Aa

Luật sắp có hiệu lực, nhiều lãnh đạo ngân hàng đồng loạt đưa ra lựa chọn

Thứ Ba, 02/01/2018 - 23:17

"Đã xây dựng được hệ thống quản trị, quản lý doanh nghiệp hoạt động ổn định" là lời giải thích được các sếp ngân hàng đưa ra khi quyết định "chọn ghế" theo quy định mới của Luật sửa đổi bổ sung Các tổ chức tín dụng có hiệu lực từ ngày 15/1/2018.

Đáp ứng quy định mới của Luật sửa đổi bổ sung Các tổ chức tín dụng có hiệu lực từ ngày 1/1/2018, mới đây, một loạt lãnh đạo ngân hàng - những người đang kiêm nhiệm chức vị chủ tịch tập đoàn, doanh nghiệp khác đã đồng loạt "rời ghế" để lựa chọn chiếc ghế chủ tịch ngân hàng.

Có thể kể đến bà Thái Hương. Với sự nghiệp 23 năm gắn với ngành ngân hàng và 10 năm tâm huyết với công ty TH True Milk, mới đây, tại buổi chào sàn 500 triệu cổ phiếu BAB của Ngân hàng TMCP Bắc Á, bà Thái Hương đã chính thức thông báo về quyết định rút lui khỏi chức Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH True Milk.

 

Bà Thái Hương

Bà Thái Hương

"Tôi đã hoàn thành sứ mệnh của mình. Đó là dẫn dắt CTCP Thực phẩm Sữa TH (TH True Milk) mang lại một sản phẩm sạch và vì con người. Đã đến lúc nhường lại cho lớp trẻ tiếp tục thực hiện đúng như vậy, dưới sự giám sát của tôi”, bà Thái Hương chia sẻ.

Được biết, bà Hương sẽ tiếp tục nắm giữ vị trí Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc của Bắc Á Bank, còn đối với TH True Milk, bà sẽ chỉ nắm giữ vai trò người sáng lập và nhà tư vấn đầu tư.

Tương tự bà Thái Hương, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SHB và Tập đoàn T&T mới đây cũng cho biết cho biết các doanh nghiệp do ông giữ vị trí Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc đều đã đi vào ổn định và có người kế nhiệm. Khi Luật sửa đổi bổ sung Các tổ chức tín dụng có hiệu lực, ông sẽ tiếp tục cương vị của mình tại ngân hàng SHB. "Ngân hàng SHB là trí tuệ, là tâm huyết của tôi", ông Hiển khẳng định.

 

Ông Đỗ Quang Hiển

Ông Đỗ Quang Hiển

Bên cạnh đó, ông Hiển cũng cho biết, tại SHB vẫn còn nhiều nhiệm vụ đang chờ mình. Trước mắt đó là việc tiếp tục triển khai SHB giai đoạn 2 sau khi thành công của việc sáp nhập Habubank vào SHB trong 3 năm qua; đó là xây dựng chiến lược phát triển ngân hàng bán lẻ theo hướng hiện đại trong thời đại công nghệ 4.0...

Đồng quan điểm với ông Hiển, mới đây doanh nhân Đỗ Minh Phú cũng đưa ra quyết định chọn vị trí Chủ tịch TPBank với lý do nơi đây còn nhiều công việc dang dở hơn, trong khi với DOJI - doanh nghiệp do chính ông khai sinh, đồng hành gần 25 năm qua - đã hoạt động ổn định và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để chuyển giao.

 

Ông Đỗ Minh Phú

Ông Đỗ Minh Phú

Nói thêm về việc kinh doanh ngân hàng, vị lãnh đạo này cho biết 5 năm qua, ông dành chủ yếu thời gian làm việc của mình cho TPBank, bởi từ khi nhận được quyết định vào tái cơ cấu tháng 7/2012, đây vẫn là một lĩnh vực rất mới, rất khó đối với ông.

Ông Dương Công Minh, Chủ tịch Sacombank cũng tuyên bố sẽ từ chức khỏi vị trí Chủ tịch Công ty Him Lam để tập trung vào việc tái cơ cấu Sacombank.

Trước đó, vào giữa năm 2017, khi Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín – Sacombank tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2017, ông Dương Công Minh, chủ tịch Công ty Him Lam, được bầu vào chức Chủ tịch HĐQT Sacombank.

