Aa

Cái duyên riêng của kiến trúc hiện đại Việt Nam

Thứ Năm, 30/04/2020 - 06:30

Kiến trúc hiện đại giống như một thứ tiếng nước ngoài, nhưng khi đến với Việt Nam thì lại được phát âm theo âm sắc khác. Dần dần, nó đã trở thành một phần của ngôn ngữ kiến trúc Việt Nam, mang trong mình bản sắc riêng.

Chuyện kể rằng, một lần nọ, khi nhiếp ảnh gia người Mỹ có tên là Darren Bradley đến thăm TP. Hội An, thuộc tỉnh Quảng Nam, ông đã bắt gặp một công trình mà chính bản thân mình không hề ngờ đến: Một toà nhà bỏ hoang, nơi từng là trụ sở của cơ quan bảo hiểm thành phố. 

Với cấu trúc hình học và lớp bê tông trần, đây chắc chắn là một công trình điển hình của phong cách kiến trúc hiện đại. Thế nhưng, người hướng dẫn viên đi cùng ông Darren lại không hề tỏ ra quan tâm đến toà nhà có phần "kỳ dị" giữa lòng thành phố cổ này, và khi được hỏi thì đã rất hồn nhiên trả lời rằng: Nó được xây dựng theo lối kiến trúc Mỹ!

Toà nhà theo phong cách "kiến trúc Mỹ" mà nhiếp ảnh gia Darren Bradley ghé thăm ở Hội An

Đó chỉ là một ví dụ nhỏ cho sự thiếu hiểu biết của chính những người dân Việt Nam về nền kiến trúc hiện đại ở đất nước mình. Trải qua những giai đoạn biến động nhất trong lịch sử Việt Nam, cộng với cá tính thẩm mỹ của con người trên mảnh đất này, phong cách kiến trúc hiện đại đã tìm được một sức sống mới nơi miền Duyên hải Nam Trung Bộ.

Kiến trúc hiện đại không hẳn là một phong cách nghệ thuật thống nhất, tư tưởng cốt lõi của kiến trúc hiện đại là “đặt công dụng lên trước ngoại hình”. Những công trình kiến trúc hiện đại được thiết kế để tối đa tiện ích sử dụng. Những đặc điểm thường được mọi người nhắc đến khi nói về kiến trúc hiện đại như sử dụng nhiều bê tông và kính, nội thất giản tiện,… là sản phẩm của một quá trình phát triển kéo dài hơn 60 năm và đi qua cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba ở phương Tây.

Trong những ngày đầu của kiến trúc hiện đại, có nhiều trường phái, quan điểm khác nhau về cách để tiến đến mục tiêu cốt lõi của nó. Kiến trúc hiện đại Việt Nam chịu ảnh hưởng nhiều của trường phái Beaux-Arts của Pháp. Beaux-Arts là một phong cách đứng ở ngã ba đường, chuyên sử dụng những vật liệu và kỹ thuật xây dựng mới của kiến trúc hiện đại để tái tạo lại đường nét của kiến trúc cổ điển và Gothic. 

Tuy sinh ra, phát triển và rồi tàn lụi gọn trong thế kỷ XIX nhưng ảnh hưởng của Beaux-Art tới nền kiến trúc Việt Nam còn kéo dài đến tận ngày nay ở một số điểm như cột tròn và bình phong che nắng,...

Tấm bình phong đầy hoạ tiết Á Đông tại Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM, một toà nhà theo lối kiến trúc hiện đại.

Một ví dụ dễ chỉ ra để minh hoạ cho sự khác biệt giữa kiến trúc hiện đại ở Việt Nam và phương Tây là ngôi nhà hộp. Nếu bạn đi qua một khu dân cư được xây dựng từ giữa thế kỷ trước ở Anh, Đức hay Úc, chắc hẳn bạn sẽ nhận ra ở hai bên đường là những ngôi nhà nối đuôi nhau tăm tắp, có kích thước lẫn ngoại hình sàn sàn giống nhau. Đây là kết quả của việc kiến trúc hiện đại phương Tây đề cao tính thống nhất trong thiết kế, xây dựng và quy hoạch. Một người thuộc phương Tây xây nhà hộp thì đến cả màu sơn họ cũng cố gắng làm sao cho giống với hàng xóm của mình.

