Tuy nhiên, với việc phát triển nhanh, kiến trúc hiện nay ở nhiều đô thị còn chưa đồng bộ, thiếu thống nhất. Việc ban hành Luật Kiến trúc được nhiều chuyên gia đánh giá sẽ là một giải pháp mang tới nhiều lợi ích cho bộ mặt đô thị nước ta. Qua đó khắc phục được một số tồn tại đã hiện hữu trong thời gian qua.
Đô thị và kiến trúc nước ta đã được hình thành và phát triển từ lâu. Tuy nhiên, chỉ trong hơn 25 năm qua, cùng với sự nghiệp đổi mới của Đảng, Nhà nước, đô thị và kiến trúc nước ta mới có được những bước phát triển vượt bậc, góp phần xứng đáng vào những thành tựu to lớn chung của cả đất nước.
Sau 25 năm đổi mới, đô thị và kiến trúc Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực, điều đó là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, từ quá trình này cũng cho thấy đang tồn tại nhiều vấn hạn chế cần khắc phục. Các đô thị Việt Nam đang đứng trước nhiều nguy cơ, thách thức trong bối cảnh của thời kỳ chuyển đổi và toàn cầu hóa. Các đô thị Việt Nam đang thiếu một chiến lược phát triển toàn diện và lâu dài.
Theo thống kê, tại các đô thị, trên 80% các công trình xây dựng trong các đô thị là nhà ở. Phần lớn nhà ở tại các đô thị nhỏ và vừa đều do dân tự xây, còn tại các đô thị lớn thì một phần do doanh nghiệp xây dựng. Nếu mỗi đô thị có chính sách và quy chế quản lý kiến trúc tốt về đối tượng này, có phương thức giải quyết tốt về tư vấn thiết kế và thủ tục cấp giấy phép xây dựng, thì vấn đề trật tự kiến trúc, trật tự xây dựng đô thị có thể thiết lập được.
Khi đó, bộ mặt đô thị sẽ có nhiều chuyển biến tích cực. Chính vì vậy, Luật Kiến trúc 2019 ra đời, kỳ vọng sẽ là “liều thuốc” tác động mạnh mẽ vào kiến trúc, cảnh quan. Từ đó khắc phục được nhiều “căn bệnh” cố hữu, những tồn tại, hạn chế của đô thị nước ta hiện nay.
Tại chương II, Luật Kiến trúc 2019 đã có những quy định rất chi tiết, cụ thể đối với kiến trúc đô thị.
Theo đó, kiến trúc đô thị phải hài hòa với không gian, kiến trúc, cảnh quan chung khu vực xây dựng công trình; gắn kết kiến trúc khu hiện hữu, khu phát triển mới, khu bảo tồn, khu vực giáp ranh đô thị và nông thôn, phù hợp với cảnh quan tự nhiên; Sử dụng màu sắc, vật liệu, trang trí mặt ngoài của công trình kiến trúc phải bảo đảm mỹ quan, không được gây tác động xấu tới thị giác, sức khoẻ con người, môi trường và an toàn giao thông; Nhà ở phải kết hợp hài hòa giữa cải tạo với xây dựng mới, phù hợp điều kiện khí hậu, phải gắn công trình nhà ở riêng lẻ với tổng thể kiến trúc của khu vực; Công trình công cộng và công trình phục vụ tiện ích đô thị trên tuyến phố phải bảo đảm yêu cầu thẩm mỹ, công năng sử dụng, bảo đảm an toàn cho người và phương tiện giao thông; Hệ thống biển báo, quảng cáo, chiếu sáng trang trí đô thị tuân thủ quy định, quy hoạch quảng cáo, phù hợp với kiến trúc chung của khu đô thị; Công trình tượng đài, điêu khắc, phù điêu, đài phun nước, trang trí phải được thiết kế phù hợp với cảnh quan, đáp ứng yêu cầu sử dụng và thẩm mỹ nơi công cộng; Công trình giao thông phải được thiết kế đồng bộ, bảo đảm yêu cầu sử dụng, thẩm mỹ và tính chất của đô thị.
Tại kỳ họp thứ 7, Quốc Hội Khóa XIV nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ quan điểm về tầm quan trọng của Luật Kiến trúc đối với quá trình phát triển tại các đô thị ở nước ta.
Trao đổi với phóng viên, ông Hồ Chí Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Quy hoạch kiến trúc - Bộ Xây dựng cho biết: Thời gian qua, quản lý về kiến trúc đang nằm rải rác tại nhiều luật, do đó Luật Kiến trúc bị chi phối bởi nhiều luật khác, chính vì vậy không có sự nhất quán đồng bộ.
Hiện nay, chúng ta đang quản lý kiến trúc qua Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, tuy nhiên cụ thể về kiến trúc, vẻ đẹp kiến trúc lại chưa có. Vấn đề xương cốt của luật cũng đã đưa ra một số vấn đề hiện nay chúng ta còn đang rất lúng túng, trong đó có quản lý đô thị và quản lý nông thôn.
Nhờ những quy định cụ thể, chi tiết liên quan tới kiến trúc tại các đô thị, hy vọng bộ mặt đô thị sẽ có nhiều dấu hiệu chuyển biến về mặt kiến trúc trong thời gian tới.
Đánh giá về vấn đề này, KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam chia sẻ: Trước đây chúng ta chưa có luật, những người làm kiến trúc chịu sự tác động của nhiều luật khác như Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Quy hoạch… Kiến trúc hiện nay ở nhiều nơi rất lộn xộn, chưa tạo dựng được bản sắc rõ ràng một phần là vì thế.
Hiện nay, trên khắp đất nước đâu đâu cũng xuất hiện đô thị, thậm chí đại đô thị song mỗi nơi một kiểu, không nơi nào giống nơi nào. Việc quy hoạch thiếu bài bản khiến diện mạo đô thị nhấp nhô, chắp vá, không có định hướng.
Trước đây, chúng ta hay trộn lẫn xây dựng với kiến trúc, nhưng thực tế không phải vậy. Kiến trúc chỉ được gọi là tác phẩm kiến trúc khi nó có giá trị thẩm mỹ, có giá trị nghệ thuật chứ không phải bất cứ công trình xây dựng nào cũng được coi là kiến trúc.
Hiện nay, trên địa bàn nhiều thành phố lớn có không ít công trình sai phạm, một phần là do cấp phép sai, một phần là do nhiều người không hiểu gì về kiến trúc đô thị.
Do vậy, những nhà quản lý đô thị cũng cần phải có văn hóa về kiến trúc để hiểu rõ hơn cách thức quản lý kiến trúc là như thế nào, ra sao, tránh hiện tượng mỗi nơi một kiểu. Thời gian tới, khi Luật Kiến trúc đi vào thực tế, hy vọng những bất cập này sẽ được hạn chế.
Với 5 Chương, 41 Điều, sau khi Luật Kiến trúc được Quốc hội khoá XIV thông qua, các chuyên gia cũng tin tưởng, khi đi vào thực tiễn, Luật sẽ mang lại cho đô thị nước ta những lợi ích nhất định. Qua đó, giúp bộ mặt đô thị sẽ ngày càng phát triển theo hướng thống nhất, đồng bộ và chỉnh chu hơn.