Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú vừa có văn bản kiến nghị bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng gửi đến Phòng Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công thương), Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Khánh Hòa... liên quan đến những điểm “bất thường” xoay quanh dự án Alma của Công ty Vịnh Thiên Đường.
Vịnh Thiên Đường “đặt bẫy” khách hàng?
Theo đó, văn phòng Luật sư Trương Anh Tú cho rằng, Công ty này không cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về chủ đầu tư và dự án Alma, có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng thông qua hoạt động truyền thông và giới thiệu trực tiếp với người tiêu dùng về sản phẩm dịch vụ sẽ cung cấp.
Cụ thể, người tiêu dùng được nghe giới thiệu chủ đầu tư của Khu nghỉ dưỡng cao cấp có tên Alma (dự kiến xây dựng tại Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) là một tỷ phú, tổng vốn đầu tư dự án là 300 triệu USD, đã có đầy đủ giấy tờ pháp lý, đang xây dựng, sẽ khai trương vào năm 2018.
Tuy nhiên, thông tin chính thức trên Giấy chứng nhận đầu tư số 37122000419 do UBND tỉnh Khánh Hòa cấp lần đầu ngày 5/2/2013 cho Công ty Vịnh Thiên Đường thực hiện dự án Alma thì tổng vốn đầu tư là 486 tỷ đồng (kém 14 lần so với lời giới thiệu). Trong đó, vốn thực có của nhà đầu tư là 105 tỷ chiếm 21,6% tổng số vốn đầu tư của dự án; vốn vay là 381 tỷ đồng tương đương 79,4% tổng số vốn đầu tư.
Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú cho rằng, việc “thổi phồng” sự thật về vốn đầu tư của dự án lên gấp 14 lần như vậy khẳng định Công ty Vịnh Thiên Đường có sự lừa dối khi cung cấp thông tin sản phẩm dịch vụ sẽ được “bán” cho người tiêu dùng.
Cũng theo Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú, thuật ngữ “tỷ phú” khiến người được giới thiệu có lòng tin rất lớn về tiềm lực tài chính của chủ đầu tư xây dựng dự án khu nghỉ dưỡng Alma. Vậy vì lý do nào, Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ quy định “tiền đặt cọc của khách hàng được dùng vào việc xây dựng dự án”… (tiền xây dựng dự án phải huy động trước từ người tiêu dùng…) và dự án đã thi công được 70% thời gian nhưng địa điểm triển khai dự án vẫn là những bãi cát hoang, trong khi Công ty Vịnh Thiên Đường thì chưa xin được giấy phép xây dựng cuối cùng cho dự án?”, Luật sư Trương Anh Tú đặt câu hỏi.
Đơn vị hỗ trợ pháp lý cho khách hàng ký hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ với Công ty Vịnh Thiên Đường cho rằng, hiện thực diễn ra tại dự án Alma không thể hiện được chủ đầu tư là một “tỷ phú”. Thực chất đây là một cái “bẫy” nhằm dụ dỗ người tiêu dùng, ký kết hợp đồng.
Theo khảo sát, trên công trường xây dựng dự án Alma mới chỉ thấy phần xây thô đang dang dở của tòa nhà chính, xung quanh bạt ngàn những bãi cát hoang.
Hơn nữa, trong thông cáo báo chí ngày 24/4/2017, Công ty Vịnh Thiên Đường không đưa ra được câu trả lời cho câu hỏi “Công ty đã xin được giấy phép xây dựng cuối cùng của dự án chưa” nhưng vẫn khẳng định dự án sẽ đi vào hoạt động năm 2018 là bất khả thi.
“Giấy chứng nhận đầu tư của dự án Alma thể hiện quy mô dự án là Khu resort cao cấp cho thuê dài hạn và ngắn hạn gồm các hạng mục: Khu Champa Resort, Khu thể thao biển Thủy Triều, Khu dịch vụ Thủy Triều…
Theo thông tin khách hàng cung cấp ngày 28/4/2017 (tức sau 4 năm kể từ ngày cấp giấy chứng nhận đầu tư), Công ty Vịnh Thiên Đường mới xin được Giấy phép xây dựng đầu tiên cho việc xây dựng tòa nhà chính – một công trình rất nhỏ trong tổng thể các hạng mục của dự án. Các giấy tờ pháp lý cho những hạng mục còn lại, người tiêu dùng không được cung cấp thông tin.
Tuy nhiên, khi tiếp xúc với khách hàng, nhân viên tư vấn của công ty này luôn khẳng định dự án đã có đầy đủ giấy tờ pháp lý. Đây là sự không minh bạch trong việc cung cấp thông tin về sản phẩm dịch vụ sẽ cung cấp cho người tiêu dùng”, văn phòng Luật sư Trương Anh Tú khẳng định.
Người dân dùng “tiền thật” mua dịch vụ “ảo”
Việc dự án Alma đến nay chưa hoàn thành, nhiều hạng mục công trình chưa có giấy phép xây dựng, Công ty Vịnh Thiên Đường chưa đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ nhưng vẫn tiến hành ký hợp đồng, thu tiền của người tiêu dùng là vi phạm khoản 6 điều 17 Luật Doanh nghiệp.
