Aa

Lùm xùm tại dự án Suối Xanh, Đắk Lắk: Bài 1 - Nỗi niềm của người dân sống trong quy hoạch dự án nghìn tỷ

Thứ Hai, 18/11/2024 - 10:22

Dự án đô thị sinh thái văn hóa cà phê Suối Xanh hay còn gọi là dự án Thành phố Cà phê được UBND tỉnh Đắk Lắk chấp thuận đầu tư theo Quyết định số 3665/QĐ-UBND ngày 9/12/2016 với tổng diện tích toàn dự án là 45,45ha.

LTS: Dự án Khu đô thị sinh thái văn hóa cà phê Suối Xanh do Công ty Cổ phần Đầu tư Trung Nguyên làm chủ đầu tư từng được kỳ vọng là biểu tượng văn hóa Tây Nguyên, nhưng hơn một thập kỷ qua, dự án này vẫn dang dỡ. Trong khi hàng trăm khách hàng mỏi mòn chờ đợi quyền lợi, thì hơn 30 hộ dân sống tại vùng quy hoạch phải chịu cảnh sống tạm bợ, thiếu thốn với bao nỗi niềm... Vì sao dự án nghìn tỷ lại bị ách tắc? Đâu là lời giải cho bài toán về những dự án quy hoạch treo hàng chục năm làm ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của người dân? Với mong muốn làm sáng tỏ thêm các vấn đề liên quan, Reatimes triển khai tuyến bài khảo sát, nghiên cứu trong việc chấp hành quy định pháp luật về quy hoạch, bất động sản nhìn từ dự án Khu du lịch sinh thái văn hóa cà phê Suối Xanh.

Lùm xùm tại dự án Suối Xanh, Đắk Lắk: Bài 1 - Nỗi niềm của người dân sống trong quy hoạch dự án nghìn tỷ- Ảnh 1.

Dự án Khu đô thị sinh thái văn hóa cà phê Suối Xanh có tổng diện tích 45,45ha.

Năm 2016, UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Khu đô thị sinh thái văn hóa cà phê Suối Xanh, giao Công ty Cổ phần Đầu tư Trung Nguyên làm chủ đầu tư. Dự án được kỳ vọng sẽ trở thành một khu đô thị hiện đại, kết hợp hài hòa giữa văn hóa cà phê và môi trường sinh thái, tạo điểm nhấn cho Tây Nguyên.

Dự án có tổng diện tích hơn 45,45ha, vốn đầu tư gần 2.800 tỷ đồng, chia thành 2 giai đoạn và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2020. Giai đoạn 1 được giao hơn 19,3ha để triển khai các hạng mục nhà ở thương mại, biệt thự, công trình giáo dục, nhà ở xã hội và các khu vực cây xanh, thể dục thể thao. Tuy nhiên, đến năm 2020, các hạng mục vẫn chưa hoàn thiện, chủ đầu tư liên tục xin gia hạn.

Tính đến nay, dự án đã 3 lần được gia hạn và điều chỉnh tiến độ. Tháng 7/2021, UBND tỉnh Đắk Lắk yêu cầu dự án phải hoàn thành toàn bộ vào ngày 31/12/2022. Tuy nhiên, mốc thời gian này đã trôi qua mà công trình vẫn "giậm chân tại chỗ".

Hàng chục hộ dân lao đao vì dự án

Lùm xùm tại dự án Suối Xanh, Đắk Lắk: Bài 1 - Nỗi niềm của người dân sống trong quy hoạch dự án nghìn tỷ- Ảnh 2.

Toàn cảnh "xóm nghèo" trong dự án nghìn tỷ.

Theo hồ sơ, tháng 11/2007, UBND tỉnh Đắk Lắk đồng ý cho Công ty Cổ phần Cà phê Trung Nguyên (sau này là Công ty Cổ phần Đầu tư Trung Nguyên) được tiến hành lập quy hoạch chi tiết xây dựng khu vực Suối Xanh với diện tích 45ha. Cuối năm 2009, tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500. Tính chất của dự án là công viên cây xanh, du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng, là khu ở đô thị hiện đại mang phong cách, đặc thù của vùng Tây Nguyên.

Năm 2010, tỉnh giao cho UBND TP. Buôn Ma Thuột tiến hành thu hồi đất (trong đó có 30 hộ dân nêu trên) để làm dự án. Cạnh dự án Khu đô thị sinh thái văn hóa cà phê Suối Xanh (hay còn gọi là Thành phố Cà phê) tại phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), thuộc giai đoạn 2 của dự án, có hơn 30 hộ dân sinh sống trong những ngôi nhà xập xệ, xuống cấp.

