Aa

Đắk Lắk: Bất động sản nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đang từng bước khởi sắc

Thứ Sáu, 25/10/2024 - 14:00

Những thay đổi pháp lý trong Luật Đất đai 2024 là bước "chuyển mình" lớn giúp thị trường bất động sản nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk dần khởi sắc. Cùng với đó là xu thế đầu tư nông nghiệp kết hợp kinh doanh đã thúc đẩy giá cả nông sản tăng cao trong thời gian qua.

Năm 2022, Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao, nhằm quản lý, khai thác, sử dụng bảo đảm hiệu quả cao nhất nguồn lực đất đai.

Đắk Lắk: Bất động sản nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đang từng bước khởi sắc- Ảnh 1.

Một mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột

Bên cạnh đó, Nghị quyết yêu cầu mở rộng đối tượng, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng vùng, địa phương, với việc chuyển đổi nghề, việc làm, lao động ở nông thôn; đồng thời, bổ sung các quy định về đất nông nghiệp kết hợp với thương mại, dịch vụ...

Bước "chuyển mình" tạo đà phát triển bất động sản nông nghiệp

Nghị quyết số 18-NQ/TW được coi là "kim chỉ nam" để tháo gỡ những "nút thắt" về pháp lý và khơi thông nguồn lực cho phân khúc bất động sản nông nghiệp, cụ thể hóa qua các quy định tại Luật Đất đai năm 2024.

Đắk Lắk: Bất động sản nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đang từng bước khởi sắc- Ảnh 2.

Một trong những mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp tại TP. Buôn Ma Thuột, khi thị trường bất động sản tại tỉnh Đắk Lắk có xu hướng "nóng" lên.

Tại Điều 177, Luật Đất đai 2024 đã tăng hạn mức nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân không quá 15 lần hạn mức giao đất nông nghiệp (Luật Đất đai 2013 quy định hạn mức là 10 lần).

Mặt khác, Luật Đất đai 2024 quy định cho phép cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được nhận chuyển nhượng, nhận tặng, cho quyền sử dụng đất trồng lúa, điều vốn bị cấm trong Luật Đất đai 2013 trước đây. Các quy định mới này nhằm tăng cơ hội tích tụ ruộng đất cho các hộ gia đình, cá nhân phục vụ sản xuất nông nghiệp quy mô lớn trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, Luật Đất đai 2024 cũng giúp thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực bất động sản nông nghiệp với quy định về tập trung quỹ đất nông nghiệp thông qua phương thức chuyển đổi, cho thuê, hợp tác sản xuất đối với đất nông nghiệp (Điều 192) hoặc phương thức tích tụ đất nông nghiệp thông qua phương thức nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn đất nông nghiệp (Điều 193).

Đắk Lắk: Bất động sản nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đang từng bước khởi sắc- Ảnh 3.

Luật Đất đai 2024 cho phép sử dụng đất nông nghiệp kết hợp đa mục đích để tăng thêm thu nhập.

Cùng với đó, thay đổi tại Điều 179 quy định tăng thời hạn thuê đất công ích do UBND cấp xã quản lý (hay còn gọi là quỹ đất 5%) lên 10 năm, thay cho mức 5 năm theo Luật Đất đai 2013. Quy định này tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân được thuê quỹ đất công ích có thời gian sử dụng đất thuê ổn định và yên tâm đầu tư sản xuất lâu dài...

Luật Đất đai 2024 cũng có quy định "dự án đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng khu nuôi, trồng, sản xuất, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, hải sản tập trung" để cho thuê lại đất hoặc thực hiện dự án tại Điều 194. Đây là hành lang pháp lý giúp hình thành cơ sở hạ tầng tập trung trong lĩnh vực nông nghiệp, giống như dự án hạ tầng trong lĩnh vực công nghiệp, giúp các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận với quỹ đất "sạch" để đầu tư, sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp...

Đáng chú ý, Luật Đất đai 2024 không chỉ quy định rõ hơn về việc tích tụ, tập trung đất đai mà còn có một điểm thay đổi nổi bật liên quan đến đất nông nghiệp là tại Điều 218 về sử dụng đất kết hợp đa mục đích quy định, đất nông nghiệp được sử dụng kết hợp với mục đích thương mại, dịch vụ, chăn nuôi, trồng cây dược liệu. 

Đắk Lắk: Bất động sản nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đang từng bước khởi sắc- Ảnh 4.

Mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp tại TP. Buôn Ma Thuột.

Quy định này cho phép người sử dụng đất nông nghiệp kết hợp đa mục đích để tăng thu nhập, với điều kiện không làm thay đổi loại đất theo phân loại đất được quy định và đã được xác định tại các loại giấy tờ quy định; không làm mất đi điều kiện cần thiết để trở lại sử dụng đất vào mục đích chính; không ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh; hạn chế ảnh hưởng đến bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học, cảnh quan môi trường; không làm ảnh hưởng đến việc sử dụng đất của các thửa đất liền kề; thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính theo quy định và tuân thủ pháp luật có liên quan.

Mặt khác, để sử dụng đất nông nghiệp kết hợp đa mục đích chỉ cần thực hiện một số thủ tục đơn giản. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân và nhà đầu tư khi muốn kết hợp sản xuất nông nghiệp với du lịch - một hướng phát triển tiềm năng trong thời gian qua đối với Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung.

Hy vọng rằng từ những bước "chuyển mình" này, bất động sản nông nghiệp trên địa bàn tỉnh sẽ ngày càng phát huy được tiềm năng, lợi thế, từ đó mang lại lợi ích kinh tế để góp phần đưa Đắk Lắk ngày càng phát triển, xứng tầm là tỉnh trung tâm vùng Tây Nguyên./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top