Không thể phủ nhận rằng, năm qua, ngành ngân hàng vẫn phải chịu những "di chứng" còn xót lại từ cuộc khủng hoảng tài chính. Những vụ án lớn liên quan đến Phạm Công Danh, Hà Văn Thắm, Nguyễn Xuân Sơn,... phần nào làm mất uy tín của các ngân hàng đương thời và giảm lòng tin của người dân vào hệ thống tài chính. Và dù chịu áp lực về nợ xấu, lãi suất, tăng trưởng tín dụng hay còn vài hạt sạn trong hệ thống nhân sự nhưng có lẽ năm 2017 đánh dấu sự trở lại tươi sáng của ngành ngân hàng. Nợ xấu giảm, sở hữu chéo hạn chế về chất, cổ phiếu ngân hàng trở thành cổ phiếu "vua" trên sàn chứng khoán và cuối cùng là những con số đẹp trong báo cáo tài chính cho thấy nhận định trên là có thật.
Khác hẳn tình trạng “ngủ đông” vài năm trước, cổ phiếu dòng ngân hàng năm 2017 ghi nhận những đợt sóng liên tiếp thu hút lượng giao dịch lớn. Tính đến 26/12, giá trị vốn hóa thị trường của nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng gấp gần 2 lần so với cuối năm 2016 lên khoảng 567.349 tỷ đồng.
Nhận được sự quan tâm của giới đầu tư, thanh khoản cổ phiếu nhóm ngành này tăng vọt. Không kể các ngân hàng mới lên sàn, giá trị giao dịch khớp lệnh của dòng ngân hàng đã nhảy vọt gấp 3,36 lần.
Năm 2017 cũng chứng kiến sự chuyển dịch của khối ngoại tìm về cổ phiếu ngân hàng. Hai thương vụ chào bán khủng của HDBank và VPBank trị giá hàng trăm triệu USD đã được các tổ chức quốc tế tên tuổi đặt mua với lượng đăng ký gấp nhiều lần lượng chào bán.
Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia ước tính, lợi nhuận sau thuế của hệ thống ngân hàng tăng 44,5% so với năm trước. ROE tăng mạnh từ 8,05% lên 10,2%. Nền kinh tế phục hồi cùng những tháo gỡ về mặt chính sách đã giúp đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu không những giúp ngành ngân hàng cải thiện kết quả kinh doanh còn nâng cao chất lượng tài sản của ngành.
Tại thời điểm này, đa phần các ngân hàng chưa có báo cáo tài chính năm 2017, tuy nhiên một vài tín hiệu cho thấy ngành ngân hàng có thể ăn mừng với kết quả kinh doanh khả quan.
Theo nguồn tin riêng của Reatimes, lợi nhuận trước thuế năm 2017 của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đạt khoảng 7.500 tỷ đồng. Với kết quả này, VPBank vượt hơn 10% so với mục tiêu 6.800 tỷ đồng mà đại hội cổ đông giao phó trước đó. So mới mức lợi nhuận đạt được năm 2016 (4.900 tỷ đồng), lợi nhuận năm 2017 của ngân hàng này tăng trên 50%.
Trong thời gian tới, VPBank sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động trong phân khúc bán lẻ thông qua việc áp dụng các công nghệ số và đẩy mạnh khai thác, phân tích dữ liệu. Các biện pháp nâng cao năng lực quản trị và kiểm soát rủi ro cũng sẽ tiếp tục được tăng cường. VPBank đã chuẩn bị đầy đủ các yếu tố cần thiết để luôn sẵn sàng áp dụng Basel II bất cứ lúc nào, trong trường hợp NHNN yêu cầu 10 ngân hàng thí điểm đẩy nhanh tiến độ áp dụng trước năm 2020.
