Aa

Luật hóa chỉ đạo để yên tâm miễn giảm lãi, giãn nợ

Thứ Hai, 02/03/2020 - 06:37

Cuối tuần qua, NHNN đã chính thức công bố dự thảo Thông tư quy định về việc TCTD, chi nhánh NH nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay,... nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Dự thảo Thông tư quy định về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đang được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lấy ý kiến rộng rãi tạo được kỳ vọng về nền tảng cơ sở pháp lý, mang lại lợi ích không chỉ cho ngân hàng, doanh nghiệp, mà cả nền kinh tế.

Cần “điểm tựa” để thực thi mệnh lệnh

Ngày 24/2/2020, NHNN ban hành văn bản số 1117/NHNN-TD về việc triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Văn bản này được nhìn nhận là bước tiếp theo của NHNN sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 14/2/2020, trong đó giao “NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới để ổn định sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch”.

Theo văn bản trên, NHNN đề nghị các TCTD xem xét thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, tạm thời giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng đối với các khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và có dư nợ gốc và/hoặc lãi đến kỳ hạn trả nợ trong khoảng thời gian từ 23/1 - 31/3/2020, cho đến khi NHNN ban hành Thông tư hướng dẫn về vấn đề này; cho vay mới đối với khách hàng theo quy định để ổn định sản xuất kinh doanh.

Chia sẻ với PV, lãnh đạo cao cấp một ngân hàng có vốn nhà nước cho biết, nhận được văn bản này vừa mừng vừa lo.

Mừng vì “điểm tựa” để ngân hàng chia sẻ khó khăn với khách hàng đã ngày càng rõ nét, bởi chỉ thị là mệnh lệnh hành chính, muốn điều chỉnh văn bản quy phạm pháp luật cần ban hành nghị định, thông tư để chặt chẽ về mặt pháp lý.

Lo vì mọi vấn đề đang được tiến hành khá nhanh, nếu không thận trọng sẽ dẫn đến rủi ro cho cả doanh nghiệp và ngân hàng trong việc triển khai.

Việc ban hành dự thảo Thông tư cần thận trọng để tránh xung đột với quy định chung

“Chi nhánh báo cáo, sau khi văn bản số 1117 được công bố, cũng khá nhiều doanh nghiệp đến gặp giám đốc chi nhánh để hỏi về thủ tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, tạm thời giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng đối với các khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Tôi đã chỉ đạo các chi nhánh ghi nhận thông tin, sát sao với hoạt động của khách hàng và thuyết phục khách hàng chờ thông tư được cơ quan quản lý ban hành rồi cùng phối hợp triển khai. Tuy nhiên, anh em bên dưới cũng chia sẻ tâm sự rằng khá lo lắng”, vị lãnh đạo trên nói.

Trong cuộc trao đổi với các ngân hàng cổ phần cho thấy, sự lo lắng cũng xuất hiện bởi yêu cầu đặt ra cao nhất là tuân thủ pháp luật, mà vẫn có thể đồng hành, hỗ trợ được doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn chung.

Tuy nhiên, các ngân hàng trong nhóm này có những thuận lợi hơn trong việc chủ động giảm lãi suất, giảm thu phí. Hay như phân loại nợ vẫn phân loại theo quy định pháp luật, nhưng khi đánh giá xử lý thì xem xét, cân nhắc, bởi bản chất là rủi ro thật.

“Cần thiết phải sớm có văn bản quy phạm pháp luật để tránh tình trạng tranh chấp, mẫu thuẫn”, lãnh đạo một ngân hàng cổ phần nói.

Cuối tuần qua, NHNN đã chính thức công bố dự thảo Thông tư quy định về việc TCTD, chi nhánh NH nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Cần thiết luật hoá chỉ đạo…

Một lãnh đạo cao cấp NHNN cho biết, để đảm bảo tính pháp lý, cần ban hành thông tư hướng dẫn các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 11.

Theo đó, các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay đối với các khoản nợ phát sinh, nhưng chưa chuyển nợ quá hạn mà khách hàng được đánh giá không có khả năng trả đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng đã ký do chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, TCTD được phép cơ cấu lại nợ đã chuyển nợ quá hạn trong khoảng thời gian từ ngày 23/1/2020 đến ngày thông tư được ký ban hành.

Tổng thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định trên không vượt quá thời gian cấp tín dụng ban đầu theo hợp đồng đã ký.

Ðồng thời, đối với phần dư nợ của các khoản nợ nêu trên, các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được giữ nguyên nhóm nợ như đã phân loại theo quy định của NHNN tại thời điểm gần nhất trước ngày 23/1, mà thời hạn trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng từ ngày 23/1 đến thời điểm liền sau 90 ngày kể từ ngày cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố hết dịch.