 

Ông Dương Công Minh

Ông Dương Công Minh

Phát biểu nhậm chức, ông Minh thay mặt HĐQT hứa sẽ hoàn thành tái cơ cấu Ngân hàng sớm nhất có thể và đưa Sacombank trở thành ngân hàng tư nhân tốt nhất trong thị trường tài chính ngân hàng.
"Việc tái cơ cấu Sacombank là cả quá trình dài, như đề án đề ra là 10 năm nhưng HĐQT và Ban lãnh đạo sẽ cố gắng hoàn thiện trong vòng 5 năm. HĐQT mới cũng đã họp và thống nhất 4 nhiệm vụ trọng tâm gồm cấu trúc lại Ngân hàng, bố trí lại nhân sự cho phù hợp; thúc đẩy hoạt động kinh doanh, phát triển dịch vụ; xử lý nợ xấu, nợ xấu của Ngân hàng chủ yếu là nợ xấu BĐS và tài sản đảm bảo; cuối cùng là quản trị tốt chi phí hoạt động, hiện đang quá cao. Nếu làm tốt việc này thì sẽ tăng lợi nhuận", ông Minh nói.

Với những dự định ấp ủ còn dang dở, có thể hiểu vì sao ông Dương Công Minh quyết định "chọn ghế" tại ngân hàng Sacombank.

Trước đó, trao đổi với PV Reatimes về quy định mới của Luật sửa đổi bổ sung Các tổ chức tín dụng, TS. Nguyễn Trí Hiếu đã đưa ra dự báo rằng, đa số lãnh đạo kiêm nhiệm sẽ chọn ghế Chủ tịch ngân hàng.

"Việc các lãnh đạo lựa chọn vị trí nào còn phụ thuộc vào từng điều kiện của từng doanh nghiệp. Tuy nhiên, dễ nhận thấy rằng, vị trí Chủ tịch HĐQT ngân hàng vẫn nhiều mặt lợi hơn. Do đó, dự báo phần lớn sẽ chọn ghế Chủ tịch ngân hàng", TS. Nguyễn Trí Hiếu phân tích.

Ông Hiếu cũng khẳng định rằng, với sự lựa chọn này, cần có thêm và làm chặt các quy định về điều kiện cho vay các tổ chức liên quan cũng phải theo các tiêu chí và mức lãi suất chung của thị trường. Không ưu đãi và phải được kiểm soát chặt chẽ. 

Thực tế hiện nay, ngoài các vị lãnh đạo kể trên, còn nhiều sếp ngân hàng cũng đồng thời là ông chủ các doanh nghiệp lớn như ông Hồ Hùng Anh - Chủ tịch Techcombank và kiêm Phó Chủ tịch HĐQT của Masan Group; ông Đặng Khắc Vỹ - Chủ tịch VIB kiêm Chủ tịch Công ty Mareven Food Holdings; bà Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch SeaBank kiêm Chủ tịch của BRG Group, Chủ tịch/thành viên HĐQT Cty Thăng Long GTC, Hanoi Toserco, Khách sạn Thắng Lợi, Khách sạn Hilton Hanoi, OSC Vietnam...; ông Vũ Văn Tiền - Chủ tịch ABBank kiêm Chủ tịch Geleximco; ông Võ Quốc Thắng - Chủ tịch Kiên Long Bank kiêm Chủ tịch và Tổng Giám đốc Đồng Tâm Group...

Còn nửa tháng nữa là Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng sẽ có hiệu lực, các vị lãnh đạo này chắc sẽ sớm đưa ra quyết định lựa chọn của mình.

Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng mới được Quốc hội thông qua, từ 15/1/2018, lãnh đạo hàng loạt tổ chức tín dụng sẽ không được đồng thời là thành viên trong ban lãnh đạo các doanh nghiệp hay tổ chức tín dụng khác.

Cụ thể, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) và các chức danh tương đương của TCTD không được đồng thời là thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát của TCTD, trừ trường hợp tổ chức đó là công ty con của TCTD. Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) và các chức danh tương đương của tổ chức tín dụng không được đồng thời là Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) hoặc các chức danh tương đương của doanh nghiệp khác.

Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc (Giám đốc) của TCTD không được đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) hoặc các chức danh tương đương của doanh nghiệp khác.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top