Nơi cư ngụ của họ hiện nằm trong khu vực quy hoạch, thu hồi đất để bàn giao cho Công ty Cổ phần Đầu tư Trung Nguyên làm dự án Thành phố Cà phê giai đoạn 2 nhưng chưa biết khi nào triển khai.

Lùm xùm tại dự án Suối Xanh, Đắk Lắk: Bài 1 - Nỗi niềm của người dân sống trong quy hoạch dự án nghìn tỷ- Ảnh 3.

Cảnh nhếch nhác, xuống cấp tại "xóm nghèo" trong dự án treo hơn 10 năm qua.

Chị H., một cư dân tại khu vực, chia sẻ với ánh mắt buồn bã: "Chúng tôi sống ở đây từ trước khi dự án  được quy hoạch. Nhưng từ khi có dự án, tất cả đều bị cấm đoán. Không được xây nhà mới, không được sửa chữa, kể cả một chút cơi nới để có không gian thoải mái hơn. Điện thì cả xóm dùng chung một đồng hồ, càng dùng nhiều giá càng cao. Còn nước thì ô nhiễm đến mức không ai dám uống. Đến mùa mưa, nước tràn vào nhà, đồ đạc bị ướt hết, phải đục tường để tát nước ra ngoài".

Chị cũng bức xúc kể thêm về những nguy cơ mất an toàn đến từ công trình: "Đường sá trong xóm thì bị xe tải chở vật liệu làm hỏng hết. Có hôm cần cẩu công trình bị sập, thật may là không trúng vào ai, nhưng nỗi lo sợ cứ đè nặng lên chúng tôi mỗi ngày. Chúng tôi phải sống trong cảnh bất an, không biết hôm nay hay ngày mai sẽ có tai nạn gì xảy ra".

Ông T., một người dân khác trong khu vực, cũng không giấu nổi sự thất vọng: "Chúng tôi xin đấu nối nước sạch, xin làm đường bê tông nông thôn nhưng chẳng được chấp nhận. Nước giếng thì không đủ dùng, lại không đảm bảo vệ sinh. Nhà cửa xuống cấp nặng nề, không sửa thì sợ sập, mà sửa lại không được phép. Nếu dự án không làm thì xin cấp sổ đỏ cho chúng tôi để ổn định cuộc sống, còn nếu làm thì mong giải tỏa nhanh để chúng tôi bớt khổ".

Lùm xùm tại dự án Suối Xanh, Đắk Lắk: Bài 1 - Nỗi niềm của người dân sống trong quy hoạch dự án nghìn tỷ- Ảnh 4.

Người dân phải dùng vữa xi măng đắp bờ hạn chế nước chảy vào nhà mỗi khi mưa xuống.

Trước tình hình khó khăn của người dân, chính quyền địa phương cũng chỉ có thể đưa ra những biện pháp hỗ trợ mang tính tạm thời, trong khả năng hạn chế. Ông Phạm Văn Thái, Chủ tịch UBND phường Tân Lợi, cho biết: "Hiện tại, người dân không được phép xây dựng, cải tạo nhà cửa hay kéo điện, nước máy. Chúng tôi chỉ có thể hỗ trợ xử lý các vấn đề tạm thời khi xảy ra sự cố, chẳng hạn như khi nước mưa tràn vào nhà hoặc khi đường sá quá xuống cấp. Tuy nhiên, để giải quyết triệt để, phường không có thẩm quyền mà phải chờ chỉ đạo từ UBND thành phố và UBND tỉnh".

Cuộc sống của những hộ dân nơi đây giống như bị mắc kẹt giữa hai thái cực: một bên là chờ đợi một dự án không biết bao giờ hoàn thành, một bên là sự bất lực trong việc tự cải thiện đời sống của chính mình.

Dù người dân đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị, nhưng những khó khăn của họ vẫn chưa được tháo gỡ. 

Dự án Thành phố Cà phê nằm trong thẩm quyền quản lý của UBND TP. Buôn Ma Thuột và UBND tỉnh Đắk Lắk, đến nay các bên liên quan vẫn chưa có giải pháp cụ thể để giúp đỡ người dân.

Người dân mong mỏi điều gì?

Điều mà những hộ dân sống trong vùng quy hoạch dự án Thành phố Cà phê cần nhất lúc này không phải là những lời hứa hẹn trên giấy, mà là những hành động thiết thực, cụ thể, có thể mang lại sự thay đổi thực sự cho cuộc sống của họ. Sau hơn một thập kỷ chờ đợi, những người dân nơi đây đã quá quen với cảm giác thất vọng và mỏi mòn vì sự trì hoãn kéo dài của dự án.

