Aa

Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) không cho phép DN bảo hiểm kinh doanh bất động sản

Hà Thương
Hà Thương ngthuongreatimes@gmail.com
Thứ Bảy, 18/06/2022 - 06:03

Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) mới được thông qua không cho phép DN bảo hiểm kinh doanh BĐS, trừ các trường hợp mua cổ phiếu của DN BĐS niêm yết trên thị trường chứng khoán, chứng chỉ của Quỹ đại chúng.

Mới đây, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) với 94,18% đại biểu tán thành. Một trong những điểm mới được quy định tại khoản 3 Điều 99 của luật này là doanh nghiệp bảo hiểm không được đầu tư kinh doanh bất động sản, trừ các trường hợp mua cổ phiếu của doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên thị trường chứng khoán, chứng chỉ của Quỹ đại chúng. 

Cụ thể, doanh nghiệp bảo hiểm không được kinh doanh bất động sản trực tiếp, nhưng được mua, đầu tư, sở hữu bất động sản để làm trụ sở kinh doanh, địa điểm làm việc hoặc cơ sở kho tàng phục vụ trực tiếp cho các hoạt động nghiệp vụ; cho thuê trụ sở kinh doanh chưa sử dụng hết thuộc quyền sở hữu hoặc sử dụng; hoặc được nắm giữ bất động sản do xử lý trái phiếu có bảo đảm bằng bất động sản, do đối trừ công nợ phải thu bằng bất động sản trong thời hạn ba năm. Chính phủ sẽ quy định chi tiết về hạn mức đầu tư cổ phiếu, chứng chỉ quỹ để bảo đảm thận trọng, tránh rủi ro.

Theo các chuyên gia, việc "siết" đầu tư kinh doanh bất động sản của doanh nghiệp bảo hiểm là giải pháp cần thiết nhằm thống nhất với quy định tại Luật Kinh doanh bất động sản 2014 và Luật Các tổ chức tín dụng. Đây là quy định mới so với luật hiện hành, khi doanh nghiệp bảo hiểm được phép đầu tư kinh doanh bất động sản tối đa 10% hoặc 20% vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ, nhân thọ.

TS. Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội)

Chia sẻ với Reatimes, TS. Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, nguyên tắc chung của pháp luật là tự do kinh doanh, mọi chủ thể đều có quyền thực hiện các hoạt động kinh doanh theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, pháp luật cũng quy định những lĩnh vực đặc thù và hạn chế kinh doanh đối với một số tổ chức, cá nhân để đảm bảo hoạt động kinh doanh lành mạnh, an toàn. 

“Về nguyên tắc là các văn bản quy phạm pháp luật cũng như chính sách Nhà nước đưa ra để quản lý xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và tạo điều kiện cho mọi chủ thể được phát huy tối đa năng lực, khả năng của mình, trong đó có khả năng kinh doanh.

Đối với hoạt động kinh doanh bất động sản thì đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Hoạt động kinh doanh bất động sản đòi hỏi vốn lớn và cũng có những rủi ro nhất định. Thực tế thời gian qua quỹ bảo hiểm xã hội bị thất thoát do đầu tư dàn trải, thiếu kế hoạch, không chặt chẽ dẫn đến ảnh hưởng vấn đề an sinh xã hội. Vì vậy, việc tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh bảo hiểm cũng như quỹ bảo hiểm xã hội là việc cần thiết để phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội hiện nay”, luật sư đánh giá. 

Vì vậy, theo Luật sư Đặng Văn Cường, việc Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) với nhiều nội dung đổi mới, trong đó có quy định doanh nghiệp bảo hiểm không được đầu tư kinh doanh bất động sản, trừ các trường hợp mua cổ phiếu của doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc chứng chỉ của quỹ đại chúng là phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội hiện nay. 

Quy định này nhằm giảm bớt những rủi ro trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đồng thời đảm bảo tính chuyên nghiệp trong từng lĩnh vực. Bởi nếu các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm lại sử dụng tiền bảo hiểm để thực hiện các hoạt động đầu tư trực tiếp vào bất động sản có thể dẫn đến nhiều rủi ro, không đảm bảo được quyền lợi của người tham gia mua bảo hiểm.

Theo đó, Luật sư Cường cho rằng, các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm cần thực hiện đầy đủ các quy định về doanh nghiệp, về kinh doanh. Đặc biệt là quy định chuyên ngành về Luật Kinh doanh bảo hiểm để đảm bảo hiệu quả, an toàn cho những người tham gia mua bảo hiểm.

Ảnh minh hoạ

Bày tỏ quan điểm về việc sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm nói trên của Quốc hội, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM chia sẻ, việc không cho phép doanh nghiệp bảo hiểm dùng “vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ” để kinh doanh bất động sản, nhưng vẫn cho phép doanh nghiệp bảo hiểm được dùng “vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ” để “tái đầu tư trở lại vào nền kinh tế” theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) và theo quy định chi tiết về hạn mức đầu tư của Chính phủ là rất đúng, rất trúng, phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay và phù hợp với Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 15/01/2019 của Bộ Chính trị.

Bởi lẽ, nguồn vốn bảo hiểm cũng là một nguồn vốn “xã hội hoá”, nhất là nguồn vốn nhàn rỗi bảo hiểm nhân thọ (thường có độ dài hàng chục năm hoặc lâu hơn). Vì vậy, nguồn vốn này cần được khai thác, sử dụng hiệu quả để bổ sung thêm một nguồn vốn đầu tư “xã hội hoá” cho nền kinh tế, góp phần chia sẻ bớt áp lực cho các tổ chức tín dụng. 

“Thực hiện khoản 3 Điều 99 Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) sẽ vừa cung ứng thêm một nguồn vốn “xã hội hoá” từ nguồn vốn nhàn rỗi của doanh nghiệp bảo hiểm cho những doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên sàn chứng khoán là các doanh nghiệp có tính minh bạch cao và được kiểm tra, giám sát chặt chẽ, vừa tạo được kênh đầu tư cho doanh nghiệp bảo hiểm, vừa hạn chế rủi ro trong đầu tư cho chính doanh nghiệp bảo hiểm và vừa góp phần chia sẻ gánh nặng cung ứng vốn cho nền kinh tế của các tổ chức tín dụng”, ông Châu nhận định./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top