riêng có của địa phương; đồng thời nỗ lực thực hiện vai trò, trách nhiệm của một địa phương được xem là động lực tăng trưởng của vùng, những năm qua, Long An luôn giữ vị trí nằm trong nhóm đầu của cả nước về thu hút vốn đầu tư. Riêng năm 2023, tỉnh Long An đã cấp giấy chứng nhận đầu tư hàng loạt dự án của các nhà đầu tư lớn trên thế giới như: Misubishi, Yokorei, Suntory Pepsico Việt Nam, Billion Ascent, King Mingo...

Long An: Miền đất hứa cho các nhà đầu tư- Ảnh 1.
Long An: Miền đất hứa cho các nhà đầu tư- Ảnh 2.

Long An luôn giữ vị trí nằm trong nhóm đầu của cả nước về thu hút vốn đầu tư (Ảnh: Reatimes)

Hiện các khu công nghiệp đã thu hút được hơn 1.900 dự án; trong đó có 954 dự án FDI và 951 dự án trong nước; tổng vốn đầu tư hơn 6.600 triệu USD và 140.000 tỷ đồng. Đến nay, có khoảng 183.000 lao động đang làm việc tại hơn 1.600 doanh nghiệp trong khu công nghiệp.

Để thu hút đầu tư vào khu công nghiệp, khu kinh tế, tỉnh Long An hiện đang tập trung mọi nguồn lực đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp để tạo quỹ đất sạch thu hút các dự án đầu tư, kịp thời giải quyết khó khăn vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo môi trường đầu tư thông thoáng. Long An đã và đang ưu tiên thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường... ưu tiên các dự án thuộc các ngành, lĩnh vực như công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, tiên tiến, thân thiện với môi trường, công nghiệp phụ trợ, logistics và các dịch vụ hiện đại khác, sản xuất công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp thông minh.

Để thực hiện mục tiêu đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt nhiều giải pháp như đầu tư hạ tầng giao thông kết nối giữa Long An - TP.HCM, hạ tầng giao thông kết nối giữa Long An và các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam bộ; tăng cường công tác cải cách hành chính, các chính sách về đất đai, thuế...; đào tạo nguồn lao động, sẵn sàng cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp.

Những năm gần đây, Long An liên tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước; chủ động tiếp cận các tổ chức, nhà đầu tư lớn, các dự án phù hợp với định hướng thu hút đầu tư của tỉnh. Năm 2022, Long An thu hút đầu tư FDI đạt hơn 10 tỷ USD, thuộc top 10 cả nước về thu hút vốn đầu tư FDI.

Công tác xúc tiến, thu hút, hỗ trợ đầu tư tiếp tục được quan tâm thực hiện quyết liệt, mang lại hiệu quả tích cực, nhiều dự án lớn đã được khởi công, nổi bật như Pepsi, Thái Tuấn, Aeon,… Trong 6 tháng đầu năm 2024, về đầu tư trong nước, thành lập mới hơn 900 DN với tổng vốn 7.930 tỉ đồng, tăng 34%. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 18.000 DN đăng ký hoạt động với tổng vốn đăng ký hơn 379.711 tỉ đồng. Tỉnh cấp mới 16 dự án với tổng vốn hơn 2.800 tỉ đồng; toàn tỉnh có 2.215 dự án đầu tư trong nước với số vốn đăng ký hơn 300.786 tỉ đồng. Tỉnh cấp mới 44 dự án FDI, tăng 12 dự án với vốn cấp mới hơn 226 triệu USD. Hiện trên địa bàn tỉnh có 1.301 dự án FDI, tổng vốn hơn 11,2 tỉ USD; trong đó có 635 dự án đi vào hoạt động, vốn hơn 4,2 tỉ USD.

Hướng đến phát triển đô thị bền vững

Thời gian qua, cơ cấu kinh tế của tỉnh Long An chuyển dịch mạnh theo hướng công nghiệp, thương mại-dịch vụ. Từ sự hình thành, phát triển các khu, cụm công nghiệp thúc đẩy quá trình đô thị hóa, tập trung dân cư, góp phần mở rộng các thị trấn, thị tứ hiện có và tạo lập thêm nhiều điểm dân cư đô thị mới.