Trái lại, ở Việt Nam, ngay trên cùng một con phố thôi cũng thấy không nhà nào giống nhà nào. Nhà thì thụt vào, nhà thì lồi ra, nhà thì mái bằng, nhà thì mái dốc,… Và một trong những nét riêng rất cơ bản của người Việt Nam là đặc biệt coi trọng mặt tiền ngôi nhà, vì xem đây là cách gia chủ thể hiện cá tính của bản thân. Bởi vậy, không khó để bắt gặp những ngôi nhà có cách bố trí ban công, cửa sổ, chiều sâu của sàn nhà,… độc đáo.

Một ngôi nhà theo phong cách hiện đại nhưng lại nhiều màu sắc như trên khó có thể xuất hiện ở phương Tây.

Mọi người thường nghĩ rằng đây là biểu hiện của sự thiếu quy hoạch, thiếu kiếu thức, và thích thể hiện - ý kiến nào cũng có phần đúng cả. Nhưng nhìn từ góc độ khác, đây lại là biểu hiện của quan điểm về ngôi nhà nói riêng và công trình kiến trúc nói chung của người Việt Nam.

Kiến trúc hiện đại phương Tây coi ngôi nhà như là một công cụ để thoả mãn nhu cầu của người dùng. Trong khi đó, người Việt thì trái lại, họ coi ngôi nhà như là một phần cơ bản của cơ thể mình. Họ cũng muốn tối đa hóa tiện nghi sử dụng như ở phương Tây nhưng nhu cầu này cũng giống như là khi đi chọn áo vậy: Ai cũng muốn mặc áo vừa cỡ mình, nhưng đồng thời cũng phải thật chỉn chủ và bắt mắt.

Một trong những người sớm nhận ra điểm độc đáo này của kiến trúc Việt Nam là cố kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát. Ông tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Đông Dương, là một trong những cầu nối giúp đưa Beaux-Arts đến với châu Á, rồi sau đó mới đem phong cách châu Âu vào thực tế để có thể thoả mãn nhu cầu về cá tính kiến trúc của người Việt. 

Nhiều công trình được kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát thiết kế như: Tòa Văn phòng Chính phủ cũ tại TP.HCM; Lãnh sự quán Nhật Bản,… chắc chắn và tiện nghi tương đương với những biệt thự sang trọng ở phương Tây đương thời nhưng chỉ nhìn vào mặt tiền thôi thì ai cũng có thể nhận ra tinh thần Việt Nam trong đó.

Một cách rất tự nhiên, kiến trúc hiện đại đã len lỏi đến nông thôn Việt Nam và tồn tại ngang hàng với kiến trúc truyền thống.

Thực ra nước ta không phải là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á sớm du nhập kiến trúc hiện đại. Qua tiếp xúc với phương Tây, ở Thái Lan và Malaysia đã sớm xuất hiện kiến trúc hiện đại. Nhưng nền kiến trúc hiện đại tại 2 quốc gia này khác Việt Nam ở chỗ các yếu tố địa phương được thể hiện rõ rệt hơn. Những mô-típ văn hoá Phật giáo (Thái Lan) và Hồi giáo (Malaysia) có mặt trong hầu hết các công trình kiến trúc hiện đại của Thái Lan và Malaysia. 

Trái lại, kiến trúc Việt Nam có phần giản tiện và Âu hoá hơn. Sự tự do trong sáng tạo của người Việt Nam khiến các kiến trúc sư đi tìm nguồn cảm hứng ở mọi nơi, chứ không chỉ bó buộc trong các mô-típ nhất định.

Tiếp bước kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, 3 kiến trúc sư nổi tiếng khác giúp định hình kiến trúc hiện đại Việt Nam là các kiến trúc sư Nguyễn Văn Hoa, Phạm Văn Thâng và Nguyễn Quang Nhạc. Cả 3 người đều được đào tạo bài bản về kiến trúc Pháp và đã cùng nhau lập ra công ty kiến trúc nổi tiếng nhất Việt Nam trong khoảng những năm 70 của thế kỷ trước. 

