Toàn bộ huyện Cần Giuộc sẽ là trung tâm siêu khu kinh tế
Đề xuất quy hoạch khu siêu kinh tế được Ban quản lý Khu kinh tế Long An đưa ra tại buổi tọa đàm Định hướng phát triển vùng kinh tế công nghệ cao, vừa được tổ chức ở thành phố Tân An, tỉnh Long An. Dự án nằm trong quy hoạch phát triển địa phương giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, sẽ trình các bộ ngành, Chính phủ xem xét.
Khu kinh tế này gồm toàn bộ huyện Cần Giuộc và một phần huyện Cần Đước, dự kiến xây dựng trên nền tảng một số khu công nghiệp, công nghệ cao có sẵn như Long Hậu, Đông Nam Á, Tân Kim, Tân Tập, khu công nghiệp Nam Tân Tập, khu công nghiệp Cầu cảng Phước Đông...
Dự án gồm 7 khu chức năng, gồm khu đô thị vệ tinh 1 (Cần Giuộc); khu đô thị vệ tinh 2 (Cần Đước); khu đô thị giáo dục, y tế, thể dục thể thao; khu đô thị phụ trợ; khu công nghiệp - cảng biển quốc tế; khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và khu đô thị sinh thái.
Trong đó, quy hoạch sử dụng đất, đất đô thị chiếm gần 15.000 ha (hơn 44%); đất công nghiệp, cảng biển hơn 5.800 ha (18%); đất nông nghiệp công nghệ cao hơn 7.800 ha (24%), còn lại là đất đầu mối giao thông, đất giao thông, đất mặt nước.
Khi hoàn thành, đây sẽ là một trong những khu kinh tế lớn nhất khu vực Nam Bộ. Quy mô dự án cũng tương đương một số khu kinh tế thế giới như Aqaba (Jordan, 37.500 ha) và các khu kinh tế lớn của Trung Quốc như Tô Châu (28.800 ha), Thiên Tân (46.000 ha), Bắc Kinh (22.500 ha) và Thanh Đảo (27.410 ha).
Với vị trí chiến lược và quỹ đất dồi dào, dự án có thể trở thành khu siêu kinh tế kết nối các khu vực quan trọng như Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ, TP HCM, Vũng Tàu và Phnom Penh (Campuchia). Bên cạnh đó, dự án sẽ tham gia vào các chuỗi cung ứng chưa hoàn thiện, đặc biệt là lĩnh vực công, nông nghiệp công nghệ cao.
Các ngành tiềm năng cao mà Khu kinh tế Long An hướng tới là điện tử thông minh, robot và tự động hóa, nông nghiệp tiên tiến và công nghệ sinh học, nhiên liệu sinh học, hóa sinh, chăm sóc sức khỏe toàn diện.
Vốn FDI đổ mạnh vào Cần Giuộc, Long An bứt phá lên số 1 cả nước
Theo thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 58 tỉnh, thành phố trên cả nước trong 9 tháng đầu năm 2021. Long An dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 3,6 tỷ USD, chiếm 16,4% tổng vốn đầu tư đăng ký, trong đó có dự án điện lớn lên tới 3,1 tỷ USD tại huyện Cần Giuộc (chiếm tới 85,3% tổng vốn đầu tư của Long An).
Với những lợi thế về hạ tầng phát triển, cùng với đó là việc quy hoạch khu siêu kinh tế, Cần Giuộc hứa hẹn sẽ trở thành tâm điểm của Long An khi đóng vai trò then chốt là khu đô thị vệ tinh 1 với diện tích lên đến 19.000ha. Nếu so sánh với các huyện thuộc vùng TP.HCM mở rộng, Cần Giuộc được đánh giá là có vị trí địa lý hàng đầu khi chỉ cách trung tâm thành phố chưa đến 20km. Không những thế, huyện còn nằm trên quốc lộ 50, là cửa ngõ từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đến trung tâm TP.HCM.
Ngoài ra, việc các tuyến đường huyết mạch như quốc lộ 50, đường tỉnh 830, đường tỉnh 835B, đường tỉnh 826C liên tục được mở rộng và nâng cấp. Đặc biệt là việc hoàn thiện và đưa vào khai thác hệ thống đường thủy từ bến phà Cần Giờ nối với TP.HCM, cảng quốc tế Long An với gần 100 chuyến tàu cập bến mỗi ngày sẽ được coi là đòn bẩy thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của huyện Cần Giuộc.
Bên cạnh đó, Sở Giao thông Vận tải Long An cho biết, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh sẽ huy động nguồn vốn khoảng 30.000 tỷ đồng để đầu tư xây dựng các dự án giao thông trên địa bàn. Đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án như đường vành đai thành phố Tân An, đường DT830; dự án đường DT 827E có tổng vốn dự kiến khoảng 16.500 tỷ đồng, dự án đường DT 830E có tổng vốn hơn 3.300 tỷ đồng… Các dự án này khi hoàn thành đi vào hoạt động sẽ kết nối thông suốt từ các khu, cụm công nghiệp ở các vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh đến Cảng Quốc tế Long An, TP.HCM và các tỉnh lân cận.
Ông Nguyễn Văn Được - Bí thư Tỉnh ủy Long An cho biết tỉnh sẽ mạnh dạn định hướng hình thành khu kinh tế công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị thông minh theo mô hình, kiểu mẫu của Hàn Quốc, là nơi thu hút, ươm tạo các dự án công nghệ cao". Hiện tỉnh đã ký kết 10 bản ghi nhớ để hợp tác về việc chuyển đổi số, phát triển đầu tư.
Được biết, Long An có diện tích hơn 4.490 km2, dân số hơn 1,68 triệu người, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của tỉnh đạt 9,11% mỗi năm. Tỉnh có chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) đứng thứ ba cả nước, với khoảng 13.200 doanh nghiệp đang hoạt động, tổng vốn 338.000 tỷ đồng. Toàn tỉnh hiện có 62 cụm công nghiệp với tổng diện tích hơn 3.100 ha, 35 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 11.000 ha. Những lợi thế này đang giúp cho bất động sản Cần Giuộc nói riêng và tỉnh Long An nói chung trở thành điểm đến hấp dẫn của giới đầu tư.