Năm 2011, tỉnh xây dựng và triển khai chương trình phát triển đô thị với nhiều điểm đặc biệt quan trọng. Đến nay, ngành xây dựng từng bước nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ được giao: chương trình phát triển đô thị đến năm 2030; trình phê duyệt chương trình phát triển đô thị các huyện; phối hợp TP.Tân An triển khai thí điểm đề án đô thị thông minh…

Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng, chương trình phát triển đô thị tạo động lực, định hướng để các địa phương triển khai đầu tư xây dựng, hoàn thành các tiêu chí, tiêu chuẩn, nâng loại các đô thị hiện hữu và hình thành, phát triển các đô thị mới. Trong đó, TP.Tân An là trung tâm chính trị, kinh tế, khoa học, kỹ thuật, văn hóa, đầu mối giao thông của tỉnh; thị xã Kiến Tường là đô thị trung tâm vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An. Các đô thị: Hậu Nghĩa, Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc thuộc vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh và vùng giáp ranh với TP.HCM.

Đến nay, diện mạo các đô thị trên địa bàn tỉnh có sự thay đổi rõ nét, nhiều công trình được đầu tư, hạ tầng đô thị được xây dựng khang trang, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nâng cao đời sống người dân.

Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển công nghiệp, dịch vụ trên địa bàn thị xã; thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và từ đó tạo sự kết nối liên vùng.

"Những năm qua, được sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, công tác quy hoạch và phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh có bước phát triển rõ rệt. Tuy nhiên, qua đánh giá, phân tích vẫn còn một số hạn chế và chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra.

Long An: Miền đất hứa cho các nhà đầu tư- Ảnh 3.
Long An: Miền đất hứa cho các nhà đầu tư- Ảnh 4.
Long An: Miền đất hứa cho các nhà đầu tư- Ảnh 5.

Diện mạo đô thị Long An thay đổi từng ngày (Ảnh: Reatimes)

Để phát triển đô thị theo hướng bền vững, Sở Xây dựng tham mưu, đề xuất tỉnh cần tập trung công tác quy hoạch, trong đó, quy hoạch chung nên chỉ định hướng lớn, có sự linh hoạt, phù hợp. Nhà nước nên đầu tư hạ tầng để có thể huy động sự đóng góp của dự án đô thị; đồng thời, đầu tư, bố trí ngân sách cho phát triển và duy trì để đô thị đủ hoạt động.

Bên cạnh đó, tỉnh cần có chính sách để chọn, mời gọi nhà đầu tư lớn, có đủ năng lực về phát triển đô thị; tạo thủ tục đơn giản đối với việc xin phép xây dựng đô thị. Nhà nước đầu tư hạ tầng đầu mối, quan trọng giúp đô thị phát triển dựa vào lực hút đô thị sẵn có để thúc đẩy TP.Tân An và các huyện: Bến Lức, Cần Giuộc, Cần Đước, Đức Hòa là đô thị vệ tinh, thu hút dân cư...

Dựa vào việc xác định vị trí, vai trò của từng đô thị như để ở, dịch vụ, hành chính, du lịch, gắn kết khu công nghiệp,... mà tỉnh có sự quan tâm đầu tư, nâng chất cho phù hợp; không đặt nặng việc nâng hạng đô thị mà phải dựa vào thực chất.

Thời gian tới, việc hình thành, phát triển hệ thống đô thị trong tỉnh phải theo quy hoạch, đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị bền vững; bảo đảm lộ trình đề ra theo định hướng Quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt", ông Nguyễn Văn Hùng thông tin.

Giám đốc Sở Xây dựng cũng nói thêm, hiện nay, tỉnh tập trung đầu tư xây dựng, hoàn thành các tiêu chí nâng cấp các đô thị hiện hữu và hình thành, phát triển các đô thị mới theo hướng hiện đại, xanh, thông minh, giàu bản sắc.

Long An hiện có 15 đơn vị hành chính trực thuộc (13 huyện, 1 thị xã, 1 thành phố); có 19 đô thị: 1 đô thị loại II là TP.Tân An; 1 đô thị loại III (thị xã Kiến Tường), 5 đô thị loại IV (thị trấn: Hậu Nghĩa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc, Đức Hòa); 12 đô thị loại V (thị trấn: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Thủ Thừa, Tân Trụ, Tầm Vu, Đông Thành, Hiệp Hòa, Bình Phong Thạnh, đô thị khu vực Rạch Kiến và đô thị Long Đức Đông). Trong đó, lấy đô thị TP.Tân An là trung tâm chính trị, kinh tế, khoa học - kỹ thuật, văn hóa, đầu mối giao thông của tỉnh; thị xã Kiến Tường là đô thị trung tâm vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh; các đô thị Hậu Nghĩa, Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc là đô thị thuộc vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh và trong vùng giáp ranh TP.HCM.

