Aa

Lướt sóng đất nền, nhà đầu tư “kiệt sức” chạy tiền trả lãi ngân hàng

Chủ Nhật, 04/07/2021 - 08:00

Trót vay ngân hàng để lướt sóng đất nền, không ít nhà đầu tư đang gồng mình trước áp lực trả nợ ngân hàng khi thị trường trầm lắng, cơ hội buôn nhanh bán vội không còn.

Thêm vào đó, thu nhập của họ đang bị giảm sút vì ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bùng lên đến nay vẫn chưa có dấu hiệu lắng xuống khiến ông Nguyễn Văn Minh, một nhà đầu tư ở TP.HCM đứng ngồi không yên.

Nắm trong tay nhiều bất động sản ở Long An, Bình Phước và Bà Rịa - Vũng Tàu, nhưng trong nửa năm qua, trừ vài vụ chuyển nhượng có lời hồi đầu năm, nhà đầu tư này đang phải gồng mình trước áp lực trả nợ gốc và lãi ngân hàng 50 triệu đồng mỗi tháng. Việc kinh doanh khó khăn thời gian gần đây khiến ông Minh càng thêm đau đầu khi nguồn tiền dự trù ngày càng vơi dần.

“Nếu 3 tháng tới tình hình không khá hơn, tôi phải thanh lý bớt một nền đất không cần lợi nhuận để có vốn xoay vòng vì tài chính tích lũy gần như sắp kiệt quệ”, ông Minh nói.

Tương tự, chị Hoa, một nhà đầu tư nhỏ đang ngụ tại quận Gò Vấp, cho biết hơn 2 tháng qua, chị đang cố gắng gửi môi giới quen bán nhanh mảnh đất hơn 200m2, giá 2,3 tỷ đồng tại Củ Chi mua từ giữa năm 2020.

Không ít nhà đầu tư đất nền đang gồng mình trước áp lực trả nợ ngân hàng khi giao dịch trầm lắng
Không ít nhà đầu tư đất nền đang gồng mình trước áp lực trả nợ ngân hàng khi giao dịch trầm lắng

Nhà đầu tư này chia sẻ, sổ đất đang nằm trong ngân hàng vì lúc mua chị chỉ có 1,5 tỷ đồng, phải vay thêm gần 1 tỷ đồng. Nguồn thu nhập chính để trả tiền ngân hàng đến từ cửa hàng cafe, trà sữa của gia đình. Nhưng dịch bệnh khiến việc kinh doanh của chị gặp khó khăn, thu nhập cá nhân cũng giảm khoảng 30% vì công ty giảm lương. Tiền trả ngân hàng đang là áp lực lớn đối với nhà đầu tư này.

Chị Hoa nhẩm tính “với tiền trả lãi và gốc gần 18 triệu đồng/tháng trong cả năm qua, nếu bán được đúng với giá 2,5 tỉ đồng như đang gửi môi giới thì tôi gần như huề vốn. Tôi đành phải phải chấp nhận chứ không thể chịu mãi tình trạng giật gấu vá vai”.

Giới quan sát thị trường bất động sản cho biết, từ đầu năm đến nay nếu bỏ qua những cơn sốt đất tại một vài khu vực ngay sau Tết Nguyên đán thì thị trường bất động sản gần như im lìm. Những nhà đầu tư ngắn hạn thuộc nhóm lướt sóng mua bán chốt lời trong 3 - 6 tháng vì vậy cũng không còn cơ hội buôn nhanh bán vội. Nguyên nhân là do thị trường giảm tốc, tính thanh khoản giảm, dịch bệnh càng khiến tâm lý người mua xuống thấp, không khí trầm lắng kéo dài.

“Từ khi dịch tái bùng phát đến nay, dân lướt sóng gần như bị “cóng tay” vì thị trường trầm lắng, không ít giao dịch bị ảnh hưởng vì dịch. Thậm chí nhiều nhà đầu tư đang cắn răng chịu lỗ từng ngày vì dùng nhiều vốn vay”, anh Thuận, một môi giới bất động sản tự do cho biết.

Theo thông tin từ một số môi giới đang bán dự án trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh lân cận, trong 3 tháng trở lại đây, lượng giao dịch nhà đất giảm mạnh đến 70 - 80% so với hồi đầu năm. Đặc biệt với các dự án đất nền mới đưa ra thị trường, lượng khách quan tâm thưa vắng hẳn.

Ông David Jackson, Giám đốc điều hành Colliers Việt Nam, dự báo trong khoảng 6 tháng tới rất khó để phân khúc đất nền trở lại nhộn nhịp như thời hoàng kim. Ngay cả khi đại dịch được kiểm soát, nhà đầu tư cũng sẽ không vội vã trở lại phân khúc đất nền sớm vì tâm lý thận trọng có xu hướng dẫn dắt thị trường.

Cũng theo ông Jackson, trong bối cảnh như vậy, trước khi quyết định đầu tư, các nhà nhà đầu tư cần tường tận về dòng tiền của chính mình, lược đồ rủi ro và thanh khoản. Cho dù bản thân muốn “lướt sóng” để kiếm lợi nhuận không quá cao trong thời gian ngắn thì việc có một khoản tiền dự trữ phù hợp vẫn rất quan trọng, phòng khi không thể tìm ra người mua lại bất động sản.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, nhắc lại bài học từ năm 2007 - 2008 trở về trước, lúc tín dụng bất động sản rất nóng, chiếm từ 32 - 35% trong tổng dư nợ.

Hiện nay, tỷ lệ dư nợ tín dụng bất động sản ở mức 13 - 13,5% trong tổng dư nợ. Theo ông Minh, mức này là hợp lý và ngân hàng hoàn toàn có thể kiểm soát được.

Ông Minh cho biết, phía Ngân hàng Nhà nước đang kiểm tra, giám sát, để dòng vốn tín dụng đổ vào thị trường bất động sản kiểm soát được chặt chẽ, đồng thời hạn chế những rủi ro có thể xảy ra, góp phần cho thị trường phát triển lành mạnh, đúng hướng.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top