Lùm xùm tại dự án Suối Xanh, Đắk Lắk: Bài 1 - Nỗi niềm của người dân sống trong quy hoạch dự án nghìn tỷ- Ảnh 5.

Đường bê tông vào khu dân cư trong dự án treo xuống cấp nghiêm trọng.

Họ cần sự đảm bảo rõ ràng về quyền lợi, bất kể dự án có được tiếp tục triển khai hay không. Nếu dự án được khởi động lại, điều mà người dân mong muốn là một quá trình giải tỏa minh bạch, bồi thường công bằng và kịp thời. Những khoản bồi thường này không chỉ là sự đền bù cho những mất mát về tài sản, mà còn cần giúp họ có đủ điều kiện để an cư lạc nghiệp ở một nơi ở mới, đảm bảo chất lượng cuộc sống tương xứng.

Ngược lại, nếu dự án không thể tiếp tục, điều tối thiểu mà người dân yêu cầu là được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho các khu vực họ đang sinh sống. Sự hợp pháp hóa này không chỉ mang lại quyền lợi pháp lý, mà còn là nền tảng để họ cải tạo, xây dựng lại nhà cửa và ổn định cuộc sống. Khi đó, những căn nhà tạm bợ, xập xệ sẽ không còn là nỗi ám ảnh kéo dài, và người dân có thể tự mình kiến tạo một cuộc sống bền vững hơn.

Nhiều hộ gia đình đã chịu cảnh sống trong sự thiếu thốn, bất an suốt hơn một thập kỷ. Họ không chỉ mất đi quyền tự do cải thiện chất lượng cuộc sống mà còn phải gánh chịu những rủi ro từ môi trường sống xuống cấp. Những con đường bị hư hỏng, hệ thống điện nước không đảm bảo, và nguy cơ tai nạn từ các công trình thi công dang dở đã lấy đi sự yên bình của những người lao động chân chính. Đây là thực trạng không chỉ ảnh hưởng đến vật chất mà còn làm tổn thương sâu sắc tinh thần và niềm tin của người dân vào hệ thống quản lý.

Lùm xùm tại dự án Suối Xanh, Đắk Lắk: Bài 1 - Nỗi niềm của người dân sống trong quy hoạch dự án nghìn tỷ- Ảnh 6.

Những ngôi nhà xuống cấp, lụp xụp của người dân nằm trong vùng quy hoạch nên không được cải tạo và xây mới.

Hơn lúc nào hết, người dân cần được lắng nghe, thấu hiểu và nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ các cấp chính quyền và chủ đầu tư. Họ không mong đợi những lời biện minh hay lời hứa suông. Thứ họ cần là một kế hoạch hành động rõ ràng, một lộ trình cụ thể để giải quyết dứt điểm tình trạng quy hoạch treo.

Thiết nghĩ, việc tháo gỡ khó khăn cho người dân vùng quy hoạch không chỉ là trách nhiệm pháp lý mà còn là một phép thử về sự công bằng và hiệu quả trong quản lý nhà nước. Đó cũng là cách để chính quyền địa phương và chủ đầu tư lấy lại niềm tin từ cộng đồng, một niềm tin đã bị xói mòn bởi những năm tháng trì hoãn và những hứa hẹn không thành hiện thực.

Người dân nơi đây không đáng phải chịu thêm bất kỳ thiệt thòi nào nữa. Họ xứng đáng có một cuộc sống tốt đẹp hơn, được an cư, lạc nghiệp và được tận hưởng những quyền lợi cơ bản mà mọi công dân đáng được hưởng. Chỉ khi những nỗi lo lắng này được giải quyết, dự án Thành phố Cà phê mới có cơ hội trở thành biểu tượng thực sự của Tây Nguyên, không chỉ về mặt kinh tế hay kiến trúc, mà còn là biểu tượng của sự tôn trọng quyền lợi cộng đồng.

Nếu không sớm hành động, dự án Thành phố Cà phê sẽ mãi là một câu chuyện đầy tiếc nuối, để lại những vết thương khó lành trong lòng người dân và xã hội. Chính quyền, chủ đầu tư, và các bên liên quan cần nhận ra rằng, thời gian không còn là thứ có thể lãng phí. Hành động hôm nay là để cứu vãn niềm tin cho ngày mai.

Đừng hứa hoài, hứa mãi!

