Aa

Luật Kiến trúc đi vào cuộc sống: Hy vọng sẽ hạn chế sai phạm

Thứ Tư, 22/07/2020 - 08:00

Luật Kiến trúc đi vào cuộc sống không chỉ giúp tăng cường công tác quản lý dưới dạng văn bản pháp luật cao nhất mà còn định hướng phát triển kinh tế - xã hội, góp phần định hướng bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa.

Kiến trúc chỉ được gọi là tác phẩm kiến trúc khi nó có giá trị thẩm mỹ, có giá trị nghệ thuật chứ không phải bất cứ công trình xây dựng nào cũng được coi là kiến trúc.

Chia sẻ về vấn đề này, KTS. Phạm Thanh Tùng - Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, việc ban hành Luật Kiến trúc là một bước ngoặt, khởi đầu cho một giai đoạn mới đối với nền kiến trúc Việt Nam. Những người làm việc trong ngành kiến trúc sẽ có một bộ luật quy định việc hành nghề, đạo đức nghề nghiệp. Luật Kiến trúc là cơ sở pháp lý quan trọng để thúc đẩy hoạt động đổi mới, sáng tạo của KTS, tạo tiền đề phát triển kiến trúc Việt Nam.

Trước khi có Luật Kiến trúc, chúng ta đã có nền kiến trúc, đã có các quy định liên quan đến kiến trúc trong Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch… Tuy nhiên, việc ban hành Luật Kiến trúc là rất cần thiết, không chỉ đáp ứng được mong mỏi của giới KTS, của xã hội mà còn đáp ứng nhu cầu quản lý nhà nước, góp phần hun đúc những KTS có tài, có đức, xây dựng nền kiến trúc nước nhà hiện đại, giàu bản sắc dân tộc. Với những người làm kiến trúc, đây là niềm hạnh phúc mong đợi đã lâu.

Ảnh minh họa.

Có thể nói, Luật Kiến trúc bao quát nhiều vấn đề cấp thiết và cũng đang nóng bỏng trong hoạt động kiến trúc hiện nay về quản lý kiến trúc, hành nghề kiến trúc… Cụ thể, đó là vai trò, trách nhiệm của các cơ quan chức năng, tổ chức, cá nhân hành nghề kiến trúc trong công việc sáng tác, thiết kế các mẫu kiến trúc phục vụ xã hội; bảo tồn các công trình kiến trúc có giá trị; đánh giá, thẩm định trình độ năng lực, chất lượng hành nghề trong lĩnh vực kiến trúc.

Nói về chứng chỉ hành nghề của KTS được quy định trong Luật Kiến trúc, KTS. Phạm Thanh Tùng cho rằng, kiến trúc là một ngành nghề mang tính sáng tạo liên tục, không ngừng nghỉ và không giống bất cứ ngành nào khác. Người làm kiến trúc cũng rất nhiều, hiện nay có khoảng gần 20 nghìn KTS đang tham gia vào việc thiết kế, quản lý, đồng hành, nhưng cũng có người được coi là KTS nhưng lại không làm kiến trúc. Chính vì thế, đây là khoảng thời gian cần và đủ để một hội đồng thẩm định đánh giá lại quá trình công tác, làm việc của một KTS. Để từ đó nâng cao trách nhiệm của KTS đối với nghề nghiệp, đặc biệt là những KTS lười nhác trong sáng tạo, thiết kế.

Trước đây chúng ta chưa có luật, những người làm kiến trúc chịu sự tác động của nhiều luật khác như Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Quy hoạch… Kiến trúc hiện nay ở nhiều nơi rất lộn xộn, chưa tạo dựng được bản sắc rõ ràng một phần là vì thế. Hiện nay, trên khắp đất nước đâu đâu cũng xuất hiện đô thị, thậm chí đại đô thị song mỗi nơi một kiểu, không nơi nào giống nơi nào. Việc quy hoạch thiếu bài bản khiến diện mạo đô thị nhấp nhô, chắp vá, không có định hướng. Trước đây, chúng ta hay trộn lẫn xây dựng với kiến trúc, nhưng thực tế không phải vậy. Kiến trúc chỉ được gọi là tác phẩm kiến trúc khi nó có giá trị thẩm mỹ, có giá trị nghệ thuật chứ không phải bất cứ công trình xây dựng nào cũng được coi là kiến trúc.

Hiện nay, trên địa bàn nhiều thành phố lớn có không ít công trình sai phạm, một phần là do cấp phép sai, một phần là do nhiều người không hiểu gì về kiến trúc đô thị. Do vậy, những nhà quản lý đô thị cũng cần phải có văn hóa về kiến trúc để hiểu rõ hơn cách thức quản lý kiến trúc là như thế nào, ra sao, tránh hiện tượng mỗi nơi một kiểu. Thời gian tới, khi Luật Kiến trúc đi vào thực tế, hy vọng những sai phạm sẽ được hạn chế.

Theo KTS. Phạm Thanh Tùng, kiến trúc là một lĩnh vực đặc biệt, việc phát huy bản sắc văn hóa trong kiến trúc không hề dễ dàng. Một tác phẩm kiến trúc không phải mang tính định lượng, rất khó để so sánh với bất kỳ thứ gì khác. Nó là định tính, là nghệ thuật vị nhân sinh. Bản sắc văn hóa trong kiến trúc không phải là bất biến, mà có chọn lọc, có đồng hành. 

Người làm kiến trúc, đặc biệt là thiết kế không thể ngồi trong phòng điều hòa, máy lạnh ở Thủ đô mà có thể vẽ, thiết kế nhà ở Tây Nguyên, ở vùng rừng núi Tây Bắc… mà phải đến tận nơi, sống và tìm hiểu bản sắc văn hóa của vùng, miền đó trước khi bắt tay vào vẽ. Từ đó mới có thể cho ra đời những tác phẩm kiến trúc thể hiện nét văn hóa bản sắc của dân tộc. Nói nôm na, mỗi địa phương đều có một đặc điểm riêng. 

Vì thế, người làm thiết kế, quản lý kiến trúc phải nắm rõ, am hiểu phong tục tập quán vùng, miền để áp dụng thực tế vào quá trình sáng tạo. Đó mới gọi là thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc trong tác phẩm kiến trúc. Thí dụ, chùa chiền ở nơi nào cũng có, chùa nào mái cũng cong, nhưng chùa miền Bắc khác chùa miền Nam. Do đó, không thể áp đặt lối suy nghĩ cứng nhắc vào một lĩnh vực đòi hỏi tính sáng tạo cao như kiến trúc.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top