Bản cáo bạch niêm yết lần đầu vừa được Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) công bố mới đây, đến hết 11 tháng năm 2017, lợi nhuận trước thuế đạt 2.260 tỷ đồng, đạt 95,3% so với kế hoạch cả năm. Dù kế hoạch tăng gấp đôi lợi nhuận từng được đánh giá là một mục tiêu đầy tham vọng, HDBank nhận định khả năng đạt kế hoạch năm 2017 là hoàn toàn khả thi.
Đối với Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank), Công ty chứng khoán VCBS ước tính lợi nhuận trước thuế năm 2017 của ngân hàng này có thể đạt 10.227 tỷ đồng, tăng trưởng 20%, vượt kế hoạch 11%. Năm 2018, lãi trước thuế có thể đạt mức 11.869 tỷ đồng, tăng trưởng 16% chỉ tính cho các hoạt động kinh doanh cốt lõi, chưa kể các khoản lãi từ thoái vốn các tổ chức tín dụng như MBB, OCB…
VCBS cũng dự đoán năm 2017, Ngân Hàng Thương Mại Cổ Phần Á Châu (ACB) sẽ đạt 2.678 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 60%, vượt 21% so với kế hoạch đề ra. Năm 2018, lợi nhuận trước thuế ACB dự kiến đạt 4.117 tỷ đồng, tăng trưởng 55% so với năm 2017. Với ACB, trích lập dự phòng rủi ro cho 6 công ty liên quan đến Bầu Kiên đã gần hoàn tất, chỉ còn khoảng 600 tỷ đồng, dự kiến việc trích lập sẽ hoàn thành trong năm 2017.
Trao đổi với Reatimes, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng:” Đa phần các ngân hàng trong hệ thống sẽ công bố kết quả kinh doanh năm 2017 với con số đẹp. Thứ nhất, tăng trưởng tín dụng trong năm rất khả quan. Tín dụng luôn là nguồn sinh lời lớn nhất của ngân hàng. Với mức tín dụng khoảng 18% trong năm, lợi nhuận của nhà băng cũng tăng trưởng theo là điều đương nhiên.
Thứ hai, các ngân hàng cũng đã có rất nhiều bước tiến trong quá trình tái cơ cấu trong thời gian vừa qua. Điều này giúp ngân hàng tăng lợi nhuận, đặc biệt, phần quản trị rủi ro của họ cũng đã tốt hơn.
Kỳ vọng doanh thu từ cho vay sẽ vẫn tiếp tục tăng trưởng tốt nhưng chi phí tái cơ cấu sẽ tác động đến lợi nhuận ngân hàng, thành ra, lợi nhuận ròng sau tái cơ cấu của các ngân hàng sẽ là một ẩn số nhưng về doanh thu thì năm 2018 chắc chắn sẽ tăng so với năm nay”.
Cùng quan điểm, VCBS cũng rất kỳ vọng vào kết quả kinh doanh 2017 cũng như tương lai của ngành ngân hàng. Công ty chứng khoán này cho rằng, cầu tín dụng gia tăng nhờ quy mô nền kinh tế được nới rộng cùng tăng trưởng kinh tế khả quan; kết quả kinh doanh khởi sắc nhờ tăng trưởng tín dụng, tập trung vào xu hướng tín dụng bán lẻ giúp các ngân hàng hạn chế rủi ro và gia tăng biên lợi nhuận. Thứ nữa là quá trình xử lý nợ xấu tích cực nhờ sự hỗ trợ từ chính sách và nỗ lực của chính ngành ngân hàng. Ngoài ra, hàng loạt chính sách hỗ trợ của Chính phủ và NHNN sẽ tạo kỳ vọng cho thị trường về hệ thống ngân hàng đã được lành mạnh hoá và tăng trưởng thực chất.
VCBS dự đoán ngành ngân hàng tiếp tục duy trì xu hướng tích cực trong năm 2018 nhờ tín dụng tăng trưởng tốt, kết quả kinh doanh các ngân hàng tăng trưởng mạnh mẽ và những chính sách hỗ trợ quá trình xử lý nợ xấu, tái cơ cấu ngành được NHNN đẩy mạnh.