3 tên tuổi trên chính là những người đã thiết kế khách sạn Caravelle (toà nhà cao hơn 10 tầng đầu tiên tại Sài Gòn); trụ sở Ngân hàng Việt Nam Thương Tín và cao ốc 22 - 24 đường Gia Long,… Những công trình này có một số điểm chung và đã trở thành cá tính riêng của kiến trúc hiện đại Việt Nam như mặt tiền nhiều lớp, sử dụng gạch hoa để lát tường.

Dinh Độc Lập là một đại diện tiêu biểu cho phong cách kiến trúc hiện đại Việt Nam

Công trình tiêu biểu nhất của phong cách kiến trúc hiện đại Việt Nam chính là Dinh Độc Lập. Đây là tác phẩm của ông Ngô Viết Thụ (1926 - 2000), kiến trúc sư nổi tiếng nhất Việt Nam thời đó. Ông là người châu Á duy nhất từng giành được học bổng Khôi nguyên La Mã và theo học tại Viện Hàn lâm Pháp ở Rome. Dinh Độc lập do ông thiết kế được hoàn thành năm 1966.

Dinh Độc Lập vừa là kết quả của nhiều năm kiến trúc hiện đại được áp dụng thử nghiệm tại các biệt thự, vừa là dấu hiệu báo trước cho sự phổ biến của phong cách này với các công trình cả công lẫn tư. Nhiều công trình lớn khác ở miền Nam khi đó như bệnh viện Thống Nhất đều đi theo lối thiết kế của Dinh Độc Lập với cấu trúc hình hộp và mặt tiền hai lớp với cửa sổ ở mỗi bên. Dần dần, phong cách kiến trúc này lan tỏa đến các đường phố và trở thành những ngôi nhà liền kề quen thuộc.

Những ngôi nhà ống đại diện cho phong cách kiến trúc hiện đại tại miền Nam hồi năm 1972

Ngày nay, kiến trúc hiện đại đã nhường vị trí dưới ánh đèn của mình cho phong cách quốc tế. Phong cách kiến trúc quốc tế cũng xuất phát từ nền tảng tư tưởng kiến trúc hiện đại, nhưng lại có phần giản đơn và đồng nhất hơn. Đó chính là cá tính của những toà nhà cao tầng đang mọc lên hằng ngày tại các thành phố lớn.

Từ gần hai thập niên trở lại đây, các kiến trúc sư Việt Nam đặc biệt quan tâm đến việc đưa môi trường và văn hoá truyền thống vào những ngôi nhà riêng. Họ tin rằng, ngôi nhà không nên chỉ “đóng”, mà còn phải “mở ra” để có thể trở thành một phần trong không gian, bối cảnh, xã hội,… bên ngoài. Chúng ta có thể thấy rất rõ điều đó ở nửa trên nhiều ngôi nhà, nơi mà gia chủ có thể tận dụng không gian mở của ban công hay gác mái để thể hiện tình yêu thiên nhiên và văn hoá của mình.

Ngoài cách bố trí ngôi nhà ra, các kiến trúc sư Việt Nam vẫn đang cố gắng tối đa hoá tiện ích sử dụng và sự tiện nghi của công trình mà họ thiết kế. Các kiến trúc sư đã nhận ra rằng, cây xanh và ánh nắng mặt trời cũng có ích lợi với gia chủ như là những vật dụng trong nhà. Việc “mở” ngôi nhà ra với không gian bên ngoài vì thế mang một ý nghĩa rất thực tế và hoàn toàn dựa theo giá trị khoa học cốt lõi của kiến trúc hiện đại.

Kiến trúc hiện đại giống như một thứ… tiếng nước ngoài, nhưng khi đến với Việt Nam thì lại được phát âm theo âm sắc khác. Dần dần, nó đã trở thành một phần của ngôn ngữ kiến trúc Việt Nam và mang trong mình bản sắc không thể nhầm lẫn vào đâu được nhờ chính đặc tính riêng biệt của mảnh đất này. 

Vì vậy mà kiến trúc hiện đại ở Việt Nam hoàn toàn xứng đáng được trân trọng, bảo tồn, gìn giữ và phát huy. Không nên để xảy ra câu chuyện buồn như đã kể tại phần đầu của bài viết, khi mà chính những người Việt Nam lại coi một công trình kiến trúc đẹp, với cá tính riêng của người Việt là sản phẩm có được nhờ bàn tay sáng tạo của “ông Tây”./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top