“Công ty Vịnh Thiên Đường ký kết hợp đồng, thu tiền của người tiêu dùng khi chưa đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ lưu trú, chưa có dịch vụ lưu trú để cung cấp cho người tiêu dùng, “bán” cái chưa có cho người tiêu dùng là hoạt động hợp pháp. Người dân sử dụng “tiền thật” (tài sản hợp pháp) để mua thứ dịch vụ “ảo”, thậm chí không có, chưa được phép kinh doanh (tài sản bất hợp pháp) gây thiệt hai về tài sản cho người tiêu dùng. Đây có thể coi là hành vi cung cấp dịch vụ không đảm bảo chất lượng gây thiệt hại đến tài sản của người tiêu dùng”, văn phòng Luật sư Trương Anh Tú nhận định.
Ngoài ra, cũng theo văn phòng Luật sư Trương Anh Tú, Công ty Vịnh Thiên Đường cũng gần như tước bỏ “quyền tự vệ” của khách hàng khi không dành thời gian hợp lý để khách hàng nghiên cứu hợp đồng theo mẫu trước khi ký kết.
Trong khi bản Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ của Công ty này được soạn sẵn gồm 20 điều, 5 phụ lục, 32 trang với cách trình bày rất phức hợp, không dễ dàng tiếp thu và hiểu rõ trong một thời gian ngắn. Đến những người am hiểu về luật cũng cần phải có thời gian nghiên cứu mới hiểu được.
Tuy nhiên, người tiêu dùng chỉ có 30 phút để đọc và ký bản hợp đồng rất nhiều trang, nhiều điều khoản. Đây không phải là khoảng thời gian hợp lý để người tiêu dùng nghiên cứu trước khi quyết định ký kết hợp đồng theo quy định của pháp luật. Điều này khẳng định tính tự do, tự nguyện giao kết hợp đồng là không có.
Chưa kể khi đưa hợp đồng cho khách hàng ký kết, nhân viên của công ty này luôn khẳng định hợp đồng đã đúng luật, trong khi có nhiều điều khoản chèn ép, bất lợi cho người tiêu dùng và trái quy định của pháp luật…, hối thúc khách hàng ký nhanh nhằm triệt tiêu ý định yêu cầu nghiên cứu hợp đồng của họ. 7 ngày sau khi ký kết, khách hàng mới nhận được bản hợp đồng để lưu giữ. Lúc này, hầu hết khách hàng mới được đọc kỹ hợp đồng và nhận ra mình bị lừa dối, áp đặt thì “việc đã rồi”.
Theo Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú, không có thời gian hợp lý để nghiên cứu hợp đồng mẫu, người tiêu dùng cũng không được thông báo về điều khoản trọng tài trước khi giao kết hợp đồng nên mới có tình trạng, hợp đồng có điều khoản giải quyết tranh chấp giữa các bên và được thực hiện bằng tiếng Anh như một giải pháp “đánh đố” người tiêu dùng.
Việc Công ty Vịnh Thiên Đường không thông báo trước, không có thỏa thuận trước nhưng đã đưa Thỏa thuận trọng tài vào hợp đồng theo mẫu soạn để ký kết với người tiêu dùng là vi phạm pháp luật về thỏa thuận trọng tài. Do đó, thỏa thuận trọng tài trong hợp đồng sẽ không có hiệu lực và người tiêu dùng được quyền chọn phương thức giải quyết tranh chấp khác.
Ngoài những điểm bất bình thường nêu trên, đơn vị hỗ trợ pháp lý cho khách hàng ký kết hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ với Công ty Vịnh Thiên Đường cũng chỉ ra vô số những điểm “đáng ngờ” khác trong bản hợp đồng mà công ty này đã soạn.
Đó là điều khoản hợp đồng có nội dung hạn chế quyền khiếu nại của người tiêu dùng (theo hợp đồng, khách nghỉ dưỡng đồng ý rằng sẽ không thực hiện bất cứ quyền khiếu nại hoặc khiếu kiện nào chống lại công ty…); hợp đồng có những điều khoản loại trừ nghĩa vụ hoàn trả tiền đặt cọc và bồi thường thiệt hại từ Công ty Vịnh Thiên Đường cho người tiêu dùng (trong mọi trường hợp, công ty sẽ không có nghĩa vụ hoàn trả cho khách nghỉ dưỡng một phần hoặc toàn bộ tiền đặt cọc hoặc khoản thanh toán nghỉ dưỡng mà khách nghỉ dưỡng đã thanh toán)…
Một điểm đáng chú ý nữa trong quá trình kinh doanh của Công ty Vịnh Thiên Đường gây bức xúc cho khách hàng là công ty này không xuất hóa đơn dù nhiều khách hàng đã nộp tiền theo hợp đồng. Có một số khách hàng đã ký hợp đồng, thanh toán tiền cho công ty nhưng chưa đủ 30% giá trị hợp đồng nên không nhận được bản hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ để lưu.
Khi phát hiện ra hàng loạt các hành vi gian dối của Công ty Vịnh Thiên Đường, người tiêu dùng yêu cầu hủy bỏ hợp đồng và lấy lại tiền cọc, bồi thường toàn bộ thiệt hại xảy ra thì bị từ chối thẳng thừng: Hợp đồng đã ký không hủy, tiền đã thanh toán không trả lại.