Aa

Luật gây vướng mắc, góp phần tạo sức ỳ cho hệ thống công quyền mà không sửa kịp thời là có lỗi với dân, với nước

Ngọc Quang
Ngọc Quang ngocquangbc@gmail.com
Thứ Năm, 02/11/2023 - 06:09

ĐBQH Trần Hữu Hậu (đoàn Tây Ninh) thẳng thắn bày tỏ quan điểm khi đề cập tới những vấn đề tồn tại trong điều hành phát triển kinh tế xã hội.

Báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp thứ 6 của Quốc hội đã nêu rõ, một trong những vấn đề đang tồn tại hiện nay là các cơ chế, chính sách về đất đai, bất động sản, nhà ở, đầu tư công đang là điểm nghẽn; các thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp còn tiềm ẩn rủi ro; việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, dự án tồn đọng còn lại gặp rất nhiều khó khăn, trong đó có việc phải đánh giá, thẩm định chính xác giá trị tài sản đã qua nhiều năm; du lịch quốc tế phục hồi chậm.

Trong số nhiều nguyên nhân thì có vấn đề một bộ phận cán bộ còn có tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm, sợ sai trong thực thi công vụ thuộc thẩm quyền; việc phân cấp, phân quyền một số lĩnh vực còn vướng mắc về thể chế, nhất là đối với những vấn đề phát sinh mới.

Cho ý kiến về vấn đề này, đại biểu Trần Hữu Hậu (đoàn Tây Ninh) cho rằng, cần phải tiếp tục cần cải cách thể chế mạnh mẽ hơn nữa.

Ông Hậu phân tích: “Đề xuất thể chế hóa việc bảo vệ cán bộ và doanh nghiệp dám nghĩ, dám làm thì theo tôi cần xem xét kỹ và nên có cách làm khác. Chính phủ mới ban hành Nghị định số 73 về khuyến khích bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Theo đó, cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm là những người trong quá trình thực hiện chức trách nhiệm vụ đã đề xuất và thực hiện những việc nhằm tháo gỡ, giải quyết điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách chưa được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật. Bỏ đi vế thứ hai trong dự thảo là "đã được pháp luật quy định nhưng chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu tính thống nhất, đồng bộ, không còn phù hợp với thực tiễn". 

Theo tôi, bỏ như vậy là đúng, bởi vì chúng ta đang xây dựng một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thượng tôn pháp luật, không thể ban hành một văn bản quy phạm pháp luật cấp nghị định để khuyến khích bảo vệ những người thực thi pháp luật mà vi phạm pháp luật. Như tôi đã từng phát biểu, chúng ta phải xây dựng pháp luật để cán bộ không phải dám nghĩ, dám làm theo nghĩa là xé rào, là vi phạm pháp luật để khắc phục những bất cập của pháp luật, không phải đem cả sinh mệnh chính trị của mình để thực thi chức trách nhiệm vụ mà phải tìm cách lách từ tên của công trình, của công việc cho đỡ phải chú ý đến phải trình bày nhỏ to để cơ quan chức năng thông cảm bỏ qua, giơ cao đánh khẽ”. 

Cũng theo đại biểu Trần Hữu Hậu, việc quyết liệt rà soát hàng trăm văn bản để tìm ra những mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, vướng mắc theo Nghị quyết 101 là cơ sở để sửa đổi, bổ sung các quy định xử lý những vướng mắc, tồn tại từ nhiều năm, tạo hành lang pháp lý cho cán bộ an tâm hơn, chủ động hơn trong thực thi công vụ, giảm bớt căn bệnh không dám làm những việc cần phải làm do vi phạm các quy định hiện hành. 