Dự án Khu đô thị sinh thái văn hóa cà phê Suối Xanh, với kỳ vọng trở thành biểu tượng của Tây Nguyên, đã và đang minh chứng rõ ràng cho những bất cập lớn trong công tác quản lý quy hoạch và triển khai các dự án bất động sản tại Đắk Lắk. Từ một dự án mang tầm chiến lược, Thành phố Cà phê dần trở thành gánh nặng không chỉ cho người dân vùng quy hoạch, mà còn là vấn đề nan giải đối với chính quyền địa phương và những khách hàng đã bỏ ra hàng tỷ đồng để đầu tư.

Lùm xùm tại dự án Suối Xanh, Đắk Lắk: Bài 1 - Nỗi niềm của người dân sống trong quy hoạch dự án nghìn tỷ- Ảnh 7.

Một trong những hạng mục đang thi công tại Dự án Khu đô thị sinh thái văn hóa cà phê Suối Xanh.

Hơn 10 năm trôi qua, những giấc mơ về một khu đô thị hiện đại, gắn kết hài hòa giữa sinh thái và văn hóa cà phê, giờ đây là những lời hứa trống rỗng. Những hạng mục dang dở, những lần trì hoãn tiến độ và sự im lặng kéo dài của các bên liên quan đã khiến niềm tin của người dân vào dự án ngày càng lung lay. Đây không chỉ là câu chuyện riêng của Thành phố Cà phê mà còn là bài học đắt giá cho công tác quy hoạch và triển khai các dự án lớn trong tương lai.

Để tháo gỡ nút thắt kéo dài này, UBND tỉnh Đắk Lắk cần có sự vào cuộc quyết liệt và phối hợp chặt chẽ với Công ty Cổ phần Đầu tư Trung Nguyên nhằm đưa ra lộ trình triển khai cụ thể, rõ ràng và minh bạch. Một kế hoạch chi tiết, được công bố rộng rãi, không chỉ giúp người dân và khách hàng hiểu rõ tình hình mà còn tái thiết lập niềm tin vào chủ đầu tư. Quan trọng hơn, chính quyền và chủ đầu tư cần cam kết thực hiện việc bồi thường thỏa đáng cho những người dân bị ảnh hưởng bởi quy hoạch treo, đồng thời đảm bảo đầy đủ quyền lợi pháp lý cho các khách hàng đã đầu tư vào dự án.

Hơn 30 hộ dân đang sống trong vùng quy hoạch giai đoạn 2 của dự án và hàng trăm khách hàng đã thanh toán hàng tỷ đồng đang ngày đêm mong mỏi một giải pháp triệt để. Họ không chỉ mong đợi sự hoàn thiện của một khu đô thị mà còn hy vọng vào việc chấm dứt những tháng ngày sống trong cảnh thiếu thốn, bất an. Những lời hứa từng được đưa ra khi khởi động dự án cần được thực hiện, để không chỉ giúp người dân ổn định cuộc sống mà còn khôi phục lại niềm tin vào sự phát triển bền vững của vùng đất Tây Nguyên.

Lùm xùm tại dự án Suối Xanh, Đắk Lắk: Bài 1 - Nỗi niềm của người dân sống trong quy hoạch dự án nghìn tỷ- Ảnh 8.

Tổ hợp biệt thự, nhà liền kề đã hoàn thiện và bán cho người sử dụng tại Dự án Khu đô thị sinh thái văn hóa cà phê Suối Xanh.

Đây cũng là thời điểm để Công ty Cổ phần Đầu tư Trung Nguyên chứng minh trách nhiệm và tâm huyết của mình đối với cộng đồng. Hành động cần không chỉ dừng lại ở việc tháo gỡ khó khăn trước mắt, mà còn phải hướng tới xây dựng một tương lai lâu dài, bền vững cho người dân địa phương. Việc tái khởi động và hoàn thành dự án không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn là một cách để gỡ bỏ hình ảnh dự án "treo" đầy ám ảnh, thay thế bằng sự phát triển, sự thịnh vượng và lòng tin của cả cộng đồng.

Đã đến lúc những lời hứa phải trở thành hành động. Không chỉ để sửa chữa những sai lầm trong quá khứ, mà còn để mở ra một trang mới cho tương lai của dự án Thành phố Cà phê, nơi mà những giấc mơ dang dở sẽ được hoàn thành trọn vẹn, không còn là nỗi thất vọng kéo dài. Chính quyền, chủ đầu tư và cả cộng đồng cần chung tay để biến dự án này trở thành biểu tượng thực sự của Tây Nguyên - một biểu tượng của sự phát triển hài hòa và bền vững!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top