Đến năm 2030, các đô thị trên địa bàn tỉnh sẽ phát triển bền vững theo mục tiêu: Đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hóa, phát triển đô thị bền vững theo mạng lưới, hình thành một số đô thị động lực thông minh kết nối với khu vực, toàn quốc và thế giới.

Kết cấu hạ tầng của đô thị, nhất là hạ tầng kỹ thuật khung và hạ tầng xã hội thiết yếu được xây dựng và phát triển đồng bộ, hiện đại. Kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng nhanh, hiệu quả và bền vững. Chất lượng sống tại đô thị ở mức cao, bảo đảm đáp ứng cơ bản nhu cầu về nhà ở và hạ tầng xã hội cho cư dân đô thị. Phát triển kiến trúc đô thị hiện đại, xanh, thông minh, giàu bản sắc, các yếu tố văn hóa đặc trưng được giữ gìn và phát huy.

Cơ hội cho các nhà đầu tư

Mặc dù đạt nhiều kết quả nổi bật trong thu hút đầu tư, theo ông Nguyễn Văn Út, Chủ tịch UBND tỉnh Long An, tỉnh tiếp tục xác định thu hút đầu tư là nội dung quan trọng, quyết định đến kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng cường thu hút đầu tư vào tỉnh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu của tỉnh.

Quan điểm thu hút đầu tư của tỉnh Long An là sẽ chủ động thu hút, hợp tác đầu tư có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Trong đó, ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Tỉnh tập trung thu hút các nhà đầu tư lớn có tiềm lực vốn, công nghệ tiên tiến để tham gia đầu tư vào các lĩnh vực lợi thế của tỉnh. Qua đó, giải quyết tốt vấn đề lao động, tạo việc làm, an sinh xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Năm 2024, tỉnh Long An đề ra mục tiêu là xây dựng môi trường đầu tư có tính cạnh tranh cao, tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, minh bạch, bình đẳng. Long An phấn đấu giữ vững vị trí nhóm đầu trên bảng xếp hạng PCI hàng năm; huy động, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tiềm năng, lợi thế của tỉnh, duy trì kết quả thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp của tỉnh bảo đảm cả về số lượng và chất lượng dự án đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI.

Long An: Miền đất hứa cho các nhà đầu tư- Ảnh 6.

Long An đang tập trung bố trí vốn có trọng tâm, trọng điểm các dự án giao thông có sức lan tỏa, mang tính liên kết vùng (Ảnh: Reatimes)

Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục tổ chức, nâng chất hoạt động họp mặt, đối thoại doanh nghiệp; hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong việc tìm hiểu về pháp luật, chính sách, thủ tục đầu tư; tiềm năng, thị trường, đối tác và cơ hội đầu tư, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư.

Ngoài ra, tỉnh sớm nhận diện được tầm quan trọng của liên kết vùng, đặc biệt là vai trò "đi trước mở đường" của việc phát triển hạ tầng giao thông. Hiện nay, tỉnh tập trung bố trí vốn có trọng tâm, trọng điểm các dự án giao thông có sức lan tỏa, mang tính liên kết vùng như đường Vành đai 3, Vành đai 4 TP.HCM, Đường tỉnh 830E, Đường tỉnh 823D...

Các dự án này sẽ giúp tháo gỡ những "nút thắt" về giao thông, mở ra không gian phát triển mới, tăng cường thu hút đầu tư, giảm bớt chi phí và thời gian cho nhà đầu tư. Từ đó, khơi thông, kết nối các nguồn lực phát triển của tỉnh; tạo ưu thế trong chiến lược thu hút đầu tư trong dài hạn; giúp doanhnghiệp tham gia sâu, rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu; phát triển kinh tế tổng hợp, toàn diện, hiện đại, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng xanh, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả; nền kinh tế phát triển ổn định và bền vững.

Như vậy, dựa trên các cơ sở kinh tế, xã hội, quy hoạch và kết nối vùng và những hành động quyết liệt, trách nhiệm của chính quyền tỉnh, Long An đã và đang trở thành thị trường tiềm năng, sẽ có sự bứt phá, tăng trưởng mạnh, bền vững trong cả trước mắt và dài hạn, là miền đất hứa cho các nhà đầu tư./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top