“Tuy nhiên thực tế luôn biến động, chất lượng xây dựng pháp luật lúc này, lúc khác chưa cao. Những bất cập, chồng chéo, mâu thuẫn mới sẽ phát sinh, chúng ta cần tìm những phương thức xây dựng pháp luật phù hợp. Chúng ta có cách làm hay như thông qua các luật trong một kỳ họp hay một luật sửa nhiều luật. Tôi kính đề nghị Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo hướng cho phép trình và thông qua Quốc hội một luật sửa đổi, bổ sung nhiều luật chỉ với một hoặc một vài nội dung cụ thể theo quy trình, thủ tục ngắn gọn trong một kỳ họp. Có thể có ý kiến cho rằng Quốc hội không thể sửa luật nhắt lắt như thế mà phải xem xét toàn diện các bất cập để sửa một lần. 

Theo tôi, chúng ta đã nói nhiều về luật khung, luật ống nên việc phải chờ nghị định, thông tư hướng dẫn, nếu có những luật ngắn gọn, cụ thể, kịp thời như trên luật sẽ đi thẳng vào cuộc sống, phát huy tác dụng ngay và điều ấy cũng đáp ứng một yêu cầu cơ bản trong xây dựng pháp luật là luật phải xây dựng từ thực tiễn, đáp ứng kịp thời những đòi hỏi của thực tiễn để phát huy cao nhất tiềm lực phát triển đất nước. Luật mà gây vướng mắc, góp phần tạo sức ỳ cho hệ thống công quyền mà không sửa kịp thời là có lỗi với dân, với nước”, ông Hậu bày tỏ.

ĐBQH Trần Hữu Hậu: "Luật mà gây vướng mắc, góp phần tạo sức ỳ cho hệ thống công quyền mà không sửa kịp thời là có lỗi với dân, với nước”.

Theo thống kê của Bộ Xây dựng thì cả nước có hàng trăm dự án “treo” vì vướng mắc pháp lý. Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã liên tục chỉ đạo các bộ ngành, địa phương tìm giải pháp tháo gỡ, nhưng trên thực tế còn quá nhiều dự án vướng mắc pháp lý và đang phải chờ đợi sửa luật, rồi ban hành Nghị định, Thông tư hướng dẫn thực hiện. Tình trạng này đang gây ra ảnh hưởng không nhỏ tới kết quả phát triển kinh tế - xã hội 2023 và thậm chí là ảnh hưởng cả tới năm 2024, do sự phát triển của thị trường bất động sản có ảnh hưởng tới khoảng 40 ngành nghề khác nhau, nếu các dự án tiếp tục vướng thủ tục pháp lý không thể triển khai thì nguồn cung tiếp tục khan hiếm và đẩy giá nhà lên cao hơn, cơ hội tìm nơi an cư của hàng triệu gia đình vẫn còn là ước mơ xa vời.

Trong một phát biểu trước đó mà Reatimes đã đăng tải, đại biểu Trần Hữu Hậu cho biết, thời gian vừa qua, có rất nhiều khó khăn vướng mắc pháp lý đang cản trở sự phát triển của doanh nghiệp, đất nước. Thực tế hiện nay không ít việc lớn, việc nhỏ nếu quyết định thực hiện để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, để đem đến hiệu quả cho dân, cho nước thì rất có thể vi phạm các quy định của pháp luật. Vì thế việc cấp dưới hỏi xin ý kiến cấp trên, thậm chí được giao nhiệm vụ rõ ràng rồi nhưng càng đi sâu vào thực hiện càng thấy vướng nên lại chờ chỉ đạo của cấp trên rồi mới làm, trở thành phổ biến.

"Tôi mong Quốc hội xem xét để có được những cách làm, trình tự, thủ tục phù hợp hơn nữa để kịp thời tháo gỡ vướng mắc phát sinh để cán bộ, công chức, viên chức tập trung sức lực, trí tuệ, năng động, sáng tạo, làm tốt hơn chức trách, nhiệm vụ của mình trong sự thông thoáng của các quy định của pháp luật. Chúng ta không thể chấp nhận những hiện tượng phi logic, ngược quy luật, trì trệ, mà phải đem đến sự thông thoáng, đáp ứng mong mỏi của người dân, doanh nghiệp", ông Hậu chia sẻ.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top