Khoản dư nợ này bao gồm cả phần dư nợ đã cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi vay trong khoảng thời gian từ ngày 23/1 đến ngày thông tư này có hiệu lực thi hành và đã chuyển nhóm nợ tại quy định về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng trong hoạt động ngân hàng của TCTD ban hành.

Nhận định về dự thảo Thông tư, các chuyên gia kinh tế cho rằng, sẽ mang lại lợi ích cho cả ngân hàng, doanh nghiệp và nền kinh tế.

Cụ thể, với việc được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ sẽ giúp nợ xấu tại ngân hàng không tăng nhanh, không phải trích lập dự phòng rủi ro nên có nguồn vốn để tiếp tục hỗ trợ khách hàng vay vốn phục hồi sản xuất - kinh doanh.

Ðối với doanh nghiệp, nếu không có chính sách hỗ trợ sẽ phải giữ nguyên nhóm nợ, nợ xấu tăng lên, doanh nghiệp vừa không được vay tiếp tiền để hoạt động, vừa không có nguồn tiền để trả nợ và phải chịu lãi suất phạt...

“Doanh nghiệp bị hạ điểm tín dụng sẽ dẫn đến khó khăn trong việc tiếp tục vay vốn, nếu có vay được thì lãi suất cũng cao hơn so với trước. Khó khăn sẽ chồng chất khó khăn. Nếu được khoanh, giãn, hoãn nợ, các doanh nghiệp có cơ hội phục hồi và nền kinh tế cũng sẽ được vực dậy”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế phân tích.

“Việc ban hành dự thảo Thông tư là cần thiết, song cũng cần thận trọng để tránh xung đột với quy định chung”, luật sư Trương Thanh Ðức, Chủ tịch Công ty Luật Basico nhấn mạnh.

… Và nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ khác

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế nêu quan điểm, để ổn định nền kinh tế, vượt qua khó khăn thì không chỉ chính sách tiền tệ, mà cần kết hợp hài hoà các chính sách khác, đặc biệt trong điều kiện chống cú sốc ngắn hạn hiện nay, cần ưu tiên hơn sử dụng chính sách tài khóa. Cụ thể, TS. Lực gợi ý:

Thứ nhất, cho phép giãn, hoãn các nghĩa vụ tài chính (thuế, bảo hiểm xã hội…) như tiếp tục giảm thuế nhập khẩu thiết bị y tế, dịch vụ y tế; giãn, hoãn nộp thuế, chi trả bảo hiểm xã hội cho người lao động của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh chịu tác động mạnh bởi dịch bệnh…

Thứ hai, Chính phủ sớm trình Quốc hội chính thức cho phép giảm thuế thu nhập doanh nghiệp vừa và nhỏ xuống mức 15 - 17% (Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ năm 2017 đã cho phép, nhưng cần được Quốc hội thông qua).

Thứ ba, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, đặc biệt là các dự án lớn, dự án đầu tư cơ sở hạ tầng đã được phê duyệt theo kế hoạch. Các thành phố lớn như TP.HCM và Hà Nội cần đẩy nhanh tiến độ rà soát, thanh - kiểm tra các dự án bất động sản để sớm quyết định việc triển khai.

Ðối với những chính sách kinh tế khác, theo TS. Lực, cần tiếp tục thực hiện một số giải pháp căn cơ, dài hạn, đó là từng bộ, ngành, địa phương cần đánh giá tác động dịch Covid-19 đối với lĩnh vực, địa phương mình để có hình thức hỗ trợ phù hợp nhất; tiếp tục cải thiện mạnh mẽ, thực chất hơn môi trường kinh doanh, giảm mạnh chi phí không chính thức, tạo điều kiện thu hút đầu tư (để khu vực tư nhân và FDI phát triển tốt hơn).

Ðồng thời, phát huy động lực từ các lĩnh vực, khu vực không bị ảnh hưởng; tận dụng các cơ hội kinh doanh mới từ các lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh mới, nhiều cơ hội phát triển như kinh tế số, thương mại điện tử, thanh toán điện tử, dịch vụ trực tuyến…

Tận dụng các cơ hội từ các hiệp định thương mại thế hệ mới (FTA), nhất là EVFTA (dự kiến hiệu lực từ tháng 7/2020).

Ðặc biệt, hỗ trợ doanh nghiệp về tiếp cận thông tin, kết nối thị trường, đối tác thay thế các nguồn nguyên liệu đầu vào, sản phẩm đầu ra nhằm nhanh chóng ổn định chuỗi sản xuất, cung ứng và tiêu thụ.

“Ðã đến lúc cần nghiêm túc đặt vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế, ngành nghề, đa dạng hóa thị trường, đối tác, phát triển mạnh công nghiệp phụ trợ, khai thác hiệu quả thị trường trong nước… là những trụ cột cần tiếp tục được ưu tiên lâu dài để vừa phát huy hiệu quả nguồn lực, vừa hạn chế rủi ro phụ thuộc quá nhiều vào một số đối tác, thị trường lớn như hiện nay”, TS. Lực nói.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top